Kết quả bảng 3.7 cho thấy, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm đờm AFB dương tính 1 (+) là chủ yếu, chiếm 48,9%; nhóm đối tượng có AFB dương tính 2 (+) cũng chiếm tỷ lệ khá cao là 25,2%; ít gặp nhất là nhóm đối tượng có AFB dương tính 3 (+), chỉ chiếm 11,5%.
Cận lâm sàng, giá trị bạch cầu: số bệnh nhân có tăng BC khi vào viện chiếm 42,4%, Về giá trị Hb: số bệnh nhân giảm Hb khi vào viện chiếm 23,7%. Giá trị Creatinin: số bệnh nhân tăng Creatinin khi vào viện chiếm 11,5%, kết quả này tương đương với Hoàng Văn Cường năm 2014, số bệnh nhân có tăng Creatinin máu chiếm 12,7%. Về giá trị Ure huyết thanh: số bệnh nhân tăng Ure khi vào viện chiếm 7,9%, Kết quả này tương đương với Hoàng Văn Cường, 2014, số bệnh nhân lao phổi khi vào viện có tăng Ure máu chiếm 8,5% [7]. Giá trị axit Uric: số bệnh nhân tăng axit Uric khi vào viện chiếm 13,7%, Tỷ lệ bệnh nhân có tăng axit Uric như trên là thấp nếu so sánh với nghiên cứu của Doãn Thị Tường Vi, 2007 là 35,6% ở nhóm từ trên 45 tuổi [5], [7].
Giá trị AST huyết thanh: số bệnh nhân tăng AST khi vào viện chiếm 23,7%, kết quả này phù hợp với kết quả nghiên cứu của tác giả Hoàng Văn Cường, số bệnh nhân có tăng AST chiếm 19,1. Giá trị ALT huyết thanh: số bệnh nhân tăng ALT khi vào viện chiếm 17,3% [7].
Trên phim XQuang phổi chuẩn cho thấy, chủ yếu là hình ảnh các đám thâm nhiễm chiếm 55,4%, sau đó là các nốt 25,1%, hang là 10,1%. Vị trí tổn thương chủ yếu có cả hai bên phổi (76,3%), rất ít tổn thương đơn độc một bên phổi, cụ thể tổn thương phổi phải là 12,9% và phổi trái là 10,8%. Kết quả này cũng tương đương với tác giả Huỳnh Đình Nghĩa [33], [34].
4.2 Kết quả điều trị của phác đồ 6 tháng (2RHZE/4RHE)
Theo kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy các triệu chứng đã giảm đi rõ rệt, đặc biệt là các triệu chứng như mệt mỏi, gầy sút cân, sốt nhẹ về chiều
hay ra mô hôi trộm đã giảm mạnh. Sau hai tháng chỉ có 4,3% còn biểu hiện mệt mỏi, gầy sút cân. Tuy nhiên sau khi điều trị 6 tháng các triệu chứng này đã mất đi hoàn toàn, không bệnh nhân nào còn các triệu chứng này. Các triệu chứng khác như ho, khó thở, đau ngực, ho ra máu, rale ở phổi cũng hết sau 6 tháng điều trị. Điều này cho thấy hiệu quả của phác đồ điều trị cho bệnh nhân là phù hợp.
Khi vào viện, 100% các trường hợp có kết quả nhuộm soi đờm là 100% AFB (+) nhưng sau 2 tháng điều trị tỷ lệ này đã giảm mạnh chỉ còn 2,1% và sau điều trị 6 tháng thì 100% bệnh nhân có kết quả AFB (-). Đồng thời các chỉ số xét nghiệm cũng đã thay đổi. Cụ thể như, số lượng bạch cầu sau 2 tháng giảm xuống còn 8,6% và sau 6 tháng chỉ còn 1,4%. Về lượng Hb: sau 2 tháng chỉ còn 7,9% và sau 6 tháng chỉ còn 3,6% giảm Hb. Các chỉ số BC và Hb được cải thiện tốt qua thời gian điều trị.
Số bệnh nhân tăng Creatinin sau 2 tháng tăng lên là 20,1% và sau 6 tháng chỉ còn 7,2%. Tương đương với Hoàng Văn Cường, 2014, sau 2 tháng tăng lên 3 lần là 36,1%. Số bệnh nhân tăng Ure sau 2 tháng tăng lên là 14,4% và sau 6 tháng vẫn là 6,5%. Kết quả này tương đương với Hoàng Văn Cường [7], 2014, sau 2 tháng điều trị lại tăng rất cao là 31,8%. Giá trị AST huyết thanh: số bệnh nhân tăng AST khi vào viện chiếm 23,7%, sau 2 tháng tăng lên là 28,1% và sau 6 tháng có giảm ít là 17,3%. Số bệnh nhân tăng ALT khi vào viện chiếm 17,3%, sau 2 tháng tăng lên là 22,3% và sau 6 tháng có giảm ít là 7,2%. Hầu hết các loại thuốc chống lao hiện nay đang sử dụng đều gây độc với gan. Đặc trưng chủ yếu là thoái hóa hoại tử và viêm tế bào gan. Các xét nghiệm men AST và ALT trong huyết thanh là cơ sở đánh giá các rối loạn chức năng gan trong nhiều trường hợp, đặc biệt là tổn thương gan do thuốc. Trong nghiên cứu của chúng tôi, tỷ lệ bệnh nhân nhóm không có tiền sử dùng bia, rượu tăng AST và ALT máu sau khi dùng thuốc chiếm 4,5% đến 18,2%. Nhóm bệnh nhân có tiền sử
nghiện rượu, bia có mức tăng AST và ALT máu trong giai đoạn điều trị tấn công là 25% đến 58,3%. Như vậy, việc sử dụng thuốc điều trị lao trên bệnh nhân có tiền sử nghiện rượu, bia làm tăng rõ rệt trị số hai loại men gan này. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi tương đương với nghiên cứu của Trần Đình Quang và CS [42], [51], [69], thấy ALT tăng 23,73U/L, AST tăng 20,25 U/L, có sự biến đổi rõ rệt hai trị số này sau khi dùng thuốc lao. Có sự khác biệt về diễn biến tăng men gan ở hai nhóm bệnh nhân tiền sử nghiện rượu, bia và không nghiện rượu. Nhóm bệnh nhân không nghiện rượu, bia men gan tăng chủ yếu sau 15 và 30 ngày điều trị (tỷ lệ 9,1% -18,2%), sau đó men gan giảm dần, đến ngày thứ 60 chỉ còn một bệnh nhân (chiếm 4,5%) còn tăng AST và ALT máu. Nhóm bệnh nhân có tiền sử nghiện rượu,bia tăng men gan suốt trong thời gian điều trị, đến ngày thứ 60, tỷ lê bệnh nhân còn men gan tăng vẫn chiếm 25%- 33,33%. Có thể, ở những bệnh nhân do uống rượu,bia trong nhiều năm đã có tổn thương tiềm tàng trong tế bào gan, khi dùng thuốc chống lao, mặc dù không còn sử dụng rượu,bia nữa, nhưng ảnh hưởng của thuốc đến tế bào gan sẽ nhiều hơn, rõ rệt hơn so với nhóm không có tiền sử nghiện bia, rượu.
