Trong hơn 19 năm qua, về cơ bản, việc giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế nói chung và tranh chấp về chống BPG nói riêng tại WTO đã đáp ứng được phần nào những đòi hỏi của các thành viên về một DSM rõ ràng, nhanh chóng và hiệu quả. Khởi đầu là vụ tranh chấp giữa Mêxicô và Vênêxuêla (DS23) với yêu cầu tham vấn được đưa ra ngày 05/12/1995 liên quan tới một số sản phẩm ống dẫn dầu (Oil country tubular goods - OCTG) nhập khẩu từ Mêxicô, còn gần đây nhất, tính đến hết tháng 12/2013, là vụ tranh chấp giữa EU và Liên bang Nga (DS474), với yêu cầu tham vấn được gửi ngày 23/12/2013, liên quan tới phương pháp tính phí bổ sung và các biện pháp chống BPG đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Nga.
Thực tiễn giải quyết tranh chấp về chống BPG tại WTO trong giai đoạn từ ngày 01/01/1995 cho đến ngày 31/12/2013, có thể được minh họa qua những số liệu thống kê cụ thể sau đây:
Một là, về số lượng, tổng cộng có 102 vụ tranh chấp về chống BPG đã
được giải quyết tại WTO trong giai đoạn này và đây là loại tranh chấp phổ biến nhất trong khuôn khổ WTO, theo đó, số vụ tranh chấp về chống BPG được phân bổ theo từng năm như sau:
Biểu đồ 1.2.1: Số vụ tranh chấp về chống bán phá giá được giải quyết tại WTO theo từng năm (từ 1/1/1995 đến 31/12/2013)
2013 6 Tranh chấp về chống
6
2012 5 bán phá giá được giải
2011 quyết tại WTO
2010 5 3 2009 5 2008 1 2007 8 2006 4 2005 8 2004 6 2003 7 2002 6 2001 11 2000 8 1999 6 1998 3 1997 3 1996 1 1995 0 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11
Nguồn: World Trade Organization [78]
Trong tổng số 102 vụ tranh chấp nói trên, năm 2000 là năm có nhiều vụ tranh chấp về chống BPG nhất với 11 vụ; năm 1995 và 2007 là những năm có ít vụ tranh chấp nhất với chỉ duy nhất một vụ. Tính trung bình mỗi năm cũng có hơn năm vụ tranh chấp về chống BPG được giải quyết tại WTO.
Hai là, về các nhóm hàng hóa, các vụ tranh chấp về chống BPG trong
khuôn khổ WTO chủ yếu liên quan tới các mặt hàng như thép, thủy hải sản, điện thoại di động, giày dép, dệt may, dược phẩm v.v.
Ba là, đối với những vấn đề tranh chấp cụ thể tương ứng với các điều
khoản của ADA được viện dẫn, các vụ tranh chấp về chống BPG chủ yếu là tranh chấp liên quan tới các nguyên tắc (Điều 1 với 63 vụ); cách xác định BPG (Điều 2 với 47 vụ), trong đó, có 37 vụ tranh chấp về cách so sánh giữa giá xuất khẩu và trị giá thông thường theo Điều 2.4; xác định tổn thất (Điều 3 với 40 vụ); các thông tin tốt nhất có được theo các điều kiện của Điều 6.8 (Phụ lục II với 40 vụ); vấn đề chứng cứ (Điều 6 với 38 vụ) v.v. Điều 9 về đánh thuế và thu thuế chống BPG được viện dẫn trong 27 vụ kiện; tiếp theo là Điều 7 về biện pháp tạm thời được viện dẫn trong 14 vụ kiện; cuối cùng là Điều 8 về biện pháp cam kết giá mới chỉ được viện dẫn trong bốn vụ kiện. Đối với các vụ tranh chấp về sự không phù hợp trong các qui định pháp luật của một thành viên với nội dung của ADA, chủ yếu là các vụ kiện đối với Hoa Kỳ liên quan tới qui định về Zeroing hoặc Đạo luật chống BPG 1916 [78].
