5. Kết cấu của luận văn
1.3.2. Nhân tố khách quan
- Sự tăng trưởng của nền kinh tế
Nền kinh tế thị trường, với sự tham gia bình đẳng của các thành phần kinh tế đã tạo động lực cho sự tăng trưởng ở tất cả các ngành, lĩnh vực. Hoạt động ngân hàng luôn chịu tác động mạnh mẽ của tăng trưởng kinh tế. Nền kinh tế tăng trưởng kéo theo nhu cầu đầu tư cũng gia tăng, từ đó thúc đẩy hoạt động cho vay phát triển. Cùng với mở rộng hoạt động cho vay, tăng dư nợ tín dụng là những vấn đề về rủi ro tín dụng, nợ xấu. Hoạt động cho vay nếu không được kiểm soát tốt, tăng trưởng quá nóng sẽ dẫn đến những hậu quả nặng nề, ảnh hưởng đến sự tồn tại của ngân hàng. Chính vì thế, khi nền kinh tế tăng trưởng và hoạt động cho vay được mở rộng quá mức, nằm ngoài kế hoạch của ngân hàng thì việc quản lý nợ xấu cần được đặc biệt chú trọng và triển khai kịp thời. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng cần phải tính toán phần bù rủi ro hợp lý để không vì thế mà mất đi cơ hội gia tăng hoạt động cho vay của mình.
- Điều hành Chính sách tiền tệ
Là một công cụ hữu hiệu của Chính phủ nhằm điều tiết nền kinh tế theo những mục tiêu định trước, chính sách tiền tệ có tác động sâu rộng đến toàn bộ nền kinh tế nói chung và hoạt động ngân hàng nói riêng. Với chính sách tiền tệ nới lỏng, lãi suất tín dụng sẽ được điều chỉnh theo hướng giảm xuống, theo đó hoạt động đầu tư cũng được thúc đẩy, cho vay có điều
kiện để mở rộng. Ngược lại, với chính sách tiền tệ thắt chặt, tỷ lệ dự trữ bắt buộc tăng lên, lãi suất tín dụng cũng được điều chỉnh tăng, hoạt động cho vay bị thu hẹp. Tuy nhiên, khi áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt cần phải tính đến tương quan với mục tiêu tăng trưởng, tránh tình trạng lãi suất tín dụng tăng quá mức, ảnh hưởng tới chi phí vốn và khả năng chi trả của người vay, từ đó gia tăng các khoản nợ xấu. Trong trường hợp Chính phủ áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt, bản thân các ngân hàng cần phải thực hiện đánh giá ngay tình trạng các khoản vay và tăng cường quản lý nợ xấu theo hướng kiểm soát nợ xấu mới phát sinh và giám sát chặt chẽ, tích cực thu hồi các khoản nợ xấu đã phát sinh.
- Hệ thống pháp luật, quy định của Nhà nước
Bất kỳ hoạt động nào của nền kinh tế nếu muốn vận hành tốt cũng cần được thực hiện trong khuôn khổ của pháp luật và được pháp luật điều tiết. Hoạt động ngân hàng cũng vậy, việc thực hiện các quy định của nhà nước sẽ giúp ngân hàng hoạt động có định hướng và tránh được những rủi ro pháp lý.
Hệ thống pháp luật nói chung và quy định về việc quản lý nợ xấu, xác định nợ xấu buộc các ngân hàng phải tuân thủ. Theo đó, các ngân hàng thương mại sẽ phải xác định, xử lý nợ xấu trong một khuôn khổ nhất định, theo tiến trình và những biện pháp mà Nhà nước cho phép. Bên cạnh đó, trên cơ sở giám sát thực hiện các quy định về nợ xấu, Nhà nước có thể hỗ trợ tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc nằm ngoài chức năng xử lý của NHTM.
Ngoài ra, các quy định của Nhà nước có liên quan đến từng ngành, lĩnh vực cũng như từng thành phần kinh tế sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc hoạch định chính sách tín dụng nói chung và quản lý nợ xấu nói riêng cho từng ngành, lĩnh vực, thành phần kinh tế tương ứng. Để việc quản lý nợ xấu đạt hiệu quả thì bản thân Ngân hàng không thể không quan tâm đến chính sách, quy định hiện hành của Nhà nước đối với những lĩnh vực đã và đang tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu.
