5. Kết cấu của luận văn
1.2. Cơ sở thực tiễn về tạo việc làm cho thanh niên
1.2.1. Kinh nghiệm về công tác tạo việc làm cho thanh niên của một số địa phương trong nước
1.2.1.1. Kinh nghiệm của huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc
Vĩnh Tường là huyện nằm ở đỉnh tam giác đồng bằng Bắc Bộ, nằm bên tả ngạn sông Hồng ở về phía Tây Nam của tỉnh Vĩnh Phúc. Huyện có điện
tích 141,8 km2 với 29 đơn vị hành chính, trong đó có 02 thị trấn (thị trấn Vĩnh Tường và thị trấn Thổ Tang) và 27 xã. Huyện Vĩnh Tường có vị trí tiếp giáp như sau: phía Đông giáp huyện Yên Lạc; phía Tây giáp thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ và huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội; phía Nam giáp huyện Ba Vì, Phúc Thọ và thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội; phía Bắc giáp thành phố Vĩnh Yên và huyện Lập Thạch. Vị trí địa lý của huyện Vĩnh Tường nhìn chung rất thuận lợi cho phát triển kinh tế. Vĩnh Tường tiếp giáp với thành phố công nghiệp Việt Trì, thị xã Sơn Tây, cận kề với thành phố Vĩnh Yên. Huyện có đường Quốc lộ 2A và 14 km đường Quốc lộ 2C chạy qua, đồng thời có hai ga hàng hoá đường sắt tuyến Hà Nội - Lào Cai là ga Bạch Hạc và ga Hướng Lại. Về đường sông có hai cảng trên sông Hồng tại xã Vĩnh Thịnh và xã Cao Đại. Về khu công nghiệp, huyện Vĩnh Tường có hai khu công nghiệp Chấn Hưng, Đồng Sóc và cụm kinh tế xã hội Tân Tiến đang được triển khai. Những yếu tố đó mang lại cho Vĩnh Tường một vị trí khá quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, là điều kiện thuận lợi để nhân dân Vĩnh Tường tiếp cận, giao lưu, trao đổi hàng hoá, phát triển kinh tế, văn hoá xã hội với các vùng lân cận.
Theo số liệu của Huyện đoàn Vĩnh Tường, tính đến 30/12/2016, trên địa bàn huyện có 34.944 thanh niên sinh hoạt trong 46 tổ chức Đoàn. Với số lượng thanh niên lớn, để tháo gỡ khó khăn trong công tác giải quyết việc làm cho lao động thanh niên, những năm qua, huyện Vĩnh Tường luôn nỗ lực tìm hướng đi phù hợp, kêu gọi sự vào cuộc của các cấp, ngành, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn. Các giải pháp cụ thể huyện Vĩnh Tường đã thực hiện là:
- Tăng cường công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên. UBND huyện đã xây dựng Chương trình số 484 về dạy nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo giai đoạn 2011-2015; rà soát, cập nhật thông tin biến động cung cầu lao động; tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp cho lao động nông thôn, trong đó có lao động thanh niên. Một trong những
nỗ lực của huyện Vĩnh Tường là hướng đào tạo, giải quyết việc làm về cơ sở, đến những người trực tiếp lao động, sản xuất. Tại UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều đã thành lập và duy trì hiệu quả Văn phòng tư vấn giới thiệu việc làm do các tổ chức đảm nhận, đối với lao động thanh niên do Đoàn thanh niên các xã đảm nhận.
+ Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện thường xuyên phối hợp với các trung tâm dịch vụ việc làm trong và ngoài huyện, các đơn vị tham gia xuất khẩu lao động để cung ứng lao động cho các công ty, doanh nghiệp cần tuyển dụng lao động. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện liên kết, tổ chức các khóa đào tạo nghề cho thanh niên. Tranh thủ nguồn vốn triển khai các dự án phát triển sản xuất, thu hút lao động tạo việc làm tại chỗ; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp có tiềm lực về kinh tế tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện, góp phần tích cực vào giải quyết việc làm cho thanh niên trên địa bàn huyện.
