Điều kiện kinh tế xã hội

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp phát triển thủy sản bền vững trên địa bàn huyện na hang, tỉnh tuyên quang (Trang 50 - 53)

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

2.1.2. Điều kiện kinh tế xã hội

Na Hang có 1.792 hộ với 45.985 nhân khẩu. Mật độ dân số bình quân của toàn khu vực là 39 người/km2. Dân số phân bố tương đối đồng đều giữa các xã trong khu vực, mật độ cao nhất ở xã Thanh Tương (82 người/km2), thấp nhất ở xã Sơn Phú (12 người/km2). Dân tộc trong vùng gồm có 3 dân tộc chính là Tày ưu thế chiếm 47,5% số hộ, Dao chiếm 35,7% số hộ, Mông chiếm 11,5% số hộ; ngoài ra là dân tộc Kinh, Cao lan, Nùng, Hoa, Hán (chiếm 5,3%).Nguồn thu nhập chính của người dân dựa vào các hoạt động nông nghiệp (với lúa và ngô là các cây trồng chính).

Na Hang có 12 xã, thị trấn với 127 thôn bản. Số người trong độ tuổi lao động là 5.787người (chiếm 65% dân số). Hiện tại lao động ở khu vực nông thôn mới sử dụng 80% số ngày làm việc trong năm nên có thể huy động lao động nhàn rỗi để tăng thu nhập.

- Về nông, lâm nghiệp, thủy sản

+ Về trồng trọt và lâm nghiệp: Trên địa bàn huyện Na Hang có một số cây trồng có tiềm năng, thế mạnh và đã được đưa vào Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ huyện (khóa XXI), nhiệm kỳ 2016-2020 như: Lúa nếp cái hoa vàng; cây đậu tương, đậu xanh với trên 100 ha và đang hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung; có trên 1.300 ha diện tích chè đặc sản của huyện tại các xã Sinh Long, Hồng Thái, Sơn Phú,... Na Hang với trên 11.000 ha diện tích rừng trồng

sản xuất. Trong giai đoạn 2016-2020 huyện tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao năng suất rừng trồng, khai thác có hiệu quả nhằm phục vụ công nghiệp chế biến gỗ của huyện và của tỉnh Tuyên Quang.

+ Chăn nuôi: Huyện Na Hang có thế mạnh chăn nuôi những vật nuôi đặc sản của địa phương như: Sản phẩm thịt lợn đen địa phương, chăn nuôi gà đồi, trâu thương phẩm và xây dựng thương hiệu thịt trâu khô Na Hang.

+ Thủy sản: Với diện tích mặt nước lớn, trên 4.500 ha (do huyện quản lý) có lợi thế để phát triển cho nuôi trồng thủy trên hồ thuỷ điện Tuyên Quang; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển nuôi cá trên hồ thuỷ điện gắn với chế biến đặc biệt là phát triển nuôi cá đặc sản.

- Về phát triển công nghiệp:Na Hang có lợi thế về phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng với các mỏ đá tập trung ở xã Năng Khả, Đà Vị; công nghiệp khai khoáng quặng barit ở Hang Khào, thị trấn Na Hang; quặng kim loại màu: chì, kẽm,… ở khu vực các xã Năng Khả, Khâu Tinh, Côn Lôn,...

- Về du lịch, dịch vụ:Với nền văn hóa khá đa dạng và phong phú và được thiên nhiên ưu đãi ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh như: Núi Pác Tạ, thác Pác Ban (còn gọi là Thác Mơ), hang Phia Muồn (đã được khai quậtnghiên cứu xác định là người tiền sử sinh sống cách nay trên 8.000 năm), động Nà Chao, hang Thẳm Pioóng. Mặt khác, công trình Hồ thủy điện Tuyên Quang có công suất 342 MW gồm 3 tổ máy, sản lượng điện hàng năm 1.295 triệu KWđi vào hoạt động đã tạo cho Na Hang một vùng hồ rộng lớn trên 8.000 ha (bao gồm cả diện tích quản lý của huyện Lâm Bình) đã tạo ra sự kết nối các tuyến đường thủy từ Na Hang với các xã của huyện, nối liền với khu danh thắng Quốc gia đặc biệt Ba Bể của tỉnh Bắc Kạn; huyện Bắc Mê của tỉnh Hà Giang. Ngoài những danh lam thắng cảnh nổi tiếng thì các đền, chùa như Đền Pác Tạ, Pác Vãng có từ thế kỷ thứ XIII cũng được trùng tu, khôi phục đã đáp ứng phần nào việc thăm quan, thưởng ngoạn các thắng cảnh và du lịch tâm linh của du khách khi đến với Na Hang. Có thể nói: Núi rừng hùng vĩ; thiên nhiên tươi đẹp; con

