chống bán phá giá
Ấn Độ là thành viên sáng lập của cả GATT và WTO, bởi vậy, trong khi hầu hết các nước đang phát triển đều có sự dè dặt khi tiếp cận với DSM của WTO với những lý do bắt nguồn từ những khoản chi phí tốn kém và sự yếu kém về khả năng tham gia vào việc giải quyết tranh chấp thì ngay từ đầu, Ấn Độ đã là một thành viên tham gia rất tích cực trong cả hai DSM của GATT và WTO.
Tính đến hết ngày 31/12/2013, Ấn Độ đã tham gia vào chín vụ tranh chấp về chống BPG với tư cách nguyên đơn và ba vụ tranh chấp với tư cách bị đơn, đứng thứ năm trong nhóm 10 thành viên tham gia vào nhiều vụ tranh chấp về chống BPG nhất trong khuôn khổ WTO, sau Hoa Kỳ, EU và Mêxicô. Ngoài ra, Ấn Độ cũng đã tham gia vào 20 vụ tranh chấp về chống BPG với tư cách là bên thứ ba, trên tổng số 94 vụ tranh chấp mà Ấn Độ tham gia với tư cách bên thứ ba tại WTO, chiếm khoảng 20% [57]. Trong chín vụ tranh chấp về chống BPG mà Ấn Độ tham gia với tư cách nguyên đơn, Ấn Độ đã thắng bốn vụ (DS345, DS217, DS206 và DS141), trong đó, một vụ Ấn Độ đã được áp dụng biện pháp trả đũa khi bị đơn không thi hành quyết định của DSB và một vụ Ấn Độ đã sử
dụng tới thủ tục Trọng tài để phân xử về tính phù hợp của biện pháp đã được bị đơn thực thi so với các yêu cầu trong quyết định của DSB; bốn vụ vẫn đang trong giai đoạn tham vấn (DS385, DS229, DS168 và DS140); một vụ được giải quyết bởi biện pháp thỏa thuận đa phương giữa các bên (vụ DS313, với EC)
[78]. Trong ba vụ tranh chấp về chống BPG mà Ấn Độ tham gia với tư cách bị đơn, hai vụ vẫn đang trong giai đoạn tham vấn (DS318 và DS304) và một vụ đã được giải quyết bởi biện pháp thỏa thuận đa phương giữa các bên (DS306). Vụ tranh chấp đã được giải quyết bởi biện pháp thỏa thuận đa phương giữa các bên là vụ DS306, Ấn Độ - Các biện pháp chống BPG đối với pin nhập khẩu từ Bănglađét, theo đó, vào ngày 20/02/2006, các bên tranh chấp đã thông báo tới DSB về việc họ đã đạt được một giải pháp làm hài lòng tất cả các bên. Sau đó, với Thông báo số 01/2005 ngày 04/01/2005 của Hải quan Ấn Độ, Ấn Độ đã tự chấm dứt biện pháp được đề cập tới trong yêu cầu tham vấn của Bănglađét [71]. Đây là vụ tranh chấp rất được quan tâm và mang nhiều ý nghĩa chính trị bởi đó là vụ tranh chấp duy nhất mà một nước chậm phát triển chủ động tiến hành việc khởi kiện ra WTO với tư cách nguyên đơn.
