García và Martínez (2004) thu thập số lượng 8,872 quan sát của các công ty vừa và nhỏ tại Tây Ban Nha trong giai đoạn 1996 – 2002. Biến đại diện cho khả năng sinh lời được tác giả sử dụng trong nghiên cứu là lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) được tính bằng lợi nhuận trước thuế và lãi vay chia cho tổng tài sản trừ đi tài sản chính. Các biến độc lập bao gồm chu kỳ luân chuyển tiền (CCC), kỳ thu tiền bình quân (ACP), số ngày tồn kho (IT), kỳ trả tiền bình quân (APP). Các biến số thể hiện đặc điểm của công ty bao gồm kích cỡ công ty (SIZE), tăng trưởng doanh thu (SGRO ), nợ trên tổng tài sản (DEBT), tăng trưởng GDP hàng năm (GDPGR). Kết quả nghiên cứu cho thấy chu kỳ luân chuyển tiền, kỳ thu tiền bình quân, số ngày tồn kho, kỳ trả tiền bình quân đều có tác động âm tới lợi nhuận. Từ nghiên cứu này, các tác giả đã chứng minh rằng những nhà quản lý có thể tạo ra giá trị bằng việc giảm kỳ thu tiền bình quân và số ngày tồn kho xuống. Thêm vào đó, việc rút ngắn chu kỳ luân chuyển tiền sẽ giúp cho công ty cải thiện được lợi nhuận.
Deloof (2003) đã phân tích 1.009 công ty phi tài chính của Bỉ từ 1992 – 1996. Ông thấy rằng lợi nhuận hoạt động gộp của một công ty có mối quan hệ nghịch chiều với kỳ luân chuyển hàng tồn kho (ICP) và kỳ thu tiền bình quân (ACP). Do đó, Ông đề nghị các nhà quản trị tài chính có thể cố gắng để nâng cao lợi nhuận bằng cách tăng thời hạn thanh toán trung bình và giảm kỳ luân chuyển hàng tồn kho và kỳ thu tiền bình quân. Ông cũng khuyến cáo rằng lợi nhuận có liên quan mạnh mẽ đến quản trị vốn lưu động của một công ty.
Lazaridis & Tryfonidis (2006) thực hiện nghiên cứu “Mối quan hệ giữa quản trị vốn lưu động và lợi nhuận của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Athen” giai đoạn 2001 – 2004 với lượng mẫu gồm 131 công ty. Tác giả sử dụng tỷ
lệ doanh thu thuần từ tài sản hoạt động làm biến phụ thuộc. Các biến độc lập bao gồm chu kỳ luân chuyển tiền (CCC), kỳ thu tiền bình quân (ACP), số ngày tồn kho (IT), kỳ trả tiền bình quân (APP), khả năng thanh toán ngắn hạn (CR), nợ trên tổng tài sản (DR), tăng trưởng doanh thu (SG) và tổng doanh thu (Size). Kết quả cho thấy tồn tại mối liên hệ âm và có ý nghĩa thống kê giữa chu kỳ luân chuyển tiền và lợi nhuận. Theo các tác giả, các nhà quản trị có thể tạo ra lợi nhuận hoặc giá trị cho công ty cũng như các cổ đông bằng cách xử lý đúng chu kỳ luân chuyển tiền và giữ cho các nhân tố khác cấu thành nên vốn lưu động ở mức tối ưu có thể.
Trong nghiên cứu của Mustafa Afeef (2011) vê tác động của quản trị vốn luân chuyển đến lợi nhuận của 40 doanh nghiệp vừa và nhỏ tại thị trường chứng khoán Pakistan giai đoạn 2003 – 2008. Biến đại diện cho khả năng sinh lời được tác giả sử dụng trong nghiên cứu là lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA). Các biến độc lập gồm kỳ thu tiền bình quân (RCP), kỳ luân chuyển hàng tồn kho (ICP), kỳ thanh toán bình quân (PDP), chu kỳ chuyển đổi tiền mặt (CCC), tỷ lệ thanh toán hiện thời (CR), quy mô doanh nghiệp (LNS), tốc độ phát triển doanh thu (SG), đòn bẩy (FL). Kết quả nghiên cứu cho thấy, kỳ luân chuyển hàng tồn kho và kỳ thu tiền bình quân có tác động tiêu cực đến ROA, hàm ý rằng để tăng thêm lợi nhuận, kỳ luân chuyển hàng tồn kho phải được giữ càng ngắn càng tốt. Tương tự, biến kỳ thu tiền bình quân cũng có tác động tiêu cực đến ROA, cho thấy rằng việc kỳ thu tiền đúng thời hạn sẽ tăng lợi nhuận của doanh nghiệp. Trong khi đó, không tìm thấy sự tác động quan trọng giữa ROA và kỳ thanh toán bình quân, chu kỳ chuyển đổi tiền mặt và tỷ lệ thanh toán hiện thời.
