Những kiến tạo của người phụ nữ trong đời sống vật chất

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ẩn ức nữ tính qua sáng tác của đỗ bích thúy (Trang 43 - 47)

Khởi thủy của nhiều nền văn hóa đều cho thấy vai trò quan trọng của người phụ nữ đối với sự kiến tạo các giá trị từ vật chất tới tinh thần. Chế độ mẫu hệ vốn có lịch sử rất xa xưa. Lý giải về điều này, các nhà khoa học cho rằng nguồn gốc của chế độ mẫu hệ có thể tìm thấy trong chế độ quần hôn của "thời đại mông muội". Năm 1891,

trong công trình “Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước”, F.

Engels đã dẫn lại một đoạn mô tả của A-gát-xi-dơ trong cuốn “Cuộc hành trình đến

Brésil” (1886) về hình thái quần hôn ở các cư dân Brésil bản địa: "Những người đàn

bà In-đi-an hay những người đàn bà lai bao giờ cũng nói như thế về những đứa con đẻ hoang của mình "Nó không có cha đâu, nó là đứa con do ngẫu nhiên mà có đấy", mà không hề thấy xấu hổ hoặc ngượng ngùng; và điều đó không có chút gì là lạ cả; ngược

lại thì mới là điều ngoại lệ. Con cái thường chỉ biết có mẹ vì chỉ có mẹ là người phải gánh lấy mọi sự lo lắng và trách nhiệm; con cái không biết gì đến cha cả; và hình như không bao giờ người đàn bà nghĩ rằng mình hoặc con cái của mình lại có quyền đòi hỏi gì đối với người cha cả.

Tương ứng với các hình thái hôn nhân nguyên thuỷ như quần hôn, hôn nhân đối ngẫu... là sự phân công lao động sơ khai theo giới tính: nam giới săn bắt và bảo vệ bầy đàn - thị tộc; nữ giới hái lượm, gieo trồng để bảo đảm nguồn thực phẩm thường xuyên, giáo dục con cái, trông nom nhà cửa, điều khiển công việc và điều hoà quan hệ giữa các thành viên... Con cái sinh ra chỉ biết có mẹ chứ không biết rõ về cha, nguồn thực phẩm do người phụ nữ hái lượm gieo trồng ít bấp bênh hơn sản phẩm săn bắt của nam giới nên có thể nói chính chế độ quần hôn và loại hình kinh tế săn bắt, hái lượm của thời nguyên thuỷ đã khiến cho vai trò của người mẹ trong gia đình trở nên trọng yếu. Từ đó mà hình thành chế độ mẫu hệ.

Việt Nam, xét về văn hoá tổ chức đời sống cộng đồng dựa trên tương quan nam nữ, đang tồn tại cả ba chế độ gia đình phụ hệ, song hệ và mẫu hệ, không kể những hình thức chuyển tiếp, tàn dư. Trong đó, phổ biến nhất là chế độ gia đình phụ hệ.

Hoàn cảnh xã hội đã làm mất đi hình ảnh và vị thế gốc trong nền văn hóa cội rễ của dân tộc, nhưng cho đến nay, thực tế đời sống vẫn cho thấy vai trò quan trọng của người phụ nữ trong đời sống cộng đồng, và trên mọi bình diện cuộc sống, nhất là hình ảnh về người phụ nữ miền núi Đông Bắc. Trong đời sống mưu sinh thường nhật, những người phụ nữ là lực lượng chính đảm nhiệm công việc vun vén chăm sóc gia đình, con cái, lo toan và chủ động chuyện nương rẫy, gieo trồng, chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Người phụ nữ hoàn toàn chủ động mọi việc còn người đàn ông chỉ giữ vai trò phối hợp trong các hoạt động đó.

Không phải ngẫu nhiên mà từ “mẹ” - tức gắn với thiên chức của người phụ nữ lại được sử dụng với tần phổ rộng để gọi tên và chỉ về các hiện tượng đời sống nhiều đến thế, trong đó có chỉ về hạt giống. Họ coi hạt giống là thiêng liêng và cũng có linh hồn, những hạt giống đó được coi như “hạt mẹ” và phải thờ mẹ lúa một cách kính cẩn. Người phụ nữ bảo quản và cất giữ hạt giống, thậm chí ngủ chung với hạt giống, là nhân tố cộng sinh để thúc đẩy hạt giống nảy mầm. Giữa nền cảnh hùng vĩ nên thơ

của núi rừng vào độ xuân về, là bóng dáng sự tần tảo duyên dáng của những người phụ nữ miền núi, từ sớm tinh mơ, cho đến khi bóng núi đã phủ khắp bản làng.

Chăm sóc và theo dõi từng chu trình phát triển của cây trồng mùa vụ, những người phụ nữ luôn biết lúc nào là thời điểm tốt nhất để trồng ngô, tra hạt đỗ trên nương, khi nào gieo bí trên rẫy, lấy hạt giống dưa trộn lẫn tro bếp để rắc trên nương, hay chọn một vạt đất trồng lanh…Trong cái nắng gió khắc nghiệt của đá núi, không gian núi, khi cây trồng xanh mướt phủ kín những nương đá, người phụ nữ cặm cụi, mồ hôi nhễ nhại đang cào cỏ, vun gốc, gương mặt bừng đỏ vì nắng trên cao…

Trong màu khói lam chiều lúc hoàng hôn phủ xuống bản, người phụ nữ vội vã trở về, lặc lè gùi gánh, bó cỏ phủ kín cả thân hình, họ nhanh chóng khuất lấp sau cánh cổng gỗ được mở. Những người phụ nữ lại chuyển sang không gian gia đình, với bao bộn bề lo toan, lo cơm tối, cho lợn và dê ngựa ăn, chuẩn bị làm rau nấu cám cho lợn. Họ cặm cụi trong bếp, trên những chiếc chảo lớn, người phụ nữ gắn với cái bếp lò của gia đình, gắn với bếp núc và chăn nuôi.

