5. Kết cấu của luận văn
4.2.1. Cơ chế chính sách
Từ những khó khăn còn tồn tại trong hệ thống cơ chế chính sách về quản lý chi NSNN cho hoạt động đầu tư phát triển, tác giả nhận thấy việc bổ sung, sửa đổi một số chính sách là cần thiết để đảm bảo cho hoạt động quản lý chi NSNN cho hoạt động đầu tư phát triển đáp ứng được yêu cầu cấp thiết trong phát triển kinh tế xã hội như:
Bổ sung, sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước nhằm bảo đảm tính khoa học, tiên tiến, hiện đại, phù hợp với xu thế hội nhập và thông lệ quốc tế, đặc biệt là đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của Việt Nam. Theo tác giả, quy trình phân bổ dự toán NSNN được thực hiện từ trên xuống, cụ thể dự kiến như sau: Quản lý các danh mục tổ hợp tài khoản sử dụng để phân bổ ngân sách, quản lý danh mục các mã dự toán, mã tổ chức dự toán, quy trình điều chỉnh dự toán và giao dự toán cho các đơn vị sử dụng ngân sách; quản lý các quy trình tạo và nhập dự toán vào hệ thống, bao gồm quy trình tạm cấp kinh phí, quy trình nhập dự toán ngân sách được Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp quyết định vào hệ thống, quy trình phân bổ dự toán theo chức năng, quy trình này được phân bổ từ trên xuống, quy trình điều chỉnh dự toán đã giao cho các đơn vị sử dụng ngân sách, quy trình ứng trước dự toán. Như vậy, KBNN phải có chương trình thống nhất để quản lý toàn bộ dự toán từ cấp 0: Quốc hội, HĐND các cấp đến đơn vị dự toán cấp 1, cấp 2, cấp 3… đơn vị sử dụng NSNN. Hiện nay chỉ quản lý ở đơn vị dự toán trực tiếp sử dụng NSNN, tại KBNN nơi đơn vị giao dịch. Thống nhất phân bổ dự toán chi thường xuyên và chi đầu tư xây dựng cơ bản; Vốn nước ngoài cũng cân đối và phân bổ và giao dự toán. Cơ quan KBNN có tài khoản riêng để hạch toán và theo dõi dự toán tạm cấp trong trường hợp chưa có dự toán chính thức được giao.
Luật NSNN cần phải có những điều khoản quy định chặt chẽ tính thống nhất và công khai hoá trong quá trình lập, chấp hành và quyết toán NSNN. Đảm
bảo cho Luật NSNN đề cao được quyền làm chủ của các đơn vị và cá nhân trong lĩnh vực tài chính - ngân sách. Luật NSNN phải tạo điều kiện cho mọi người dân nắm được một cách rõ ràng, chính xác, kịp thời những đóng góp của họ đã được sử dụng vào những mục đích gì, hiệu quả mang lại ra sao theo hướng dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Cần chú ý tính đồng bộ và kịp thời khi ban hành các bộ luật và các văn bản hướng dẫn dưới luật nhằm bảo đảm tính thống nhất cao và thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện; tạo điều kiện cho các cơ quan có chức năng kiểm tra, kiểm soát việc thi hành luật có căn cứ xử lý chính xác các vi phạm và có thể đưa ra các phán quyết đúng đắn nhất, thực sự đưa luật đi vào cuộc sống. Hiện nay ít nhất chúng ta có bẩy hình thức KSC thường xuyên NSNN, theo đó là bẩy cơ chế kiểm soát khác nhau, với quá nhiều văn bản, chế độ đi theo. Trong một đơn vị sử dụng NSNN cũng có nhiều hình thức KSC khác nhau. Do đó gây khó khăn cho đơn vị và cho KBNN trong quá trình thực hiện chi và KSC.
Xuất phát từ thực tế trong công tác giải ngân vốn đầu tư trong giai đoạn vừa qua tại địa phương, tác giả nhận thấy thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công chưa phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công. Cụ thể: Khoản 1, Điều 76, Luật Đầu tư công quy định: “Thời gian giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hàng năm được kéo dài sang năm sau. Trường hợp đặc biệt, được cấp có thẩm quyền cho phép thì được kéo dài thời gian giải ngân nhưng không quá kế hoạch đầu tư công trung hạn”. Tuy nhiên, Điều 46, Nghị định số 77/2015/NĐ-CP của Chính phủ lại quy định việc kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư hàng năm chưa phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công. Ngay cả thẩm quyền cho phép cũng kéo dài không theo quy định của Luật. Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương còn phải thực hiện thêm quy trình, thủ tục kéo dài. Hơn nữa, việc quy định vốn đầu tư hàng năm không sử dụng hết được chuyển sang năm sau đã tạo sức ì cho các đơn vị với tâm lý “năm nay không thực hiện hết thì còn năm sau”, điều này đã phần nào ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.
Vì vậy, để khắc phục và hạn chế việc chuyển nguồn như hiện nay, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung đồng bộ từ Luật Đầu tư công đến các văn bản hướng dẫn cho phù hợp với quy định của Luật NSNN mới, theo tác giả cần kéo dài thời gian giải ngân vốn đầu tư công hàng năm được thực hiện đến hết ngày 31/01 năm sau; trừ các dự án khẩn cấp nhằm khắc phục kịp thời các sự cố thiên tai và các trường hợp bất khả kháng khác.