Pouraghajan & Emamgholipourarchi (2012) tìm hiểu về ảnh hưởng của việc quản trị vốn lưu động tới lợi nhuận và giá trị thị trường của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Tehran trong giai đoạn 2006 tới 2010. Các tác giả đã sử dụng biến số lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA), lợi nhuận trên vốn chủ đầu tư (ROIC) và giá trị thị trường của công ty (TQ) để đo lường lợi nhuận của công ty. Các biến độc lập gồm chu kỳ luân chuyển tiền (CCC), khả năng thanh toán ngắn hạn (CACL), tỷ lệ tài sản ngắn hạn so với tổng tài sản (CATA), tỷ lệ vốn chủ sở hữu so với tổng tài sản (CLTA), tỷ lệ nợ so với tổng tài sản (DTAR). Kết quả cho thấy chu kỳ luân chuyển tiền (CCC) và tỷ số nợ trên tổng tài sản có tác động nghịch
chiều và có ý nghĩa đến lợi nhuận của công ty. Ngoài ra các tác giả còn sử dụng biến phụ thuộc Tobin’Q để đo lường giá trị thị trường của công ty nhưng kết quả nghiên cứu không cho thấy sự tác động của các biến độc lập đến biến phụ thuộc này.
Bagchi và Khamrui (2012) nghiên cứu về mối quan hệ giữa quản trị vốn lưu động và lợi nhuận của các công ty trong ngành hàng tiêu dùng nhanh tại thị trường Ấn Độ. Các tác giả đã sử dụng biến số lợi nhuận trên tổng tài sản để đo lường lợi nhuận của công ty. Các biến số độc lập gồm chu kỳ luân chuyển tiền (CCC), kỳ thu tiền bình quân (AC), kỳ trả tiền bình quân (AD), số ngày tồn kho (AI), nợ trên vốn chủ sở hữu (DER), tỷ số thanh toán lãi vay (ICR). Đây là một nghiên cứu về sự tác động của quản trị vốn lưu động tới lợi nhuận cho một ngành cụ thể. Nghiên cứu đã tìm ra ảnh hưởng âm của quản trị vốn lưu động tới lợi nhuận, cụ thể là yếu tố “ Chu kỳ luân chuyển tiền” (CCC) tăng lên sẽ khiến cho lợi nhuận giảm xuống. Vì vậy các nhà quản trị có thể tạo ra các giá trị cho cổ đông bằng cách giảm yếu tố này tới mức tối thiểu có thể. Khác với các mô hình nghiên cứu đã đề cập ở trên, nghiên cứu này đã gộp chung các biến số “Kỳ thu tiền bình quân”, “Kỳ trả tiền bình quân”, và “Số ngày tồn kho” vào chung một mô hình, đồng thời vẫn xét riêng biến số “Chu kỳ luân chuyển tiền” ở mô hình còn lại.
Theo Ahmad Ahmadpour và ctg (2012), nghiên cứu về sự tác động của quản trị vốn lưu động đến khả năng sinh lời của 112 công ty niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Tehran từ năm 2000 – 2009. Biến phụ thuộc đại diện cho khả năng sinh lời của doanh nghiệp là biến lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE). Các biến độc lập ảnh hưởng đến ROE được tác giả lựa chọn đưa vào mô hình là kỳ thu tiền bình quân (ACP), kỳ luân chuyển hàng tồn kho (ITID), kỳ thanh toán bình quân (APP), chu kỳ chuyển đổi tiền mặt (CCC), tỷ lệ thanh toán hiện thời (CR), tỷ lệ nợ (DR), quy mô doanh nghiệp (SIZE) và tỷ lệ tài sản chính trên tổng tài sản (FATA). Kết quả cho thấy rằng có một mối quan hệ tiêu cực mạnh mẽ giữa các thành phần của quản trị vốn lưu động và khả năng sinh lời của doanh nghiệp. Tỷ lệ thanh toán hiện thời và tỷ lệ nợ có mối quan hệ tích cực đến khả năng sinh lời, trong khi đó quy mô doanh nghiệp và tỷ số tài sản tài chính có mối quan hệ tiêu cực.
