Lời tỏ tình và lời hồi đáp không thuận tình

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) lời tỏ tình và lời hồi đáp trong ca dao người việt (Trang 59 - 63)

6. Cấu trúc luận văn

2.3.2. Lời tỏ tình và lời hồi đáp không thuận tình

Trong các bài ca dao tỏ tình có lời hồi đáp có 49 bài là lời hồi đáp từ chối. Các từ ngữ dùng để từ chối như: đâu, chưa, chẳng phải, cớ chi, làm chi, chưa ưng… Người từ chối thường là các cô gái.

Ví dụ:

Ngó lên trời bạc mây hồng

Thương em hỏi thật có chồng hay chưa? - Ngồi thêu bức gấm kim tòng

Nhiều nơi dàn dạt trong lòng chưa ưng. [Ví dụ 49]

Có nhiều lý do khác nhau để từ chối và cách từ chối cũng không giống nhau. - Từ chối thông qua hành động chê: “con cóc mà mang guốc ai ưa”, “đỉa đeo chân hạc sao cho vừa”, “bông sen tàn, ai cắm lục bình bát xưa ”.

- Từ chối thông qua lời thách đố những điều không thể làm được, không thể xảy ra. Chẳng hạn như: “tìm vảy cá trê”, “gan con tép bạc”, “tìm mề con

lươn”, “bún có xương”, “tơ hồng có rễ”, “muối chua chanh mặn”, “ngô rang mọc cây”, đất “nắng mãi không khô, mưa không ướt”…

Nguyên nhân chính của những lời từ chối ấy có thể là do cô gái chưa hiểu biết gì về chàng trai, cô gái đã có chồng, có người yêu, tình cảm của họ chưa thật sâu sắc, nghiêm túc hoặc cô gái chưa tìm được người hợp với mình hoặc do cha mẹ cô gái không đồng ý:

“Xuống sông ôm đá trầm mình Sao em lại nỡ bạc tình bỏ anh?

- Em nào dám cãi mẹ cha

Theo anh sợ nỗi người ta chê cười”. [Ví dụ 50 ]

Sống ở xã hội “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” thì sự bằng lòng hay tình cảm mặn mà của chàng trai, cô gái yêu nhau đôi khi là chưa đủ. Bởi hôn sự của con cái thường do cha mẹ chọn cho từ những người mà cha mẹ quen biết, để ý và hài lòng hoặc do mai mối. Vì vậy, các chàng trai khi muốn bày tỏ tình cảm, tiến tới hôn nhân với một cô gái thường rất coi trọng thái độ của cha mẹ cô và phải thăm dò ý tứ cha mẹ xem cuộc nhân duyên ấy có được đồng ý không. Hành động của chàng trai không chỉ do yêu cầu của hoàn cảnh mà có lẽ còn xuất phát từ sự tôn trọng với đấng sinh thành của cô gái. Hiểu như vậy ta sẽ thấy trân trọng hơn vẻ đẹp tâm hồn của chàng trai và trách nhiệm, sự nghiêm túc của anh trong tình yêu. Tất nhiên, trong trường hợp này, như phần trên chúng tôi đã trình bày, khi cha mẹ ưng thuận thì chuyện tình cảm của họ coi như dễ dàng tiến tới hôn nhân; ngược lại, khi cha mẹ không ưng thuận thì mọi chuyện sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Thực tế đã có những cô gái, vì chữ hiếu mà đành phụ tình chàng trai mình ước hẹn.

Và dù từ chối trực tiếp hay gián tiếp thì những lời từ chối ấy cũng cho thấy sự khéo léo, tinh tế trong lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân.

Tiểu kết chương 2

1. Trong chương này, chúng tôi đã hệ thống, phân loại, miêu tả lời tỏ tình và lời hồi đáp trong ca dao người Việt - dạng đầy đủ theo ba góc độ: Kết cấu của lời tỏ tình có lời hồi đáp; cách thức thể hiện của lời tỏ tình có lời hồi đáp; nội dung của những bài ca dao tỏ tình có lời hồi đáp thuận tình và không thuận tình. Từ đó, chúng tôi thấy được những nét cơ bản về những bài ca dao tỏ tình có lời hồi đáp, thấy được phần nào vẻ đẹp văn hoá truyền thống vẻ đẹp của tâm hồn, phẩm chất, cách giao tiếp, ứng xử... của người Việt. Đó là những con người bình dị, chăm chỉ làm ăn, lạc quan, yêu đời, yêu say đắm, sống tình nghĩa thủy chung, hiếu thuận, trách nhiệm. Tuy nhiên, do phạm vi của luận văn, chúng tôi mới chỉ đề cập đến những điểm cơ bản nhất chứ chưa đi sâu vào tất cả những đặc điểm này.

