3.1.2.1. Tổng quan chung về ngành:
Chất dẻo, nhựa hay polyme được sử dụng là nguyên liệu để chế tạo các sản phẩm phục vụ nhu cầu đời sống con người và nhu cầu phát triển của hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề trong xã hội: công nghiệp, nông nghiệp, điện tử viễn thông, công nghệ thông tin, thương mại... Song song với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, chất dẻo còn được nghiên cứu để trở thành nguyên liệu thay thế cho các nguyên liệu truyền thống như kim loại, gỗ,... Vì vậy, ngành công nghiệp nhựa nắm giữ vị trí ngày càng quan trọng trong đời sống con người và phát triển kinh tế xã hội của các quốc gia.
Trong những năm gần đây, nhựa là một trong những ngành công nghiệp có sự tăng trưởng cao với tỷ lệ từ 16-18%/năm, chỉ đứng sau ngành
dệt may và viễn thông. Tốc độ tăng trưởng GDP cao năm 2018 cùng với việc đánh giá triển vọng tốt cho năm 2019 cũng là dấu hiệu khả quan cho ngành nhựa.
Theo thông tin từ Hiệp hội nhựa Việt Nam (VPA), giá trị xuất khẩu ngành nhựa Việt Nam năm 2017 đạt trên 3 tỷ USD, tăng 17,6% so với năm 2016. Mức kg nhựa tiêu thụ cho mỗi người Việt Nam có xu hướng tăng lên, thời điểm 1990 chỉ là 3,8 kg/người/năm, năm 2010 là 33 kg/người/năm và đến năm 2018 tăng lên là 43 kg/người/năm.
Tiềm năng tăng trưởng của ngành nhựa Việt Nam còn rất lớn bởi mức sử dụng bình quân ở nước ta còn khá thấp khi so sanh với nhu cầu của khu vực châu Á là 48,5 kg/người/năm và trung bình toàn thế giới là 69,7 kg/người/năm.
(Theo website Hiệp hội nhựa Việt Nam: http://vpas.vn/)
3.1.2.2. Phân tích SWOT Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong
- Điểm mạnh:
+ Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong luôn lựa chọn các nhà cung cấp nguyên vật liệu uy tín lâu năm, chất lượng cao, có năng lực đảm bảo đáp ứng kịp thời, đầy đủ cả chủng loại, số lượng cũng như chất lượng phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty.
+ Toàn bộ hệ thống dây chuyền thiết bị sản xuất các sản phẩm của Công ty sử dụng là thế hệ tiên tiến và hiện đại nhất được nhập khẩu từ các nước Châu Âu như Italia, Đức,…
+ Mạng lưới tiêu thụ của Công ty quy mô lớn, có mặt trên toàn quốc, trong đó tập trung tại toàn miền Bắc, miền Trung và TP. HCM.
- Điểm yếu:
+ Nguyên vật liệu chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành sản phẩm và phần lớn được nhập khẩu từ nước ngoài nên việc biến động giá của nguyên vật liệu trên thế giới sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của công ty.
+ Thị trường tiềm năng tại Việt Nam và các nước trong khu vực vẫn chưa được Công ty khai thác triệt để.
- Cơ hội:
+ Cơ sở hạ tầng nước ta còn đang trong giai đoạn phát triển nên việc nhu cầu sử dụng các sản phẩm của Công ty phục vụ cho hoạt động cấp nước, thoát nước các công trình xây dựng là rất lớn.
+ Với thương hiệu Nhựa Tiền phong đã được khẳng định trên thị trường nên triển vọng tiêu thụ của sản phẩm Công ty còn rất lớn.
+ Máy móc thiết bị của Công ty vẫn chưa khai thác hết công suất, công ty có thể nghiên cứu tận dụng máy móc thiết bị hiện đại này để sản xuất các mặt hàng khác phục vụ nhu cầu thị trường.
+ Có nhiều tiềm năng để phát triển hoạt động sản xuất các sản phẩm nhựa phục vụ cho lĩnh vực công nghệ cao bởi đây là loại sản phẩm có nhu cầu rất lớn trong tương lai và tính cạnh tranh tương đối thấp.
- Thách thức:
+ Sự biến động về giá cả nguyên vật liệu trên thị trường trong nước và quốc tế đã ảnh hưởng lớn đến chỉ tiêu lợi nhuận của công ty.
+ Trong thời gian gần đây có nhiều đơn vị sản xuất ống nhựa cùng loại cạnh tranh rất gay gắt với công ty.
