- Công tác thanh kiểm tra, chế tài xử lý vi phạm đối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu: Kể từ khi Nghị định 83/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành đến nay, số lượng Thương nhân đầu mối, Thương nhân phân phối tăng lên nhanh chóng (hiện nay có tới 28 Thương nhân đầu mối và 213 Thương nhân phân phối), từng bước tạo lập một thị trường với sự tham gia của mọi thành phần kinh tế, từng bước phá vỡ thế độc quyền, chi phối thị trường của những đầu mối lớn. Tuy nhiên, do công tác thanh kiểm tra và chế tài xử lý vi phạm còn nhiều bất cập do nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng cạnh tranh không bình đẳng giữa các doanh nghiệp tham gia thị trường.
Kiến nghị: Xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện và là mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước thực hiện bình ổn giá theo Luật Giá 2012. Nhằm lành mạnh hóa thị trường, cần xem xét điều chỉnh lại điều kiện quy định đủ điều kiện được cấp phép thành Thương nhân đầu mối và Thương nhân phân phối tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP nhằm lành mạnh hóa và giúp cho thị trường vận hành theo đúng bản chất, tránh hình thức. Đồng thời, Nhà nước cần tăng cường nguồn lực để
công tác thanh kiểm tra, chế tài xử lý vi phạm đối với các doanh nghiệp có hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu thực sự có hiệu quả.
- Điều chỉnh số ngày dự trữ lưu thông bắt buộc: khi nguồn cung xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước hiện nay đã đáp ứng khoảng 70% tổng nhu cầu xăng dầu trong nước, nhằm tạo điều kiện giúp các thương nhân đầu mối giảm thiểu rủi ro bởi biến động của giá dầu thế giới vượt ngoài tầm kiểm soát do yếu tố tồn kho cũng như tạo điều kiện tiêu thụ hết nguồn xăng dầu sản xuất trong nước trong trường hợp tồn kho bị ứ đọng (cung vượt cầu).
Kiến nghị: Nhà nước xem xét điều chỉnh lại quy định về số ngày dự trữ lưu thông bắt buộc quy định tại khoản 1 Điều 30; khoản 1 Điều 31 Nghị định 83/2014/NĐ-CP, cụ thể: bổ sung đối tượng Thương nhân phân phối có trách nhiệm thực hiện dự trữ lưu thông xăng dầu bắt buộc tối thiểu là bảy (07) ngày cung ứng để đi vào đúng bản chất, không mang tính hình thức với quy định tại Khoản 2 Điều 13; Khoản 2 Điều 16 quy định điều kiện về có kho, bể xăng dầu đối với Thương nhân phân phối và Tổng đại lý tối thiểu là hai nghìn mét khối (2000 m3); và điều chỉnh số ngày dự trữ lưu thông bắt buộc từ 30 ngày xuống còn 15 ngày cho phù hợp với thực tiễn khi nguồn cung trong nước đã chiếm đến 70% nhu cầu và cũng là số ngày dự trữ thực tế đã và đang diễn ra tại các Thương nhân đầu mối.
- Cơ chế cho xuất khẩu xăng dầu: Cùng với việc gia tăng sản lượng của 02 nhà máy lọc dầu trong nước, để giảm chi phí và tăng hiệu quả kinh doanh, các đầu mối kinh doanh xăng dầu sẽ cân nhắc từ hình thức bán tái xuất sang bán xuất khẩu với các nước láng giềng. Ví dụ, việc vận chuyển hàng hóa từ Hàn Quốc qua cửa khẩu Việt Nam sang Lào sẽ tốn kém hơn nhiều so với vận chuyển hàng hóa từ kho Nghi Sơn (tại tỉnh Thanh Hóa, Việt Nam) sang Lào.
Kiến nghị: Nhà nước xem xét hướng dẫn thủ tục trong việc hoàn thuế giá trị gia tăng khi các Thương nhân đầu mối mua xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước để xuất khẩu cũng như thủ tục theo dõi quyết toán nguồn hàng mua để xuất khẩu và quy định về kết cấu giá bán xăng dầu của hai nhà máy cho các thương nhân đầu mối để xuất khẩu bảo đảm cạnh tranh trên thị trường.
- Điều hành quỹ BOG với mặt hàng xăng E5: Quy định tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 39 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 83 quy định “ 2. Quỹ bình ổn giá được trích lập thường xuyên, liên tục bằng một khoản tiền cụ thể, cố định trong giá cơ sở là 300 đồng/ lít thực tế đối với các loại xăng, các loại dầu điêzen, dầu hỏa và 300 đồng/kg đối với các loại dầu madút thực tế tiêu thụ theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP”
Tuy nhiên, kể từ năm 2018 đến nay, quy định chỉ được lưu thông hai mặt hàng xăng là xăng RON 95 và xăng E5; với mục tiêu khuyến khích người tiêu dùng sử dụng xăng E5, Liên bộ đã điều hành giá bán giá xăng E5 thấp hơn xăng RON 95 thông qua công cụ Quỹ BOG là chủ yếu (không trích quỹ 300 đ/l và thường xuyên áp dụng chi sử dụng Quỹ đối với E5 ở mức cao) là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhanh cạn quỹ. Hệ lụy, không khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh xăng sinh học vì dễ dẫn đến tình trạng âm quỹ BOG nếu mức chi sử dụng cao và kéo dài do ảnh hưởng đến cân đối vốn; đồng thời doanh nghiệp gặp phải khó khăn về về lập hồ sơ thủ tục vay vốn để bù phần quỹ âm khi xuất trình với ngân hàng.
