Địa lý nhân văn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ẩn ức nữ tính qua sáng tác của đỗ bích thúy (Trang 33 - 34)

Đông Bắc bao gồm các tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Quảng Ninh. Tổng diện tích của toàn vùng chiếm tỷ lệ 16.7% so với diện tích cả nước. Về cấu tạo địa chất, địa hình của vùng Đông Bắc, cao nhất là khu vực giáp biên giới Trung Quốc tại các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng và một phần Lạng Sơn, còn lại toàn bộ khu vực này đều là núi trung bình, núi thấp và đồi bán sơn địa.

Với kiểu cấu tạo địa hình như trên, Đông Bắc là khu vực có nhiều cảnh sắc đặc trưng, từ cao nguyên đá - với những ngọn núi hiểm trở, đá tai mèo sắc nhọn, xanh xám tới những cung đường hiểm trở bậc nhất, giao thông đi lại hết sức khó khăn, do địa hình bị chia cắt dữ dội. Điều kiện khí hậu của vùng Đông Bắc khá khắc nghiệt, nhất là về mùa đông do các cánh cung hút gió và luồng khí lạnh tỏa khắp vùng Đông Bắc. Về mùa đông, lượng nước ngầm sụt giảm, chính bởi thế, toàn bộ vùng này khá khô kiệt, nhất là khu vực cao nguyên đá (Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh). Đông Bắc được mệnh danh là vùng đất đầy nắng gió, khô cằn, khắc nghiệt, đầy rẫy những khó khăn thiếu thốn với sự sinh tồn của con người.

Vì thế, chỉ có ở khu vực cao nguyên đá, ta mới bắt gặp cảnh con người vất vả và chăm chỉ, khó nhọc kiếm tìm và gánh từng gùi đất lên đổ vào các hốc đá để canh tác, dựng nương đá. Đất ở đây vô cùng quý hiếm, người ta nâng niu, vun trồng và tồn tại bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu. Con người nơi đây sinh ra từ đá và chết cũng vùi trong đá. Cây rừng cũng hiếm, người ta phải rất vất vả kiếm tìm, tích lũy…mới có đủ được chất liệu để dựng lên tổ ấm là ngôi nhà gỗ. Về mùa khô, từng đoàn người đi bộ tới vài chục cây số với trang bị là can nhựa để tìm nguồn nước ngọt cho sinh hoạt gia đình.

Với sự đa dạng về cảnh quan môi sinh, Đông Bắc cũng mang những đặc trưng riêng về tiểu vùng địa lí - nhân văn. Vùng Đông Bắc được phân chia thành nhiều tiểu vùng riêng, nếu tính từ Đông sang Tây thì có thể thấy được sự thay đổi rõ rệt của các tiểu vùng, từ khu vực trung du, là vùng đệm tiếp giáp giữa vùng núi cao và đồng bằng với cảnh quan đặc trưng là những đồi núi bán sơn địa. Càng theo chiều Tây Bắc, địa hình càng cao dần và rõ rệt nhất là không gian cảnh quan núi. Cũng do điều kiện địa hình chia cắt, nên có sự phân chia rõ rệt thành các tiểu vùng như: thung lũng - gò đồi, tiểu vùng rẻo giữa và tiểu vùng rẻo cao. Hoặc mỗi khu vực riêng biệt là một tiểu vùng như vùng bán sơn địa, vùng thấp trũng (thành phố Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang…) và tiểu vùng rẻo cao (miền núi).

Trong phần lớn các sáng tác của nhà văn Đỗ Bích Thúy, chủ đề cuộc sống và không gian núi được mô tả, phản ánh đều lấy bối cảnh và không gian thực của khu vực miền núi Hà Giang. Hà Giang chính là nơi nhà văn sinh ra và lớn lên, cho tới khi trưởng thành, nhà văn đã từng mô tả cái thung lũng nhỏ bé của gia đình mình là nơi “thung lũng rộng rinh, cô đơn đầy gió”, bên dòng Lô Giang, mải miết chảy về xuôi. Chính bởi thế, không gian của vùng núi Hà Giang, cuộc sống, con người miền núi, đặc trưng văn hóa núi là những thành phần đậm đặc nhất trong các sáng tác của chị.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ẩn ức nữ tính qua sáng tác của đỗ bích thúy (Trang 33 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(98 trang)