7. Cấu trúc của luận văn
2.2.1. Nghệ thuật miêu tả ngoại hình nhân vật
Qua khảo sát chúng tôi nhận thấy: trong các tiểu thuyết viết về miền núi, Đỗ Bích Thúy đã có những sáng tạo trong nghệ thuật miêu tả ngoại nhìn nhân vật, vừa mới mẻ, rất riêng, lại vừa giữ được “chất miền núi” trong cách thể hiện của mình.
Khi miêu tả người đàn ông, nhà văn thường có những so sánh ví von với những con vật. Qua cách miêu tả này, tác giả đã khắc họa khá rõ nét tính cách của nhân vật. Người ác được so sánh với những con vật độc dữ, người hiền được so sánh với con vật hiền. Có lẽ bởi tâm hồn gắn bó với cuộc sống và thiên nhiên vùng cao nên Đỗ Bích Thúy có lối tư duy mộc mạc, gần gũi với cách tư duy của con người miền núi.
Trong tiểu thuyết Bóng của cây sồi, diện mạo Cường được miêu tả khá cụ thể:
“Người to, mặt bé, nhọn như lưỡi cày, mắt gian như mắt cáo...có ánh nhìn của rắn rết. Từ người nó có mùi của đêm tối. Miệng nó có mùi xác chết” [42, tr.128]. Chỉ qua một vài nét phác họa,nhân vật Cường đã hiện lên là hiện thân của cái xấu, cái ác. Chỉ lướt qua thôi, người đọc như có thể nhìn thấy cả một đàn cáo, đàn rắn rết lẩn khuất trong con người của Cường. Đây là một loại người vô cùng nham hiểm, bất chấp, sẵn sàng làm hại người khác để đạt được lợi ích riêng của mình. Hơn thế nữa, nó dám làm nhiều chuyện thất đức để kiếm tiền và giành giật địa vị. Cường là một trong số ít nhữngnhân vật phản diện trong tác phẩm của Đỗ Bích Thúy. Nhưng có thể coi đây là một thành công của chị trong việc xây dựng nhân vật tha hóa thời kinh tế thị trường ở miền núi.
Cũng có khi Đỗ Bích Thúy lại dùng thủ pháp so sánh xen lẫn với tả thực, vừa trực tiếp vừa gián tiếp để tô đậm thêm hình ảnh của nhân vật. Đây là hình ảnh của Chúa Đà trong Chúa đất: “Vồng ngực vạm vỡ…Từng bước đi nặng nề như bước đi của một con gấu lớn. Một con gấu lớn tới mức chỉ tát một cái cũng có thể mất một mạng người... Một người tàn ác lúc thức, nhưng hiền lành như một con mèo lúc ngủ.Một người khỏe mạnh như hổ”[47, tr.182]. Nếu như Cường trong Bóng của cây sồi hiện lên với vẻ mưu mô, xảo quyệt khi được so sánh với cáo, với rắn thì Sùng
Chúa Đà, qua việc so sánh với hổ, báo, gấu lại hiện lên đầy đủ vị thế của một chúa đất đầy uy quyền vớivẻ to khỏe và sự độc ác, hung tàn không ai bằng. Chỉ có hình ảnh hổ, báo mới lột tả được vẻ độc dữ bên ngoài và bản chất tàn bạo bên trong của Chúa Đà.
Đối với những nhân vật hiền lành, Đỗ Bích Thúy cũng rất chú ý đến việc miêu tả ngoại hình. Nhân vật Thào Chá Vàng trong Chúa đất được miêu tả qua một chi tiết nhỏ:“nhìn khỏe như trâu”. Con Trâu vốn gần gũi với nhà nông, thế nên qua hình ảnh so sánh, dường như người đọc cũng cảm nhận được ở Vàng sự gần gũi, thân quen, hiền lành, chăm chỉ, khỏe mạnh và vô cùng dễ mến.
