Những kết quả đạt trong quản lý đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn huyện Tam Nông cho thấy rõ được hiệu quả mà các dự án đầu tư xây dựng mang lại tác động đến phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn một số tồn tại hạn chế nhất định trong công tác quản lý cần được khắc phục để hoàn thiện nâng cao chất lượng các dự án đầu tư xây dựng cơ bản như:
- Chất lượng thẩm tra, thẩm định dự án đầu tư
Do năng lực của một số đơn vị tư vấn lập còn hạn chế cho nên chất lượng hồ sơ thiết kế chưa đảm bảo yêu cầu, phải chỉnh sửa nhiều lần như: thiết kế kỹ thuật chưa đầy đủ các chi tiết, lập tổng dự toán công trình chính xác, chưa bám vào các căn cứ quy định của Bộ Xây dựng, của Ủy ban nhân dân tỉnh, một số nội dung hạng chưa bám sát hiện trạng thực tế, hồ sơ phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần gây nên lãng phí gây nên kẽ hở để tham ô, tiêu cực trong thực hiện đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó còn có lý do từ năng lực, trình độ của thẩm tra, thẩm định dự án không đủ năng lực hoặc năng lực còn hạn chế dẫn đến việc không phát hiện ra các sai sót trong quá trình thẩm định. Mặt khác, hiện nay các văn bản quy định về trình tự, thủ tục Lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng; lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư còn quy định chung chung, không thống nhất gây nên khó khăn cho chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn và quá trình thẩm định.
- Chất lượng Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình huyện
Ban quản lý dự án là người đại diện cho chủ đầu tư nên có vai trò rất quan trọng trong quá trình triển khai đầu tư thành công dự án. Trong giai đoạn năm 2014-2018, Ban quản lý có các thành viên chủ chốt, lãnh đạo thực hiện công tác kiêm nhiệm do đó chưa tập chung hết khả năng, năng lực vào công tác quản lý dự án; đến nay Ban quản lý đã hoạt động chuyên trách. Tuy nhiên, việc đào tạo, nâng cao trình độ quản lý lãnh đạo, chuyên môn nghiệp vụ vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Tam Nông là một huyện trung du miền núi còn khó khăn, đội ngũ cán bộ nói chung còn thiếu chưa thu hút được cán bộ quản lý dự án có chuyên môn, tay nghề cao. Bên cạnh đó vẫn còn có những trường hợp vì quyền lợi cá nhân mà gây khó khăn cho công việc chung, có biểu hiện tệ quan liêu, tham nhũng, hối lộ, tiêu xài lãng phí làm thất thoát ngân sách trong đầu tư xây dựng cơ bản. Để khắc phục các hạn chế này, cần phải có các giải pháp đồng bộ, quyết liệt.
- Về công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu
Hiện nay trên địa bàn các dự án, công trình chủ yếu được lựa chọn Nhà thầu thi công theo hình thức đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh và chỉ định thầu, số lượng công trình đưa ra đấu rộng rãi hoặc đấu thầu qua mạng còn rất hạn chế. Quy trình thẩm định, duyệt kế hoạch đấu thầu, đánh giá hồ sơ năng lực của nhà thầu trong chỉ định thầu chưa được sát sao, khoa học. Việc đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu còn mang tính hình thức, “ quân xanh”, “quân đỏ”, chưa thực sự công khai, minh bạch gây thất thoát, lãng phí. Nguyên nhân chủ yếu là do năng lực của các chủ đầu tư, năng lực của các Tổ chuyên gia đấu thầu còn hạn chế, việc xét thầu theo ý chí của chủ đầu tư. Bên cạnh đó, các quy định về quy trình thẩm định, xét kết quả trúng thầu còn kéo dài, khiến các công trình chậm triển khai, ảnh hưởng tới tiến độ dự án, hiệu quả công trình.
