Nội dungnghiên cứu các giải pháp phát triển thủy sản

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp phát triển thủy sản bền vững trên địa bàn huyện na hang, tỉnh tuyên quang (Trang 27 - 30)

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

1.1.3. Nội dungnghiên cứu các giải pháp phát triển thủy sản

Nội dung nghiên cứu giải pháp phát triển thủy sản được tập trung đánh giá thực trạng triển khai các chính sách và giải pháp phát triển nuôi trồng thủy sản trên các khía cạnh sau:

1.1.3.1. Thực trạng công tác tuyên truyền và ban hành các quy định phát triển nuôi trồng thủy sản

Công tác tuyên truyền là một bộ phận không thể tách rời trong thực thi các chính sách nói chung và phát triển nuôi trồng thủy sản nói riêng. Tuyên truyền nhằm mục đích thay đổi nhận thức, hành vi của hộ nuôi trồng thủy sản và đánh giá mức độ đúng đắn của các chính sách đã ban hành.

Hình thức tuyên truyền giáo dục thông qua các hình thức như: Sinh hoạt của các tổ chức (Họp thôn, Tổ, sinh hoạt hội phụ nữ, nông dân,...), các lớp học, lớp tập huấn,.. lồng ghép các nội dung tuyên truyền nuôi trồng thủy sản vào nội dung phát triển kinh tế - xã hội của ngành, của tổ chức, của địa phương, bao gồm việc thực thi chương trình xoá đói giảm nghèo, chính sách dồn điền đổi thửa, chuyển dịch cơ cấu cây trồng - vật nuôi, xây dựng nông thôn mới,…

Đánh giá thực trạng việc ban hành các quy định của tỉnh, huyện và xã trong vận dụng các chính sách về nuôi trồng thủy sản của Đảng, Nhà nước ở địa phương nhằm phát triển nuôi trồng thủy sản một cách hiệu quả.

1.1.3.2. Thực trạng triển khai các giải pháp phát triển thủy sản

- Quy hoạch vùng nuôi: Xây dựng quy hoạch vùng nuôi là yếu tố cực kỳ quan trọng quyết định tới hiệu quả và sự phát triển bền vững của nuôi trồng thủy sản. Cơ sở để xây dựng một quy hoạch mang tính khoa học và thực tiễn là phải nghiên cứu đánh giá về tiềm năng, lợi thế và nhu cầu của người nuôi trồng thủy sản ở địa phương. Quy hoạch này vừa tận dụng lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng, lao động, những điều kiện có sẵn như hệ thống giao thông, kênh mương thủy lợi, hồ đầm,... như chuyển đổi đất trũng, trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, vừa góp phần nâng cao năng suất, sản lượng thủy sản nuôi trồng và bảo vệ môi trường vùng nuôi. Nội dung quan trọng nhất là quy hoạch hệ thống giao thông, thủy lợi, cấp thoát nước cho vùng nuôi.

Khi thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa, các xã đã khảo sát xây dựng quy hoạch vùng nuôi; phân cấp quản lý cho thôn, các hộ dân; hàng năm rà soát lại diện tích của các hộ để bổ sung vào quy hoạch; kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện đào ao, đánh giá tác động môi trường vùng nuôi và tu bổ, bảo dưỡng hạ tầng, chống xuống cấp các công trình trong vùng nuôi.

Tuy nhiên, cần đánh giá việc xây dựng quy hoạch vùng nuôi gắn với triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện nhằm hoàn thiện và đồng bộ giữa các quy hoạch để tránh sự nhỏ lẻ, tự phát cả về quy hoạch đất đai, quy hoạch nuôi trồng và bảo vệ môi trường cho giai đoạn 2017 - 2020.

