quyết tranh chấp về chống bán phá giá
WTO có một hệ thống pháp luật riêng nhằm cung cấp một khuôn khổ pháp lý thống nhất cho việc thi hành và giám sát các hiệp định cũng như tiến hành việc giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quá trình áp dụng và giải thích những hiệp định này. Pháp luật quốc tế áp dụng trong giải quyết tranh chấp tại WTO thực sự là một hệ thống phức tạp với nhiều qui định đan xen lẫn nhau.
Việc xác định các loại nguồn của pháp luật quốc tế áp dụng trong giải quyết tranh chấp tại WTO, cơ bản cũng được dựa trên cách xác định nguồn luật áp dụng truyền thống của Điều 38(1) của Qui chế Tòa án Công lý Quốc tế và có tính tới cả những đặc thù của WTO. Mặc dù vẫn còn có những quan điểm khác nhau trong những nghiên cứu của các học giả trên thế giới về số lượng, tên gọi, vị trí, vai trò đối với từng loại nguồn [41, tr. 50],[44, tr. 53],[84, tr. 563-564], nhưng nhìn chung, các loại nguồn của pháp luật quốc tế áp dụng trong giải quyết
tranh chấp tại WTO bao gồm: các hiệp định của WTO, tập quán quốc tế; các nguyên tắc pháp luật chung; thực tiễn của GATT 1947 và các báo cáo về giải quyết tranh chấp của các Ban hội thẩm GATT; thực tiễn của WTO và các báo cáo về giải quyết tranh chấp của các Ban hội thẩm và AB; các văn bản được ban hành bởi các cơ quan WTO và các hiệp định mới được ra đời trong khuôn khổ WTO; các hiệp định quốc tế khác; và các học thuyết của các học giả có uy tín [41, tr. 50],[44, tr. 42]. “Các hiệp định của WTO” vẫn là loại nguồn cơ bản nhất, chứa đựng các qui phạm qui định các quyền và nghĩa vụ pháp lý cụ thể cho các thành viên WTO. Tất cả các phân tích pháp lý, trước hết, “phải được bắt đầu từ chính nội dung của các hiệp định này” [98]. Tuy nhiên, việc đặt “các hiệp định của WTO” lên vị trí hàng đầu không có nghĩa là phủ nhận giá trị của các loại nguồn khác, bởi tất cả các loại nguồn nói trên đều là các loại nguồn cơ bản được áp dụng trong DSM của WTO [84, tr. 562-563].
Cụ thể, trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp về chống BPG tại WTO, việc giải quyết tranh chấp về nội dung trước hết sẽ căn cứ vào các qui định của WTO, cụ thể là Điều VI của GATT 1994 và ADA, cùng với các loại nguồn khác như tập quán quốc tế; các nguyên tắc pháp luật chung; thực tiễn của WTO và các báo cáo về giải quyết tranh chấp của Ban hội thẩm và AB; thực tiễn của GATT 1947 và các báo cáo về giải quyết tranh chấp của Ban hội thẩm; các tài liệu được ban hành bởi các cơ quan WTO; các hiệp định quốc tế khác; và các học thuyết của các học giả có uy tín. Trong khi đó, về tố tụng, việc giải quyết tranh chấp về chống BPG sẽ tuân theo DSU cùng với những qui tắc và thủ tục đặc biệt, bổ sung cho DSU được ghi nhận trong ADA (từ Điều 17.4 đến 17.7) và các qui tắc tố tụng khác có liên quan của WTO.
Khi tiến hành giải quyết tranh chấp về chống BPG tại WTO, về luật tố tụng, cũng cần lưu ý một số vấn đề sau đây:
Thứ nhất là, về mối quan hệ giữa Điều 17 của ADA với Điều XXII và Điều
XXIII của GATT 1994. Nếu Điều 17 của ADA qui định về vấn đề giải quyết tranh trấp trong khuôn khổ ADA, thì Điều XXII và Điều XXIII của GATT 1994 qui định những căn cứ pháp lý chung cho các khiếu kiện và giải quyết tranh chấp liên quan tới các điều khoản của GATT 1994, bao gồm cả Điều VI. Như vậy, Điều 17 sẽ xác lập căn cứ cụ thể cho các khiếu kiện và giải quyết tranh chấp liên quan tới ADA [94].
Thứ hai là, về mối quan hệ giữa Điều 17 của ADA với DSU, trong Báo cáo
của AB vụ Goatêmala - Xi măng I (DS60), đã nêu rõ: “Hiệp định về chống BPG
là một hiệp định đã được liệt kê trong Phụ lục 1 của DSU; do đó, các qui tắc và thủ tục của DSU, áp dụng cho các tranh chấp [về chống BPG] phải tuân theo các qui định về tham vấn và giải quyết tranh chấp được ghi nhận tại Điều
17 của hiệp định đó [ADA]...” [94]. Tuy nhiên, cần lưu ý, Điều 17 của ADA
không thay thế các qui định của DSU [94],[96],[102],[103]. Các thủ tục đặc biệt và bổ sung qui định từ Điều 17.4 đến Điều 17.7, được liệt kê trong Phụ lục 2 của DSU, sẽ chỉ có giá trị ưu tiên hơn so với các qui định của DSU trong trường hợp giữa chúng có sự khác biệt [94].