Những kiến tạo của người phụ nữ trong đời sống tinh thần

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ẩn ức nữ tính qua sáng tác của đỗ bích thúy (Trang 47 - 48)

Trong đời sống tinh thần của tộc người, phụ nữ cũng giữ những vai trò quan trọng với rất nhiều kiến tạo. Trước tiên, họ là người tạo nên màu sắc, hoa văn sống động trên những bộ trang phục. Màu sắc và những chủ đề cuộc sống được họ chụp lại bằng trí óc và sự tưởng tượng của mình, họ sáng tạo và chuyển hóa nó thành bố cục, motip, hoa văn trên trang phục. Có thể nói, trang phục chính là tiêu chí đầu tiên để nhận diện tộc người và văn hóa tộc người.

Cũng là người bảo quản và cất trữ hạt giống, với nền kinh tế chủ yếu dựa trên trồng trọt và khai thác thực vật, người phụ nữ giữ một vai trò quan trọng nhất. Rất nhiều nghi thức tâm linh liên quan tới sinh kế này đều gắn với tính nữ. Loại cây trồng thiêng liêng và đảm bảo nhất cho đời sống con người là lúa. Có ý kiến cho rằng chính phụ nữ là người tìm ra lúa, thuần dưỡng lúa và cũng là người phát minh ra trồng trọt. Xuất phát từ chính sự phân công lao động của loài người, phụ nữ đảm nhiệm hái lượm, còn đàn ông đảm nhiệm săn bắt. Từ hái lượm chuyển sang trồng trọt thường gắn với phụ nữ cũng là điều dễ hiểu, và phụ nữ thường gắn với hạt giống, mùa màng. Trong tín ngưỡng cổ của rất nhiều dân tộc thiểu số, nổi trội là tín ngưỡng thờ mẹ lúa - tức đề cao tính nữ, gắn với sự sinh sôi nảy nở.

Người phụ nữ cũng là biểu tượng của mái ấm gia đình, là người gìn giữ huyết thống, cội nguồn. Họ chính là người đầu tiên và giữ vai trò quan trọng nhất trong việc định hình, răn dạy đối với thế hệ tương lai của cộng đồng. Những đứa trẻ lớn lên từ dòng sữa mẹ, từ lời ru và những câu dân ca của mẹ, của bà. Người phụ nữ gắn với lửa, với bếp, với bậc cầu thang.

Trong đời sống tinh thần, người phụ nữ miền núi còn là hình ảnh biểu trưng cho cái đẹp, cho sự thủy chung, chăm chỉ, cần mẫn, ngọt ngào. Phụ nữ là đối tượng cho tình yêu ca ngợi, là cảm hứng cho những áng văn học nghệ thuật. Trong dân ca Mông, nổi trội hơn cả là hình ảnh người phụ nữ, là sự tràn đầy của tính nữ. Dân ca Mông rất phong phú về đề tài, dồi dào về số lượng, hay về nghệ thuật, sâu xa về ý tứ. Người phụ nữ trong dân ca Mông xuất hiện với các hình tượng từ ngoại hình, phẩm chất, cho tới số phận của họ. Vẻ đẹp của người phụ nữ Mông được ví như các loài hoa, đức hạnh phẩm chất của họ được ví như cây lanh, còn số phận của họ được ví như hình ảnh con ngựa.

Người phụ nữ miền núi rất chú ý đến vẻ đẹp ngoại hình của mình, họ biết làm dáng. Trong không gian và nền cảnh núi rừng, vẻ đẹp của người phụ nữ luôn nổi bật với váy xòe sặc sỡ, đôi bàn tay mềm mại xe lanh, nụ cười và ánh mắt trong veo, như thi sĩ Nguyễn Bính đã từng ngỡ ngàng mô tả trong bài thơ “Vài nét rừng”, khi ông có dịp lên đến Phú Thọ. Người phụ nữ miền núi, mang trong mình vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng, vui tươi rộn ràng như tiếng chim họa mi lảnh lót trong tán lá, mềm mại như dòng suối chảy róc rách những buổi trưa hè.

Không chỉ đẹp về ngoại hình, người phụ nữ miền núi còn đẹp cả về phẩm chất, tính cách, đó là rất mực thủy chung, dịu dàng, đảm đang, khéo léo. Không chỉ vậy họ còn là người thông minh, tài hoa, gan dạ, dũng cảm, chung thủy trong tình yêu.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ẩn ức nữ tính qua sáng tác của đỗ bích thúy (Trang 47 - 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(98 trang)