Kiểu nhân vật tư tưởng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hà nội trong sáng tác của nguyễn huy tưởng trường hợp sống mãi với thủ đô (Trang 81 - 87)

Chương 3 MỘT SỐ ĐẶC SẮC NGHỆ THUẬT

3.1. Nghệ thuật xây dựng nhân vật

3.1.1. Kiểu nhân vật tư tưởng

Nói đến nhân vật văn học là nói đến con người được miêu tả, thể hiện trong tác phẩm bằng phương tiện văn học. Chức năng của nhân vật là khái quát những quy luật của cuộc sống con người, thể hiện những hiểu biết, những ước ao và kì vọng về con người. Nhà văn sáng tạo nhân vật là để thể hiện những cá nhân xã hội nhất định và quan niệm về các nhân tố đó. Nói cách khác, nhân vật là phương tiện khái quát các tính cách, số phận con người và các quan niệm về chúng. Trong tác phẩm văn học nhân vật không chỉ là nơi để thể hiện tư tưởng của nhà văn, chủ đề của tác phẩm mà còn là nơi tập trung các giá trị nghệ thuật của tác phẩm, thể hiện tài năng nghệ thuật của nhà văn.

Trong tiểu thuyết Sống mãi với thủ đô, Nguyễn Huy Tưởng xây dựng kiểu nhân vật tư tưởng - là loại nhân vật tập trung thể hiện một tư tưởng, một ý thức tồn tại trong đời sống tinh thần của xã hội. Ðể xây dựng thành công một nhân vật văn học, nhà văn phải có khả năng đồng cảm, phát hiện những đặc điểm bền vững ở nhân vật. Ðiều này đòi hỏi nhà văn phải hiểu đời và hiểu người. Nhưng có một điều không kém phần quan trọng là nhà văn phải miêu tả, khắc họa nhân vật ấy sao cho có sức thuyết phục mạnh mẽ đối với người đọc. Nguyễn Huy Tưởng đã rất thành công trong việc xây dựng nhân vật Trần Văn - nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết, nhân vật tư tưởng, nhân vật điển hình trong thiên truyện.

Ðọc một tác phẩm, cái đọng lại sâu sắc nhất trong tâm hồn người đọc thường là số phận, tình cảm, cảm xúc, suy tư của những con người được nhà văn thể hiện. Nguyễn Huy Tưởng đã đi vào miêu tả cử chỉ, hành động, những trạng thái tâm lí góp phần tạo nên tính cách điển hình của nhân vật.

Nguyễn Huy Tưởng tập trung miêu tả những trạng thái tâm lí, đời sống nội tâm của nhân vật bằng vốn ngôn ngữ giàu hình ảnh, giàu cảm xúc để cho người đọc thấy được chiều sâu tâm hồn của nhân vật, khiến nhân vật hiện lên chân thực, sinh động. Quá trình đến với cuộc kháng chiến của Trần Văn là sự chuyển biến lớn lao trong suy nghĩ, nhận thức.

Tác giả khắc họa nhân vật Trần Văn - một thầy giáo trường tư trong quá trình đến với cách mạng với những trạng thái tâm lí đa dạng, phong phú. Nhân vật Trần Văn để lại ấn tượng đậm nét nhất trong thiên truyện bởi đây là nhân vật thể hiện tư tưởng của nhà văn. Trong quá trình đến với cách mạng, tâm lí Trần Văn có nhiều sự thay đổi trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Nguyễn Huy Tưởng đã để cho nhân vật tự bộc lộ đời sống nội tâm qua nhiều hoàn cảnh.

Đó là niềm vui sướng, hạnh phúc khi anh được sống trong những ngày đất nước tự do, độc lập: “Anh có ngờ đâu Cách mạng tháng Tám nổ ra, nước Việt Nam nhỏ bé của anh ngang nhiên thành lập chế độ cộng hòa dân chủ đầu tiên ở châu Á, và chính anh lại được sống những ngày lớn lao ấy. Anh bàng hoàng như mê say, mặt bừng bừng nóng. Anh nhảy nhót trên con đường đầy ánh sáng của một mùa thu tuyệt đẹp. Anh ngẩng đầu ngắm lá cờ đỏ sao

vàng trên đỉnh cột cờ, nhìn vòm trời xanh lồng lộng” [35,26]. Niềm hạnh

phúc ấy khiến anh thấy mình gắn bó với vận mệnh dân tộc và anh tự nguyện đến với cách mạng.

