Tình hình phát triển thủy sản ở huyện Na Hang

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp phát triển thủy sản bền vững trên địa bàn huyện na hang, tỉnh tuyên quang (Trang 43 - 45)

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

1.2.3. Tình hình phát triển thủy sản ở huyện Na Hang

Na Hang là huyện miền núi, vùng cao của tỉnh Tuyên Quang, có khí hậu ôn hoà do ảnh hưởng bởi khí hậu nhiệt đới gió mùa, đặc trưng nóng và ẩm. Mùa mưa thường bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 11, lượng mưa trung bình hàng năm đạt 1.050 mm. Địa hình núi đá, độ dốc và dòng chảy lớn. Nhiệt độ trung bình trong năm là 27ºC. Độ ẩm trung bình trên 84%.

Là địa phương có thế mạnh để phát triển thủy sản, những năm qua, tỷ trọng về thủy sản trong cơ cấu nông nghiệp của huyện Na Hang không ngừng tăng lên cả số lượng và chất lượng. Na Hang có mặt nước hồ thuỷ điện rộng,với hồ có nhiều eo ngách, khe lạch, nguồn nước trong sạch chưa bị ô nhiễm bởi các chất thải độc hại. Nguồn lợi thuỷ sản phong phú, đa dạng, nhiều loài thuỷ sản quý hiếm đặc hữu có giá trị kinh tế. Sản lượng khai thác và nuôi trồng thuỷ sản của hồ đạt 700- 1.100 tấn/năm. Chủ yếu là các loài tự nhiên như: Tôm, Tép, cá Trắm, Mè, Trôi, Chép, Rô phi, Ngão, Mương, Chiên, Lăng, Bỗng, Hảo, Rầm xanh, Anh vũ, Chạch sông,... Có thể nói điều kiện tự nhiên thuận lợi, tiềm năng lợi thế rất lớn là cơ sở để phát triển thuỷ sản sạch trong hiện tại và tương lai cho một địa phương miền núi như huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Na Hang, toàn huyện hiện nay có hơn 600 lồng nuôi thủy sản, sản lượng ước đạt 648,1 tấn với tổng giá trị ước đạt 32 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 1.300 người. Triển khai Nghị quyết số 12/2014/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, UBND huyện Na Hang đã

thẩm định và trình phê duyệt cho 25 hộ vay vốn nuôi cá lồng, với số vốn vay là 4,2 tỷ đồng để khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực thủy sản.

Để phát triển nghề thủy sản theo hướng bền vững, huyện Na Hang đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn triển khai nhiều dự án nuôi trồng thủy sản trong hồ thủy điện Tuyên Quang. Cùng với đó, UBND huyện tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện quy chế quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, đảm bảo nguồn lợi thủy sản ngày càng dồi dào. Nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản, UBND huyện đã phối hợp với Tổng cục Thủy sản triển khai điểm thả cá giống bổ sung xuống hồ thủy điện Tuyên Quang, cụ thể: Năm 2013 thả 17.900 con với 7 loài cá; năm 2014 tiến hành thả 48.500 con cá giống với 5 loài cá và ngày 12-10-2015 thả gần 67.000 con cá giống với các loại cá gồm: Chép, mè hoa, anh vũ, dầm xanh, bỗng, trôi. Trong đó, Công ty TNHH Long Giang và hộ gia đình chị Trương Thị Hoài Linh đã chung tay ủng hộ 32.760 con cá trôi giống.

Việc phát triển thủy sản trên hồ chứa và nuôi cá eo, ngách, nuôi cá lồng bè tập trung đã góp phần tạo thêm nhiêu công ăn việc làm tăng nguồn thực phẩm, cải thiện đời sống nhân dân. Đồng thời còn tạo thêm cảnh quan du lịch sinh thái, góp phần thúc đẩy ngành du lịch của tỉnh Tuyên Quang và huyện Na Hang ngày càng phát triển.

Thực tế hiện nay, việc phát triển nghề nuôi cá lồng còn tồn tại nhiều khó khăn, ngay cả trong công tác bảo vệ nguồn lợi, môi trường thủy sản. Trước hết đó là cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật để phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển thủy sản còn thiếu. Tất cả mới chỉ dừng lại ở một số mô hình hỗ trợ và tạo cơ chế thông thoáng. Muốn nghề cá phát triển thì cần có những yếu tố như phải có các trại cá, bến cá, cơ sở hậu cần thủy sản, phương tiện tuần tra. Ngay cả lực lượng cán bộ chuyên môn hiện nay quá ít nên việc triển khai các công tác quản lý, các chương trình phát triển bị hạn chế, chưa có tổ chức chuyên

ngành về thủy sản. Về cơ chế quản lý thì vẫn chưa có những hướng dẫn cụ thể, các chế tài, phân cấp quản lý dẫn đến nguồn lợi thủy sản tự nhiên bị xâm hại. Đời sống người dân khu vực lòng hồ còn nhiều khó khăn là nguyên nhân dẫn đến khai thác, đánh bắt thủy sản bừa bãi.

Để nghề nuôi cá lồng khu vực lòng hồ thủy điện Na Hang, Tuyên Quang phát triển một cách bền vững thì yếu tố đầu tiên là phải khắc phục được những khó khăn trên và bảo vệ được môi trường. Hiện số lượng người tham gia khai thác tự do khu vực lòng hồ khá lớn, có hộ vẫn còn sử dụng các loại phương tiện hủy diệt, xâm hại đến môi trường. Các cơ quan chức năng cần phải đẩy mạnh công tác kiểm tra và phải có chế tài xử phạt những đối tượng vi phạm. Thực tế, nghề nuôi cá lồng là nghề mới đối với bà con vùng lòng hồ nên cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân thấy được hiệu quả từ việc nuôi cá lồng. Cùng với đó là lồng ghép các chương trình hỗ trợ về giống, vốn, kỹ thuật nuôi trồng cho bà con.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp phát triển thủy sản bền vững trên địa bàn huyện na hang, tỉnh tuyên quang (Trang 43 - 45)