Nội dung của những bài ca dao là lời hồi đáp khuyết lời tỏ tình

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) lời tỏ tình và lời hồi đáp trong ca dao người việt (Trang 87 - 101)

6. Cấu trúc luận văn

3.3.2. Nội dung của những bài ca dao là lời hồi đáp khuyết lời tỏ tình

Bảng 3.6. Lời hồi đáp thuận tình và lời hồi đáp không thuận tình trong các bài ca dao là lời hồi đáp khuyết lời tỏ tình

STT Nội dung Số lượng Tỉ lệ (%)

1 Lời hồi đáp thuận tình 60 62,5

2 Lời hồi đáp không thuận tình 36 37,5

Tổng số 96 100

Kết quả khảo sát của chúng tôi cho thấy, trong ca dao tỏ tình có lời hồi đáp - dạng không đầy đủ, những bài là lời hồi đáp thuận tình chiếm 62,5% cao hơn nhiều so với những lời hồi đáp không thuận tình là 37,5%. Chẳng hạn:

Anh đây tài tử giai nhân Vì tình nên phải xuất thân giang hồ

Nói đây có chị nằm đò

Mận xanh ăn vậy, đừng chờ đào non [Ví dụ 104]

Dẫu biết cô gái đã rơi vào hoàn cảnh tình duyên ngang trái, éo le, lỡ dở như trâu quá xá, mạ quá thì nhưng chàng trai vẫn thực lòng yêu thương, trân trọng:

Bắc thang lên hái ngọn trầu vàng

Trầu em cao số muộn màng anh thương [Ví dụ 105]

Cũng bởi chàng trai đem cả tấm chân tình ra đối đãi với người con gái anh yêu nên cô đã dành cho anh một tình cảm không dễ gì đong đếm được. Lấy một cái vô cùng là nước sông Rum và cây ngàn Hống để so sánh với một cái vô cùng là tình cảm của cô gái thì thật tương xứng và giàu sức thuyết phục:

Bao giờ ngàn Hống hết cây

Sông Rum hết nước em đây hết tình [Ví dụ 106]

Và khi đã yêu thương, dành tình cảm cho nhau thì khó khăn không còn là vấn đề quá lớn:

Đã liều muối mặn dưa xanh

Gối rơm nằm đất theo anh bận này [Ví dụ 107]

Bởi cùng chung hoàn cảnh, dễ hiểu và thông cảm cho nhau, cùng đồng cam cộng khổ chia ngọt sẻ bùi:

Đó nghèo thì đây cũng nghèo

Đôi ta như bọt với bèo dưỡng nhau [Ví dụ 108]

Tuy nhiên, vì nhiều lý do khiến cô gái băn khoăn, day dứt và lo ngại cho tình yêu của mình:

Hòn đá đóng rong Vì dòng nước chảy Hòn đá bạc đầu Bởi tại sương sa

Em thương anh chẳng dám nói ra Sợ mẹ bằng đất, sợ cha bằng trời Em thấy anh cũng muốn kết đôi

Sợ vầng mây bạc trên trời mau tan [Ví dụ 110]

Đọc bài ca dao người đọc không khỏi xót xa cho bao người con gái trong một thời đại mà tình yêu gắn liền với nỗi sợ. Người con gái yêu người con trai nhưng sợ cha mẹ không dám thổ lộ. Nỗi sợ ấy rất lớn đến mức “bằng đất”,

“bằng trời” nghĩa là lớn lắm, đáng sợ lắm. Nhưng rồi tình cảm chân thành thôi thúc giúp cô vượt qua được nỗi sợ cha mẹ thì lại phải đối mặt với một nỗi sợ khác: sợ tình yêu mong manh, không bền vững. Hình ảnh “vầng mây bạc” xuất hiện cuối bài ca dao thật đẹp, như một ẩn dụ về tình yêu chung thủy của chàng trai với cô gái. Bài ca dao khép lại bằng sự băn khoăn, ngần ngại của cô gái. Điều đó chứng tỏ tình cảm cô dành cho chàng trai rất mãnh liệt nhưng chưa đủ để cô hiểu và tin vào chàng trai và tình yêu của mình.