- Công tác quản lý chất lượng công trình
Theo quy định việc quản lý chất lượng công trình phải thực hiện theo quy trình, đúng quy định để đảm bảo công trình xây dựng trong phải sử dụng an toàn, tiết kiệm, hiệu quả. Tuy nhiên, đến nay nhiều một số công trình thi công chậm tiến độ, một số hạng mục nhỏ của công trình thi công sai thiết kế, việc đưa vào các chủng loại vật tư chưa đảm bảo chất lượng, chưa đúng chỉ dẫn thiết kế; khi đưa công trình vào sử dụng rồi vẫn phải điều chỉnh bổ sung cho phù hợp. Hồ sơ quản lý chất lượng công trình như: các biên bản nghiệm thu, hóa đơn vật liệu đầu vào, các thông số hợp chuẩn, hợp quy của sản phẩm vật liệu đưa vào công trình, các kết quả thí nghiệm, các bản vẽ hoàn công … chưa được đơn vị thi công, tư vấn giám sát và chủ đầu tư lập theo đúng quy trình, một số hồ sơ quản lý chất lượng công trình còn được lập mang tính hoàn thiện. Nguyên nhân chủ yếu là do năng lực của các nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn và chủ đầu tư; năng lực Ban quản lý công trình còn nhiều bất cập, các cán bộ làm việc kiêm nhiệm, thiếu năng lực chuyên môn; Các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng còn chưa sát sao trong trong tác kiểm tra, giám sát việc nghiệm thu chất lượng công trình.
- Cơ chế kế hoạch hoá vốn đầu tư xây dựng
Để xây dựng được các dự án thì người quyết định đầu tư, chủ đầu tư phải tìm kiếm, bố trí được nguồn vốn. Nguồn vốn đầu tư phải được bố trí một cách khoa học để đạt được hiệu quả cao nhất, tránh chồng chéo trong bố trí vốn, đó là kế hoạch hoá vốn đầu tư. Đến nay trên địa bàn tỉnh nói chung, địa bàn huyện nói riêng còn thụ động trong kế hoạch hoá được nguồn vốn đầu tư mà nguyên nhân chính do do mục tiêu, nhu cầu đầu tư lớn, trong khi nguồn thu để đầu tư còn hạn chế. Bên cạnh đó, việc xây dựng kế hoạch bố trí vốn đầu tư hàng năm còn lúng túng, chưa đồng bộ do khâu chuẩn bị đầu tư, rà soát còn chưa được quan tâm, từ đó dẫn đến sự chậm trễ trong việc ban hành chủ
trương đầu tư, chậm tiến độ xây dựng các dự án hoặc dự án phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần. Nhìn chung các dự án do Ủy ban nhân dân huyện làm chủ đầu tư đã thực hiện đúng trình tự theo quy định về đầu tư. Các dự án do các xã quản lý làm chủ đầu tư thì hầu hết không đủ nội dung kế hoạch theo các trình tự yêu cầu theo quy định do hạn chế về năng lực, tổ chức bộ máy quản lý không chuyên nghiệp thiếu năng lực chuyên môn chỉ giao cho một cán bộ kế toán hoặc địa chính xây dựng đảm nhiệm phụ trách cho nên khi triển khai thường bị vướng mắc nhất là thiếu các thủ tục, các căn cứ khoa học, gây nên khó khăn trong việc xác định quy mô và khái toán vốn đầu tư.
Đến nay, hàng năm việc huy động nguồn nội lực để đầu tư còn hạn chế chỉ đáp ứng được phần nhỏ nhu cầu vốn đầu tư, chủ yếu dựa vào nguồn vốn do Trung ương, Tỉnh hỗ trợ. Nguồn vốn nội lực cho đầu tư chủ yếu là nguồn đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất nhưng đến nay do vướng mắc về thủ tục, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng nên nên chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra, mặt khác do nhu cầu không cao, giá đất đấu giá thấp nên nguồn thu từ đây cũng không được nhiều. Việc đầu tư dự án lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương còn chưa theo kế hoạch cụ thể; Việc đầu tư trên địa bàn nói chung còn phân tán, dàn trải, kém hiệu quả, không đồng bộ, một số công trình còn dở dang chưa hoàn thành việc xây dựng, chậm trong quyết toán đầu tư.
- Công tác thanh toán, quyết toán vốn đầu tư
Tình trạng các công trình xây dựng cơ bản hoàn thành nhưng chưa bố trí vốn thanh toán đang. Các khoản nợ xây dựng cơ bản đang vượt quá khả năng cân đối ngân sách nhà nước đang là một vấn đề cần giải quyết. Cũng có tình trạng các công trình đã bố trí đủ vốn thanh toán nhưng khó khăn trong giải ngân do các quy định về thanh quyết toán vốn đầu tư còn phức tạp, rườm rà, không thống nhất, sự phối hợp thực hiện giữa các cơ quan còn chưa được
đồng bộ. Một số dự án đã được thanh quyết toán đầy đủ, đúng trình tự, thủ tục, tuy nhiên khanh thanh tra, kiểm tra, kiểm toán vẫn phát hiện những sai sót, nếu không phát hiện sẽ gây thất thoát, lãng phí nguồn lực đầu tư của nhà nước.