Nghiên cứu về bảo tồn tài nguyên thực vật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu đặc điểm sinh thái, sinh vật học và khả năng nhân giống của loài cây lá bép (gnetum gnemon l )​ (Trang 28 - 37)

Chương 1 TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

1.5. Nghiên cứu về bảo tồn tài nguyên thực vật

Trước đây khi nguồn lâm sản ngoài gỗ đặc biệt là cây rau còn phong phú, người ta ít chú ý đến việc bảo tồn nguồn gen của chúng. Đến cuối thế kỷ XX khi nhận ra rất nhiều loài lâm sản ngoài gỗ đã trở lên khan hiếm, một số loài đứng trước nguy cơ tuyệt chủng nên chúng ta mới bắt đầu chú ý bảo tồn nguồn gen. Ở Việt Nam hiện nay quan điểm bảo tồn nguồn gen thường kết hợp với bảo tồn đa dạng sinh học vì nếu bảo vệ được hệ sinh thái, bảo vệ được các loài động thực vật thì cũng bảo vệ được nguồn gen của chúng. Hiện nay có 2 hình thức để bảo tồn nguồn gen lâm sản ngoài gỗ là: Bảo tồn nội vi (In situ) và bảo tồn ngoại vi (Ex situ) [6].

Bảo tồn nội vi (Bảo tồn In situ): Là hình thức bảo tồn các hệ sinh thái và những nơi cư trú tự nhiên, duy trì và phục hồi các quần thể loài đang tồn tại trong điều kiện sống tự nhiên của chúng. Trong trường hợp các loài được thuần hoá và canh tác, công việc này được tiến hành tại khu vực mà các giống vật nuôi cây trồng đó hình thành nên đặc tính của mình.

Hiện nay, đối với một bộ phận lớn của đa dạng sinh học trên trái đất, công tác bảo tồn chỉ khả thi khi các loài đó được duy trì trong phạm vi phân bố cũng như ở trạng tự nhiên của chúng. Điều này còn có nhiều ý nghĩa khác như cho phép loài tiếp tục quá trình thích nghi trong tiến hoá và về nguyên tắc đảm bảo cho việc tiếp tục sử dụng các loài (mặc dù điều này đòi hỏi phải có sự quản lý).

Bảo tồn ngoại vi (Bảo tồn Ex situ): Là hình thức bảo tồn các thành phần của đa dạng sinh học bên ngoài những nơi cư trú tự nhiên của chúng.

Các quần thể đang tồn tại của nhiều sinh vật có thể được duy trì trong canh tác hoặc nuôi giữ. Thực vật có thể được bảo tồn trong ngân hàng hạt giống và các bộ sưu tập mô; các kỹ thuật tương tự cũng được phát triển cho động vật (lưu giữ phôi, trứng, tinh trùng), nhưng khó giải quyết hơn nhiều.

Nước ta nằm ở vành đai khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa; nhiệt độ trung bình năm khác nhau giữa các địa phương; lượng mưa trung bình lớn nhưng phân bố không đều theo vùng lãnh thổ và trong năm.

Nhờ có yếu tố về địa hình và khí hậu đa dạng, do vậy nước ta có thảm thực vật phong phú và nguồn cây làm thuốc dồi dào. Bảo tồn và phát triển nguồn gien, giống cây làm thuốc là một việc làm cần thiết góp phần tăng nguồn lực chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Các nhà khoa học đã phát hiện ở nước ta có 3.948 loài thực vật và nấm lớn được dùng làm thuốc, thuộc 307 họ của 9 ngành và nhóm thực vật khác nhau. Trong đó có 52 loài tảo biển, 22 loài nấm, 4 loài rêu và 3.870 loài thực vật bậc cao. Mỗi loài lại có bộ gien đa dạng riêng của mình. Điều này làm cho kho tàng nguồn gien cây thuốc ở Việt Nam vô cùng đa dạng, từ cấp hệ sinh thái đến cấp loài và phân tử.