Mặc dù vậy, thực tế dã chứng minh càng nhiều rào cản thì tình cảm chân thành của những người yêu nhau càng được khẳng định vững chắc hơn bao giờ hết:

Đôi ta mặt nguyệt hôm rằm

Bởi chưng mưa dầm nhìn chẳng thấy sao Bởi chưng cha mẹ ép vào

Làm cho khốn khổ đời nào cho ra Thác đi sợ tiếng rèm pha

Thiệt thân mà miệng người ta chê cười Chơi trăng không thẹn với trời

Chơi gương không thẹn với người trong gương Hỡi người em nhớ em thương

Sống còn em nguyện cùng chàng trăm năm [Ví dụ 111]

Đó là lúc họ đã thực sự gắn bó, tình đã nặng, nghĩa đã dày, chỉ có cái chết mới khiến họ phải xa nhau:

Bướm xa hoa, bướm khô hoa tẻ Liễu xa đào liễu ngẩn đào ngây

Đôi ta tình nặng nghĩa dày Dầu xa nhau đi nữa

Cũng ba vạn sáu ngàn ngày mới xa [Ví dụ 112]

Và dù ngay cả khi không được sống cùng nhau thì họ vẫn có thể “sánh đôi” theo một cách khác:

Em dầu có thác xuống suối vàng

Hồn em cũng bận bịu theo chàng sánh đôi [Ví dụ 113]

Tuy nhiên, không phải cứ yêu nhau sẽ đến được với nhau, không phải cứ tỏ bày tình cảm thì được chấp nhận. Có rất nhiều lý do để các chàng trai cô gái từ chối tình cảm mà người kia dành cho mình. Có thể là do cô gái không vượt qua được lễ giáo phong kiến hà khắc, sự không ưng thuận của mẹ cha:

Nước ngâm mà đậu chưa chà

Lòng em thì muốn, mẹ cha chưa ừ [Ví dụ 114] Cũng có khi vì chàng trai đã có vợ rồi:

Anh bởi mảng lo nghèo Nổi trôi như cánh bèo mặt nước Biểu cho em hay trước: anh đã có vợ rồi

Đôi ta vụng chẳng xứng đôi

Em khá về chốn kiếm lựa người trao thân [Ví dụ 115]

Cũng có khi vì nghĩ mình không xứng, không môn đăng hậu đối với chàng trai nên cô gái đành lòng từ chối tình cảm dành cho mình:

Anh về cưới vợ cho xong

Em là tép nhỏ lộn rong khó tìm [Ví dụ 116]

Cũng có cô gái vì rơi vào tình cảnh quá lứa nhỡ thì nên không sẵn sàng đón nhận tình cảm của chàng trai:

Đèn hết dầu đèn tắt Hoa rữa nhị hết thơm

Em biểu anh đừng có lên xuống đêm hôm Thế gian đàm tiếu, tiếng đồn tội em [Ví dụ 117]

Và đôi khi, khoảng cách địa lí xa xôi cũng là lí do để chàng trai, cô gái không đến được với nhau:

Em về em hỏi mẹ cha Có cho em lấy chồng xa hay gần

Có con mà gả chồng xa Một là mất giỗ, hai là mất con

Có con mà gả chồng gần

Có bát canh cần nó cũng đem cho [Ví dụ 118]

Nhưng không phải lúc nào nhân vật trữ tình cũng trực tiếp nói lời từ chối. Có những cách nói ngược, nói vòng làm cho người nghe dễ chấp nhận hơn:

Bao giờ rau diếp làm đình

Tiểu kết chương 3

1. Trong chương này, chúng tôi đã hệ thống, phân loại, miêu tả lời tỏ tình và lời hồi đáp trong ca dao người Viêt - dạng không đầy đủ và thu được kết quả như sau:

- Khảo sát 11387 bài ca dao người Việt chúng tôi thu được 306 bài ca dao tỏ tình có lời hồi đáp - dạng không đầy đủ.