Trong các vụ tranh chấp về chống BPG mà Ấn Độ đã tham gia, có một số tranh chấp đã được coi là những tranh chấp điển hình. Trước hết, có thể kể đến vụ DS141, EC-Khăn trải giường, vụ tranh chấp về việc áp dụng thuế chống BPG của EC đối với khăn trải giường cotton nhập khẩu từ Ấn Độ. Cuộc chiến kéo dài và đầy khó khăn này đã thu hút rất nhiều sự chú ý của các quốc gia khác với việc Ấn Độ ra sức phản đối việc áp dụng Zeroing trong tính toán biên độ BPG của EC. Ấn Độ cho rằng cách tính này của EC là không phù hợp với các qui định của ADA khi EC qui hết tất cả các biên độ BPG âm về không trong khi tính biên độ BPG bình quân gia quyền đối với sản phẩm tương tự của một số loại khăn trải giường. Theo Ấn Độ, phương pháp tính của EC đã dẫn tới một biên độ BPG cao
hơn so với cách tính được qui định trong ADA. Ban hội thẩm và tiếp đó là AB đã chấp thuận với nội dung khiếu kiện này của Ấn Độ và kết luận rằng EC đã hành động không phù hợp với các qui định về tính toán biên độ BPG của ADA. Sau vụ kiện mang tính tiên phong này của Ấn Độ, lần lượt hàng loạt các vụ kiện khác đối với tất cả các hình thức áp dụng khác nhau của phương pháp Zeroing đã được khởi xướng trong khuôn khổ WTO đều bị kết luận là không phù hợp với ADA. Kết quả là, Zeroing đã trở thành một vấn đề đàm phán trong khuôn khổ Vòng đàm phán Đôha và duy nhất chỉ có Hoa Kỳ, và phần nào đó là Niudilân, là phản đối quan điểm của các thành viên còn lại của WTO khi họ muốn xóa bỏ hẳn Zeroing trong khuôn khổ WTO.
Với tư cách là bên thứ ba, Ấn Độ cũng tham gia rất tích cực vào việc giải quyết tranh chấp về chống BPG thông qua việc gửi các văn bản đệ trình hoặc trình bày quan điểm trước Ban hội thẩm và AB. Gần đây, Ấn Độ cũng đã tham gia vào vụ kiện Hoa Kỳ - Tôm (DS404) của Việt Nam với Hoa Kỳ liên quan tới vấn đề Zeroing với tư cách là bên thứ ba cùng với Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mêxicô và Thái Lan. Trong vụ kiện này, Ấn Độ đã thể hiện quan điểm ủng hộ Việt Nam khi cho rằng phương pháp Zeroing của Hoa Kỳ là vi phạm các qui định của ADA. Ấn Độ cũng đã kiến nghị Ban hội thẩm tuân theo các quyết định trước đó của AB về Zeroing. Ấn Độ còn cho rằng các quyết định trước đó đều chỉ rõ Zeroing là không phù hợp với qui định của WTO [104].
Bên cạnh việc nâng cao năng lực giải quyết tranh chấp, Ấn Độ còn thường xuyên sử dụng dịch vụ của ACWL nhằm trợ giúp và bảo vệ lợi ích cho Ấn Độ trong các tranh chấp về chống BPG tại WTO. Không những thế, trong thời gian gần đây, Ấn Độ cũng đã bắt đầu sử dụng các hãng luật trong nước làm đại diện cho họ trong một số vụ tranh chấp về chống BPG tại WTO, ví dụ như trong vụ Hoa Kỳ - Chỉ thị về ký quỹ hải quan đối với hàng hóa bị áp thuế chống
BPG/thuế đối kháng (DS345) áp dụng đối với sản phẩm tôm nhập khẩu từ Ấn Độ . Đồng thời, Ấn Độ còn mời các chuyên gia quốc tế tư vấn cho họ trong từng trường hợp tranh chấp cụ thể [87, tr. 3].
Ngoài ra, Ấn Độ còn cố gắng cử người tham gia vào các cơ quan có liên quan trong DSM của WTO, đồng thời, tham gia tích cực vào các hoạt động rà soát và các cuộc đàm phán của WTO về DSU và ADA [87, tr. 3-5]. Với AB, người đầu tiên mang quốc tịch Ấn Độ tham gia là Ngài Arumugamangalam Venkatachalam Ganesan, sinh năm 1935, là thành viên của AB trong hai nhiệm kỳ, 2000-2004 và 2004-2008. Tiếp đó, Ngài Ujal Singh Bhatia, sinh năm 1950, là thành viên của AB trong nhiệm kỳ từ 11/12/2011 đến 10/12/2015. Ngoài ra, các chuyên gia của Ấn Độ cũng thường xuyên được mời tham gia vào các Ban hội thẩm.