Ngôn ngữ giàu chất thơ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hà nội trong sáng tác của nguyễn huy tưởng trường hợp sống mãi với thủ đô (Trang 96 - 99)

7. Cấu trúc của luận văn

3.2.2. Ngôn ngữ giàu chất thơ

Bên cạnh sự trang nghiêm, ngôn ngữ trong Sống mãi với thủ đô còn chứa đựng một chất văn điềm đạm, uyên thâm pha chút lãng mạn, hào hoa. Có được điều này phần nào do sự chi phối của yếu tố con người Nguyễn Huy Tưởng: một con người giàu tình yêu thương và giàu chất nghệ sĩ. Đúng như lời nhận xét của Bích Thu và Tôn Thảo Miên khi nghiên cứu về ngôn ngữ trong Sống mãi với thủ đô: “Trong tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng nổi bật ngôn ngữ trí tuệ, đãi lọc, giàu chất thơ của một cốt cách nghệ sĩ và một tầm

nhìn văn hóa mẫn cảm, nhân văn” [32,13].

Cuốn tiểu thuyết miêu tả vẻ đẹp của đất và người Hà Nội, bởi vậy có nhiều trang văn viết về cảnh sắc thiên nhiên của thủ đô, những câu văn giàu hình ảnh, giàu sức gợi, giàu cảm xúc. Không khó để nhận ra chất thơ trong những đoạn văn miêu tả về thiên nhiên. Đó là khi nhà văn miêu tả con đường Tràng Thi - con đường đẹp nhất Hà Nội: “Trên con đường thi cử của ông cha khi xưa, một đêm hè, dưới vòm cây mát, Trần Văn và Trinh đã nói với nhau những lời tự tình ban đầu. Con đường lúc này không đau thương quằn quại và như quấn lấy anh. Thư viện trung ương mà anh là người đến đọc sách thường xuyên, thì im lặng như ngôi đền, chỉ có lá bàng, lá đa rụng đều xuống những

thảm cỏ, xuống mấy cái ghế đá lơ thơ ngoài vườn vắng” [35,37]. Nguyễn Huy Tưởng đã chắt lọc sao cho ngôn từ trong tác phẩm hàm súc nhất, giàu tính nhạc, tạo nên sự truyền cảm lớn trong câu văn. Những câu văn miêu tả cái lạnh của những buổi sáng ở Hồ Gươm khiến người đọc như đang trực tiếp cảm nhận được không khí ấy: “Một mẩu Hồ Gươm trước mặt, những hàng liễu mơ hồ rủ xuống bờ nước đen đặc. Mấy ngọn đèn trên cổng vào cầu Thê Húc sáng le lói. Bên dãy thị chính từng ô dài ánh sáng đỏ, xanh, vàng, nhấp nháy dưới rặng cây lẩn trong đêm tối. Khí lạnh của hồ thấm vào người anh. Lòng anh dạt dào một thứ hoài cổ thường hay đến với anh…Anh bâng khuâng như sống trong quá khứ, thuở Lê Thái Tổ thắng trận đi chơi hồ, trao lại cho rùa thiêng thần kiếm đuổi giặc nay không dùng đến nữa, thuở những tao nhân mặc khách đến đấy để ngâm thơ vịnh nguyệt, xướng họa với nhau, hào hứng giữa cảnh trời

xanh nước biếc của cái hồ xinh đẹp nằm giữa kinh kỳ” [35,207].

Chất thơ ấy thấm đẫm trong những trang văn miêu tả về vầng trăng - hình ảnh xuất hiện nhiều lần trong thiên truyện “Qua cái cửa sổ lớn của chấn song, Thu Phong lơ mơ nhìn lên trời. Trăng lưỡi liềm trong suốt như một bìa giấy bạc, in rõ trên nền trời không gợn mây. Hai bên đuôi trăng có hai ngôi sao sáng như ngọc. Anh nghĩ: người ta thường bảo sao bao giờ cũng xa trăng. Không hiểu vì sao đêm nay, hai ngôi sao kia ở sát trăng mà sáng như thế được. Đây là điềm gì? Điềm ta thắng hay thua? Anh là một nhà đạo gốc, nhưng từ bé đến lớn anh không tin đạo. Quái, sao lúc này anh bỗng lẩm bẩm đọc kinh, cầu trời cho Việt Nam chiến thắng. Vũ Minh cũng nhìn cái cảnh lạ lùng ấy, kêu lên một tiếng ồ khe khẽ, rùng mình vì cái cô quạnh của trăng sao” [35,329]. Những hình ảnh thiên nhiên lãng mạn ấy được viết bằng một ngôn ngữ nhẹ nhàng, bay bổng, giàu chất thơ. Hà Nội từ xưa đến nay luôn có sức hấp dẫn đến kì lạ, bởi trong lòng thành phố cổ kính ấy luôn hiện hữu những vẻ đẹp lãng mạn, nên thơ có sức lôi cuốn diệu kì. Vì gắn bó và yêu Hà Nội tha thiết, nên Nguyễn Huy Tưởng không khó để phát hiện ra những vẻ đẹp lãng mạn ấy. Và