người hồn hậu, lịch lãm được kết tinh từ bề dầy của lịch sử, văn hóa - đó chính là tiềm năng to lớn để huyện Na Hang phát triển trong thời gian tới.

Tuyến đường Quốc lộ 279, tỉnh lộ 176, tuyến đường thủy lòng hồ thủy điện Tuyên Quang, đây là các tuyến đường có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế; ngoài ra còn có các tuyến đường huyện lộ; đường liên thôn, liên xã; đến nay đã có 12/12 xã, thị trấn và 119/127 thôn bản có đường ôtô đến trung tâm. Tuy nhiên, chất lượng đường kém thường gập ngềnh, nhỏ hẹp, nhiều ổ gà, ổ voi ảnh hưởng đến việc đi lại và giao lưu sản phẩm hàng hóa của nhân dân các dân tộc trong vùng .

Hệ thống thủy lợi huyện đã và đang từng bước được củng cố và phát triển, các công trình thủy lợi hiện nay chủ yếu là các công trình tạm, trong chương trình 135 của các xã đã được thực hiện một số công trình thủy lợi kiên cố.

Trong những năm qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách, đầu tư kinh phí cho y tế nhằm nâng cao sức khỏe cho nhân dân. Hệ thống y tế từ huyện đến cơ sở đã có sự quan tâm đầu tư cả về đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất và trang thiết bị khám, chữa bệnh; Y tế thôn, làng từng bước phát triển. Công tác y tế dự phòng được triển khai có hiệu quả, các ổ dịch đã được phát hiện và ngăn chặn kịp thời, không để lan rộng. Công tác xã hội hoá về y tế có nhiều tiến bộ, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Công tác khám chữa bệnh theo thẻ BHYT ngày càng được hoàn thiện, chất lượng được nâng cao. Tuy nhiên, công tác khám chữa bệnh cho nhân dân vẫn còn có mặt hạn chế, cán bộ y tế còn thiếu và yếu, cơ sở vật chất trang thiết bị khám chữa bệnh còn thiếu, việc chăm sóc sức khoẻ cho người dân ở vùng sâu, vùng xa còn hạn chế.

Sự nghiệp giáo dục luôn được Cấp uỷ, Chính quyền địa phương quan tâm đúng mức và có nhiều chuyển biến tích cực, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được đầu tư, cơ bản đã xoá được trường học tạm, lớp tạm. Công tác xã hội hóa giáo dục được quan tâm; các chủ trương chính sách hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số được triển khai tốt. Tỷ lệ học sinh đạt tốt nghiệp phổ thông trung học những năm gần đây ngày càng tăng.

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được đầu tư, góp phần thay đổi cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân. Tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm khoảng gần 20%. Công tác khuyến học đã được quan tâm đúng mức và đạt hiệu quả.

Hiện nay toàn huyện đã có 12/12 số xã, thị trấn có điện sinh hoạt, trên 90% số hộ gia đình dùng điện lưới quốc gia. Các mặt hoạt động văn hóa thông tin đã chú trọng vào mục đích bồi dưỡng, phát triển nhân tố con người, từng bước xây dựng nếp sống văn hóa làng xã, văn hóa cộng đồng; giữ gìn và phát huy bản sắc truyền thống dân tộc, khôi phục các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Tày, Mông,... Từng bước xây dựng nếp sống văn hóa ở các cơ quan, đơn vị và khu dân cư.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp phát triển thủy sản bền vững trên địa bàn huyện na hang, tỉnh tuyên quang (Trang 50 - 53)