Về kết quả bước lấy thận và rửa thận

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kết quả ghép thận ở bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối từ người cho sống tại bệnh viện trung ương thái nguyên​ (Trang 59 - 61)

Trong ghép thận từ người sống cho thân, hai phẫu thuật lấy thận từ người cho và phẫu thuật ghép thận vào người bệnh thường được thực hiện bởi 2 kíp mổ khác nhau, xen giữa đó là một kíp rửa thận, cùng tiến hành song song ở 2 phòng mổ. Công việc của các kíp phải được phối hợp chặt chẽ, để đảm bảo thận lấy ra phải được ghép kịp thời. Phẫu thuật lấy thận thường được bắt đầu trước [4], [10], [13].

Nguyên tắc của phẫu thuật lấy thận ghép là phải đảm bảo tuyệt đối an toàn với người cho thận. Hậu phẫu nhẹ nhàng tránh không có biến chứng xảy ra. Thận được ghép phải được lấy trong điều kiện lý tưởng, các đặc điểm giải phẫu thận hầu như được biết trước mổ ngay từ buổi hội chẩn, giúp chủ động khi phẫu thuật. Trong mổ lấy thận thao tác nhẹ nhàng, không được gây tổn

thương cho thận cũng như những cơ quan đi kèm đó là hệ mạch gồm có động mạch, tĩnh mạch thận và niệu quản, đồng thời động mạch, tĩnh mạch, niệu quản thận lấy phải đảm bảo được độ dài và hình thái mặt giải phẫu tốt giúp thuận lợi cho ca ghép sau đó, thời gian thiếu máu nóng càng ngắn càng tốt để không làm ảnh hưởng tới chức năng thận ghép sau này [4], [13].

Trong 22 trường hợp nghiên cứu, chúng tôi thực hiện hoàn toàn bằng phương pháp phẫu thuật mở. Thận được lấy bên trái là 20/22 trường hợp, bên phải là 2/22 trường hợp và tất cả các ca ghép đều vào vùng hố chậu bên phải của người bệnh được ghép.

Qua nghiên cứu, sau mổ lấy thận, quan sát đặc điểm hình thái bề mặt thận hiến chúng tôi nhận thấy thận được lấy có nhu mô nhẵn bóng, hồng đều chiếm tỉ lệ cao nhất 90,90%. Tỉ lệ thận có nang nhỏ(<5mm) rất thấp 9,10%. Không có quả thận ghép nào trên bề mặt sau mổ ra có các nốt sẹo, viêm dính. Kết quả này trong nghiên cứu của tôi là tốt hơn so với nghiên cứu của Nguyễn Nhật An, chỉ có 50/67 trường hợp (74,60%) là thận lấy có bề mặt nhẵn bóng, hồng đều, có 11/67 trường hợp (16,40%) thận có các nốt sẹo, viêm dính và thận có nang nhỏ 6/67 trường hợp (9%) [2]. Nghiên cứu của Nguyễn Thị Ánh Hường cũng cho kết quả tương tự, với đa số các trường hợp là thận ghép lấy ra hồng đều, bề mặt nhẵn bóng (89,90%), chỉ có 5,60% trường hợp bề mặt thận có nang nhỏ trên thận (<5mm) mà trên siêu âm không phát hiện ra được [14].

Các trường hợp có nang nhỏ trên thận thì sự ảnh hưởng tới chức năng thận sau này là không đáng kể, tuy nhiên những trường hợp quả thận được ghép có các nốt sẹo viêm dính, thậm chí có tổn thương nhu mô hay hệ mạch rốn thận sẽ ảnh hưởng lớn tới chức năng thận sau này, việc đánh giá có ý nghĩa hết sức quan trọng về mặt tiên lượng chức năng thận sau ghép [23], [10].

Thận lấy ra trong quá trình rửa thận, chúng ta có thể đánh giá được trực tiếp và so sánh với kết quả trên cắt lớp vi tính. Qua 22 cặp ghép, chúng tôi

nhận thấy số lượng động mạch và tĩnh mạch thận hoàn toàn tương đồng với kết quả trên cắt lớp vi tính. Thận ghép có 1 động mạch 77,30%. Thận ghép có 1 tĩnh mạch 95,50%. Không có trường hợp nào thận ghép có ≥3 động mạch và ≥3 tĩnh mạch. Mặc dù kết quả cận lâm sàng trước mổ cho phép xác định về đặc điểm giải phẫu động mạch, tĩnh mạch thận, đã giúp phẫu thuật viên chủ động hơn trong phẫu thuật lấy thận, tuy nhiên trong khi mổ có thể gặp các biến đổi bất thường về mạch máu thận lấy. Nghiên cứu của chúng tôi chưa có trường hợp nào xảy ra, do số lượng nghiên cứu còn ít. Nghiên cứu của Nguyễn Nhật An qua 67 trường hợp, có 3 trường hợp thấy có 1 động mạch trên cắt lớp vi tính, tuy nhiên, khi lấy thận trong quá trình rửa lại thấy thận có tới 2 động mạch [2]. Một nghiên cứu khác, của Cao Quyết Thắng, nghiên cứu trên 33 trường hợp, thì có 2 trường hợp thấy có 1 động mạch trên cắt lớp vi tính nhưng khi lấy thận rửa thận lại xác định số lượng là 2 động mạch [23]. Ngược lại, cũng có trường hợp khi xác định trên cắt lớp vi tính là 2 động mạch thận nhưng khi lấy thận, rửa thận thì chỉ quan sát thấy 1 động mạch , đó là 1 trường hợp trong nghiên cứu của Lê Bá Hạnh nghiên cứu trên 46 cặp ghép thận [11]. Rõ ràng cận lâm sàng mà chủ yếu là chẩn đoán hình ảnh đóng vai trò rất lớn trong việc tiên lượng hình thái giải phẫu của thận ghép, tuy nhiên kết quả trên phim chụp so với thực tế vẫn còn sai số do nhiều lý do khác nhau. Người phẫu thuật viên cần nắm được điều này, để thận trong trong quá trình mổ, đánh giá tốt được tình trạng giải phẫu một cách trực tiếp của quả thận ghép, qua đó có phương án phẫu tích, bóc tách phù hợp thuận lợp cho ca ghép.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kết quả ghép thận ở bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối từ người cho sống tại bệnh viện trung ương thái nguyên​ (Trang 59 - 61)