Về lý do vào viện: bảng 3.3 cho thấy triệu chứng ho kéo dài là lý do vào viện nhiều nhất của các đối tượng trong nghiên cứu, với tần xuất 92,1%; tiếp theo là lý do sốt kéo dài, xuất hiện 64,0%; gầy sút cân, gặp 19,4%; các lý do khác ít gặp hơn là ho ra máu, khó thở, đau ngực chiếm tỷ lệ lần lượt là 9,4%, 43,9%; 53,2%. Kết quả này tiếp tục cho thấy dấu hiệu ho kéo dài trong phát hiện bệnh lao phổi là quan trọng vì nó là dấu hiệu rất thường gặp của bệnh nhân lao phổi. Về tiêu chuẩn thời gian kéo dài cũng có thay đổi, theo CTCLQG từ 2009 đến nay thời gian này được rút ngắn là 2 tuần chứ không phải là 3 tuần như trước đây [1], [2], [14]. Các lý do vào viện được xác định trong nghiên cứu là lý do chính yếu buộc người bệnh phải đi khám và nhập viện. Do đó các tỷ lệ
dấu hiệu lý do vào viện xẽ không tương đương với các triệu chứng lâm sàng khi khám và hỏi như ở các bảng 3.6, 7, 8 mô tả về triệu chứng lâm sàng.
Về tiền sử và yếu tố nguy cơ mắc lao: kết quả bảng 3.4 của chúng tôi cho thấy 36,0% các trường hợp mắc bệnh lao không rõ hay không xác định được các yếu tố nguy cơ mắc lao của bản thân từ các nguồn hay nguy cơ nào. Chỉ có 8,6% các bệnh nhân chỉ ra được là có tiếp xúc với nguồn lây hay gia đình có người mắc lao. Một số các yếu tố nguy cơ khác như hút thuốc lá, thuốc lào và nghiện rượu.
Về thời gian chẩn đoán bệnh: thời gian phát hiện là khoảng thời gian từ khi có triệu chứng lâm sàng đến khi được chẩn đoán bệnh. Theo TCYTTG bệnh nhân lao được phát hiện trước 2 tháng là chẩn đoán sớm [61], [62]. Trong nghiên cứu của chúng tôi, đa số bệnh nhân được chẩn đoán sớm trước 2 tháng chiếm 81,3%, những bệnh nhân được chẩn đoán muộn sau 2 tháng chỉ chiếm 18,7%. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,05. Kết quả này có ý nghĩa rất lớn trong việc điều trị, giúp bệnh nhân mắc lao nhanh chóng hồi phục nhờ phát hiện sớm, bệnh nhẹ hơn, tổn thương lao ít hơn, và ít vi khuẩn lao kháng thuốc hơn.
Về khởi phát bệnh (tại biểu đồ 3.2) có tới 70,5% bệnh nhân khởi phát bệnh từ từ. Như vậy là phù hợp với diễn biến kinh điển của bệnh lao phổi. Sau khi được chẩn đoán xác định, người bệnh cần được đăng ký quản lý điều trị ngay càng sớm càng tốt tại một đơn vị chống lao tuyến huyện và tương đương. Cán bộ Tổ chống lao sẽ đăng ký người bệnh vào sổ đăng ký điều trị, lập thẻ người bệnh, lập phiếu điều trị có kiểm soát để theo dõi (mỗi người bệnh sẽ có một số đăng ký, thẻ người bệnh và phiếu điều trị có kiểm soát), đồng thời cán bộ chống lao huyện tư vấn cho người bệnh kiến thức cơ bản về điều trị lao [1], [2], [6].
Về điểm triệu chứng toàn thân: kết quả bảng 3.6 cho thấy triệu chứng toàn thân hay gặp nhất khi vào viện là triệu chứng mệt mỏi, chiếm 85,2%; sau đó là triệu chứng gầy sút cân cũng gặp ở phần lớn các bệnh nhân, chiếm 60,2%; triệu chứng sốt nhẹ về chiều chiếm 36,0%; ra mồ hôi trộm ít gặp nhất, chiếm 13,7%.
Về triệu chứng cơ năng: theo nghiên cứu của chúng tôi cho thấy triệu chứng khiến bệnh nhân phải vào viện chủ yếu là ho kéo dài chiếm tới 82,7%, sau đó là sốt kéo dài là 36,0%, đau ngực 70,5%, khó thở 35,2% và ho ra máu là 10,1%. Ho kéo dài là một triệu chứng phổ biến của lao phổi, theo nghiên cứu của USAID có tới 72,0% bệnh nhân lao khi vào viện có ho kéo dài trên 2 tuần, 33,0% là mệt mỏi/ kiệt sức và 31,0% là đau ngực [67]. Việc phát hiện lao phổi sớm và kịp thời rất quan trọng trong điều trị lao phổi và góp phần giảm thiểu tỷ lệ mắc lao trong cộng đồng, để làm được điều này bản thân người bệnh nói riêng, cũng như đối với cộng đồng nói chung cần có những kiến thức và thái độ đúng khi xuất hiện các triệu chứng cơ năng của lao phổi. Kết quả nghiên cứu của tác giả Nguyễn Hữu Lân về “Cập nhật tình hình dịch tễ bệnh lao – chẩn đoán điều trị lao phổi” cho thấy triệu chứng phổ biến nhất là khó thở. Theo nhiều tác giả triệu chứng của lao phổi trong thời kỳ bắt đầu có tới 80-90% là ho khạc đờm kéo dài. Đối với những trường hợp có ho khạc đờm kéo dài trên 2 tuần là dấu hiệu nghi lao trên lâm sàng cần nhanh chóng làm xét nghiệm đờm để có thể chẩn đoán sớm [24], [28].
Về triệu chứng thực thể: khi bệnh nhân vào viện, các triệu chứng điển hình là mệt mỏi chiếm 85,2%, gầy sút cân 60,2%, sốt nhẹ về chiều 36,0% và ra mồ hội trộm là 13,7%. Các triệu chứng này phù hợp với các triệu chứng thường gặp của lao phổi. Tuy nhiên bên cạnh đó bệnh nhân đã có các triệu chứng thực thể như 14,4% bệnh nhân mắc lao đã có biểu hiện biến dạng lồng ngực và 71,9% có rale ở phổi.