Xét nghiệm về chức năng gan, thận có nhiều thay đổi, thường tăng lên do các tác dụng phụ của thuốc chống lao, tăng ở 2 tháng đầu. Có thể, những bệnh nhân này, do có tổn thương tiềm tàng trong tế bào gan, khi dùng thuốc chống lao, ảnh hưởng của thuốc đến tế bào gan. Một số trường hợp tăng men gan cao, kèm theo biểu hiện triệu chứng lâm sàng rõ rệt, phải có chỉ định giảm hoặc dừng thuốc lao và điều trị từng trường hợp cụ thể.
Sau 06 tháng điều trị bằng phác đồ (2RHZE/4RHE), tỷ lệ bệnh nhân lao phổi mới AFB (+) được điều trị khỏi chiếm một tỷ lệ rất cao là 86,3%, tức là người bệnh điều trị đủ thời gian và có kết quả xét nghiệm đờm âm tính tháng cuối cùng và ít nhất 1 lần trước đó; bệnh nhân hoàn thành điều trị là 16 người, tương đương với 11,5% người bệnh điều trị đủ thuốc, đủ thời gian nhưng không
xét nghiệm đờm hoặc chỉ có xét nghiệm đờm một lần âm tính từ tháng thứ 5.; tuy nhiên vẫn có 02 trường hợp thất bại điều trị, chiếm tỷ lệ nhỏ là 1,4%. Chương trình Chống lao cũng đã triển khai nghiên cứu đánh giá kết quả điều trị bệnh nhân lao phổi mới bằng công thức 6 tháng trên toàn bộ bệnh nhân lao phổi AFB dương tính mới được phát hiện và quản lý điều trị phác đồ 6 tháng bắt đầu từ tháng 7/2009 đến tháng 06/2011 tại 3 tỉnh Hà nội, Nam định và Hải dương [4]. Kết quả nghiên cứu cho thấy kết quả điều trị rất tốt. Bệnh nhân lao phổi mới AFB (+) được điều trị bằng phác đồ 6 tháng có tỷ lệ khỏi cao (92,5%), tỷ lệ chết và thất bại, bỏ trị đều thấp (1,9; 0,5 và 1,5%). So với kết quả điều trị của BN lao phổi AFB dương tính mới của các tỉnh khác trên toàn quốc, tỷ lệ khỏi của phác đồ điều trị 6 tháng cao hơn (92,5% so với 90,8%), tỷ lệ chết thấp hơn (1,9% so với 2,8%); tỷ lệ thất bại thấp hơn (0,5% so với 1,2%) và tỷ lệ chuyển cao hơn (2,4% so với 1,7%) [17], [18], [20].
Số liệu của Chương trình Chống lao cũng cho thấy kết quả điều trị cao hơn ở công thức điều trị 6 tháng. Cụ thể, kết quả điều trị của 1943 bệnh nhân lao phổi AFB dương tính mới thu nhận điều trị năm 2010 thì tỷ lệ khỏi đạt 92,5%, hoàn thành điều trị là 1,2%, tỷ lệ tử vong là 1,9%, tỷ lệ thất bại là 0,5%, tỷ lệ bỏ trị là 1.5% và tỷ lệ chuyển là 2,4%. So sánh với kết quả chung trên toàn quốc thì tỷ lệ khỏi cao hơn ở 3 tỉnh triển khai công thức 6 tháng (92,5% so với 90,8%); tỷ lệ thất bại điều trị thấp hơn (0,5% so với 1,2%) và tỷ lệ tử vong thấp hơn (1,2% so với 1,6%) [17], [18], [20].
So sánh kết quả điều trị của 2062 bệnh nhân lao phổi AFB dương tính mới thu nhân điều trị năm 2011 với kết quả điều trị bệnh nhân lao phổi AFB dương tính mới toàn quốc cũng cho thấy tỷ lệ điều trị khỏi cao hơn (91,7% so với 91,1%), tỷ lệ chết thấp hơn (1,7% so với 2,6%), tỷ lệ thất bại thấp hơn (0,4% so với 1,1%) và tỷ lệ bỏ trị thấp hơn (1,2% so với 1,8%) [17], [18], [20].