- Kết cấu của những bài ca dao tỏ tình có lời hồi đáp - dạng không đầy đủ không cân đối mà chỉ có một vế. Đó là những lời tỏ tình khuyết lời hồi đáp (210 bài) hoặc lời hồi đáp khuyết lời tỏ tình (96 bài).

- Xưng hô trong các bài ca dao tỏ tình có lời hồi đáp chủ yếu là ngôi thứ nhất và ngôi thứ 2. Bên cạnh đó, có cách xưng hô không có trong những bài ca dao tỏ tình có lời hồi đáp - dạng đầy đủ như “cô ấy”. Cách xưng hô này khiến người nghe tưởng như đang nói đến ngôi thứ ba, nhưng thực chất vẫn là ngôi thứ hai hoặc cách dùng đại từ nhân xưng kèm theo các từ chỉ rõ đặc điểm, hoạt động của đối tượng (“cô kia cắt cỏ bên sông”, “cô kia cắt cỏ một mình”).

- Kiểu câu được sử dụng nhiều nhất trong những bài ca dao tỏ tình có lời hồi đáp - dạng không đầy đủ là câu trần thuật (155/306 bài).

- Mô típ trong các bài ca dao tỏ tình có lời hồi đáp - dạng không đầy đủ là sự lặp lại của các dòng thơ, các cụm từ mở đầu các bài ca dao như “Anh về”,“Hỡi cô thắt lưng bao xanh”,...

- Các bài ca dao tỏ tình có lời hồi đáp có nhiều cách thức thể hiện khác nhau: + Thể hiện thông qua các hình ảnh, biểu tượng trong tự nhiên hoặc trong cuộc sống. Hình ảnh, biểu tượng được dùng nhiều trong các bài ca dao tỏ tình có lời hồi đáp - dạng không đầy đủ là “cầu”, “trúc”/ “mai”.

+ Thể hiện qua thời gian và không gian giao tiếp. Thời gian trong những bài ca dao tỏ tình có lời hồi đáp - dạng không đầy đủ cũng là thời gian của hiện tại, còn không gian là môi trường sống bình dị, quen thuộc trong đời sống của người lao động xưa.

+ Thể hiện qua các nhân vật giao tiếp: Chủ thể của lời tỏ tình chủ yếu là nam (125 bài), lời hồi đáp là nữ (44 bài). Đó là những người lao động bình dị như chàng trai cày, cô gái thôn quê, người thợ mộc… Số trường hợp không xác định rõ chủ thể tỏ tình là nam hay nữ khá nhiều (68 bài).

2. Nội dung lời tỏ tình thường bày tỏ nỗi lòng tương tư, khát vọng được yêu thương, chờ đợi (35 bài), thăm dò tình cảm, tình trạng hôn nhân của đối phương (52 bài), mong muốn được gần gũi, gắn bó (33 bài), ước nguyện được kết duyên chồng vợ (90 bài). Trong 96 bài ca dao là lời hồi đáp khuyết lời tỏ tình có 60 bài là lời hồi đáp thuận tình và 36 bài là lời hồi đáp từ chối. Nguyên nhân chính là do khoảng cách địa lí, lễ giáo phong kiến hà khắc hoặc chính bản thân chàng trai cô gái không có tình cảm với nhau, đã có gia đình...

KẾT LUẬN

Nghiên cứu "Lời tỏ tình và lời hồi đáp trong ca dao người Việt" (trên tư liệu "Kho tàng ca dao người Việt"), chúng tôi đi đến những kết luận như sau:

