Thảo luận kết quả nghiên cứu

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu tác động của quản trị vốn lưu động tới lợi nhuận của các công ty ngành thực phẩm niêm yết trên thị trường chứng khoán việt nam​ (Trang 56 - 62)

Qua quá trình nghiên cứu và dựa trên kết quả phân tích trong chương 4, tác giả đưa ra một số bình luận về tác động của quản trị vốn lưu động đến lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành thực phẩm như sau:

ROAit = - 0,000512 ACPit – 0,0001628 ITit – 0,0007365 APPit + 0,0792191 CCEit + 0,0176444 GROWit + 0,0149073 CRit + 0,9510683 GDPit + 0,1211139 INFit + εit.

Giải thích ý nghĩa của từng biến số trong mô hình được mô tả như sau :

Biến ACP – Kỳ thu tiền bình quân

Biến số này thể hiện kỳ thu tiền bình quân của công ty, nó có ảnh hưởng âm và có ý nghĩa thống kê với mức ý nghĩa 1%.

Về mặt lý thuyết, ACP tác động nghịch chiều tới lợi nhuận của công ty, tức là nếu công ty tăng thời gian công nợ cho các khách hàng thì lợi nhuận sẽ giảm. Một số nghiên cứu thực nghiệm của Garcia và Martinez (2004) hay Falope và Ajilore (2009) đã tìm thấy ảnh hưởng âm của ACP trong khi đó nghiên cứu của A.K. Sharma và Satish Kumar (2011) lại cho kết quả ngược lại, họ lập luận rằng điều này là do thực tế các công ty Ấn Độ đã cấp tín dụng thương mại nhiều hơn để duy trì khả năng cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài của họ, bao gồm cả sản phẩm và dịch vụ cao cấp.

Nghiên cứu thực nghiệm này cho thấy tồn tại mối quan hệ âm giữa ACP và lợi nhuận của công ty. Điều đó có nghĩa là các công ty trong tập dữ liệu quan sát đã không được hưởng lợi từ chính sách thu tiền chậm của mình. Thông thường, trong chính sách bán hàng, công ty sẽ thực hiện chính sách chiết khấu cao khi khách hàng trả tiền nhanh và nếu khách hàng trả tiền chậm thì phải bù lại với mức giá bán tăng cao hơn hoặc mức phạt lãi suất trả chậm. Ngoài ra, thời gian quan sát kéo dài từ 2009 đến 2015, nền kinh tế Việt Nam chưa thật sự hồi phục sau cuộc khủng hoảng, sức mua giảm, tồn kho tăng cao, khâu bán hàng gặp nhiều khó khăn nên có thể các công ty đã nới lỏng chính sách bán hàng bằng cách cho thanh toán chậm hơn với các điều kiện tài chính không thay đổi hoặc dễ dãi hơn.

Có thể thấy rằng, hệ số hồi quy đứng trước ACP là âm, thể hiện mối tương quan giữa ACP và ROA là tương quan ngược chiều, điều này phù hợp với giả thuyết 1 “Có sự tác động ngược chiều của kỳ phải thu đến lợi nhuận”. Xét về mặt tác động biên, khi ACP tăng 1 ngày thì ROA giảm đi tương ứng 0,000512 (0,05%) với các yếu tố khác giả định không đổi. Kết quả nghiên cứu của Gul và ctg (2013), ông phát hiện ra rằng số ngày khoản phải thu tăng lên 1 ngày làm giảm lợi nhuận

công ty – 0,04%. Falope và Ajilore (2009) nhận thấy tỷ lệ là -0,3%. Một tỷ lệ lớn + 3,8% được tìm thấy bởi A.K. Sharma và Satish Kumar (2011). Sự khác biệt này có thể được giải thích là do các điều kiện kinh tế ở mỗi nước là khác nhau.