+ Trung tâm dạy nghề huyện Vĩnh Tường ngoài đào tạo chương trình bổ túc văn hóa, còn liên kết đào tạo trung cấp, sơ cấp nghề cho học sinh bổ túc, trung học phổ thông và người lao động, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng lao động trên địa bàn. Hiện trung tâm đào tạo 8 ngành nghề chủ yếu là tin học, may công nghiệp, điện công nghiệp dân dụng, gò hàn, chăn nuôi thú y, trồng trọt, kỹ thuật chế biến món ăn, kỹ thuật sửa chữa và lắp ráp máy tính. Để công tác đào tạo, dạy nghề đạt hiệu quả, chất lượng cao, trung tâm đặc biệt chú trọng tuyên truyền tuyển sinh, cử cán bộ trực tiếp xuống các xã, phường, thị trấn và các trường THPT, THCS trong huyện để tuyên truyền, tư vấn việc làm, phối hợp tuyển sinh. Đồng thời, chủ động phối hợp với các trường Cao đẳng nghề trong tỉnh giới thiệu việc làm cho các học viên đã tốt nghiệp hệ Trung cấp nghề vào làm tại các doanh nghiệp, công ty trong và ngoài tỉnh. Tiến hành rà soát các đối tượng tham gia học để đảm bảo việc hỗ trợ dạy nghề đạt kết quả tốt nhất. Mặt khác, trung tâm luôn đổi mới, đa dạng
hóa các ngành nghề, phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh, mở rộng ngành nghề đào tạo, tổ chức các lớp đào tạo nghề ngắn hạn ở các xã, thị trấn. Mỗi năm, trung tâm đã đào tạo hơn 1.000 học viên, góp phần nâng cao chất lượng nguồn lao động nói chung, lao động thanh niên nói riêng.
- Tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và hỗ trợ thanh niên vay vốn. Phát huy vai trò của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh - tổ chức chính trị xã hội của thanh niên. Nhằm giúp thanh niên phát huy vai trò xung kích tham gia phát triển kinh tế - xã hội, trong 5 năm từ 2012-2016, Ban chấp hành Huyện đoàn đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức 153 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 15.147 thanh niên; tổ chức 128 buổi tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp giải quyết việc làm thanh niên. Ban chấp hành Huyện Đoàn cũng đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện kiện toàn 36 tổ vay vốn do Đoàn thanh niên quản lý để giúp thanh niên để phát triển kinh tế.
- Khuyến khích thanh niên phát triển kinh tế. Những năm gần đây, phong trào thanh niên thi đua lập nghiệp, lao động sáng tạo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã được Huyện đoàn Vĩnh Tường triển khai sâu rộng đến các cơ sở đoàn và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Huyện đoàn Vĩnh Tường đã phối hợp với Tỉnh Đoàn và Hội Doanh nghiệp trẻ Vĩnh Phúc tổ chức các lớp học khởi sự doanh nghiệp cho thanh niên. Các cấp bộ Đoàn trong huyện thường xuyên tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho thanh niên về chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế, cơ hội, thách thức và kinh nghiệm trong quá trình hội nhập thông qua các buổi sinh hoạt chi đoàn, các lớp tập huấn nghiệp vụ Đoàn, Hội. Huyện Đoàn Vĩnh Tường chỉ đạo các cơ sở Đoàn thành lập các câu lạc bộ phù hợp với nhu cầu, sở thích của thanh niên như: câu lạc bộ thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế, câu lạc bộ doanh nhân trẻ, câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp... nhằm tạo điều kiện cho các thành viên, hội viên hỗ trợ nhau về nguồn vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm trong
sản xuất, kinh doanh, giúp thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, tạo việc làm ổn định và vươn lên làm giàu chính đáng.
Với những việc làm trên, trong giai đoạn 2012-2016, huyện Vĩnh Tường đã giải quyết việc làm cho hơn 13.300 thanh niên, trong đó có 956 người đi xuất khẩu lao động. Tổng dư nợ của thanh niên tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để phục vụ phát triển kinh tế là hơn 22 tỷ đồng. Thời gian tới, huyện Vĩnh Tường tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp đóng trên địa bàn và các công ty tham gia giới thiệu, tư vấn xuất khẩu lao động, tuyển lao động làm việc tại các công ty, doanh nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển các làng nghề truyền thống, khuyến khích các chủ làng nghề mở rộng mô hình thu hút nguồn lao động tại chỗ. Tiếp tục phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Trung tâm Dạy nghề huyện mở các lớp dạy nghề ngắn hạn cho lao động thanh niên chưa qua đào tạo tham gia học nghề phù hợp với khả năng của lao động thanh niên nhằm nâng cao chất lượng nguồn lao động, đáp ứng thị trường xuất khẩu lao động, cung ứng nguồn lao động cho các doanh nghiệp trong và ngoài huyện [18].
