7. Cấu trúc của luận văn
2.1.2. Nhân vật cam chịu, giầu đức hi sinh
Nói về các nhân vật phụ nữ trong tiểu thuyết viết về miền núi của Đỗ Bích Thúy,tác giả Ngọc Ánh nhận xét: "mỗi người có một hoàn cảnh eo le khác nhau, xong họ đều lựa chọn một cách sống giống nhau âm thầm hy sinh cam chịu số phận để trong những hoàn cảnh eo le không có hành vi quậy đập phá không ganh tị với mọi người mà họ âm thầm chịu đựng một mình" [56]. Bà Cả trong tiểu thuyết Chúa
Đất đã chọn cách sống âm thầm như chiếc bóng để hy sinh cho người mà bà cả đời
yêu thương - Chúa Đất.Sau bốn ngày làm vợ Chúa Đất, bà nhận ra mình đã yêu Chúa Đất và sẽ “yêu cho đến lúc chết”. Hơn nữa, bà cũng yên lòng với bổn phận của một người phụ nữ Mông: khi đã đi qua cánh cửa nhà chồng thì phải yên thân làm vợ. Cuộc đời bà từ đấy không sống cho mình mà vui với niềm vui của Chúa Đất và buồn với nỗi buồn của Chúa Đất. Vì người mình yêu nên bà sẵn sàng chấp nhận vô điều kiện cuộc sống cô đơn, buồn tẻ dù không khỏi có lúc bà thì thầm với khát vọng được làm vợ: “Lâu lắm rồi bà không chạm vào người Chúa Đất, quên cả tiếng Chúa Đất thở trong đêm…Bà muốn như ngày nào, nằm gối đầu lên cánh tay to của Chúa Đất, im lặng nghe hơi thở sâu hút như gió thổi đáy vực”[47, tr.37]. Người đọc thấy bà cả đáng thương quá, xót xa thay cho bà. Cái ước ao của bà nhỏ bé làm sao. Nó là cái lẽ đương nhiên mà những người vợ có được nhưng với bà lại là một khao khát đến mòn mỏi. Ẩn sau vẻ ngoài như thờ ơ, lãnh cảm là trái tim của một người phụ nữ vật vã,
khát khao được yêu thương. Nhưng người phụ nữ miền núi ấy không lấy đó làm bất hạnh, vì bà lấy niềm vui của người chồng làm lẽ sống cho mình. Đức tính hi sinh, cam chịu đã khiến bà đặc biệt hơn so với những nhân vật khác. Chắc chỉ có bà, vì niềm vui, hạnh phúc của chồng mà lần lượt đi hỏi các bà vợ bé cho Chúa Đất. Chúa Đà bị Vàng Chở phản bội, cũng chỉ có bà mới có thể ghen thay được cho chồng, mà ghen cũng dữ dội vô cùng: “Bà căm giận chúng nó thay cho Chúa Đà. Bà muốn giết chết chúng bằng lá ngón, bằng thuốc độc, bằng dao, bằng rìu”[47, tr.38]. Nhưng cam chịu không thể là con đường đi đến hạnh phúc. Sau khi việc bày cách giúp đôi trai gái Xính - Vàng bỏ trốn khỏi bàn tay của chúa Đà bị phát hiện, bà cả chọn cái chết. Bà không thể mang cái thân xác già nua và “một trái tim không biết đã hóa đá hay đã tan nát như hạt ngô bị cán vỡ dưới thớt cối” về với người mẹ đã gần đất xa trời là để giữ lại một chút niềm vui cho dù là giả dối, để người mẹ đẻ có thể yên tâm rằng con gái mình với thân phận bà cả trong dinh thự chúa đất thực là dưới một người trên muôn người…Lúc này, khi nhận ra Chúa Đất cũng sẵn sàng từ bỏ bà như một cái áo rách, như“quả anh túc hết nhựa, cây sẽ phải nhổ đi”, bà mới hiểu hết sự vô nghĩa của những năm tháng mà bà trọn vẹn yêu thương đã qua vàbà mới hiểu hết được ý nghĩa câu nói của Vàng Chở: “Sống mà như chết thì sống làm gì”[47, tr.273]. Bà thanh thản lựa chọn cái chết để được lặng yên dưới vực sâu, cũng là sự giải thoát cho chính mình.