Nếu lấy hình ảnh con vật để so sánh với ngoại hình của người đàn ông thì với người phụ nữ, Đỗ Bích Thúy thường lấy cỏ cây, hoa lá, đồ vật để miêu tả ngoại hình của họ. Cách miêu tả ngoại hình nhân vật gắn với thiên nhiên cây cỏ mang đặc trưng
của núi rừng Hà Giang là lối viết khá phổ biến trong tiểu thuyết viết về miền núi của Đỗ Bích Thúy. Bằng lối ví von của người miền núi, con người trong tiểu thuyết của Đỗ Bích Thúy hiện lên với vẻ đẹp tâm hồn, tính cách hòa hợp với thiên nhiên. Vẻ đẹp ấy được chắt lọc từ sương, từ gió, từ núi, từ nước mang đúng khí chất của con người trên núi đá cao nguyên. Khi miêu tả ngoại hình người phụ nữ, Đỗ Bích Thúy thường hay đặc tả những nét đặc trưng nhất như: má, mắt, mông, ngực... để từ đó gợi mở vẻ đẹp tâm hồn và phẩm chất bên trong của nhân vật.
Trong tiểu thuyết Chúa đất, Đỗ Bích Thúy miêu tả ba cô gái, cô nào cũng đẹp, nhưng mỗi người mang một vẻ đẹp khác nhau. Bà Cảlúc mới về làm dâu đẹp một vẻ đẹp tươi mát, đầy sức sống với “cặp má căng mọng, hồng rực, lửa cháy lấp lánh trong cặp mắt một mí đen nhánh" [47, tr.160]. Còn Vàng Chở một cô gái sống bản năng, luôn khao khát cháy bỏng về một cuộc sống được làm đàn bà đích thực thì được miêu tả: “Hai má chở đỏ rực, mắt Chở long lanh như mắt người vừa uống được nửa bát rượu. Hai hàm răng Chở trắng loá. Môi Chở đỏ như chảy máu" [47, tr. 24]. Người đọc như cảm nhận được cả một nguồn rạo rực luôn căng cháy tỏa ra từ má và từ mắt của Chở. Đặc biệt chỉ qua cái dáng đi “uốn éo như rắn bò”[46, tr.21] mà nhà văn đã nhìn thấy “Chở giỏi chuyện chăn gối”. Vẫn con mắt tinh tường và một tình yêu lớn dành cho nhân vật, Đỗ Bích Thúy miêu tả nhân vật Xính: “Má Xính đỏ hồng. Gương mặt Xính rực lên giữa bạt ngàn hoa anh túc đang nở...[46, tr.41]. Hãy chú ý tới nghệ thuật chuyển màu của nhà văn trong cách miêu tả các nhân vật: bà cả “má hồng rực”, Vàng Chở “má đỏ rực”, còn Xính “má đỏ hồng”. Chỉ là một chút thay đổi, nhưng vẻ đẹp và tính cách, số phận của ba nhân vật hoàn toàn khác nhau, không thể trộn lẫn: bà cả đằm thắm nên dễ dàng chấp nhận cuộc sống cam chịu; Vàng Chở đầy rạo rực nên chọn cách sống bản năng còn Xính trong sáng, khỏe khoắn nên không cam chiụ mà biết đấu tranh cho tình yêu của mình. Đỗ Bích Thúy là thế, chị luôn bắt được cái hồn để chỉ ra cái thần của cảnh và người. Nhân vật của chị chỉ cần được miêu tả ở nét đặc trưng nhất là có thể lộ diện cả phẩm chất bên trong.
Cũng hòa nhịp để làm nên một dấu ấn nghệ thuật trong phong cách của Đỗ Bích Thúy, tiểu thuyết Bóng của cây sồi có những nét vẽ về mắt, má của nhân vật
đầy ấn tượng. Đó là đôi mắt một mí của Mai trong sự cảm nhận của Phù: “Khi bắt gặp đôi mắt một mí này nhìn mình, Phù chỉ cảm thấy điều gì vừa gần gũi, thân thuộc vừa lạ lẫm mờ mịt”[42, tr.98]. Cũng là đôi mắt một mí nhưng dưới con mắt của tình yêu thì Phù lại có cảm nhận khác khi nhìn Kim: “Kim đánh cái mông tròn đi qua... Cái má vẫn còn hồng lắm, cả đôi mắt một mí dù có mỉa mai liếc qua thì vẫn không có đôi mắt ở Lao Chải nào sánh được”[47, tr.286]. Hai cảm nhận đối ngược nhau của
Phù dành cho hai người phụ nữ đã phần nào nói lên số phận đáng thương của ba người trẻ tuổi vùng cao khi hủ tục còn nặng nề.