1.2.1.2. Kinh nghiệm của huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ
Huyện Lâm Thao nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Phú Thọ, có diện tích tự nhiên gần 9.754 ha, dân số hơn 102.400 người. Trên địa bàn huyện có 14 đơn vị hành chính, bao gồm 12 xã và 02 thị trấn. Lâm Thao là huyện đồng bằng duy nhất của tỉnh nên huyện có nhiều lợi thế cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trung tâm huyện là thị trấn Lâm Thao cách thành phố Việt Trì khoảng 10 km về phía Tây. Trên địa bàn huyện có các tuyến giao thông chính như quốc lộ 32C với chiều dài 14 km nối thông giữa Quốc lộ 2 với Quốc lộ 32A. Ngoài ra, còn có 5 tuyến Tỉnh lộ 320, 324, 324B, 324C, 325B có tổng chiều dài 52,5 km và 5 tuyến huyện lộ dài 18,5 km, tuyến đường thủy trên sông Hồng chảy dọc phía Tây trên địa bàn huyện dài 28 km từ Xuân Huy đến
Cao Xá. Với vị trí địa lý có hệ thống giao thông khá thuận lợi nên huyện Lâm Thao là của ngõ giữa miền núi và vùng đồng bằng, đồng thời là cửa ngõ quan trọng giữa thành phố Việt Trì với các tỉnh phía Bắc, có điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, vận chuyển và trung chuyển để tiêu thụ hàng hóa, nông sản thuận tiện.
Theo số liệu của Huyện đoàn Lâm Thao, tính đến 30/12/2016, trên địa bàn huyện có 26.742 thanh niên sinh hoạt trong 37 tổ chức Đoàn. Xác định giải quyết việc làm cho lao động nói chung, cho lao động thanh niên nói riêng là một trong những tiêu chí quan trọng để phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, những năm qua huyện Lâm Thao đã tập trung chỉ đạo có hiệu quả công tác giải quyết việc làm, cụ thể là:
- Chú trọng công tác đào tạo nghề cho thanh niên. Hàng năm, UBND huyện chỉ đạo phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện tập trung điều tra, rà soát số lượng lao động địa phương, nắm bắt kịp thời số lao động có việc làm, không có việc làm, lao động được đào tạo nghề, lao động chưa qua đào tạo nghề và nhu cầu học nghề của người lao động. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch, đưa ra các giải pháp thiết thực cho công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động nói chung, cho lao động thanh niên nói riêng. Bên cạnh đó, phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện thường xuyên phối hợp với đoàn thanh niên các xã, thị trấn cùng các doanh nghiệp tuyển dụng lao động trong và ngoài địa bàn tuyên truyền các thông tin về việc làm, xuất khẩu lao động đến thanh niên trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền về các chủ trương, chính sách dạy nghề và giải quyết việc làm được quan tâm thực hiện bằng nhiều hình thức thông qua các phương tiện truyền thông của huyện. Nhờ đó các thông tin về cơ sở dạy nghề, nhóm nghề; địa chỉ của cơ sở dạy nghề; địa chỉ nơi tuyển dụng lao động, điều kiện tuyển dụng và mức thu nhập thường xuyên được thông tin, phổ biến tới người lao động trên địa bàn, trong đó có đối tượng là lao động thanh niên.