Phần lớn số loài cây thuốc ở nước ta được ghi nhận dựa trên tri thức và kinh nghiệm sử dụng của cộng đồng dân tộc ở khắp các địa phương trên toàn quốc. Tri thức sử dụng cây cỏ làm thuốc ở nước ta tồn tại ở nền y học chính là

y học cổ truyền chính thống, với các hệ thống lý luận và thực hành được tư liệu hóa trong sách vở như các học thuyết Âm - Dương, Ngũ hành, v.v. Các nền y học nhân dân hay y học cổ truyền dân tộc, thường được gọi là thuốc Nam. Điều này đã tạo nên một kho tàng tri thức sử dụng cây thuốc của các dân tộc ở nước ta rất phong phú.

Nhận thức được vai trò và tiềm năng của cây thuốc trong công tác chăm sóc sức khỏe, chữa trị bệnh tật và phát triển kinh tế, bảo vệ bản sắc văn hóa các dân tộc, nước ta đã tích cực tham gia và phê chuẩn các công ước quốc tế như Công ước Đa dạng sinh học (1992), Kế hoạch và Hành động đa dạng sinh học (1994) và ban hành nhiều luật và chính sách gắn liền việc chăm sóc sức khỏe nhân dân, phát triển ngành dược và bảo tồn cây thuốc. Một trong số đó là việc triển khai nhiệm vụ Bảo tồn nguồn gien và giống cây thuốc của Bộ Khoa học và Công nghệ và Môi trường từ năm 1988, trước khi có hướng dẫn bảo tồn cây thuốc của Tổ chức Y tế thế giới và chuyển thành Đề án bảo tồn nguồn gien và giống cây thuốc vào năm 1997.

Công tác bảo tồn và phát triển giống cây thuốc trong 20 năm qua đã thu được kết quả đáng khích lệ. Các địa phương đã hình thành hệ thống bảo tồn cây thuốc rộng khắp, từ vườn thực vật, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên đến các vườn thuốc Nam thiết yếu và vườn hộ tại các cộng đồng. Các nguồn gien và giống cây thuốc cũng như tri thức sử dụng chúng đang được lưu giữ trong các hệ thống bảo tồn trong cả nước có giá trị tiềm năng to lớn. Có hàng triệu hộ gia đình ở nước ta thuộc vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa đang hằng ngày sử dụng cây thuốc được trồng trọt và lưu giữ tại các vườn hộ, tại các vườn thuốc Nam thiết yếu cũng như ở thiên nhiên chung quanh nơi sinh sống. Các hoạt động bảo tồn như chọn tạo, phục tráng, đột biến gien, nghiên cứu quy trình trồng trọt, v.v. đã tạo ra những giống cây thuốc có năng suất và hàm lượng hoạt chất cao, ổn định. Điều này tạo nền tảng quan trọng trong việc thực hiện thực hành trồng trọt tốt các cây thuốc, một điều kiện tiên quyết để thực

hiện thực hành sản xuất thuốc tốt trong công nghiệp dược, tạo ra các sản phẩm hàng hóa có chất lượng ngày càng cao, bảo đảm hiệu lực điều trị cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng thuốc và sản phẩm thiên nhiên của nước ta. Mặc dù đã đạt được những thành tựu có ý nghĩa quan trọng trong công tác bảo tồn nguồn gien phát triển giống cây thuốc, ngành dược đang gặp nhiều khó khăn, cần tháo gỡ.

