Sau khi thận được lấy khỏi người hiến, thận hiến được một ê kíp rửa, sau đó tiếp tục được mang sang kíp phẫu thuật ghép thận hiến vào người bệnh. Ngoài công đoạn chuẩn bị phẫu trường và vị trí đặt thận ghép sao cho thuận lợi, không thể thiếu trong bước này đó là thì khâu nối mạch máu và trồng niệu
quản vào bàng quang. Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy, thời gian khâu nối động mạch trung bình là 20,50±5,70 phút. Thời gian khâu nối tĩnh mạch trung bình là 27,40±7,0 phút. Thời gian trồng niệu quản trung bình là 24,41±6,03 phút. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi, cho thấy thời gian nhiều hơn so với nghiên cứu của Lê Bá Hạnh tại bệnh viện Quân Y 103 qua 46 trường hợp trong hai năm 2015-2016 là 15,96±6,34 với nối động mạch, 14,41±3,78 với nối tĩnh mạch [11]. Điều này cũng dễ hiểu bởi bệnh viện Quân y 103 là cơ sở ghép thận đầu tiên của Việt Nam năm 1992, cho tới nay, kĩ thuật của bệnh viện là hết sức thành thục với các êkip mổ tay nghề cao. Tại bệnh viện Trung Ương Thái Nguyên, nghiên cứu của chúng tôi là 22 trường hợp ghép thận đầu tiên tiến hành tại bệnh viện, được các y bác sĩ ở đây trực tiếp thực hiện, với sự chuyển giao kỹ thuật từ các phẫu thuật viên trình độ cao, kinh nghiệm lâu năm đến từ Bệnh viện Quân Y 103.
Ngay sau khi mũi chỉ cuối của việc ghép nối được thực hiện, việc mở kẹp mạch để đánh giá hết sức quan trọng. Trong nghiên cứu này, cả 22 trường hợp chúng tôi thấy sau mở kẹp mạch thì miệng nối căng phồng, thận hồng đều và nước tiểu xuất hiện dưới 5 phút chờ. Với kết quả này, việc tiên lượng sớm với 22 trường hợp chúng tôi nghiên cứu là tốt. So với với nghiên cứu của Lê Bá Hạnh qua 46 trường hợp đạt >90% [11]. Một nghiên cứu khác, của Lê Anh Tuấn và cộng sự qua 126 trường hợp tại bệnh viện Quân Y 103 (01/2011- 01/2015) cũng cho kết quả rất tốt. 100% các trường hợp thận được cấp máu tốt, miệng nối không chảy máu, không bị hẹp, thận căng, hồng ngay khi thả kẹp mạch, có 98,41% các trường hợp có nước tiểu ngay tại bàn mổ [29].