Bốn là, tính đến hết ngày 31/12/2013, đã có 32 quốc gia, vùng lãnh thổ trên
tổng số 159 thành viên của WTO, chiếm khoảng 20% số lượng thành viên của WTO, tham gia vào việc giải quyết tranh chấp về chống BPG trong khuôn khổ tổ chức này (xem Phụ lục số 2). Trong số đó, Hoa Kỳ là nước dẫn đầu về số vụ tranh chấp về chống BPG với 54 vụ (bảy vụ là nguyên đơn và 47 vụ là bị đơn); xếp thứ hai là EU với 25 vụ (14 vụ là nguyên đơn và 11 vụ là bị đơn); xếp thứ ba là Mêxicô với 17 vụ (11 vụ là nguyên đơn và sáu vụ là bị đơn). Trong số các thành viên đang phát triển của WTO thì dẫn đầu là Trung Quốc (bảy vụ là nguyên đơn và bảy vụ là bị đơn) với 14 vụ, Ấn Độ (chín vụ là nguyên đơn và ba vụ là bị đơn) và Braxin với 10 vụ (bảy vụ là nguyên đơn và hai vụ là bị đơn) và
Áchentina với 10 vụ (sáu vụ là nguyên đơn và bốn vụ là bị đơn). Với các nước Đông Nam Á, Thái Lan là nước tham gia tích cực nhất với năm vụ (bốn vụ là nguyên đơn và một vụ là bị đơn). Bănglađét là thành viên chậm phát triển duy nhất đã khởi xướng một vụ kiện về chống BPG ra DSB, tuy nhiên, vụ kiện này cũng chỉ dừng lại ở giai đoạn tham vấn.
Năm là, những tranh chấp về chống BPG có thể diễn ra giữa các thành viên
phát triển với nhau, ví dụ như tranh chấp giữa Hoa Kỳ và EU (vụ DS424); hoặc giữa các thành viên phát triển với các thành viên đang phát triển/chậm phát triển, ví dụ như tranh chấp giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc (vụ DS 449); hoặc giữa các thành viên đang phát triển/chậm phát triển với nhau, ví dụ như tranh chấp giữa Nam Phi và Braxin (vụ DS439). Các vụ tranh chấp thường diễn ra giữa một nguyên đơn với một bị đơn; nhưng trong một số trường hợp tranh chấp lại xảy ra giữa một nhóm các nguyên đơn với một bị đơn, ví dụ tranh chấp giữa bị đơn là Hoa Kỳ với các nguyên đơn là Ôxtrâylia, Braxin, Chilê, EC, Ấn Độ, Inđônêxia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan (vụ DS217). Như vậy, các thành viên đang phát triển, ngoài việc sử dụng hệ thống của WTO để giải quyết các tranh chấp với các thành viên phát triển, thì họ còn sử dụng nó để giải quyết các tranh chấp giữa các thành viên đang phát triển với nhau.
Sáu là, về mức độ tham gia của các thành viên phát triển và các thành viên
đang phát triển vào việc giải quyết tranh chấp về chống BPG tại WTO với tư cách là nguyên đơn và bị đơn cũng rất khác nhau, trong đó, các thành viên phát triển chủ yếu tham gia với tư cách bị đơn, còn các thành viên đang phát triển chủ yếu tham gia với tư cách nguyên đơn. Không những thế, thực tiễn giải quyết tranh chấp tại WTO về chống BPG đã cho thấy, từ năm 2001 cho đến hết năm 2013, có đến 10 năm trong giai đoạn này ghi nhận số lượng yêu cầu tham vấn từ các thành viên là những nước đang phát triển ít nhất là bằng hoặc thậm chí còn
vượt hơn so với số lượng yêu cầu của các thành viên là những nước phát triển. Đó là các năm (số lượng yêu cầu tham vấn từ các thành viên đang phát triển/thành viên phát triển): năm 2001 (3/3); năm 2004 (5/3); năm 2005 (4/0); năm 2006 (5/3); năm 2007 (1/0); năm 2008 (5/0); năm 2009 (2/1); năm 2010 (3/2); năm 2012 (4/2); năm 2013 (3/3) [78].
Như vậy, từ thực tiễn giải quyết tranh chấp về chống BPG trong khuôn khổ WTO, có thể rút ra một số nhận xét như sau:
Thứ nhất, các tranh chấp về chống BPG là loại tranh chấp phổ biến nhất
được giải quyết trong khuôn khổ WTO. Điều này cũng xuất phát từ thực tiễn của các nước hiện nay đã và đang sử dụng ngày càng nhiều các biện pháp chống BPG như là một công cụ bảo hộ cho ngành sản xuất nội địa. Chừng nào số lượng các vụ tranh chấp về BPG còn nhiều thì chừng đó, số lượng các vụ tranh chấp về chống BPG còn gia tăng với tính chất ngày càng phức tạp.