Nhiều nhà khoa học, cán bộ quản lý tham gia Hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện nhiệm vụ bảo tồn nguồn gien và phát triển giống cây thuốc, cho rằng: Khung pháp lý cho công tác bảo tồn chưa được kiện toàn một cách đồng bộ. Nhiều điều luật, chủ trương, chính sách chưa được cụ thể hóa dẫn đến sự lúng túng trong triển khai công tác bảo tồn cây thuốc, có khi chồng chéo nhau nhưng lại có những lĩnh vực không biết của ngành nào. Điều này dẫn đến hậu quả là chúng ta chưa thật sự huy động được các nguồn nhân lực, vật lực và tài lực đầy đủ cho công tác bảo tồn, cũng như chưa khai thác được các giá trị to lớn của hoạt động bảo tồn mang lại.

Nguồn lực tài chính cho công tác bảo tồn và phát triển còn rất hạn chế so với tiềm năng và tầm quan trọng của cây thuốc. Lý do chính là chúng ta còn nặng tư tưởng bao cấp, phụ thuộc vào nguồn ngân sách Nhà nước, hoặc nếu muốn cũng chưa biết cách làm; chưa huy động được sự tham gia của khối doanh nghiệp; chưa tạo ra hành lang pháp lý trong việc tạo ra các nguồn ngân sách từ chính các hoạt động bảo tồn và khai thác cây thuốc để phục vụ cho công tác bảo tồn. Chúng ta chưa chú ý phát triển và thương mại hóa các loài bảo tồn mà mới chú trọng bảo tồn gien. Đội ngũ làm công tác bảo tồn nhìn chung vẫn còn mỏng và yếu, chưa đáp ứng nhu cầu công tác bảo tồn ngày càng nặng nề trong bối cảnh mới, chưa huy động được sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo tồn, mà dường như mới là hoạt động của các nhà chuyên môn.

Theo các nhà khoa học, quản lý trong ngành dược nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong thời gian tới cần tiến hành điều tra cơ bản một cách có hệ

thống và chắc chắn, hệ thống cây làm thuốc ở nước ta. Tiếp tục tổng kết lý luận và thực tiễn bảo tồn nguồn gien trong thời gian qua để phát triển các lý thuyết và phương pháp luận bảo tồn cây thuốc trong giai đoạn tới. Mở rộng mạng lưới ra các vùng sinh thái chưa có cơ sở đại diện, ngược lại cắt giảm các đơn vị trùng lặp về vùng sinh thái (thí dụ: Hà Nội chỉ cần một vườn bảo tồn - đại diện cho đồng bằng Bắc Bộ). Xây dựng quy chế hoạt động, phân công nhóm, đối tượng, nhiệm vụ bảo tồn cây thuốc trong các cơ quan thành viên. Tập trung nguồn lực bảo tồn những cây có nguy cơ bị tuyệt chủng, hoặc đang bị đe dọa tuyệt chủng, các cây quý hiếm mà không bảo tồn tràn lan, các cây thuốc di thực đã bị thoái hóa về nguồn gien. Xây dựng một đến ba vườn quốc gia cây thuốc quốc gia tại các vùng sinh thái để bảo tồn từ 60 đến 80% số cây thuốc của cả nước. Các vườn cây này phải có diện tích đủ lớn (150 - 300 ha) để bảo đảm điều kiện sinh thái và lưu giữ an toàn cây thuốc. Vườn cây thuốc quốc gia nên gắn với hoạt động du lịch nhằm có nguồn thu để có thể tồn tại và phát triển lâu dài. Tăng cường nghiên cứu cơ bản các nền y học cổ truyền dân tộc. Trước mắt tập trung vào các dân tộc có lịch sử lâu đời ở Việt Nam như Thái, Chăm, Khmer, Tày, Nùng,... Xây dựng một số thương hiệu sản phẩm từ dược liệu, chỉ dẫn địa lý thông qua sự hợp tác với doanh nghiệp và địa phương.

Viện Dược liệu đã nghiên cứu xác định được 134 loài cây thuốc có nguy cơ tuyệt chủng và nhân trồng được 65 loài ở các vườn dược liệu trên toàn quốc.