Kiến nghị:
+ Xem sét sửa đổi bổ sung Thông tư số 39/2014/TTLT-BCT-BTC để nhất quán giữa văn bản quy định với điều hành trong thực tế đối với việc trích lập, chi sử dụng Quỹ BOG đối với mặt hàng xăng E5. Đồng thời, Liên bộ sớm trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh mức thuế BVMT đối với xăng sinh học nói chung, xăng E5 nói riêng ở mức phù hợp (thuế BVMT xăng sinh học thấp hơn xăng khoáng ở mức đủ lớn) để giá xăng sinh học thấp hơn giá xăng khoáng thay cho công cụ tạo độ chênh giá chủ yếu thông qua công cụ Quỹ BOG như hiện nay.
+ Việc điều hành giá bán xăng dầu không nên lạm dụng công cụ Quỹ BOG để thực hiện bình ổn giá xăng dầu thông qua thực hiện chi sử dụng Quỹ BOG ở mức cao, kéo dài dẫn đến nhanh cạn quỹ và giá bán thoát ly thị trường;
+ Đề nghị Liên Bộ Tài chính – Công Thương sớm có văn bản hướng dẫn về việc lập hồ sơ thủ tục vay vốn bù âm quỹ khi xuất trình với ngân hàng và quy định lãi suất vay phù hợp với thực tế.
KẾT LUẬN
Cùng với chính sách mở cửa thị trường, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới. Điều này vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức với các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam nói riêng. Đối với lĩnh vực xăng dầu, có thể nói, sự khó khăn còn nặng nề hơn khi trình độ phát triển của Việt Nam còn đi sau rất nhiều so với thế giới, đặc biệt là các quốc gia phát triển như Mĩ, Nhật Bản và các quốc gia nằm trong nhóm OPEC.
Cơ chế kinh doanh xăng dầu vận hành theo Nghị định 83/2014NĐ-CP là bước ngoặt khi điều tiết giá kinh doanh tại Việt Nam bám xát biến động giá dầu thế giới. Tuy nhiên, việc loại bỏ các điều kiện tham gia thị trường cùng sự quản lý lỏng lẻo của các cơ quan chức năng, khiến thị trường vẫn còn nhiều những khuyết điểm như chưa minh bạch kinh doanh, giả mạo thương hiệu đã được bảo vệ, trốn thuế…
Chính vì vậy, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam trong giai đoạn 05 năm trở lại gặp rất nhiều áp lực cạnh tranh từ các đối thủ trong nước cũng như nước ngoài. Để tạo ra sự đề kháng cho riêng mình, Tập đoàn đang ngày càng chuyển mình với những sự cải cách mạnh mẽ về tái cấu trúc doanh nghiệp, thoái vốn Nhà nước, tiếp cận các nguồn vốn nước ngoài có trình độ chuyên môn cao, đầu tư hệ thống công nghệ thông tin, hệ thống hóa bộ nhận diện thương hiệu, tích cực đào tạo nhân sự phù hợp với sự phát triển thế giới…
Tuy nhiên, điều cốt yếu để doanh nghiệp phát triển bền vững ngoài sức cạnh tranh – thị phần – thương hiệu, một điều nữa cần chú ý là sức khỏe tài chính. Với những đặc thù của Tập đoàn, vốn lưu động có ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả hoạt động kinh doanh và tình hình tài chính của doanh nghiệp. Bằng những thông tin khách quan có được trong giai đoạn 2014 – 2018, kiến thức đã học từ chương trình Sau đại học của Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội và sự giúp đỡ của giảng viên hướng dẫn PGS.TS Nguyễn Văn Hiệu, tác giả hy vọng những đánh giá và đóng góp của mình có thể cải thiện hiệu quả việc quản trị vốn lưu động của Công ty mẹ nói riêng và của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam nói chung.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lương Thị Thu Anh, 2014. Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn lưu động tại Công ty cổ phần TDC. Luận văn thạc sĩ, Đại học Thăng Long.
2. Báo cáo phát triển bền vững của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam năm 2018. 3. Báo cáo thường niên của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam năm 2018.
4. Trần Hòa Bình, 2000. Quản trị tiền mặt thực trạng và giải pháp ở Công ty Việt Hà. Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội. 5. Nguyễn Tấn Bình, 2010. Quản trị tài chính ngắn hạn. Hà Nội: Nhà xuất bản thống kê.
6. Báo cáo tài chính đã được kiểm toán của Công ty mẹ Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam các năm 2013, 2014, 2015, 2016, 2017, 2018.
7. Ngô Thị Thu Hằng, 2017.Biện pháp cải thiện tình hình tài chính tại công ty cổ phần đầu tư và công nghệ VPT. Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Dân lập Hải Phòng.
8. Nguyễn Bích Hồng, 2017. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị hàng tồn kho tại Công ty TNHH Vinh Ngân. Luận văn thạc sĩ, Viện kỹ thuật – kinh tế biển.
9. Nguyễn Thị Thanh Huyền, 2017. Phân tích tình hình sử dụng vốn lưu động tại Công ty TNHH thương mại dược phẩm Vi Bảo Ngọc. Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng.
10. Kế hoạch hoạt động sản xuất kinh của Công ty mẹ Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam năm 2019.
11. Trần Thị Thanh Tú, 2018. Phân tích báo cáo tài chính. Hà Nội: Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội.