CHƯƠNG 5 : KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
5.2 Một số gợi ý nhằm nâng cao lợi nhuận dựa trên việc quản trị vốn lưu động
Với lượng mẫu 26 doanh nghiệp ngành thực phẩm niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán HOSE và HNX trong thời gian từ 2009 đến 2015 được phân tích thống kê mô tả, phân tích tương quan và phân tích hồi quy nhằm trả lời câu hỏi nghiên cứu “Giải pháp nào nhằm nâng cao lợi nhuận thông qua việc quản trị vốn lưu động”. Đối với các doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch nhu cầu vốn lưu động là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và rất cần thiết. Doanh nghiệp phải xác định nhu cầu vốn lưu động cho hoạt động sản xuất kinh doanh chính xác, hợp lý nhằm đảm bảo cho quá trình sản xuấ, tiêu thụ sản phẩm được liên tục, bên cạnh đó tránh được tình trạng ứ đọng vật tư, sử dụng lãng phí vốn và đồng thời hạn chế được rủi ro có thể xảy ra. Các nhà quản trị có thể tăng lợi nhuận bằng cách rút ngắn thời gian thu tiền của khách hàng, thời gian luân chuyển hàng tồn kho, thời gian thanh toán cho nhà cung cấp và quan trọng là phải nắm giữ một lượng tiền mặt vừa đủ đảm bảo cho các hoạt động sản xuất kinh doanh diễn ra hàng ngày. Từ kết quả hồi quy mô hình tác giả đưa ra một số gợi ý nhằm nâng cao lợi nhuận của các công ty ngành thực phẩm, cụ thể như sau:
Đối với kỳ thu tiền bình quân: Mặc dù việc mở rộng tín dụng có thể làm tăng doanh thu, từ đó làm dòng tiền hoạt động và lợi nhuận tăng theo nhưng nó cũng tăng rủi ro kinh doanh cho các doanh nghiệp. Trong thời kỳ nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn việc nới lỏng các khoản phải thu từ khách hàng với các điều kiện tài chính không đổi và khi khách hàng trì hoãn thanh toán, công ty không áp dụng các điều khoản phạt chậm thanh toán do đó làm giảm lợi nhuận của công ty. Nhưng đây là sự suy giảm lợi nhuận trong ngắn hạn, với chính sách này công ty sẽ giữ chân được khách hàng và sẽ là cơ hội gia tăng lợi nhuận trong tương lai. Kết quả này phù hợp với nghiên cứu của Deloof (2003), Lazaridis và Tryfonidis (2006). Với phương châm “lợi ích và chi phí”, nhiều khi phải đánh đổi giữa tính thanh khoản và lợi nhuận. Nếu công ty gắt gao trong việc thu nợ, tính thanh khoản được cải thiện nhưng có rủi ro là khách hàng chuyển sang ký hợp đồng với công ty khác có chính sách tín dụng mềm dẻo hơn. Công việc của bộ phận quản lý tín dụng bên cạnh việc tối thiểu hóa nợ xấu còn giúp công ty tối đa hóa lợi nhuận đôi khi cần chấp nhận rủi
ro miễn là có cơ hội khách hàng trở thành người mua thường xuyên và đáng tin cậy của công ty.
Đối với kỳ trả tiền bình quân: Việc nghiên cứu chỉ số này cho thấy sự tác động ngược chiều của nó tới ROA. Lợi thế từ việc kéo dài thêm thời gian thanh toán đã không bù đắp được chi phí tăng thêm từ việc trả chậm dẫn đến lợi nhuận suy giảm. Vì thế, khi mua hàng từ nhà cung cấp, các doanh nghiệp nên rút ngắn kỳ thanh toán bình quân càng ngắn càng tốt. Có thể doanh nghiệp sẽ mất đi nguồn vốn không lãi suất này để có thể đầu tư vào các hoạt động sản xuất kinh doanh khác nhưng đổi lại doanh nghiệp sẽ được hưởng các khoản chiết khấu nếu thanh toán trước hạn và hơn hết danh tiếng doanh nghiệp sẽ được đảm bảo và nâng cao.