Viện còn bảo tồn giống một số loài thuốc quý trong ngân hàng hạt, góp phần cứu vãn những quần thể cây thuốc quý còn sót lại trong tự nhiên và mở ra triển vọng tạo thêm nguồn dược liệu.

Các nhà khoa học Nguyễn Tập, Phạm Thanh Huyền, Lê Thanh Sơn, Ngô Đức Phương và Ngô Văn Trại ở Viện Dược liệu đã tiến hành khảo sát, thu thập các loài cần được ưu tiên bảo tồn, dựa trên các tiêu chí: loài có ranh giới, phạm vi phân bố hẹp và số lượng cá thể ít hoặc loài tiêu biểu cho một dòng tiến hóa, có mức độ khác biệt cao về di truyền.

Trong số 134 loài được coi là có nguy cơ tuyệt chủng ở nước ta, nhóm nghiên cứu đã phân cấp mức độ ưu tiên theo ba nhóm.

Nhóm cực kỳ nguy cấp (CR) có 18 loài như ba gạc hoa đỏ, sâm vũ điệp, bình vôi, hoàng liên...

Nhóm nguy cấp (EN) có 42 loài. Đa số các loài như sâm Ngọc Linh, mã đâu linh, hoàng tinh vòng... vốn không thật hiếm song đã bị khai thác kiệt quệ, nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời chúng sẽ chuyển sang nhóm cực kỳ nguy cấp, 74 loài còn lại được xếp ở dạng sẽ bị nguy cấp (VU). Đó là các loài vốn phân bố phổ biến nhưng bị khai thác tàn phá đến mức nghiêm trọng như Hà thủ ô đỏ, Đẳng sâm...[18]

Từ nhiều năm qua, Viện Dược liệu đã thu thập hơn 500 loài cây thuốc, đem về trồng, nhân giống ở các vườn cây thuốc. 65 loài có nguy cơ cao đã được trồng ở Trạm nghiên cứu trồng cây thuốc Sa Pa (Lào Cai), Vườn trạm nghiên cứu trồng cây thuốc Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Vườn Trung tâm nghiên cứu trồng và chế biến thuốc Hà Nội (Thanh Trì), Vườn trung tâm nghiên cứu dược liệu bắc Trung Bộ (Thanh Hóa) và vườn bảo tồn cây thuốc vùng cao Phó Bảng (Đồng Văn - Hà Giang).

Các vườn thuốc này có đủ điều kiện giống như điều kiện sống tự nhiên của chúng và lý lịch thu thập, ngày trồng, tình hình sinh trưởng phát triển, ra hoa - quả... được ghi lại để đánh giá khả năng bảo tồn.

Ghi nhận của các nhà khoa học là 90% số loài thích nghi, sinh trưởng tốt. Mùa hoa quả của chúng trùng với cây mọc ngoài tự nhiên. Nhiều cây đã cho hạt giống và tạo ra các thế hệ tiếp theo. Hạt giống của nhiều loài như ba gạc, hoàng liên gai, hoàng liên ô rô... được bảo quản trong ngân hàng hạt.

Song song với việc bảo tồn nguồn gen quý, các nhà khoa học ở Viện Dược liệu chủ trương mở rộng phát triển và khai thác sử dụng, đưa vào nhân giống một số loài tại nơi chúng phân bố. Tam thất hoang, sì tô được trồng ở Sa Pa (Lào Cai), ngũ gia bì hương trồng ở Hà Giang, Lào Cai. Sâm Ngọc Linh

phân bố ở một điểm duy nhất là núi Ngọc Linh (Quảng Nam và Kon Tum) đã bị khai thác hết trong tự nhiên.

Ở Việt Nam, khoảng 30% người được chữa khỏi bệnh nhờ cây thuốc. Tuy nhiên, theo cảnh báo của các nhà khoa học, trữ lượng cây thuốc quý đang ngày càng giảm sút. Nếu nước ta không có chiến lược bảo tồn, trong thời gian không xa, rất nhiều cây thuốc quý sẽ biến mất.