- Phát triển cơ sở hạ tầng vùng nuôi: xây dựng hạ tầng kỹ thuật mương máng, thủy lợi, hệ thống điện, đường giao thông, thông tin liên lạc ở vùng nuôi trồng thủy sản là những yếu tố quan trọng, quyết định năng suất, sản lượng và hiệu quả của nuôi trồng thủy sản. Nhận thức được điều này, các địa

phương trong huyện và các chủ hộ đã dựa vào điều kiện thực tiễn ở địa phương để xây dựng hệ thống đường, điện, kênh mương, ao nuôi phù hợp và hiệu quả. Nhiều nơi, đã đầu tư ngân sách làm đường trục chính của vùng nuôi; hệ thống kênh mương, điện, nước sinh hoạt được xây dựng bên cạnh đường đi vừa thuận tiện cho việc xây dựng vừa thuận tiện trong việc di chuyển và quản lý. Nghiên cứu sẽ đánh giá thực trạng việc đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi theo quy hoạch đã phê duyệt; tập trung chủ yếu vào các hạng mục chính như đường giao thông trong vùng đã đáp ứng yêu cầu cho vận chuyển cá, thức ăn ra ao nuôi; hệ thống kênh mương thuỷ lợi đã đáp ứng lấy nước, tiêu nước cho ao nuôi của hộ, hệ thống điện phục vụ cho sinh hoạt và nuôi trồng tại ao nuôi,…Bên cạnh đó, cần đánh giá về chính sách vốn đầu tư xây dựng hạ tầng vùng nuôi: của tỉnh, huyện, xã, người dân chi cho hạ tầng nuôi trồng thủy sản. Đánh giá về quản lý hạ tầng đối với những vùng nuôi đã thực hiện, về bảo dưỡng, bảo trì, chống xuống cấp đối với các hạng mục trên.

- Tiếp cận các yếu tố đầu vào cho sản xuất: giống, vốn, thức ăn,... Hỗ trợ kỹ thuật như xây dựng hệ thống thú y thuỷ sản, dịch vụ kỹ thuật đủ mạnh tới cấp xã để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất kinh doanh an toàn, hiệu quả. Công tác tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người nuôi trồng thủy sản nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất.

- Giải pháp về liên kết và thị trường tiêu thụ: Thị trường tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt với thủy sản là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến mục đích, khả năng đầu tư và quy mô sản xuất thủy sản. Nghiên cứu tập trung đánh giá các giải pháp, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động tiêu thụ sản phẩm, đó là việc triển khai chủ trương liên kết "4 nhà" trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản của huyện, việc hình thành liên kết giữa hộ nuôi và doanh nghiệp; mối liên kết giữa các hộ nuôi với nhau cũng như hộ nuôi trong các tổ hợp tác, câu lạc bộ khuyến nông,...

- Giải pháp về vấn đề môi trường: Nếu không chú ý tới quản lý môi trường vùng nuôi, để môi trường vùng nuôi bị ô nhiễm sẽ dẫn tới việc đối tượng nuôi bị dịch bệnh và chết hàng loạt, gây thất thu lớn cho người nuôi. Nghiên cứu sẽ đánh giá tác động môi trường, giúp hộ nuôi quản lý, xử lý ô nhiễm môi trường vùng nuôi thông qua việc áp dụng công nghệ mới thân thiện với môi trường; công tác cải tạo, quản lý ao nuôi; việc sử dụng thức ăn tự chế sang thức ăn công nghiệp; từ dùng hoá chất, thuốc kháng sinh chuyển dần sang dùng các chế phẩm sinh học.

Đánh giá việc quản lý môi trường của cơ quan quản lý thông qua công tác quy hoạch, xây dựng hạ tầng xử lý nước; quan trắc, cảnh báo tác động môi trường vùng nuôi. Ý kiến đánh giá người nuôi về tác động của môi trường vùng nuôi: nguồn nước, tỷ lệ xuất hiện của dịch bệnh, tỷ lệ suy giảm các loài tự nhiên quanh khu vực ao nuôi,...

Tóm lại: Trong phần nội dung nghiên cứu sẽ tập trung vào đánh giá những thuận lợi, những khó khăn hạn chế trong việc thực hiện các giải pháp phát triển thủy sản trên địa bàn huyện Na Hang trong giai đoạn 2015 - 2017 để làm cơ sở đề xuất hoàn thiện các giải pháp trong những năm tiếp theo

1.1.3.3. Đánh giá kết quả phát triển thủy sản

Để đánh giá thành quả của việc thực hiện các giải pháp phát triển thủy sản, nghiên cứu tập trung nội dung đánh giá thực trạng phát triển thủy sản (chủ yếu là đánh giá phát triển sản xuất và phát triển tiêu thụ sản phẩm thủy sản) để minh chứng cho kết quả của quá trình phát triển.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp phát triển thủy sản bền vững trên địa bàn huyện na hang, tỉnh tuyên quang (Trang 27 - 30)