Biến số IT – Kỳ luân chuyển hàng tồn kho

Biến này thể hiện kỳ luân chuyển hàng tồn kho của công ty tác động ngược chiều với ROA và có ý nghĩa thống kê với mức ý nghĩa 10%. Kết quả này hoàn toàn phù hợp với giả thuyết 2 “Có sự tác động ngược chiều của kỳ luân chuyển hàng tồn kho đến lợi nhuận”. Điều đó có nghĩa là thời gian lưu kho của hàng tồn kho càng lâu thì lợi nhuận càng giảm và kéo theo ROA cũng giảm. Ngoài ra, việc công ty duy trì mức tồn kho cao sẽ không hấp dẫn với các nhà đầu tư cổ phiếu, vì họ có thể cho rằng công ty kinh doanh kém hiệu quả hoặc không bán được hàng hóa nên không có lợi nhuận hoặc lợi nhuận không cao.

Mối quan hệ ngược chiều giữa kỳ luân chuyển hàng tồn kho với lợi nhuận cũng đã được tìm thấy bởi các nhà nghiên cứu như Deloof (2003), Lazaridis và Tryfonidis (2006), A.K. Sharma và Satish Kumar (2011). Trong khi đó, Mathuva (2009) lại tìm thấy mối quan hệ cùng chiều bằng chứng thực nghiệm ở Kenya. Ông lập luận rằng các công ty giữ mức tồn kho cao hơn để tối thiểu hóa nguy cơ ngừng sản xuất do thiếu nguyên liệu. Cũng có nghiên cứu khác như Bagchi và Khamrui (2012) đã không tìm thấy ảnh hưởng của biến số này tới lợi nhuận của công ty.

Về mặt lý thuyết, khi công ty quản lý chặt chẽ định mức hàng tồn kho thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới doanh thu và từ đó là tới lợi nhuận, nhưng trên thực tế, việc thắt chặt định mức có thể là cách thức công ty phản ứng với sức cầu kém và như vậy không ảnh hưởng tiêu cực tới lợi nhuận. Ở khía cạnh khác những công ty thực hiện chính sách thắt chặt định mức có thể tiết kiệm chi phí lưu kho và dành nguồn vốn vào hoạt động khác. Tuy nhiên, nhà quản trị cũng nên cân đối có thể giữ lượng tồn kho ở mức vừa đủ không quá nhiều cũng không quá ít. Bởi vì lượng tồn kho không đủ sẽ làm giảm doanh số bán hàng, ngoài ra có thể dẫn đến tình trạng khách hàng sẽ chuyển sang mua hàng của đối thủ cạnh tranh khi nhu cầu của họ không được đáp ứng. Do đó để tăng lợi nhuận từ hàng tồn kho, các công ty cần xây dựng chính sách bán hàng hiệu quả để rút ngắn kỳ lưu kho chứ không phải giảm số lượng hàng tồn kho.

Biến APP – Kỳ trả tiền bình quân

Ở mức ý nghĩa 1% kỳ trả tiền bình quân có tác động ngược chiều với lợi nhuận của doanh nghiệp. Kết quả này phù hợp với giả thuyết 3 “Có sự tác động ngược chiều của kỳ trả tiền bình quân đến lợi nhuận” và tương đồng với kết quả của các nghiên cứu trước như Ahmad Ahmadpour (2012).

Về mặt lý thuyết, kỳ trả tiền bình quân càng dài chứng tỏ công ty có thể tận dụng vốn của người bán để thực hiện các hoạt động kinh doanh hữu ích khác từ đó lợi nhuận được cải thiện. Tuy nhiên trong giai đoạn nền kinh tế gặp khó khăn các doanh nghiệp ngành thực phẩm đều ít nhiều gặp phải khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, các doanh nghiệp muốn thu hồi nhanh các khoản nợ để phục vụ cho hoạt động của doanh nghiệp mình, điều này dẫn đến các doanh nghiệp chỉ muốn hợp tác với các công ty thanh toán nợ nhanh, có uy tín trong việc thanh toán và hạn chế hợp tác với các công ty trì hoãn thanh toán nợ.