Trong Lặng yên dưới vực sâu, nỗi đau thân phận của Súa là khúc hát làm dâu đau đáu đầy ám ảnh. Cuộc hôn nhân không tình yêu với Phống chôn vùi cả cuộc sống và tâm hồn người phụ nữ vốn đẹp như một “bông anh túc rực rỡ” trong cái lặng yên đến vô cùng của vực sâu. Súa trượt dài trong những tháng ngày đau khổ sống không bằng chết. Cho dù Súa có cố gắng vùng vẫy nhưng cuối cùng vì con, vì sự sống của những người chẳng thể sống hộ cuộc đời mình nên cô dần trở thành người cam chịu, lãnh cảm. Hình ảnh Súa ngày càng không nói, lầm lụi như cái bóng khiến lòng người quặn thắt. Đã thôi không còn nữa những ngày Súa đứng bên bờ vực với ước muốn
“nằm dưới kia, tít dưới kia, lặng yên mãi mãi”[49, tr.17]. Vì đôi mắt mọng nước của đứa gái mà Súa thôi không đành chết nữa. Sau này, khi dồn đủ quyết tâm để bỏ trốn cùng Vừ, thì đứa con lại xuất hiện trong bụng Súa. Dường như càng vùng vẫy mong thoát ra khỏi cuộc sống, cô càng bị mắc chặt vào nó. Không mong muốn, chờ đợi đứa con này nhưng “tiếng con dê con gọi mẹ. Một con dê nào đó trên núi đi lạc, trong tiết trời giá buốt, và cất tiếng be be như khóc”[49, tr.128] đã lay động sâu xa trái tim, tình mẫu tử của người đàn bà trong Súa. Đứa con giống như những sợi dây buộc chặt cô vào người chồng ấy, vào gia đình ấy. Đến nước này, người phụ nữ vùng cao không biết trách ai và không biết làm sao nữa, chỉ còn biết để mặc cho người mà mình
không yêu cõng đi ra khỏi nhà với cõi lòng chết lặng. Vô phương hướng trên cuộc hành trình của một đời người, Súa đành phải chấp nhận nỗi khốn khổ như đó là số kiếp đã an bài, một định mệnh không thể nào thay đổi. Dù biết cả cuộc đời dài đằng đẵng phía sau chưa có cách nào để đi qua, nhưng Súa vẫn chấp nhận sống trong cuộc đời câm lặng, bất cần và tự hứa với lòng là từ nay phải quên Vừ và từ từ chấp nhận Phống: “Đêm ấy, Súa đã để Phống muốn làm chồng thì được làm chồng”. Nhưng sự cam chịu đã không mang đến một kết thúc có hậu cho cuộc đời Súa. Bị chồng phản bội, Súa thấy đáng sợ và mất niềm tin vào cuộc sống. Cuộc đời của Súa rồi sẽ đi về đâu??? Đỗ Bích Thúy muốn khắc họa sâu sắc nỗi đau của phận người như những nghiệp chướng, những trò đùa vô tâm của số phận. Đọc Lặng yên dưới vực sâu, ta
có cảm tưởng Đỗ Bích Thúy đang viết về câu chuyện của một thời nào đó rất xa xưa. Dường như những tư tưởng giải phóng cho người phụ nữ, giải phóng cho cuộc sống tự do theo nguyện ước của con người còn ở đâu đó rất xa ở nơi này. Ngườiphụ nữ không còn cách nào khác là hi sinh và cam chịu.
Bên cạnh đó, hình ảnh những người mẹ trong những tiểu thuyết của Đỗ Bích Thúy với tất cả sự hi sinh, cam chịu một cách âm thầm vì gia đình, vì những người thân yêu quanh họ cũng gợi bao xúc động trong lòng người. Giữa cuộc sống hiện đại bộn bề, bao toan tính, âu lo, hình ảnh những người mẹ giữ ngọn lửa ấm trong nhà, trong bếp ở vùng cao dù âm thầm, lặng lẽ nhưng chứa chất biết bao ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Họ giống như những giọt nước ở đầu nguồn, trong lành, mát rượi làm dịu nhẹ, lắng đọng lòng người.