Tương tự như hướng nghiên cứu của Ahmad Ahmadpour và ctg (2012), nghiên cứu của nhóm tác giả Adeel Mumtaz và ctg (2011) cũng cho rằng có tồn tại sự tác động tiêu cực giữa quản trị vốn lưu động và khả năng sinh lợi của doanh nghiệp. Cụ thể, nhóm tác giả nghiên cứu một mẫu gồm 22 doanh nghiệp ngành hóa học cho giai đoạn từ năm 2005 đến 2010. Các biến độc lập được sử dụng trong nghiên cứu gồm doanh số bán hàng (SALE), quy mô doanh nghiệp (SIZE), kỳ thu tiền bình quân (NDR), kỳ luân chuyển hàng tồn kho (NDI), đòn bẩy (LEV), vốn chủ sở hữu (EQUITY) và tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Biến lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) được sử dụng để đại diện cho khả năng sinh lợi của doanh nghiệp. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng các biến doanh số bán hàng, quy mô doanh nghiệp, kỳ luân chuyển hàng tồn kho, hàng tồn kho, GDP và vốn chủ sở hữu có mối quan hệ đồng biến với ROA, trong khi đó kỳ thu tiền bình quân và đòn bẩy tài chính có mối quan hệ nghịch biến với ROA. Điểm hạn chế của nghiên cứu này là mẫu điều tra quá nhỏ, giai đoạn cũng không đủ dài nên có thể không khái quát được hết đặc điểm của quản trị vốn lưu động đối với ngành hóa học.
Nghiên cứu của Binti Mohamad & Mohd Saad (2010) được dựa trên dữ liệu thứ cấp của 172 công ty của Malaysia. Họ đánh giá tác động của các thành phần khác nhau của vốn lưu động trên lợi nhuận và giá trị thị trường của các công ty. Nghiên cứu bao phủ một khoảng thời gian 5 năm từ 2003 đến 2007. Với mục đích này họ sử dụng các thành phần vốn lưu động khác nhau, cụ thể là chu kỳ chuyển đổi tiền mặt, tỷ lệ nợ, tài sản lưu động trên tổng tài sản, nợ ngắn hạn trên tổng tài sản và tỷ lệ thanh toán hiện hành. Để xem hiệu quả của các thành phần vốn lưu động trong hoạt động tài chính họ sử dụng Q’s Tobin, lợi nhuận trên vốn đầu tư và lợi nhuận trên tài sản là một thước đo của hoạt động tài chính của các doanh nghiệp lựa chọn. Để đưa ra các kết quả họ đã sử dụng phân tích tương quan và phân tích hồi quy. Kết quả cho thấy rằng có tồn tại một mối quan hệ nghịch chiều giữa các thành phần vốn lưu động khác nhau với hiệu quả hoạt động của công ty.
Để kiểm tra tác động của quản trị vốn lưu động đến lợi nhuận của các công ty ở Ấn Độ. Sharma & Kumar (2011) đã thu thập dữ liệu của 263 công ty phi tài chính trên sàn chứng khoán Bombay (BSE) từ năm 2000 đến năm 2008 và sử dụng hồi quy OLS. Kết quả cho thấy quản trị vốn lưu động và khả năng sinh lợi tương quan
cùng chiều trong các công ty của Ấn Độ. Nghiên cứu cũng cho thấy kỳ chuyển đổi hàng tồn kho và kỳ thanh toán bình quân có mối quan hệ ngược chiều với lợi nhuận, trong khi đó kỳ thu tiền bình quân và chu kỳ chuyển đổi tiền mặt có mối quan hệ cùng chiều với lợi nhuận.
Đồng quan điểm với Sharma & Kumar (2011), nghiên cứu của David M. Mathuva (2010) cũng cho rằng có sự tồn tại mối tương quan nghịch biến giữa kỳ thanh toán tiền bình quân với lợi nhuận. Cụ thể tác giả đã sử dụng mẫu của 30 công ty được niêm yết trên sàn chứng khoán Nairobi (NSE) – Kenya trong khoảng thời gian từ 1993 đến năm 2008. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng có sự tồn tại mối tương quan nghịch biến giữa kỳ thu tiền bình quân, kỳ trả tiền bình quân với lợi nhuận. Và có mối tương quan đồng biến giữa kỳ chuyển đổi hàng tồn kho với lợi nhuận.