Bên cạnh mắt, má thì bầu ngực cũng được Đỗ Bích Thúy lựa chọn để đặc tả ngoại hình của người phụ nữ vùng cao. Trong tiểu thuyết Cánh chim kiêu hãnh, vẻ
đẹp của Mai - nhân vật nữ chính của câu chuyện được thể hiện qua nỗi nhớ nhung và thèm khát của Chúng, chồng Mai với hình ảnh: “hai bầu ngực trắng nõn, nóng như chiếc bánh gù vừa vớt ra trong chõ gỗ”[46, tr.46]. Chắc hẳn chỉ có Đỗ Bích Thúy mới có cách miêu tả bầu ngực của một người phụ nữ như vậy: có màu sắc, có nhiệt độ, có mùi vị thơm ngon của bánh gù đặc sản Hà Giang. Bầu ngực ấy hấp dẫn Chúng từ thị giác đến cảm giác và đến vị giác. Thế nên, Chúng “thèm thịt quá, Chúng vọt qua nương thuốc phiện vừa thu hoạch như một con hoẵng"[46, tr.46]. Lấy Chúng, chồng Mai làm góc nhìn để soi chiếu vẻ đẹp của người vợ qua hình ảnh bầu ngực là một lựa chọn khá thông minh của nhà văn. Bởi lẽ, chỉ có thế, vẻ đẹp của những gì sâu kín mới được bộc lộ đầy đủ nhất. Trong Bóng của cây sồi cũng có nét tương đồng, một trong những vẻ đẹp của Kim đọng lại trong kí ức của Phù, khiến Phù cả đời day dứt, đau khổ cũng là “hai bờ vai hằn lên dưới lớp áo mỏng ướt sũng, láng máng lồng ngực phập phồng trong đêm trăng ngoài cửa sông hôm nào. Đôi bờ vai tròn, cặp vú đầy căng" [42, tr.98]. Chỉ qua một đường nét đơn giản xuất hiện trong kí ức của Phù, hình ảnh Kim hiện lên một vẻ đẹp tròn trịa, tươi khỏe, giàu sức sống. Còn với Vàng Chở chỉ một hình ảnh: “hai cặp vú căng ních...cặp vú vừa dày vừa nóng của Chở thơm ngát mùi ngô non. Dù đã bị bó thật chặt trong mấy lớp áo, nhưng nó vẫn như muốn nhảy ra ngoài...”, Đỗ Bích Thúy đã cho thấy sức trẻ, bản năng sống và khát vọng sống mạnh mẽ đến mức muốn bung phá và nổi loạn của nhân vật.
Bên cạnh việc khắc họa nhân vật thông qua những hình ảnh đặc tả các bộ phận trên cơ thể bằng lối so sánh, Đỗ Bích Thúy còn rất thành công trong việc miêu tả trực tiếp vẻ bề ngoài của các nhân vật để tạo bất ngờ cho người đọc. Trong tiểu thuyết
Lặng yên dưới vực sâu, Đỗ Bích Thúy miêu tả vẻ ngoài của hai nhân vật nữ chính:
“Xí với Súa trái ngược nhau rất nhiều. Súa cao lớn hoạt bát, đi nhanh, nói nhanh, làm nhanh, ăn nhanh. Xí thì bé nhỏ, nói khẽ, cười cũng khẽ. Thế mà hai đứa lại thân nhau, lúc nào cũng dính chặt với nhau"[49, tr.109]. Qua lời giới thiệu của tác giả, tưởng chừng một người mạnh mẽ như Súa sẽ không bao giờ chấp nhận cuộc sống trái ngang; và Xí sẽ là một cô gái yếu đuối, dễ dàng chấp nhận sự an bài của số phận. Thế nhưng, cuộc đời hai nhân vật lại hoàn toàn ngược lại. Súa cuối cùng cũng đành chấp nhận cuộc sống cam chịu khi bị Phống cướp về làm vợ. Còn Xí lại dám rũ bỏ đám cưới trước ngày đón dâu vì nhận ra rằng không thể sống cả cuộc đời với người lúc
nào cũng cách mình một bức tường. Cách khắc họa nhân vật không đồng nhất giữa ngoại hình với tính cách này của Đỗ Bích Thúy giống với cách miêu tả một số nhân vật của Ma Văn Kháng. Đi lệch với quan niệm dân gian: “nhìn mặt mà bắt hình dong”, cả hai tác giả Đỗ Bích Thúy và Ma Văn Kháng đã giúp người đọc có cái nhìn về con người và cuộc sống không đơn giản, một chiều.