Tình hình nuôi trồng thủy sản của Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp phát triển thủy sản bền vững trên địa bàn huyện na hang, tỉnh tuyên quang (Trang 39 - 43)

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

1.2.2. Tình hình nuôi trồng thủy sản của Việt Nam

Thuỷ sản là ngành hàng có vị trí quan trọng trong nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Đối với nước ta, thuỷ sản hiện đang cung cấp một nguồn thực phẩm quan trọng cho tiêu dùng trong nước và góp phần không nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu của nước nhà. Thủy sản Việt Nam phát triển với 2 đồng bằng châu thổ rộng lớn là đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng nằm ở 2 miền Nam Bắc, có 12 đầm phá và nhiều vũng vịnh chạy dọc ven biển miền trung, nhiều cửa sông lớn phân bố từ bắc vào nam và có hệ thống hồ chứa phong phú. Hội tụ của nhiều hệ sinh thái đặc trưng phù hợp cho phát triển nuôi trồng thủy sản như hệ sinh thái cửa sông, rừng ngập mặn, đất ngập nước và hệ sinh thái ven biển, đảo, vũng vịnh.

Việt Nam có bờ biển dài 3.260 km với 112 cửa sông, có nhiều eo biển, hồ, đầm phá ven biển có thể phát triển nuôi trồng thuỷ sản với nhiều loài thuỷ sản khác nhau. Những năm gần đây, ngành thuỷ sản phát triển nhanh trên tất cả các mặt mở rộng diện tích, phát triển các hình thức nuôi trồng tiến bộ, thâm canh tăng năng suất, đa dạng chủng loại thuỷ sản nuôi trồng và phát triển nuôi trồng nhiều các loại thuỷ sản có giá trị kinh tế cao phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu.

Theo số liệu của Viện Kinh tế quy hoạch Thủy sản (2012), năm 2010 cả nước có trên 1 triệu ha mặt nước nuôi trồng thủy sản, tăng 45% so với năm 2001, bình quân giai đoạn 2001-2010 tăng 4,2%/năm Trong đó, vùng ĐBSH chiếm 11,64%, vùng TDMNPB chiếm 4,07%, vùng BTB&DHMT chiếm 7,35%, vùng Tây Nguyên chiếm 1,75%, vùng ĐNB chiếm 4,99%, và vùng ĐBSCL chiếm 70,19%. Về tăng trưởng diện tích: vùng Tây Nguyên có tốc độ tăng trưởng cao nhất đạt 14,4%/năm; kế tiếp vùng TDMNPB đạt mức tăng trưởng 8,8%/năm; các vùng còn lại có mức tăng trưởng bình quân từ 3,9-4,5%/năm.

Về diện tích nuôi trồng thủy sản nước ngọt hiện nay cả nước có trên 390 nghìn ha, trong đó vùng ĐBSH chiếm 22,98%, vùng TDMNPB chiếm 11,44%, vùng BTB&DHMT chiếm 13,13%, vùng Tây Nguyên chiếm 4,91%, vùng ĐNB chiếm 9,7%, và vùng ĐBSCL chiếm 37,83%. Tỷ trọng diện tích phân theo đối tượng nuôi: nuôi cá tra chiếm 2,22%, cá rô phi 3,38%, tôm càng xanh 3,35%, cá truyền thống 91,04%. Trong các đối tượng nuôi nước ngọt thì cá tra có lợi thế về năng suất và thị trường tiêu thụ. Đây là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản.

Kết quả thống kê cho thấy, năm 2010 toàn quốc đạt sản lượng nuôi nước ngọt khoảng trên 2 triệu tấn, trong đó vùng ĐBSH chiếm 13,73%, vùng TDMNPB chiếm 3,85%, vùng BTB&DHMT chiếm 3,89%, vùng Tây Nguyên chiếm 0,92%, vùng ĐNB chiếm 3,34%, và vùng ĐBSCL chiếm 74,27%. Trong tổng sản lượng NTTS nước ngọt, sản lượng cá tra chiếm 51,73%, cá rô phi 2,04%, tôm càng xanh 0,33%, cá truyền thống 22,17%, thủy sản khác chiếm 23,74%.

Kinh tế hộ gia đình tiếp tục phát triển và đóng góp quan trọng trong phát triển nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, quy mô sản xuất hộ (lao động, đất đai) nhìn chung không lớn, bình quân 1 hộ có 2,6 lao động. Đến nay đã có trên 476 nghìn hộ kinh doanh cá thể, tăng hơn 11 lần so với năm 1996 và hơn 2 lần so với năm 2000; Tổng số HTX nuôi trồng thủy sản cả nước có 236 HTX, trong đó thành lập mới 180 HTX và chuyển đổi 56 HTX. Diện tích mặt nước nuôi trồng thủy