+ Trên thị trường hiện nay có nhiều sản phẩm nhập ngoại với nguồn gốc không rõ ràng, chiết khấu bán hàng rất cao, đặc biệt với các sản phẩm ống nhựa chịu nhiệt PPR.
3.1.2.3. Phân tích mô hình 5 áp lực cạnh tranh
Hình 3.2: Mô hình năm áp lực cạnh tranh - Cạnh tranh giữa các đối thủ trong ngành
Tại thị trường nhựa Việt Nam, Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong là một trong hai doanh nghiệp đầu ngành, cùng với Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh (BMP). Ngoài ra có thể kể đến một số đối thủ cạnh tranh khác như Công ty Cổ phần Nhựa An Phát xanh (AAA), Công ty Cổ phần Nhựa Đồng Nai (DNP),... Hiện Nhựa Tiền Phong đang chiếm 30% thị trường nội địa và khoảng 70% thị trường miền Bắc. Tuy nhiên, với nhu cầu sử dụng nhựa ngày càng tăng, đã có nhiều đối thủ mới xuất hiện cạnh tranh tương đối gay gắt như Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG) và Tân Á Đại Thành.
Theo đó, thị trường ống nhựa, nơi trước đây vốn là "sân chơi" của riêng 2 ông lớn đầu ngành là NTP và BMP đang có sự phân phối lại.
- Đối thủ mới tiềm năng
Cùng với nhu cầu nhựa thị trường Việt Nam ngày một tăng cao và mức lợi suất hấp dẫn, nhiều doanh nghiệp đã thâm nhập vào thị trường đầy triển vọng như trường hợp gần đây là các đơn vị ngoài ngành như Tập đoàn Hoa Sen (HSG) và Tân Á Đại Thành. Các đối thủ này có tiềm lực tài chính có thể đầu tư các công nghệ tiên tiến để cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp lâu năm trong ngành là NTP, BMP, AAA.
- Quyền thƣơng lƣợng của các nhà cung cấp
Phụ thuộc nhiều vào diễn biến giá cả nguồn nguyên liệu nước ngoài. Là một trong những ngành có sự phát triển vượt bậc trong vài năm gần đây nhưng ngành nhựa Việt Nam nói chung và Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong nói riêng vẫn phải đối mặt với bài toán khó khi vẫn phải nhập khẩu gần 80% nguồn nguyên liệu.
Việc gia công sản phẩm nhựa trong nước phụ thuộc rất nhiều vào phụ liệu nhập khẩu và bán sản phẩm từ nước ngoài. Biến động giá nguyên vật liệu đầu vào: Hiện nay NTP đang phải nhập khẩu phần lớn nguồn nguyên liệu đầu. Do đó, biến động giá nguyên liệu và tỷ giá sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành sản phẩm của NTP. Để hạn chế rủi ro, NTP phải duy trì hàng tồn kho lớn.
Như vậy, hiện tại tổng sản lượng nhựa nguyên liệu sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu. Thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam bao gồm: Ả rập Xê út, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ… Các sản phẩm nhập khẩu chính là PE, PP và PVC…
Việc nguồn nguyên vật liệu trong nước không phổ biến khiến các doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào các nhà cung ứng nước ngoài, gặp khó khăn trong quá trình đàm phán giá cả và đứng trước nguy cơ giá thành bị đẩy lên cao.
- Quyền thƣơng lƣợng của khách hàng
Trên thị trường hiện nay, các sản phẩm từ nhựa rất đa dạng, có thể thay thế cho nhau. Đồng thời với sự hấp dẫn của thị trường nhựa tại Việt Nam, ngày càng có nhiều doanh nghiệp cung ứng sản phẩm xuất hiện tạo ra áp lực cạnh tranh ngày càng lớn, các Công ty luôn nỗ lực áp dụng những chính ưu đãi tối đa để lôi kéo khách hàng về với mình, điều này các giúp các khách hàng có ưu thế hơn trong việc thương lượng giao dịch.
- Nguy cơ từ sản phẩm, dịch vụ thay thế
Với việc là vật liệu tương đối đặc thù, có các tính năng riêng biệt, đồng thời thị trường hiện tại trong nước còn nhiều tiềm năng phát triển nên ngành nhựa chưa gặp quá nhiều áp lực từ các sản phẩm, dịch vụ thay thế. Tuy nhiên, áp lực sản phẩm thay thế đối với các doanh nghiệp trong ngành thì ngày càng tăng cao.