Đối với kỳ luân chuyển hàng tồn kho: Ngành thực phẩm là ngành kinh tế rất quan trọng nó cung cấp các sản phẩm thiết yếu hàng ngày cho con người. Và ngành còn phụ thuộc tính mùa vụ cao, do thời tiết thất thường tình hình dịch bệnh khó kiểm soát nên thông thường các công ty để tồn kho ở mức độ cao. Việc tính thời gian dự trữ tồn kho sẽ kéo theo chi phí lưu kho, chi phí bảo quản cũng tăng dẫn đến lợi nhuận công ty giảm. Vì vậy quản lý thời gian lưu kho hợp lý là rất cần thiết vì thời gian sử dụng duy trì của một số mặt hàng trong ngành thực phẩm rất nhạy cảm đôi khi lạm dụng quá mức thời gian tồn kho sẽ có tác động ngược lại tránh hàng hóa đến hạn, quá hạn và hết hạn sử dụng.
Bên cạnh thời gian lưu kho thì hàng hóa tồn kho là một vấn đề rất quan trọng, vì đây là một trong những nguồn cơ bản tạo ra doanh thu cho doanh nghiệp. Việc lưu giữ nhiều hàng tồn kho sẽ làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp (IT tác động ngược chiều lên ROA). Nhà quản trị nào cũng muốn duy trì mức tồn kho vừa đủ, tuy nhiên trong thực tế có những mặt hàng đem lại doanh thu rất ít cho công ty nhưng lại tồn kho nhiều hoặc có một vài khâu sản xuất nào đó đang được duy trì lượng bán thành phẩm và nguyên vật liệu quá cao so với các khâu còn lại. Vì vậy, tác giả kiến nghị các nhà quản trị cần phải tính toán lượng dự trữ nguyên vật liệu và bán thành phẩm cần thiết cho quy trình sản xuất. Vì thế, việc tinh gọn những hạng mục có lượng tồn kho lớn sẽ đem lại một dòng tiền đáng kể cho công ty.
Đối với việc quản trị tiền mặt: Lượng dự trữ tiền mặt tối ưu của doanh nghiệp phải thỏa mãn được ba nhu cầu chính: Chi cho các khoản phải trả phục vụ
hoạt động sản xuất kinh doanh hàng ngày của doanh nghiệp như trả cho nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ, trả cho người lao động, trả thuế...; Dự phòng cho các khoản chi ngoài kế hoạch; Dự phòng cho các cơ hội phát sinh ngoài dự kiến khi thị trường có sự thay đổi đột ngột.
Doanh nghiệp có thể sử dụng phương pháp Baumol hoặc mô hình Miller Orr để xác định mức dự trữ tiền mặt hợp lý. Sau khi xác định được lưu lượng dự trữ tiền mặt thường xuyên, doanh nghiệp nên áp dụng những chính sách, quy trình như số lượng tiền mặt tại quỹ giới hạn ở mức thấp chỉ để đáp ứng những nhu cầu thanh toán không thể chi trả qua ngân hàng, xây dựng các quy trình thu chi tiền mặt hợp lý, tuân thủ nguyên tắc bất kiêm nhiệm tách bạch vai trò giữa kế toán và thủ quỹ để giảm thiểu rủi ro cũng như thất thoát trong hoạt động.
Mặc dù có thể đã áp dụng các phương pháp quản trị tiền mặt một cách hiệu quả nhưng do ngành thực phẩm có đặc tính về mùa vụ hoặc do những lý do khách quan ngoài tầm kiểm soát, doanh nghiệp bị thiếu hoặc thừa tiền mặt. Nhà quản lý có thể áp dụng các biện pháp sau để cải thiện tình hình:
- Đẩy nhanh tiến trình thu nợ, giảm số lượng hàng tồn kho, giảm tốc độ thanh toán cho các nhà cung cấp bằng cách sử dụng hối phiếu khi thanh toán hoặc thương lượng lại thời hạn khi thanh toán với nhà cung cấp
- Biện pháp cần làm khi thừa tiền mặt trong ngắn hạn: thanh toán các khoản thấu chi sử dụng các khoản đầu tư qua đêm của ngân hàng, đầu tư vào các sản phẩm tài chính có tính thanh khoản cao (trái phiếu chính phủ), đầu tư vào cổ phiếu quỹ ngắn hạn.
- Biện pháp cần làm khi thừa tiền mặt trong dài hạn: đầu tư vào các dự án mới, tăng tỉ lệ cổ tức, mua lại cổ phiếu, thanh toán các khoản vay dài hạn, mua lại công ty khác.