2. Khảo sát 11387 bài ca dao của người Việt chúng tôi thu được 108 bài ca dao tỏ tình có lời hồi đáp - dạng đầy đủ.

- Kết cấu những bài ca dao tỏ tình có lời hồi đáp - dạng đầy đủ gồm 2 vế. Vế thứ nhất là lời tỏ tình, vế thứ hai là lời hồi đáp. Nội dung của hai vế có ý nghĩa tương đồng hoặc đối lập nhau. Trong 108 bài này số lượng bài gồm hai lượt lời là chủ yếu (chiếm 95,3%).

- Kiểu câu được sử dụng nhiều nhất trong những bài ca dao tỏ tình có lời hồi đáp - dạng đầy đủ là câu hỏi, có thể là câu hỏi trực tiếp hoặc câu hỏi gián tiếp thông qua câu đố, hình thức chơi chữ.

- Các bài ca dao tỏ tình có lời hồi đáp có nhiều cách thức thể hiện khác nhau: + Thể hiện thông qua các hình ảnh, biểu tượng trong tự nhiên (“trăng”, “tiết thu”), thế giới thực vật (“trầu vàng”, “cau xanh”, “hoa lí”, “hoa lài”, “trầm hương”), thế giới động vật (“cá”, “ong”)…Bên cạnh đó là các vật thể nhân tạo cũng hay được sử dụng như các đồ dùng cá nhân (“miếng trầu”, “nén vàng mười”…), các dụng cụ sinh hoạt gia đình (“sàng”, “ghế”…), các công cụ

sản xuất (“lừ”, “chạc rơm”, “chạc cày”…), các phương tiện sông nước (“thuyền”, “đò”…).

+ Thể hiện qua thời gian và không gian giao tiếp. Thời gian trong những bài ca dao tỏ tình có lời hồi đáp - dạng đầy đủ là thời gian của hiện tại, các từ ngữ chỉ thời gian hiện tại, thời gian buổi tối, ban đêm xuất hiện nhiều (“hôm nay”, “đêm khuya”, “bây giờ”, “đêm trăng thanh”); còn không gian là môi trường sống bình dị, quen thuộc trong đời sống của người lao động xưa

(“vườn”, “sông”, “đường”).

+ Chủ thể của lời tỏ tình chủ yếu là nam (50%). Một số trường hợp không xác định rõ chủ thể tỏ tình là nam hay nữ. (4,63%). Đó là những chàng trai, cô gái lao động như anh trai cày, chàng thợ mộc, chàng đánh lưới, cô gái hái dâu.

+ Xưng hô trong các bài ca dao tỏ tình có lời hồi đáp dạng đầy đủ chủ yếu là ngôi thứ nhất và ngôi thứ 2, giới nữ thường xưng “em”, “thiếp” và gọi đối tượng giao tiếp là “người”, “chàng” còn bên nam xưng “anh”, “mình”

gọi đối tượng giao tiếp là “em”, “nàng”, “cô”. Một số trường hợp sử dụng từ xưng hô chung cho cả hai bên như mình, ta; có trường hợp dùng từ tượng trưng để xưng hô ví von như “mận” - “đào”. Một số bài không có từ xưng hô hay chủ từ ẩn kín.

3. Về nội dung những bài ca dao tỏ tình có lời hồi đáp cho thấy khát vọng tình yêu, hạnh phúc, nỗi nhớ mong, sự thủy chung son sắt của người lao động xưa. Đồng thời thăm dò tình trạng hôn nhân của đối phương, mong muốn được gắn bó, khát vọng được cùng chung tay xây dựng hạnh phúc. Trong 108 bài ca dao tỏ tình có lời hồi - dạng đầy đủ có 59 bài có lời hồi đáp thuận tình (12 bài đối tượng giao tiếp trực tiếp đồng ý, 47 bài gián tiếp thuận tình). 49 bài có lời hồi đáp không thuận tình. Nguyên nhân chính là do cô gái chưa hiểu biết về chàng trai, cô đã có chồng, có người yêu, tình cảm của chàng trai, cô gái chưa thật sâu sắc hoặc do cha mẹ không đồng ý.

Chương 3

LỜI TỎ TÌNH VÀ LỜI HỒI ĐÁP

TRONG CA DAO NGƯỜI VIỆT - DẠNG KHÔNG ĐẦY ĐỦ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) lời tỏ tình và lời hồi đáp trong ca dao người việt (Trang 59 - 63)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(101 trang)