1. Lời tỏ tình và lời hồi đáp trong ca dao người Việt được soi chiếu dưới các lý thuyết hội thoại, lý thuyết về hành động ngôn ngữ, lý thuyết về ca dao dân ca. Tỏ tình và hồi đáp là hoạt động quan trọng của chủ thể trữ tình trong ca dao. Dựa vào kết cấu, kiểu câu, cách xưng hô, nhân vật trữ tình, không gian, thời gian, mô típ và nội dung các bài ca dao chúng tôi thấy được vẻ đẹp tâm hồn, tình cảm và quan niệm tình yêu của người Việt xưa. Đó là những con người bình dị, chăm chỉ lao động, lạc quan, yêu đời, yêu thì say đắm, mãnh liệt, sống thì tình nghĩa, thủy chung. Những vấn đề trên đã được chúng tôi triển khai cụ thể và lồng ghép trong các chương 2 và 3 của luận văn. Đồng thời, chúng tôi cũng nhận thấy các yếu tố như hoàn cảnh, điều kiện khách quan, tư tưởng, lễ giáo phong kiến có nhiều ảnh hưởng đến tình yêu và cách ứng xử trong tình yêu của người Việt.

2. Khảo sát 11387 bài ca dao người Việt chúng tôi thu được 108 bài ca dao tỏ tình có lời hồi đáp - dạng đầy đủ; 306 bài ca dao tỏ tình có lời hồi đáp - dạng không đầy đủ (210 bài ca dao tỏ tình khuyết lời hồi đáp và 96 bài ca dao là lời hồi đáp khuyết lời tỏ tình).

- Kết cấu những bài ca dao tỏ tình có lời hồi đáp - dạng đầy đủ gồm 2 vế. Vế thứ nhất là lời tỏ tình, vế thứ hai là lời hồi đáp. Nội dung của hai vế có ý nghĩa tương đồng hoặc đối lập nhau. Trong 108 bài ca dao tỏ tình có lời hồi đáp - dạng đầy đủ các bài gồm hai lượt lời là chủ yếu (chiếm 95,3%). Còn kết cấu của những bài ca dao tỏ tình có lời hồi đáp - dạng không đầy đủ không cân đối mà chỉ có một vế. Đó là những lời tỏ tình khuyết lời hồi đáp hoặc lời hồi đáp khuyết lời tỏ tình. Đặc biệt, có những bài là vế sau của những bài ca dao tỏ tình có lời hồi đáp - dạng đầy đủ.

- Xưng hô trong các bài ca dao tỏ tình có lời hồi đáp chủ yếu là ngôi thứ nhất và ngôi thứ 2, giới nữ thường xưng “em”, “thiếp” và gọi đối tượng giao tiếp là “người”, “chàng” còn bên nam xưng “anh”, “mình” gọi đối tượng giao tiếp là “em”, “nàng”, “cô”. Một số trường hợp sử dụng từ xưng hô chung cho cả hai bên như “mình”, “ta”; có trường hợp dùng từ tượng trưng để xưng hô ví von như “mận” - “đào”. Một số bài không có từ xưng hô hay chủ từ ẩn kín. Đặc biệt, trong những bài ca dao tỏ tình có lời hồi đáp - dạng không đầy đủ còn xuất hiện cách xưng hô “cô ấy” khiến người nghe tưởng như đang nói đến ngôi thứ ba, nhưng thực chất vẫn là ngôi thứ hai hoặc cách dùng đại từ nhân xưng kèm theo các từ chỉ rõ đặc điểm, hoạt động của đối tượng (“cô kia cắt cỏ bên sông”, “cô kia cắt cỏ một mình”).

- Kiểu câu được sử dụng nhiều nhất trong những bài ca dao tỏ tình có lời hồi đáp - dạng đầy đủ là câu hỏi (79/108 bài), có thể là câu hỏi trực tiếp hoặc câu hỏi gián tiếp thông qua câu đố, hình thức chơi chữ. Kiểu câu được sử dụng nhiều nhất trong những bài ca dao tỏ tình có lời hồi đáp - dạng không đầy đủ là câu trần thuật (155/306 bài).

- Mô típ trong các bài ca dao tỏ tình có lời hồi đáp là sự lặp lại của các dòng thơ, các cụm từ mở đầu các bài ca dao như “Anh về”, “Bao giờ”, “Hỡi cô thắt lưng bao xanh”, “Đêm khuya”...