Thứ hai, các tranh chấp về thuế chống BPG chính thức là loại tranh chấp
về chống BPG phổ biến nhất được các thành viên đưa ra giải quyết tại WTO. Thực tế này xuất phát từ những nguyên nhân cơ bản sau đây: (i) về bản chất, biện pháp tạm thời chỉ được áp dụng một cách “tạm thời” trong giai đoạn điều tra, bởi vậy tác động của nó thường hạn chế; biện pháp cam kết giá là do nhà xuất khẩu tự nguyện và phải được cơ quan điều tra của nước nhập khẩu đồng ý và trên thực tiễn không nhiều doanh nghiệp có thể sử dụng biện pháp này; còn với các tranh chấp về sự không phù hợp trong các qui định pháp luật của một thành viên với nội dung của ADA thường là không phổ biến bởi phần lớn các thành viên đều có xu hướng đảm bảo sự tương thích của pháp luật quốc gia với pháp luật của WTO; trong khi đó, thuế chống BPG được cơ quan có thẩm quyền thông qua và có thể bị áp dụng trong một thời gian dài, vì thế, nó có thể gây ra những rào cản thực sự với hàng nhập khẩu; (ii) mặc dù WTO cho phép khởi kiện
đối với bốn loại tranh chấp, tuy nhiên, trên thực tế, các thành viên thường đợi cho tới khi có kết luận cuối cùng về vụ điều tra chống BPG để cân nhắc về việc khởi kiện, nhằm đảm bảo hiệu quả giải quyết tranh chấp cao hơn cho vụ kiện.
Thứ ba, về nhóm mặt hàng, chủ yếu là những sản phẩm xuất khẩu thế
mạnh của các thành viên đang phát triển.
Thứ tư, thực tiễn giải quyết các vụ tranh chấp về chống BPG cũng cho thấy
sự tham gia ngày càng tích cực của một số thành viên đang phát triển. Tỷ lệ tham gia của các thành viên đang phát triển vào DSM của WTO ngày càng tăng cho thấy sự gia tăng mức độ tin cậy của họ vào DSM của WTO cũng như sự tự tin của chính các thành viên đang phát triển. Trên thực tế, từ năm 1995, người ta đã ghi nhận rất nhiều vụ việc trong đó các thành viên đang phát triển là những bên thắng kiện, ví dụ như, vụ Hoa Kỳ - Tôm nhập khẩu (Thái Lan), vụ Hoa Kỳ - Tôm nhập khẩu (Việt Nam), vụ Hoa Kỳ - Chỉ thị về ký quỹ hải quan đối với hàng hóa bị áp thuế chống BPG/thuế đối kháng (Ấn Độ) v.v. Sự tham gia chủ động hơn của các thành viên đang phát triển vào việc giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế nói chung và các tranh chấp về chống BPG nói riêng tại WTO thực sự là một tín hiệu tốt và trên thực tế, khoảng cách về trình độ phát triển giữa một số thành viên đang phát triển và một số thành viên phát triển đã có sự thu hẹp đáng kể. Trong một số trường hợp, các thành viên đang phát triển đã sử dụng hiệu quả sự tư vấn và trợ giúp của ACWL.
Thứ năm, bên cạnh sự tham gia tích cực của một số ít các thành viên đang
phát triển thì vẫn còn rất nhiều thành viên đang phát triển khác không tham gia hoặc tham gia rất hạn chế vào việc giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế nói chung và các tranh chấp về chống BPG nói riêng tại WTO. Có nhiều nguyên nhân được đưa ra để lý giải cho tình trạng này của một số thành viên đang phát triển như do năng lực yếu kém, thiếu tài chính và nguồn nhân lực để theo đuổi
các vụ kiện, thiếu kinh nghiệm trong giải quyết tranh chấp, lo ngại “sự trả đũa” v.v. Tuy nhiên, xét cho cùng, bên cạnh sự trợ giúp của WTO và các thành viên khác, chính các thành viên đang phát triển phải tự nâng cao năng lực tham gia vào việc giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế của mình, theo đó, một trong các giải pháp quan trọng được đặt ra là những nước này cần tích cực học hỏi kinh nghiệm từ các thành viên đang phát triển khác – những nước đã từng thành công trong việc sử dụng DSM của WTO.