Ông Huyện trong Bóng của cây sồi đã xót xa cho thân phận của vợ mình, cũng là thân phận của hầu hết những người phụ nữ khác ở vùng cao: “Theo chồng lấy tên chồng, đẻ con lấy tên con, trong nhà có mười việc lớn thì chín việcchồng tự quyết một mình. Đàn bà ở Lao Chải như tấm chiếu trải dưới lưng chồng, ai cũng giống ai, chẳng bao giờ kêu khổ, cũng chẳng bao giờ muốn khác đi. Như cái cây đã trồng xuống rồi, cứ ở yên đấy, không nhấc đi đâu được. Đất tốt thì mọc cao, đất xấu thì lớn chậm"[42, tr.193]. Thân phận của mẹ Nhi, bà Tần cũng không nằm ngoài qui luật ấy. Mẹ Nhi, bà Tần vẫn an phận như thế bao năm nay: “Từ ngày về làm dâu họ Phùng, bà vẫn nhất nhất nghe lời ông. Bà làm vậy bởi cái phận đàn bà về làm dâu, sống làm người, chết làm ma nhà chồng, bà còn mang ơn ông. Nhiều thứ cộng lại dồn ép bà thành một cái bóng sau lưng ông cũng là chuyện thường tình ở cái làng này thôi, bà chịu mãi cũng thành quen”[42, tr.130]. Dù bà biết chồng mình bị con rể xúi giục làm những điều sai trái nhưng cũng không dám can ngăn, để đến nỗi uất ức mà trở thành người câm người câm.
Người phụ nữ miền núi còn gánh trên vai trọng trách sinh con trai cho tổ tiên, dòng họ. Đây được coi là món nợ nặng nhất của đời người phụ nữ. Mẹ Phù trong
Bóng của cây sồi là một minh chứng điển hình. Bà sinh cả thảy 11 người con. Đàn
con trên dưới chục đứa như rút hết sinh lực của bà. Đẻ đến đứa con út thì vú bà héo khô, hai tháng đã hết sữa, tóc đã bạc đi. Nhưng bà vẫn không thấy mệt mỏi, không hề than vãn. Ngược lại, coi đó là một hạnh phúc khi bổn phận đã tròn: “Bà cũng chỉ sinh được mình Phù là con trai. Nếu không kịp có thêm Phù thì đến lúc chết chắc bà cũng không nhắm được mắt, có khi phải xin họ hàng đừng cho mình trong rừng mả nhà họ Nông” [42, tr.32].
Lặng yên dưới vực sâu còn viết về những người mẹ sống chỉ vì con, lấy con
là động lực, là mục đích của cuộc đời. Mẹ chồng Súa răn dạy con dâu về đạo làm vợ. Làm vợ, không chỉ là người sinh con cho chồng, mà còn phải là biết lựa chồng để gìn giữ ấm êm: “Làm vợ khó lắm con à. Lúc nào cũng phải nhìn mặt chồng. Xem chồng mình đang nghĩ gì? Sao hôm nay lại buồn thế? Sao hôm nay nó lại cáu với mình? Sao hôm nay lại vừa mới buổi sáng nó đã đánh con gái, chửi con trai”[49, tr.102]. Có lẽ cũng nhờ sự ôn hòa, bao dung thế nên dù bà không sinh được cho chồng đứa con nào, nhưng bà đã hưởng trọn tình yêu thương, sự kính trọng của chồng, của con. Và Súa, vốn mạnh mẽ, quyết liệt là thế, nhưng khi có con cũng từng tự nhủ với mình:
"Thôi, chẳng nghĩ đến cái gì nữa. Mọi thứ xong hết rồi. Ở nguyên thế này nuôi con”.
Hi sinh nhiều thế, công lao, vai trò cũng to thế nhưng quyền hành của họ không có gì trong gia đình: “Ở nhà họ Tráng chỉ đàn ông mới được cầm tiền. Mẹ không bao giờ được cầm cái chìa khóa thùng đựng tiền, khi nào có việc dùng thì hỏi bố, cần bao nhiêu bố đưa. Dùng không hết mang về trả bố”[49, tr.106].Số phận người phụ nữ rẻo cao là thế, họ gần như không được sống cho mình. Một đời yêu thương nhưng không mấy khi được hưởng hạnh phúc. Nỗi đau khổ lớn nhất là gần như họ hoàn toàn không được tự quyền quyết định hạnh phúc của đời mình. Cuộc sống ở miền sơn cước xa xôi vẫn nặng nề những thói tục, có khi là những hủ tục khiến con người ta bị trói buộc trong một tấm lưới vô hình không thể nào thoát ra được. Bao nhiêu là quy định hà khắc đè nặng lên đôi vai gầy của người phụ nữ. Từ kiếp này sang kiếp khác, từ đời này, sang đời khác, họ vẫn phải gồng mình để chịu đựng. Họ đi qua những năm tháng cuộc đời bằng sự cam chịu, nhẫn nhịn và hi sinh.