để miêu tả được cái hào hoa, lãng mạn của đất và người Hà Nội, nhà văn đã linh hoạt vận dụng vốn ngôn ngữ giàu chất thơ của mình. Sử dụng ngôn ngữ này, nhà văn đã cho người đọc thấy được tâm hồn nghệ sĩ thực thụ, luôn dạt dào cảm xúc trong con người ông. Phải là một người nghệ sĩ có cái nhìn tinh tế, sâu sắc, một trái tim ấm nóng, chan chứa yêu thương mới viết ra được những câu văn, đoạn văn tuyệt vời như thế. Những trang văn nhắc nhiều đến các sự kiện, nhân vật lịch sử của dân tộc, nhưng dễ đọc, dễ cảm, dễ đi vào lòng người vì chất thơ có sẵn trong ngòi bút của một nhà văn tài hoa.

Ngôn ngữ trong tác phẩm giàu chất thơ bởi nhà văn chú trọng đi sâu phản ánh trạng thái cảm xúc tinh tế, đời sống nội tâm của nhân vật. Nguyễn Huy Tưởng miêu tả tâm trạng của Trần Văn khi anh bước chân trên con đường Tràng Thi nhiều kỉ niệm, nó gợi nhắc anh về những ngày xa xưa: “Họ lặng lẽ bước trên con đường Tràng Thi lúc này không có xe chạy, chỉ có lẻ tẻcó vài người đi vội vã. Lòng giận giặc, nỗi bực mình lẫn với Trần Văn cái bồi hồi của nhớ tiếc, gợi lên do những lá bàng tím đỏ đầy đường sột soạt dưới chân và mấy con chim đậu trên dây thép trong ánh bạc của khoảng cây trụi lá…Trên con đường thi cử của ông cha khi xưa, một đêm hè, dưới vòm cây mát, Trần Văn và Trinh đã nói với nhau những lời tình tự ban đầu. Con đường lúc này trông đau thương quằn quại và như quấn lấy anh. Thư viện trung ương mà anh là người đến đọc sách thường xuyên thì im lặng như ngôi đền, chỉ có lá bàng, lá đa rụng đều xuống những thảm cỏ, xuống mấy cái ghế

đá lơ thơ ngoài vườn vắng” [35,36].

Viết về lịch sử nhưng chất văn của Nguyễn Huy Tưởng không hề khô khan mà trái lại đậm màu sắc lãng mạn. Chất lãng mạn ấy thấm trong những dòng miêu tả về quang cảnh Hà Nội. Đó là khung cảnh mọi người xúm quanh anh thợ nặn tò he xem anh trổ tài, là tiếng đàn của nghệ sĩ Thanh Phong chơi trong đêm yên tĩnh, là cảnh chợ Đồng Xuân nhộn nhịp, tấp nập chuẩn bị đón giao thừa, là tinh thần lạc quan của quân và dân Hà Nội tin tưởng cuộc cách

mạng sẽ thắng lợi về ta. Khác với giọng văn lãng mạn của Thạch Lam, của Vũ Bằng khi viết về Hà Nội, Nguyễn Huy Tưởng viết về Hà Nội xưa và nay không chỉ bằng cái nhìn của một nhà văn mà còn đứng ở vị trí của một nhà văn hóa nên ngôn ngữ trong thiên truyện giàu chất thơ. Vậy nên nhiều nhà nghiên cứu đồng ý kiến cho rằng ông là “nhà chép sử bằng văn chương”.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hà nội trong sáng tác của nguyễn huy tưởng trường hợp sống mãi với thủ đô (Trang 96 - 99)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)