Sự chủ động và chu đáo trong gia đình của người phụ nữ thể hiện rõ nhất qua những phiên chợ vùng cao. Họ dậy sớm, chuẩn bị các sản phẩm dư dật trong gia đình để đem ra chợ, đôi khi chỉ là ít rau cải, vài quả bí ngô, ít trứng gà, hoặc họ làm bánh, nấu rượu…Họ bán những sản phẩm đó và mua các nhu yếu phẩm cần thiết cho gia đình như dầu đèn, mắm muối…phân bón và nông cụ. Tâm thế của người phụ nữ khi đến với chợ phiên hoàn toàn khác so với đàn ông, họ phải mang gánh nặng gia đình, lo toan cho cuộc sống gia đình, trong khi đó đàn ông đi chợ chủ yếu là để chơi, để gặp gỡ bạn bè, uống và say rượu…

Ngay cả trang phục mặc trên người của các thành viên trong gia đình cũng có được từ bàn tay và khối óc của người phụ nữ miền núi. Từ chất liệu trong tự nhiên là lanh, là chàm, với bàn tay tài hoa của mình, người phụ nữ dệt nên vải, nhuộm màu cho vải, tạo hoa văn cho vải…và dệt thành váy áo, mũ khăn. Những người phụ nữ dù bận bịu hay lúc nghỉ ngơi, trên nương rẫy hay lúc xuống chợ, trên tay họ bao giờ cũng mang theo cuộn lanh thô để tước sợi. Từ những sợi lanh đứt đoạn, họ nối kết lại, dệt nên khổ vải, từ thô mộc khô cứng, qua bàn tay họ đã biến thành mềm mại óng tơ, từ không màu sắc, qua đôi bàn tay nhuộm chàm để nên màu biểu tượng của vùng đất này, từ màu trơn, cũng qua đôi bàn tay và khối óc sáng tạo, họ dệt vào đó những hoa văn,

họa tiết, biểu tượng. Trang phục chính là văn hóa, là sự sáng tạo và sản sinh văn hóa của con người - những người phụ nữ miền núi Đông Bắc.

Trong những ngôi nhà của gia đình, luôn là hình ảnh người phụ nữ tần tảo. Những bữa ăn gia đình với chất liệu là ngô bột (mèn mén), cũng do người phụ nữ tách hạt, xay vỡ và đồ lên. Họ phải thức dậy từ sớm tinh mơ để chuẩn bị bữa ăn cho cả gia đình, người phụ nữ cũng luôn gắn với hình ảnh chiếc cối xay ngô. Và cũng từ chất liệu chính tạo nên sự sinh tồn của con người ở núi là ngô, người phụ nữ không chỉ chuyển hóa thành thức ăn (mèn mén) mà thành cả thức uống đặc trưng của miền cao nguyên đá - đó là rượu ngô. Rượu cũng là văn hóa, là sự tinh lọc, là thứ tinh túy chắt ra từ đất, đá, nước, nắng, gió cao nguyên và mồ hôi con người.

Để giảm bớt căng thẳng và sự mệt nhọc, con người nơi đây cũng cần có không gian giải trí và cân bằng - đó chính là chợ phiên. Chợ phiên miền núi sẽ không có gì đặc biệt nếu như không có rượu. Rượu đóng vai trò là thứ thuốc quên tạm thời, là một chất kích thích tâm lý, là chất men say. Người phụ nữ với sự tỉ mẩn cùng với bí quyết riêng của mình đã ủ men và chưng cất lên một chất say cho những thời điểm cần thiết của cuộc sống. Chỉ có rượu do người phụ nữ làm ra là ngon nhất, say lòng người nhất. Từ việc tạo ra rượu, người phụ nữ cũng giữ luôn vai trò và trọng trách đem rượu ra chợ bán.

Không chỉ kiến tạo ra các giá trị và duy trì nó trong cuộc sống, như cái ăn, cái mặc, người phụ nữ còn mang trên mình một trọng trách thiêng liêng, một thiên chức vĩ đại - đó là sản sinh ra sự sống, tương lai, và cũng là người nối dài và duy trì truyền thống, dòng máu, huyết tộc. Người phụ nữ chính là nước, nguyên tố đầu tiên của sự sống, người trao hơi thở cho đứa trẻ, cho nó những giọt nước (sữa) để nó bú mớm mà lớn lên. Đàn ông giữ vai trò cộng hưởng và phối hợp, là nhân tố thúc đẩy một chu trình phát triển, còn phụ nữ là riềng mối, là cội nguồn, là quá khứ, là người trực tiếp duy trì và bảo vệ sự sống, cũng như thúc đẩy nó. Những đứa trẻ sinh ra bao giờ cũng gắn chặt lấy mẹ như da thịt, bám trên lưng mẹ cho tới khi chúng tự chập chững bước đi bằng đôi chân của mình. Suốt cả cuộc đời, người phụ nữ hiến mình cho xây đắp và tạo dựng cuộc sống gia đình, cho thế hệ tương lai, cho mạch nguồn máu huyết được duy trì, cho sự sống. Cả đời họ, hình ảnh về họ sau khi đã làm vợ, làm mẹ, luôn là sự lam lũ, vất vả.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ẩn ức nữ tính qua sáng tác của đỗ bích thúy (Trang 43 - 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(98 trang)