Mở rộng biên độ trong cảm quan nghệ thuật, hình ảnh nhân vật cam chịu trước số phận còn được khai thác ở hình ảnh người đàn ông. Phù trong Bóng của cây sồi là một chàng trai như thế. Nhờ trưởng thành bên dòng sông tiềm ẩn sức mạnh ghê người mà Phù có được “sức vóc dẻo dai, quen với đêm tối, thân thuộc với rừng già, thú dữ
và coi những trận cuồng phong ngoài sông Lô mùa lũ chỉ là trò đùa của trời đất”.
Trưởng thôn Phù “trẻ người nhưng thạo việc, lại được già làng uốn nắn từ bé, biết phép tắc, xông xáo việc làng, việc họ, cũng được học hết lớp bảy, cả Lao Chải không ai hơn Phù”[49, tr.193] thế mà cũng không thoát ra được khỏi những định kiến và quan niệm cổ hủ, lạc hậu của xóm bản. Phù yêu Kim nhưng chỉ vì những ràng buộc ích kỷ của dòng họ, gia đình mà anh không lấy được Kim để suốt đời bị giày vò không yên. Phù cam chịu và chấp nhận đau khổ đó như một định mệnh rồi quyết định lấy Mai nhanh chóng trước lời nói có sức nặng như sấm truyền của cha, người già làng đầy quyền năng: “Phù à! Có nhớ mày mang họ gì không?...Nhớ thì được rồi, họ Nông ở Lao Chải xưa nay chưa có ai làm bẩn dòng họ, mày là đời thứ chín đấy nhé, tự biết lấy việc gì nên làm việc gì không nên làm!”[49, tr.29]. Từ đây, Phù sống trong một chuỗi dài những day dứt, đớn đau. Cùng một lúc phải sống cho cả hai thời: hiện tại và quá khứ. Cùng một thời điểm phải sống là hai con người: người chồng và người yêu. Quá khứ luôn theo đuổi đầy da diết và dai dẳng, hiện tại bế tắc không lối thoát. Con người phải sống trong sự giằng níu giữa đôi bờ của quá khứ và hiện tại khiến cuộc sống của Phù chẳng thể an yên bởi “đánh rơi mất bờ vai trên bãi cỏ này, rồi mãi mãi không sao quên được. Càng cố quên thì mỗi dịp nó trở lại trong đầu lại càng cồn cào”[49, tr.186]. Bổn phận của một “người đàn ông duy nhất trong ngôi nhà lớn kia”
và trách nhiệm của một trưởng thôn nắm giữ trong tay mấy chục con người không phải chuyện nhỏ. Bổn phận và trách nhiệm buộc Phù phải cam chịu và hi sinh, kìm nén khát vọng cá nhân. Cho đến cuối cùng, tình yêu và ước mơ mãi là một thế giới dữ dội nhưng thầm kín của Phù. Chàng trai được tôi luyện từ sức mạnh của nước sông Lô và sự vững chắc của núi đá kia cũng không đủ dũng khí để vượt qua những thói thường đen bạc để đi đến với tình yêu đích thực của đời mình. Bóng của cây sồi mười năm, một trăm năm sau vẫn phủ kín người Phù. Và Phù thì mặc nhiên chấp nhận an bài số phận dưới bóng của cây sồi. Tiếng gió đại ngàn sẽ chẳng bao giờ ngừng thổi. Phù là câu chuyện đời, chuyện người buồn nơi những dãy núi mờ xa mà Đỗ Bích Thúy kể cho chúng ta nghe. Và chị cũng khéo léo nhắc nhở mỗi người: cam chịu và hi sinhliệu có đem lại hạnh phúc cho bản thân và cho những người xung quanh?