Số hoá bởi Trung tâm Học liệu – ĐHTN
- Thị trường mua bán nợ
Thị trường mua bán nợ phát triển là một trong những kênh quan trọng giúp các NHTM chủ động hơn trong xử lý, thu hồi nợ xấu. Việc mua, bán các khoản nợ xấu thường được thực hiện trên cơ sở đánh giá khả năng thu hồi và mức độ thu hồi các khoản nợ so với chi phí bỏ ra. Đối với bên bán các khoản nợ sẽ thu hồi và giảm thiểu ngay khoản nợ xấu, đối với bên mua khoản nợ xấu cũng sẽ thu được phần thu nhập nhất định khi thu hồi được các khoản nợ đã mua. Các khoản nợ xấu khi được chuyển giao cho một bên khác (ngoài ngân hàng cho vay) sẽ nâng cao hơn hiệu quả thu hồi khoản nợ (do mỗi tổ chức có chính sách và biện pháp thu hồi nợ khác nhau, thêm vào đó là tâm lý và ý thức của người vay cũng sẽ thay đổi khi chủ nợ thay đổi).
- Quy định về chế độ công bố thông tin
Thông tin giữ vai trò quan trọng trong mọi hoạt động kinh tế nói chung và quản lý nợ xấu nói riêng. Khi công bố thông tin được quy định và điều chỉnh bằng luật sẽ giúp các NHTM nắm bắt được tình hình khách hàng, khoản vay để từ đó hoạch định chính sách nợ xấu xác thực hơn, chủ động áp dụng các biện pháp xử lý nợ xấu phù hợp và hiệu quả.
Hiện tại, việc công bố thông tin chỉ mang tính bắt buộc đối với các chủ thể tham gia thị trường chứng khoán mà chưa có quy định bắt buộc đối với tất cả các cá nhân, doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh. Mặt khác, ngay cả đối với các đối tượng bắt buộc phải công bố thông tin thì việc tuân thủ quy định cũng như chất lượng thông tin công bố chưa cao. Vì thế, khi thông tin không được công bố hoặc công bố không đầy đủ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến công tác thu hồi nợ của ngân hàng, đặc biệt là thu hồi các khoản nợ xấu.
- Nhân tố thuộc về khách hàng
Phân loại khách hàng tốt sẽ giúp ngân hàng dễ dàng hơn trong việc đưa ra các chính sách tín dụng nói chung và biện pháp quản lý nợ xấu có
hiệu quả. Tùy theo kết quả xếp hạng tín dụng nội bộ, đánh giá tính chất các khoản nợ xấu, ngân hàng sẽ áp dụng biện pháp quản lý đối với từng khoản nợ xấu cụ thể.
Đối với nhóm khách hàng là doanh nghiệp: Quản lý nợ xấu cần được thực hiện trên cơ sở phân tích các nhân tố chủ yếu: tình hình tài chính, đặc điểm hoạt động, quan hệ đối tác, tính pháp lý đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp…
Đối với nhóm khách hàng là cá nhân: Quản lý nợ xấu cần chú trọng đến nhân thân của người vay, các mối quan hệ họ hàng, đồng nghiệp, nguồn thu nhập và tài sản của người vay, người bảo lãnh….
Nhìn chung, các nhân tố từ phía khách hàng có ảnh hưởng trực tiếp, chi phối đến hoạt động quản lý nợ xấu của ngân hàng. Việc quản lý, thu hồi nợ xấu chỉ có thể đạt kết quả khi khách hàng có ý thức trả nợ đồng thời phải có khả năng hoàn trả.
Với nghiên cứu lý luận về hoạt động của NHTM nói chung, quản lý nợ xấu nói riêng trên đây, tác giả đã đưa ra quan niệm về nợ xấu, quản lý nợ xấu, các tiêu chí xác định nợ xấu, biện pháp xử lý nợ xấu và hệ thống các nhân tố ảnh hưởng đến quản lý nợ xấu. Nhằm hiểu đầy đủ và sâu sắc hơn những vấn đề này trên thực tế hoạt động của NHTM, tác giả tập trung nghiên cứu thực tiễn quản lý nợ xấu tại BIDV Thái Nguyên và dùng lý luận này để phân tích, đánh giá cũng như tìm ra nguyên nhân cụ thể làm cho quản lý nợ xấu của chi nhánh còn hạn chế.