4. Nội dung nghiên cứu
4.2.1. Đặc điểm phân bố của cây lá Bép
Gnetum gnemon là một loài thuộc chi Gnetum có nguồn gốc ở vùng Đông Nam Châu Á và các đảo tây Thái Bình Dương, từ Assam về phía Đông và Nam qua Malaysia, Indonesia tới Philippines và Fiji. Tên gọi phổ biến của nó là Melinjo hay Belinjo (tiếng Indonesia), Bago (tiếng Mã Lai, tiếng Tagalog), Peesae (tiếng Thái) và Rau bép, Rau nhíp, Rau danh hay Gắm (tiếng Việt).
Các nghiên cứu gần đây ở Indonesia cho biết loài cây rau Lá Bép (Gnetum gnemon) là cây bản địa ở Fiji, Ấn Độ, Malaysia, Papua New Guinea, Quần đảo Solomon. Loài cây này phân bố ở độ cao từ 0 đến 1.200 m, nơi có nhiệt độ trung bình 25-30oC, lượng mưa từ 750 đến 5.000 mm và đủ độ ẩm đất trong mùa khô. Hiện nay cây lá Bép được trồng nhiều ở bắc Ấn Độ (Atxam, tới độ cao 1.500m), Mianma, Việt Nam, Indonesia và bán đảo Mã Lai ở độ cao từ 200 tới 900m.
Ghi chú: --- Khu vực có cây lá Bép phân bố
Hình 4.8. Bản đồ phân bố Chi dây Gắm (Gnetum) trên Thế giới [34]
Ở Việt Nam, cây lá Bép phân bố ở một số tỉnh thuộc miền Trung, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ như ở Quảng Nam, Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Bình Phước, Bình Thuận và Côn Đảo. Qua điều tra tại tỉnh Bình Phước, cây lá Bép xuất hiện ở các xã Đồng Nai, Minh Hưng, Bom Bo, Nghĩa Trung huyện Bù Đăng; xã Đak Ơ huyện Bù Gia Mập, xã Thiên Hưng, Hưng Phước, Tân Tiến huyện Bù Đốp, xã Đồng tâm huyện Đồng phú.
4.2.2. Đặc điểm sinh thái môi trường nơi loài rau phân bố
Do điều kiện kiện thời gian và phạm vi nghiên cứu, chúng tôi không thực hiện các thí nghiệm mà chỉ tiến hành điều tra thu thập số liệu tại huyện Bù Đăng, Bù Đốp và Đồng Phú tỉnh Bình Phước để bước đầu nghiên cứu các điều kiện sinh thái của loài cây. Kết quả cho thấy:
- Phân bố theo vị trí địa hình: Kết quả điều tra sơ bộ cho thấy, cây lá Bép có phân bố ở độ cao từ 200m-500m, tập trung ở vùng sườn núi và đỉnh núi nhiều hơn so với ở vùng chân núi.
- Đặc điểm đất đai: Cây mọc trên đất có tỷ lệ thịt cao, có mầu xám, độ ẩm của đất dao động từ 72-79%, độ pH đất dao động từ 6,2 - 6,4.
Bảng 4.2. Thành phần cát, sét, thịt trong đất Cát (%) Thịt (%) Sét (%) 17 65 19 Bảng 4.3. Thành phần các chất khoáng trong đất N (%) P (%) K (%) Fe (%) Cu (%) Ca (%) Mg (%) 0.23 0.06 0.07 68 22.901 0.028 0.02
- Đặc điểm ánh sáng: Qua điều tra cho thấy, cây Lá Bép là loại cây ưa bóng, chủ yếu phân bố dưới tán rừng cây gỗ nhỏ, tre nứa (không phân bố dưới tán rừng thông)… có cường độ chiếu sáng từ 250 lux - 1600 lux. Dưới tán rừng cây thường có sức sống tốt, phát triển mạnh, nhưng đến rừng thứ sinh thì thường bị tỉa cành và bị đào thải, trong các trạng thái thảm cỏ, thảm cây bụi cây lá Bép ít xuất hiện và phát triển kém hơn.
- Đặc điểm khí hậu: Khu vực nghiên cứu nằm trong vùng mang đặc trưng khí hậu nhiệt đới cận xích đạo gió mùa, có 2 mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô.
+ Nhiệt độ trung bình tại nơi cây phân bố là 22,50C/năm. + Lượng mưa trung bình tại nơi cây phân bố là 3280mm/năm. + Độ ẩm không khí trung bình tại nơi cây phân bố là 85%/năm. + Số giờ nắng trung bình tại nơi cây phân bố là 2158 giờ/năm.