Những yêu cầu cần thiết đối với phát triển du lịch dựa vào cộng đồng.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu phát triển du lịch dựa vào cộng đồng tại vùng ven biển tỉnh nam đinh (Trang 27 - 30)

đồng.

1.1.6.1. Các điều kiện cơ bản để phát triển du lịch dựa vào cộng đồng

Với tư cách là một loại hình du lịch, việc phát triển du lịch dựa vào cộng đồng cũng cần một số điều kiện cơ bản bên cạnh một số điều kiện đặc thù liên quan đến cộng đồng. Những điều kiện cụ thể để phát triển loại hình du lịch này bao gồm:

- Cần có nguồn tài nguyên tự nhiên và nhân văn hấp dẫn có khả năng thu hút khách du lịch. Đây là điều kiện cơ bản vì tài nguyên du lịch chính là tiền đề hay cơ sở để tổ chức các hoạt động du lịch. Tuy nhiên mức độ thu hút khách của một điểm đến phụ thuộc rất nhiều vào số lượng, chủng loại, tính độc đáo… của nguồn tài nguyên. Đồng thời khả năng duy trì phát triển nguồn khách phụ thuộc vào vai trò của cộng đồng dân cư ở địa phương trong việc bảo tồn, tôn tạo những giá trị của tài nguyên tại điểm đến [8].

- Cần có khả năng tiếp cận điểm đến du lịch dựa vào cộng đồng. Cũng tương tự như đối với việc phát triển các loại hình du lịch khác, hoạt động phát triển du lịch không thể thực hiện được nếu không có hạ tầng tiếp cận điểm tài nguyên. Đây là đặc điểm rất đặc trưng của du lịch khi sản phẩm du lịch được xây dựng và tiêu thụ tại chỗ. Điều này khác với hoạt động sản xuất kinh doanh khác khi sản phẩm thương mại có thể được sản xuất ở một nơi rồi vận chuyển đến thị trường tiêu thụ ở nơi khác [19].

- Cần có sự hiện diện của cộng đồng dân cư sinh sống tại điểm đến hoặc tại khu vực liền kề phát triển du lịch. Phong tục tập quán, lối sống, trình độ học vấn, quy mô cộng đồng, cơ cấu nghề nghiệp …là những yếu tố cần được xác

định và đánh giá rõ ràng trước khi quyết định xây dựng điểm đến du lịch dựa vào cộng đồng.

- Cần có sự tự nguyện của cộng đồng đối với đề xuất phát triển du lịch dựa vào cộng đồng. Đây là điều kiện đặc thù rất quan trọng để có thể phát triển du lịch dựa vào cộng đồng bởi loại hình du lịch này chỉ có thể phát triển cùng với sự nhận thức sâu sắc của cộng đồng về trách nhiệm và quyền lợi của họ khi tham gia vào hoạt động du lịch.

- Cần có nhu cầu đối với sản phẩm du lịch dựa vào cộng đồng: Phát triển du lịch nói chung và du lịch dựa vào cộng đồng nói riêng phải phù hợp với quy luật “Cung – Cầu”. Thị trường khách đủ lớn về số lượng và đảm bảo chất lượng (khả năng chi trả), ổn định cho vùng, từ đó đảm bảo khối lượng công ăn việc làm cho cộng đồng, thu nhập đều đặn cho họ [8].

- Điểm đến du lịch dựa vào cộng đồng cần được quy hoạch và đưa vào hệ thống tuyến điểm du lịch của lãnh thổ. Đây là điều kiện chung để phát triển bất kỳ một điểm đến du lịch nào, trong đó có điểm đến du lịch dựa vào cộng đồng. Tuy nhiên trong trường hợp du lịch dựa vào cộng đồng, điều kiện này trở nên quan trọng hơn bởi bản thân cộng đồng thường không có khả năng tự tổ chức quy hoạch và kết nối với hệ thống tuyến điểm du lịch của lãnh thổ [8].

1.1.6.2. Các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển du lịch dựa vào cộng đồng

- Tính hiệu quả của hệ thống cơ chế chính sách và các biện pháp khuyến khích hợp lý từ các cơ quan quản lý, các ngành liên quan để tạo ra một môi trường thuận lợi cho du lịch dựa vào cộng đồng phát triển. Các cơ chế, chính sách này liên quan đến việc:

• Hỗ trợ hạ tầng du lịch tại các điểm du lịch dựa vào cộng đồng;

• Tăng khả năng tiếp cận của cộng đồng đối với các nguồn vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi như một phần của chính sách xóa đói giảm nghèo;

• Quảng bá du lịch dựa vào cộng đồng và xúc tiến hình ảnh điểm đến du lịch dựa vào cộng đồng;

• Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực du lịch cho cộng đồng;

• Ưu đãi và giá thuê đất lập dự án, thuế kinh doanh dịch vụ du lịch dựa vào cộng đồng, v.v.

• Hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành có hợp tác đưa khách đến các điểm du lịch dựa vào cộng đồng [19]

- Tính hấp dẫn và hình ảnh điểm đến: Có nguồn tài nguyên tại điểm đến du lịch dựa vào cộng đồng là điều kiện tiên quyết để phát triển du lịch dựa vào cộng đồng, tuy nhiên điểm đến đó có thu hút được nhiều khách du lịch không hay nói cách khác mức độ phát triển của điểm đến du lịch dựa vào cộng đồng sẽ phụ thuộc nhiều vào mức độ hấp dẫn và hình ảnh điểm đến

- Năng lực của cộng đồng: bao gồm năng lực về tổ chức quản lý hoạt động du lịch; kỹ năng cung cấp các dịch vụ cơ bản (dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống, dịch vụ hướng dẫn), khả năng về tài chính để phát triển các sản phẩm du lịch tại điểm đến

- Mức độ hỗ trợ của cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch đối với thực hiện quy hoạch điểm đến du lịch dựa vào cộng đồng, đầu tư nâng cấp hạ tầng du lịch tại điểm đến, đào tạo kỹ năng tổ chức quản lý và cung cấp dịch vụ, xúc tiến hình ảnh điểm đến.

- Mức độ hợp tác của các công ty du lịch, đặc biệt là các công ty lữ hành trong việc quảng bá sản phẩm du lịch dựa vào cộng đồng và đảm bảo nguồn khách

- Mức độ hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ về kinh nghiệm tổ chức du lịch dựa vào cộng đồng cũng như tăng cường năng lực cho cộng đồng tổ chức quản lý và tham gia hoạt động du lịch

Một phần của tài liệu Nghiên cứu phát triển du lịch dựa vào cộng đồng tại vùng ven biển tỉnh nam đinh (Trang 27 - 30)