Có thể khẳng định, giá trị và lợi nhuận mà cây thuốc đem lại rất lớn. ở Mỹ mỗi năm lợi nhuận thu được từ cây thuốc khoảng 1,5 tỷ USD. Ở Trung Quốc, chỉ riêng việc xuất khẩu cao Đơn hoàn tán cũng đem lại doanh thu khoảng 2 tỷ USD/năm. Còn ở Việt Nam, hiện vẫn chưa có số liệu thống kê nào về lĩnh vực này. Nhưng với 30% người bệnh được khám chữa nhờ Đông y và chủ yếu bằng cây thuốc cũng đủ thấy giá trị to lớn của nó.

Thống kê chưa đầy đủ của Viện Dược liệu (Bộ Y tế) cho thấy, hiện nước ta có khoảng 3.800 loài thực vật có thể làm thuốc. Trong đó có những loại quý mà nền y học thế giới rất cần như: Hoàng liên, Hoàng tinh, Bách hợp, Tiền hồ, đặc biệt là giống Sâm thuộc loại chi Pinax. Ngoài lợi ích về kinh tế, xã hội, cây thuốc còn mang lại giá trị không thể tính được về sinh thái và môi trường. Tuy nhiên, do bị khai thác tràn lan với số lượng lớn, mỗi loại hàng chục nghìn tấn/năm, nên số lượng và trữ lượng cây thuốc ngày càng giảm sút. Theo điều tra của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, riêng những người hành nghề y dược tư nhân đã sử dụng trên 20.000 tấn dược liệu/năm. Ngành công nghiệp dược, mỹ phẩm, hương liệu mỗi năm cũng cần nguồn nguyên liệu tương đương. Ngoài ra, hàng trăm doanh nghiệp xuất khẩu đã góp phần làm giảm 10.000 tấn cây thuốc/năm. Chính vì vậy, một loạt cây thuốc có giá trị như Bình vôi, Tiết nhân sâm, Cỏ nhung, Thạch hộc... đã và đang cạn kiệt. Báo động đỏ về số lượng và nguồn gen cây thuốc cũng được nhiều thành viên Hội Đông y Việt Nam lên tiếng. Hiện tại, số lượng các loại cây thuốc quý chỉ còn ở con số hàng chục, điều này thể hiện ngay trong các vườn cây thuốc Nam ở các trạm y tế xã, nơi được coi là đầu mối lưu giữ nguồn cây quý.

Theo giới khoa học, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên vẫn là sự kém hiểu biết và tình trạng khai thác tràn lan, bất hợp lý. Chúng ta chưa có kế hoạch hợp lý để vừa phát triển sản xuất mà vẫn sử dụng lâu bền nguồn tài nguyên đó. Mặt khác, công tác nghiên cứu gen, nhất là nguồn gen cây thuốc ở nước ta còn yếu. Ngay như Viện Dược liệu, do nhiều nguyên nhân nên đến nay, mới chỉ thu thập được khoảng 100 loại gen cây thuốc.

Phải làm gì để bảo tồn nguồn gen cây thuốc? Không có cách nào khác là những bài học xưa cũ: Vận động, tuyên truyền người dân có ý thức bảo vệ cây thuốc. Đặc biệt là cần sớm lập ngân hàng gen và một khung pháp lý cụ thể cho nguồn gen thực vật nói chung và nguồn gen cây thuốc nói riêng.

Tầm quan trọng của bảo tồn đa dạng sinh học:

Các lý do của việc bảo tồn đa dạng sinh học được đặt ra từ nhiều góc độ khác nhau và tuỳ thuộc vào các yếu tố văn hoá và kinh tế. Các mục tiêu bảo tồn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu đặc điểm sinh thái, sinh vật học và khả năng nhân giống của loài cây lá bép (gnetum gnemon l )​ (Trang 28 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(79 trang)