- Các bài ca dao tỏ tình có lời hồi đáp có nhiều cách thức thể hiện khác nhau: + Thể hiện thông qua các hình ảnh, biểu tượng trong tự nhiên (“trăng”, “tiết thu”), thế giới thực vật (“trầu vàng”, “cau xanh”, “hoa lí”, “hoa lài”, “trầm hương”), thế giới động vật (“cá”, “ong”)…;các vật thể nhân tạo cũng hay được sử dụng là đồ dùng cá nhân (“miếng trầu”, “nén vàng mười”…), các dụng cụ sinh hoạt gia đình (“sàng”, “ghế”…), các công cụ sản xuất (“lừ”, “chạc rơm”, “chạc cày”…), các phương tiện sông nước (“thuyền”, “đò”…).

Biểu tượng được dùng nhiều trong các bài ca dao tỏ tình có lời hồi đáp - dạng đầy đủ là “trầu”, “cau”; hình ảnh, biểu tượng được dùng nhiều trong các bài ca dao tỏ tình có lời hồi đáp - dạng không đầy đủ là “cầu”, “trúc”, “mai”.

+ Thể hiện qua thời gian và không gian giao tiếp. Thời gian trong những bài ca dao tỏ tình có lời hồi đáp là thời gian của hiện tại, các từ ngữ chỉ thời gian hiện tại, thời gian buổi tối, ban đêm xuất hiện nhiều (“hôm nay”, “đêm khuya”, “bây giờ”, “đêm trăng thanh”); còn không gian là môi trường sống bình dị, quen thuộc trong đời sống của người lao động xưa (“vườn”, “sông”, “đường”…).

+ Thể hiện qua các nhân vật giao tiếp: Chủ thể của lời tỏ tình chủ yếu là nam, lời hồi đáp là nữ. Đó là những người lao động bình dị như chàng trai cày, cô gái thôn quê, người thợ mộc… Một số trường hợp không xác định rõ chủ thể tỏ tình là nam hay nữ.

3. Nội dung lời tỏ tình thường bày tỏ nỗi lòng tương tư, thăm dò tình cảm, tình trạng hôn nhân của đối phương và mong muốn được gần gũi, gắn bó, ước nguyện được là vợ là chồng, muốn được cùng chung tay xây dựng hạnh phúc, chăm sóc cha mẹ, chia sẻ khó khăn. Trong 108 bài ca dao tỏ tình có lời hồi - dạng đầy đủ có 59 bài có lời hồi đáp thuận tình, 49 bài có lời hồi đáp từ chối. Trong 96 bài ca dao là lời hồi đáp khuyết lời tỏ tình có 60 bài là lời hồi đáp thuận tình và 36 bài là lời hồi đáp từ chối. Nguyên nhân chính là do cô gái chưa hiểu biết về chàng trai, cô đã có chồng, có người yêu; tình cảm của chàng trai, cô gái chưa thật sâu sắc; khoảng cách địa lí xa xôi hoặc do cha mẹ không đồng ý, do hoàn cảnh của họ không môn đăng hậu đối.

Với những kết quả nghiên cứu đã đạt được, luận văn sẽ mang đến cho những người làm công tác giảng dạy, nghiên cứu, học tập ca dao những hiểu biết tương đối đầy đủ, hệ thống về lời tỏ tình và lời hồi đáp trong ca dao của người Việt, từ đó mang lại những hiệu quả thiết thực trong nghiên cứu, giảng dạy và học tập ca dao.

4. Tuy nhiên, do phạm vi hạn chế của đề tài, chúng tôi mới chỉ dừng lại ở việc tìm hiểu lời tỏ tình và lời hồi đáp trong ca dao của người Việt trên các phương diện hình thức, một số cách thức thể hiện và nội dung của một số bài

tiêu biểu. Trong đó còn có những vấn đề liên quan đến đề tài mà chúng tôi chưa có điều kiện đề cập đến cần được tiếp tục nghiên cứu như các phong tục, lễ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) lời tỏ tình và lời hồi đáp trong ca dao người việt (Trang 87 - 101)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(101 trang)