Là một thanh niên tiểu tư sản, lúc đầu anh cũng mang theo bản chất yếu đuối, sợ gian khổ, sợ hi sinh, không dám hoạt động cách mạng. Khi chứng kiến một người cách mạng lao vào xe điện của giặc hi sinh để bảo vệ đồng đội mình, Trần Văn có suy nghĩ: “Có điều là mình nhát sợ. Mình phục những người cộng sản thì có phục nhưng không dám nhìn. Những hi sinh của họ

quá cái sức của mình” [35,36]. Nhưng nỗi sợ hãi đó dần dần biến mất, Trần

Văn đã hòa chung với các tầng lớp, đặc biệt là thanh niên Thủ đô, anh đã xác định được lý tưởng của mình, muốn đóng góp sức mình cho cách mạng. Anh đã đến với cách mạng và làm những công việc thật ý nghĩa.

Niềm hạnh phúc lớn lao trong anh khi được là những chiến sĩ thủ đô, góp phần vào sự bình yên của thành phố: “Trần Văn cảm thấy có một cái gì vui không thể nói được, nó ấm ấm, nhẹ nhẹ, phơi phới từ bên trong đưa ra. Cái vui mỏi mệt của một người bằng lòng đã làm được một việc gì thiết thực và thấy mình gắn sâu vào cuộc đấu tranh chung, hòa với cái say sưa của bỡ ngỡ và cái

khoái cảm đau đớn của bắp thịt bị tù hãm, bước đầu được kích thích” [35,76].

Bỏ lại sau lưng người mẹ già để bước vào trận chiến, lòng anh tràn đầy tình cảm nhớ thương: “Vào trong buồng của mẹ, anh với tay lên tường lấy cái ba lô quần áo mà mẹ đã đưa may từ mấy hôm trước. Anh quàng cái quai lên vai, ngùi ngùi nhớ mẹ mà anh không rời từ thuở nhỏ. Anh đứng ngắm cái buồng con của mẹ, cái sập mộc, cái hòm khóa chuông anh vẫn nghe quen, cái thạp gạo mẹ đã đong đầy, cuộn bóng thủ gói trong một tờ báo mẹ đã sắm để chuẩn bị Tết sắp đến. Tất cả toát lên một cái gì sơ sài, tạm bợ, lạnh lẽo của những nơi người già ở. Sự vắng mặt của mẹ càng tăng thêm cái không khí cô độc, hiu hắt

[35,100]. Tham gia kháng chiến tức là anh phải từ bỏ nhiều thứ quan trọng, là người mẹ đáng thương, là gia đình, là công việc dạy sử yêu thích. Nguyễn Huy Tưởng rất am hiểu nhân vật, ông đặt nhân vật của mình trong nhiều hoàn cảnh để nhân vật tự bộc lộ cá tính. Lúc đầu tuy còn băn khoăn, sợ hãi nhưng khi thực sự bước vào trận chiến, Trần Văn cũng đã hòa chung với không khí của người dân Thủ đô, anh tự nguyện dấn thân vào cuộc chiến và tha thiết được cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc: “Cuộc sống lặng lẽ đã qua rồi. Ạnh đã viết cái lời thề sống chết. Quen hay không quen, sống hay chết, anh vẫn cứ phải đi vào cuộc chiến đấu. Vui sướng biết bao nếu trong trận cuối cùng

này anh được là người cuối cùng hy sinh cho tự do của dân tộc” [35,210]. Anh

cũng chứng tỏ tuổi trẻ Thủ đô là những thanh niên sống có lý tưởng cao đẹp: “Người ta thường trách thanh niên chúng ta không có lý tưởng. Đây là lúc chúng ta có một lý tưởng để mà phụng thờ, để mà hy sinh…Ngoài cái ăn cái mặc ra, còn phải suy nghĩ làm sao có thể giúp ích cho đời, phải có cái gì để lại,

nó đánh dấu sự tồn tại của một con người, nó nâng con người lên trên cái ăn cái mặc. Đấy là lý tưởng, đấy là lý do sự có mặt của mình trên trái đất”

[35,240]. Với khả năng quan sát, những am hiểu sâu sắc về tâm lí đã giúp nhà văn diễn tả một cách tài tình những tâm trạng, những suy nghĩ, những phản ứng tâm lí của nhân vật, sự biểu hiện hợp lí nội tâm góp phần quan trọng tạo nên sức sống cho nhân vật. Có được thành công đó là sự am hiểu sâu sắc cuộc sống và con người, nắm bắt được những biểu hiện và diễn biến dù nhỏ nhặt nhất đời sống bên trong của nhân vật.