- Phát huy vai trò của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh huyện Lâm Thao. Trong giai đoạn 2012-2016, Huyện đoàn Lâm Thao đã phát động nhiều phòng trào giúp thanh niên có việc làm hoặc tự tạo việc làm như phong trào “Xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc” được cụ thể bằng nhiều công trình, phần việc thiết thực, khơi dậy và phát huy mạnh mẽ tiềm năng, sức sáng tạo của thanh niên trên các lĩnh vực; Phong trào “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” đã đi vào thực tiễn, đạt hiệu quả thiết thực, góp phần giải quyết việc làm cho thanh niên. Trong giai đoạn 2012-2016, Huyện đoàn Lâm Thao đã phối hợp dạy nghề ngắn hạn cho 2.780 thanh niên; tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm cho 5.800 thanh niên, giải quyết việc làm cho hơn 1.300 thanh niên, trong đó xuất khẩu lao động là 350 thanh niên. Đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho gần 2.000 thanh niên vay vốn với tổng số tiền hơn 36 tỷ đồng.
- Giúp thanh niên xây dựng mô hình phát triển kinh tế và nhân rộng mô hình thanh niên sản xuất kinh doanh giỏi. Những năm qua, các cơ quan, tổ chức đoàn thể trên địa bàn huyện luôn đồng hành bằng các hoạt động hỗ trợ, tạo điều kiện vay vốn sản xuất, kinh doanh, khích lệ, động viên đã tạo động lực lớn để thanh niên quyết tâm cống hiến toàn bộ sức trẻ làm giàu cho gia đình, quê hương. Những hoạt động thiết thực đã khơi dậy và phát huy tinh thần xung kích của mỗi đoàn viên, thanh niên; cộng với hỗ trợ giống, vốn, khoa học kỹ thuật kịp thời của các các cơ quan, tổ chức đoàn thể đã tạo sức bật cho thanh niên Lâm Thao vượt khó thực hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế. Những mô hình này đã có những đóng góp nhất định, góp phần đáp ứng nguyện vọng lập thân, lập nghiệp của thanh niên và phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đất nước. Bên cạnh đó, huyện còn quan tâm, kịp thời phát hiện các mô hình sản xuất kinh doanh giỏi của thanh niên để động viên, khen thưởng kịp thời và nhân rộng mô hình sản xuất kinh doanh giỏi của thanh niên ra các địa phương khác trên địa bàn huyện.
Với những việc làm trên, trong giai đoạn 2012-2016, huyện Lâm Thao đã giải quyết việc làm cho hơn 7.400 thanh niên, trong đó có 638 người đi xuất khẩu lao động. Tổng dư nợ của thanh niên tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để phục vụ phát triển kinh tế là hơn 40 tỷ đồng. Để góp phần thực hiện có hiệu quả công tác giải quyết việc làm cho lao động, trong đó có lao động thanh niên, thời gian tới, huyện Lâm Thao đề ra nhiều giải pháp nhằm tiếp tục đẩy mạnh, thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm cho người lao động như phát triển ngành nghề truyền thống; ngành nghề, dịch vụ mới phù hợp với địa phương; khuyến khích các thành phần kinh tế, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, tạo việc làm cho người lao động và đẩy mạnh xuất khẩu lao động [18].
1.2.1.3. Kinh nghiệm của huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên
Phú Bình là một huyện trung du của tỉnh Thái Nguyên. Huyện Phú Bình nằm ở phía nam của tỉnh, trung tâm huyện cách thành phố Thái Nguyên 26 km. Tổng diện tích đất tự nhiên của huyện là 249,36 km2 với 21 đơn vị hành chính gồm thị trấn Hương Sơn và 20 xã. Huyện có vị trí tiếp giáp như sau: phí Bắc giáp huyện Đồng Hỷ; phía Tây giáp thành phố Thái Nguyên và huyện Phổ Yên; phía Đông và Nam giáp các huyện Hiệp Hòa, Tân Yên, Yên Thế, tỉnh Bắc Giang. Trên địa bàn huyện Phú Bình có Quốc lộ 37 chạy qua với chiều dài khoảng17,3km, nối liền huyện với các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang. Ngoài ra còn có khoảng 35,1 km tỉnh lộ chạy qua địa bàn huyện. Hệ thống Quốc lộ và Tỉnh lộ nêu trên sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông của huyện với các địa phương khác trong và ngoài huyện.
Huyện Phú Bình hiện có hơn 28.000 thanh niên sinh hoạt tại 21 Đoàn cơ sở, 455 chi đoàn, trong đó có 19 chi đoàn khối cơ quan, doanh nghiệp. Với