Các nghiên cứu thực nghiệm ở các thị trường và thời gian khác nhau cho thấy những kết quả trái ngược nhau. Garcia và Martinez (2004), Bagchi và Khamrui (2012) đều cho kết quả về tác động âm của biến số này đến lợi nhuận. Trong khi đó nghiên cứu của Huynh và Su (2011) lại cho thấy tác động dương.

Về mặt tác động biên khi APP tăng 1 ngày thì ROA giảm 0,0007365. Kết quả tương tự cũng được tìm thấy bởi Gul và ctg (2013) là 0,0005 ở Pakistan, Karaduman và ctg (2011) tìm thấy tỷ lệ phần trăm của 0,087% ở Thổ Nhĩ Kỳ. Sự khác biệt này là do điều kiện kinh tế vĩ mô ở mỗi nước khác nhau.

Biến CCE – Tỷ lệ nắm giữ tiền mặt

Biến CCE tác động cùng chiều với ROA và có ý nghĩa thống kê với mức ý nghĩa 5%. Kết quả này phù hợp với giả thuyết 4 “Có sự tác động cùng chiều của tỷ lệ nắm giữ tiền mặt đến lợi nhuận”. Khi tỷ lệ nắm giữ tiền mặt tăng lên 1 đơn vị thì ROA tăng lên 0,0792191 đơn vị. Với kết quả này chứng tỏ rằng khi tài sản của các công ty hoạt động hiệu quả thì sẽ có nhiều lợi nhuận, công ty sẽ tích lũy được nhiều tiền mặt và sẽ nắm giữ tiền mặt nhiều hơn. Trái với kết quả này thì theo mô hình đánh đổi dự đoán các công ty có lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cao sẽ huy động vốn dễ dàng hơn so với các công ty có ít lợi nhuận hơn. Do đó, các công ty có lợi nhuận cao sẽ nắm giữ tiền mặt ít hơn.

Tiền mặt kết nối tất cả các hoạt động liên quan đến tài chính của doanh nghiệp. vì thế, nhà quản lý cần phải tập trung vào quản trị tiền mặt để giảm thiểu rủi ro về khả năng thanh toán, tăng hiệu quả sử dụng tiền đồng thời ngăn ngừa các hành vi gian lận tài chính trong nội bộ doanh nghiệp hoặc bên thứ ba.

Dự trữ tiền mặt (tiền mặt tại quỹ và tiền trên tài khoản thanh toán tại ngân hàng) là điều tất yếu mà doanh nghiệp phải làm để đảm bảo việc thực hiện các giao dịch kinh doanh hàng ngày trong từng giai đoạn. Việc các doanh nghiệp dự trữ quá nhiều tiền mặt so với nhu cầu sẽ dẫn đến việc ứ đọng vốn, tăng rủi ro về tỷ giá (nếu dự trữ ngoại tệ), tăng chi phí sử dụng vốn (vì tiền mặt tại quỹ không sinh lãi, tiền mặt tại tài khoản thanh toán ngân hàng thường lãi rất thấp so với chi phí lãi vay của doanh nghiệp). Hơn nữa, sức mua của đồng tiền có thể giảm sút nhanh do lạm phát.

Nếu doanh nghiệp dự trữ quá ít tiền mặt, không đủ tiền để thanh toán sẽ bị giảm uy tín đối với nhà cung cấp, ngân hàng và các bên liên quan. Doanh nghiệp sẽ mất cơ hội hưởng các khoản ưu đãi dành cho giao dịch thanh toán ngay bằng tiền mặt, mất khả năng phản ứng linh hoạt với các cơ hội đầu tư phát sinh ngoài dự kiến. Chính vì vậy doanh nghiệp thực phẩm cần phải dự trữ một tỷ lệ tiền mặt hợp lý không quá nhiều cũng không quá ít. Bởi vì dự trữ một lượng tiền mặt hợp lý đảm bảo các hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ làm gia tăng lợi nhuận cho công ty.

Biến SIZE – Quy mô doanh nghiệp

Với bộ dữ liệu thu thập được, ở mức ý nghĩa 10% quy mô doanh nghiệp tác động cùng chiều và không có ý nghĩa thống kê.

