Việt nam.
Ngành thực phẩm của Việt Nam đang ngày càng phát triển hơn với xu hướng Âu hóa. Cùng với mức tăng trưởng kinh tế khá cao và thu nhập của người dân đang ngày càng tăng lên, Việt Nam trở thành một trong những thị trường có sức hút lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là ngành bán lẻ thực phẩm. Hiện nay đã xuất hiện các công ty đa quốc gia khổng lồ thâm nhập vào thị trường Việt Nam phát triển theo mô hình siêu thị như Metro Cash & Carry và Big C... Mô hình hiện đại này ngày càng thu hút người tiêu dùng Việt Nam và tạo cơ hội để người tiêu dùng tiếp cận nhiều hơn các sản phẩm nhập khẩu làm gia tăng áp lực cạnh tranh cho các công ty ngành thực phẩm của Việt Nam.
Bảo đảm an toàn thực phẩm là một trong những vấn đề mà từ lâu đã được Nhà nước và xã hội đặc biệt quan tâm, coi đây là nhiệm vụ liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ giống nòi và còn ảnh hưởng lớn đến tiến trình hội nhập của Việt Nam. Qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, ngành công nghiệp thực phẩm đã từng bước đáp ứng nhiều sản phẩm thiết yếu cho nền kinh tế quốc dân, phục vụ nhu cầu trong nước, thay thế nhập khẩu và tham gia xuất khẩu với sự đa dạng về mẫu mã, chủng loại. Theo Báo cáo ngành thực phẩm và đồ uống Việt Nam tháng 06/2014 thì trong năm 2013, Việt Nam sản xuất được 44 tỷ USD các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất lương thực thực phẩm bao gồm trồng trọt, thủy sản và chăn nuôi. Ngoài ra Việt Nam nhập khẩu 6,5 tỷ USD các nguyên liệu đầu vào quan trọng như nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu sữa, hải sản, dầu ăn và chất béo, lúa mì, trái cây và rau quả cho ngành thực phẩm. Trong
năm, giá trị sản xuất lương thực thực phẩm của Việt Nam ước tính đạt hơn 52,1 tỷ USD trong đó tiêu thụ trong nước chiếm 66,8%, đạt 38,4 tỷ USD, còn lại là xuất khẩu các mặt hàng chủ lực (thủy sản, gạo, cà phê, hạt điều,...) đạt kim ngạch 17,3 tỷ USD. Nhiều sản phẩm đã có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế. Theo Bộ công thương, ngành chế biến thực phẩm chiếm một tỷ lệ đáng kể sản lượng đầu ra của ngành công nghiệp nói chung và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nói riêng. Ước tính lượng tiêu thụ thực phẩm hàng năm luôn chiếm khoảng 15% GDP cho thấy đây là một ngành công nghiệp tiềm năng.
Nhu cầu tiêu dùng được cải thiện giúp các doanh nghiệp thực phẩm tăng trưởng doanh thu nhưng chi phí đầu vào và chi phí bán hàng tăng cao khiến lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp sụt giảm. Theo thống kê của VnExpress.net và đối tác cung cấp dữ liệu VNDirect, tổng lợi nhuận sau thuế toàn ngành đạt 8.532 tỷ đồng, giảm nhẹ 0,6% so với một năm trước. xét về lợi nhuận, năm qua Masan giảm gần 66%, xuống còn gần 430 tỷ đồng lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ và là doanh nghiệp thực phẩm giảm lãi mạnh nhất. Ngoài Masan, hai đơn vị khác cũng thuộc top những doanh nghiệp sụt lãi mạnh nhất đều thuộc lĩnh vực sản xuất đường. Theo đó, Công ty cổ phần Đường Biên Hòa (Mã CK: BHS) chỉ thu lãi sau thuế cổ đông 38,8 tỷ đồng, thấp hơn cùng kỳ năm trước gần 70%.
Doanh thu giảm trong khi trị giá vốn tăng so với một năm trước là yếu tố khiến lợi nhuận doanh nghiệp này co lại. Theo lý giải từ Đường Biên Hòa, chi phí tài chính tăng gấp đôi cũng là nguyên nhân làm sụt lãi công ty. Trong khi đó, hoạt động tài chính chỉ thu về giảm so với cùng kỳ. Cũng với những yếu tố tác động như trên, lãi năm qua của Công ty Đường Kontum (Mã CK: KTS) chỉ còn 13 tỷ đồng, chưa bằng một nửa so với cùng kỳ. Nguyên nhân của tình trạng này là giá đường thấp, dẫn đến doanh thu sụt giảm mạnh. Ngược lại Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) dẫn đầu về lợi nhuận . Đây cũng là một trong những doanh nghiệp báo lãi nghìn tỷ đầu tiên trên sàn chứng khoán và không có khoản vay ngắn hạn nào ở ngân hàng. Tính chung hơn 90% lợi nhuận ngành thực phẩm được đóng góp từ 4 doanh nghiệp Vinamilk, Masan, Vinacafe Biên Hòa và Kinh Đô. Tuy lợi nhuận của ngành giảm nhưng so sánh với mặt bằng chung thì lãi của các doanh nghiệp ngành thực phẩm vẫn được coi là khả quan hơn những ngành khác. Việc đảm bảo được lãi
trong thời kỳ nền kinh tế gặp khó khăn thì đó cũng được coi là một thành công lớn của ngành.
Việt Nam gia nhập TPP (Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương) tạo cơ hội lớn để phát triển kinh tế nhưng cũng đi kèm với nó là những thách thức không nhỏ. TPP cho phép các nước thành viên có mức thuế miễn phí khi giao dịch giữa các thành viên với nhau. Như vậy, do Việt Nam có giới hạn về biện pháp kiểm tra vệ sinh (SBS), rào cản kỹ thuật (yêu cầu về bao bì, ghi chép, hậu cần) và các biện pháp phòng vệ thương mại (TBT) (chống bán phá giá, chống trợ cấp), thị trường thực phẩm trong nước sẽ phải đối mặt với áp lực cạnh tranh cao từ các nước TPP có kỹ thuật – công nghệ, chất lượng và thậm chí giá cả hơn hẳn.