Bên cạnh việc miêu tả tinh tế, phong phú diễn biến tâm lí nhân vật trong quá trình đến với cách mạng, Nguyễn Huy Tưởng còn xây dựng được tính cách điển hình cho nhân vật thông qua nghệ thuật miêu tả hành động, cử chỉ. Cử chỉ, hành động giúp nhân vật trở nên sống động, sắc nét và chân thực hơn. Miêu tả quá trình đến với cách mạng của Trần Văn, lúc đầu anh còn sợ hãi, lo lắng nhưng cuối cùng anh đã tham gia vào cuộc chiến với tất cả sự kiên quyết và gan dạ.

Bên cạnh những đoạn văn miêu tả sâu sắc thế giới nội tâm của nhân vật, Nguyễn Huy Tưởng để cho nhân vật của mình hành động để tự bộc lộ phẩm chất. Đó là cảnh Trần Văn chia tay người mẹ tản cư về quê còn anh ở lại. Giữa lúc người Hà Nội tản cư rầm rập thì anh lại hiên ngang ở lại thủ đô, kiên quyết bám trụ thành phố. Cùng với mọi người trong tiểu đội, anh tham gia đắp ụ ngăn bước tiến của kẻ thù đã thể hiện được ý chí, tinh thần “quyết tử

cho Tổ quốc quyết sinh” của một người thanh niên thủ đô: “ Giờ hành động

đã đến rồi. Anh sẵn sàng làm tất cả những việc gì khó nhọc, nguy hiểm. Khi được lệnh của ủy ban là phải tích cực đào hầm đắp ụ, anh không chờ đến tối nữa, ra đây xẻ đường với một tiểu đội trong trung đội của anh. Anh hăm hở tưởng như anh có thể đào ngay được một cái hào sâu, dựng ngay một chiến lũy, to hơn, vững chắc hơn những cái ụ ở Khâm Thiên, ở ô Chợ Dừa, ở Cầu

Nguyễn Huy Tưởng chọn lọc nhiều chi tiết qua đó giúp người đọc thấy được bản chất, cá tính nhân vật. Trần Văn thu xếp đồ đạc, gác bỏ những thứ không cần thiết. Anh bỏ lại sau lưng sách vở, giấy má - những món đồ quen thuộc của một thầy giáo, cặp da của anh giờ nhét đầy các thứ cần thiết hơn: khẩu súng lục, mấy quả lựu đạn, một nắm lương khô. Đó là hành trang của một người chiến sĩ Thủ đô, chi tiết ấy cho thấy anh đã sẵn sàng từ bỏ hạnh phúc cá nhân, nhường chỗ cho lợi ích của cộng đồng. Dọn dẹp đồ đạc, thấy tấm ảnh của Trinh - người yêu cũ cũng làm Trần Văn nhớ về quá khứ tươi đẹp của hai người, nhưng trong thời điểm hiện tại, không gì quan trọng hơn là tham gia kháng chiến bảo vệ Thủ đô, bảo vệ Tổ quốc bằng hành động dứt khoát “Anh thở phì một cách chua chát, vung tay trong một cử chỉ dứt khoát, cúi xuống khóa ngăn kéo, cầm lấy cái cặp chứa nặng những võ khí và bước xuống dưới nhà” [32,99]. Miêu tả hành động kiên quyết ấy của Trần Văn, nhà văn cũng muốn cho người đọc thấy được ý chí của tầng lớp thanh niên Hà Nội bấy giờ. Họ dũng cảm, kiên cường, sẵn sàng bỏ lại những hạnh phúc riêng tư, hướng đến lợi ích của tập thể, của cả dân tộc. Nhà văn đã để cho nhân vật của mình thể hiện lí tưởng bằng những hành động cụ thể, những công việc nhỏ bé thôi nhưng thật có ý nghĩa. Không chỉ đào hầm, đắp ụ với mọi người, Trần Văn còn làm nhiệm vụ gác đêm thay cho bạn: “Trời sáng rõ, anh vui sướng làm xong cái nhiệm vụ gác đêm, ở dưới đường, thay cho bạn. Nó vẫn nặng nề và nguy

hiểm hơn những cuộc gác ban ngày trên gác cao” [32,211].