sản do HTX quản lý hơn 45 nghìn héc ta, bình quân mỗi HTX quản lý 192 ha. Về số lượng xã viên: dưới 10 xã viên có 23 HTX, từ 10 - 50 xã viên có 151 HTX, từ 51 - 100 xã viên có 18 HTX và trên 100 xã viên có 44 HTX. Bình quân lao động trong một HTX là 19,1 người. Kinh tế hợp tác trong hoạt động thủy sản có sự chuyển biến tích cực. Về tổ đội hợp tác, đến nay có gần 1.100 THT với khoảng trên 80 ngàn lao động, tăng hơn 5,7 lần so với năm 1996 và tăng hơn 1,8 lần so với năm 2000. Đến nay có khoảng 600 HTX nghề cá hoạt động có hiệu quả với số lao động khoảng 25 nghìn người, tập trung chủ yếu là HTX nuôi trồng thủy sản và dịch vụ thủy sản. Giai đoạn 2001 - 2006, do nhu cầu cung ứng dịch vụ thúc đẩy sản xuất nên số HTX thủy sản mới thành lập tăng hơn 3 lần so với các hợp tác xã chuyển đổi. Kinh tế trang trại tiếp tục phát triển và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản. Kinh tế trang trại có xu hướng tăng về số lượng. Trang trại tập trung chủ yếu vào hoạt động nuôi trồng thủy sản và kinh doanh tổng hợp. Năm 2001, cả nước có trên 17 nghìn trang trại thủy sản, năm 2006 đã tăng lên trên 33 nghìn trang trại (tăng gần 2 lần). Năm 2009 có 33.711 trang trại, trong đó: 4.725 trang trại nuôi cá (14,02%), 27.807 trang trại nuôi tôm (82,49%), và trang trại nuôi các đối tượng khác là 1.179 (3,49%). Diện tích đất trang trại nuôi trồng thủy sản là 102 nghìn héc ta. Quy mô trang trại dưới 1 ha có 5.874 trang trại; từ 1-3 ha có 13.828 trang trại; từ 3-5 ha có 9.695 trang trại; từ 5-10 ha có 3.365 trang trại và trên 10 ha có 949 trang trại. Năm 2010, tổng số trang trại nuôi trồng thủy sản của cả nước đã tăng lên 37.142 trang trại, trong đó ĐBSCL có số lượng trang trại chiếm nhiều nhất với 26.894 trang trại.

Để khai thác và sử dụng hiệu quả tiềm năng nuôi trồng thủy sản, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 1445/QĐ-TTg ngày 16 tháng 8 năm 2013 về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản Việt Nam đến 2020, tầm nhìn 2030, theo đó định hướng phát triển nuôi trồng thủy sản theo các vùng sinh thái:

- Vùng Đồng bằng sông Hồng: Duy trì ổn định nuôi thủy sản nước ngọt ở các tỉnh nội đồng, đối tượng nuôi cá truyền thống, cá rô phi với phương thức nuôi thâm canh và bán thâm canh. Phát triển nuôi ven biển các loài thủy sản nước lợ có giá trị kinh tế cao (tôm sú, tôm chân trắng, ngao, cua xanh,...) theo phương thức thâm canh và bán thâm canh ở các vùng có điều kiện thích hợp. Trồng rong biển, nuôi các đối tượng hải sản khác theo phương thức hữu cơ (nuôi sinh thái). Phát triển nuôi các loài cá biển, trai ngọc, tu hài, hàu tại các khu vực ven các đảo như Cô Tô, Bái Tử Long, Cát Bà, Bạch Long Vĩ,...

- Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung: Khai thác tiềm năng mặt nước hồ chứa thủy lợi, thủy điện để nuôi các đối tượng cá nước ngọt truyền thống theo hình thức thâm canh, bán thâm canh. Phát triển nuôi trồng thủy sản nước lợ khu vực cửa sông, ven biển, đầm phá (các loài tôm sú, tôm chân trắng, tôm hùm, nhuyễn thể, cá cảnh biển, các loài hải đặc sản, rong biển,...) theo phương thức thâm canh và bán thâm canh. Phát triển nuôi trồng các loài cá biển, rong biển,... tại các vùng khu vực quanh các đảo, quần đảo.

- Vùng Đông Nam bộ: Khai thác tiềm năng mặt nước hồ chứa thủy lợi, thủy điện nuôi các đối tượng cá nước ngọt truyền thống (rô phi, lóc bông,...) theo hình thức thâm canh, bán thâm canh và lồng bè. Phát triển nuôi trồng thủy sản nước lợ khu vực cửa sông, ven biển (các loài tôm sú, tôm chân trắng, nhuyễn thể, rong biển,...) theo phương thức thâm canh, bán thâm canh. Duy trì các mô hình nuôi hữu cơ (nuôi sinh thái) vùng ven biển, rừng ngập mặn thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Phát triển nuôi cá cảnh theo hướng sản xuất hàng hóa phục vụ du lịch và xuất khẩu.

- Vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Khai thác lợi thế hệ thống sông ngòi, bãi bồi ven sông phát triển nuôi thủy sản nước ngọt các đối tượng chủ yếu: Cá tra, tôm càng xanh, cá bản địa,... theo hình thức thâm canh, bán thâm canh. Phát triển nuôi trồng thủy sản nước lợ khu vực cửa sông, ven biển các loài tôm sú, tôm chân trắng, nhuyễn thể (như nghêu, sò huyết, cá chẽm, cá mú,...)

theo phương thức thâm canh, bán thâm canh, quảng canh cải tiến. Duy trì các mô hình nuôi hữu cơ (nuôi sinh thái) vùng ven biển, rừng ngập mặn. Phát triển các mô hình nuôi trồng hải sản trên biển và ven các đảo.

- Vùng Trung du miền núi phía Bắc và Tây Nguyên: Phát triển nuôi các loài thủy sản truyền thống, thủy đặc sản nước ngọt, cá nước lạnh (cá hồi, cá tầm,...) trên các hồ chứa, ao hồ nhỏ, các vùng nước sông, suối, gắn với bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp phát triển thủy sản bền vững trên địa bàn huyện na hang, tỉnh tuyên quang (Trang 39 - 43)