Biến GROW – Tốc độ tăng trưởng doanh nghiệp

Với mức ý nghĩa 10% tốc độ tăng trưởng doanh nghiệp có tác động cùng chiều và có ý nghĩa thống kê đến lợi nhuận. Khi tốc độ tăng trưởng doanh nghiệp tăng lên 1 đơn vị thì ROA tăng lên 0,0176444 đơn vị. Tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp càng cao dẫn đến lợi nhuận ngày càng được cải thiện.

Biến CR – Khả năng thanh toán hiện hành

Tỷ lệ thanh toán hiện hành là thước đo lý thuyết của tính thanh khoản. Kết quả hồi quy cho thấy biến này tác động cùng chiều và có ý nghĩa thống kê ở mức ý nghĩa 1%. Khi CR tăng 1 đơn vị thì ROA tăng lên 0,0149073 đơn vị. . Kết quả cho

thấy các doanh nghiệp có tỷ lệ thanh toán hiện hành càng cao thì cơ hội gia tăng lợi nhuận càng cao.

Biến GDP – Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế

Ở mức ý nghĩa 10% tỷ lệ tăng trưởng kinh tế tác động cùng chiều, mạnh nhất và có ý nghĩa thống kê với lợi nhuận. Điều này chứng tỏ rằng khi nền kinh tế tăng trưởng tốt sẽ giúp cho hoạt động sản xuất – kinh doanh của công ty thuận lợi, gia tăng lợi nhuận và ngược lại. Do đó, tỷ lệ GDP tác động cùng chiều với ROA.

Biến INF – Tỷ lệ lạm phát

Với tình hình thực tế ở Việt Nam trong giai đoạn nghiên cứu này tỷ lệ lạm phát tác động cùng chiều và có ý nghĩa thống kê với mức ý nghĩa 10%. Khi tỷ lệ lạm phát tăng ở mức vừa phải (1 con số) sẽ giúp kích thích nền kinh tế và hoạt động của công ty thuận lợi dẫn đến lợi nhuận sẽ gia tăng. Nền kinh tế lạm phát ở mức vừa phải hầu hết các loại hàng hóa đều tăng cùng với đó sản phẩm mà doanh nghiệp sản xuất ra cũng tăng giá. Đối với các doanh nghiệp ngành thực phẩm sản xuất kinh doanh các loại mặt hàng có mức giá tăng nhanh, ít bị ảnh hưởng của lạm phát thì khi lạm phát tăng đồng nghĩa doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ tăng.

KẾT LUẬN CHƯƠNG 4

Trong chương 4, luận văn đã trình bày kết quả nghiên cứu bao gồm thống kê mô tả, phân tích tương quan. Luận văn trình bày mô hình hồi quy Pooled OLS. Tuy nhiên, để xem mô hình có vi phạm các giả định hồi quy đa biến, tác giả tiến hành kiểm định hồi quy đa biến, tác giả tiến hành kiểm định hiện tượng đa cộng tuyến, phương sai của sai số thay đổi và hiện tượng tự tương quan. Kết quả cho thấy mô hình có hiện tượng tự tương quan và hiện tượng sai số thay đổi. Vì thế, tác giả chọn phương pháp bình phương bé nhất tổng quát khả thi (FGLS). Kết quả hồi quy4

cho thấy Kỳ thu tiền bình quân, kỳ luân chuyển hàng tồn kho, kỳ thanh toán bình quân tác động ngược chiều và tỷ lệ nắm giữ tiền mặt tác động cùng chiều có ý nghĩa thống kê với lợi nhuận.

4

CHƯƠNG 5: KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Trong chương 4 Luận văn đã trình bày kết quả hồi quy mô hình và thảo luận kết quả nghiên cứu. Ở chương này Luận văn sẽ trình bày tóm tắt các kết quả nghiên cứu, đưa ra kết luận, kiến nghị và đề xuất hướng nghiên cứu tiếp theo.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu tác động của quản trị vốn lưu động tới lợi nhuận của các công ty ngành thực phẩm niêm yết trên thị trường chứng khoán việt nam​ (Trang 56 - 62)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(88 trang)