Nét đặc biệt, độc đáo của Nguyễn Huy Tưởng là ông biết phối hợp, đan xen số phận của nhân vật với những sự kiện trọng đại của dân tộc, ở đây chính là cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp - một thử thách nguy hiểm, nặng nề, chính trong hoàn cảnh đặc biệt ấy nhân vật sẽ tự bộc lộ phẩm chất, tính cách. Tác giả xây dựng các chi tiết quanh số phận, đời tư của nhân vật cũng đều liên quan đến những sự kiện của cả dân tộc. Nguyễn Huy Tưởng đặt nhân vật đứng trước thử thách nguy hiểm, giữa tự do và nô lệ, giữa sự sống và cái chết, chính

là đặt trong bối cảnh những ngày đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong bối cảnh đó giúp Trần Văn tự bộc lộ phẩm chất đẹp đẽ của mình. Thầy giáo Trần Văn mang trong mình cái yếu đuối của tầng lớp tiểu tư sản, anh đã từng “rùng mình khi nghĩ đến những trận đánh” [32,210], nhưng rồi chiến tranh xảy ra, đứng trước những nguy hiểm của cuộc kháng chiến đã tôi luyện, giúp anh trở thành một thanh niên Thủ đô bản lĩnh, kiên cường, dũng cảm, sẵn sàng hi sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc: “Nhưng anh nghĩ, vấn đề là phải thắng trong keo quyết định này. Sao những người thiện chiến là bộ đội lại đi? Họ có trở về không? Anh tự nhủ: Dù sao thì mình cũng chỉ biết được cho mình. Anh đã ở lại. Anh đã chia tay với mẹ. Anh đã bỏ cái nhà ấm cúng, cuộc đời dạy học mà anh thiết tha,công việc nghiên cứu sử anh đã làm trong mấy năm nay. Anh đã viết cái lời thề sống chết. Quen hay không quen, sống hay chết, anh vẫn cứ phải đi vào cuộc chiến đấu. Vui sướng biết bao nếu trận cuối cùng này anh

được là người cuối cùng hy sinh cho tự do của dân tộc” [32,210]. Trước thử

thách đầy nguy hiểm, Trần Văn đã bộc lộ ý chí, quyết tâm, tinh thần trách nhiệm cao của những thanh niên quyết sống chết với Thủ đô. Lý tưởng ấy được Trần Văn thể hiện bằng hành động cụ thể, anh đã đóng góp công sức nhỏ bé của mình vào công cuộc kháng chiến của toàn dân tộc.

Nguyễn Huy Tưởng không trực tiếp bày tỏ quan điểm của mình về cuộc sống, về thời cuộc, mà thông qua cái nhìn của các nhân vật trong cuốn tiểu thuyết, đặc biệt là Trần Văn, các sự kiện lịch sử được hiện lên, tư tưởng của nhà văn cũng được thể hiện. Trần Văn chính là nhân vật thể hiện tư tưởng của nhà văn. Sống có lý tưởng, có trách nhiệm, sống để làm những việc có ý nghĩa, sống vì mọi người: “ Người ta thường trách thanh niên chúng ta không có lý tưởng. Đây là lúc chúng ta có một lý tưởng để mà thờ phụng, để mà hy sinh… Ngoài cái ăn cái mặc ra, còn phải suy ngẫm làm sao có thể giúp ích cho đời, phải có cái gì để lại, nó đánh dấu sự tồn tại của một con người, nó nâng con người lên trên cái ăn cái mặc. Đấy là lý tưởng, đấy là lý do sự có

mặt của mình trên trái đất” [32,240]. Những suy tư của nhân vật cũng chính là quan điểm, tư tưởng của tác giả. Niềm vui sướng của Trần Văn khi tham gia cách mạng cũng có thể chính là niềm hân hoan của người thanh niên Nguyễn Huy Tưởng năm nào khi được trực tiếp tham gia hoạt động cách mạng, đóng góp công sức nhỏ bé của mình vào thắng lợi của dân tộc. Bởi suốt cuộc đời Nguyễn Huy Tưởng ông luôn trăn trở, suy nghĩ, chiêm nghiệm về lịch sử, về giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, sâu xa đó là lòng yêu quê hương, đất nước tha thiết.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hà nội trong sáng tác của nguyễn huy tưởng trường hợp sống mãi với thủ đô (Trang 81 - 87)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)