về chống bán phá giá
Thái Lan chính thức là thành viên của WTO từ ngày 01/01/1995. Trong DSM của GATT trước đây, Thái Lan thực sự không có nhiều kinh nghiệm với chỉ một lần duy nhất bị Hoa Kỳ khởi kiện vào năm 1990 đối với chính sách mang tính chất bảo hộ của Thái Lan khi từ chối cấp phép nhập khẩu cho các nhà máy sản xuất thuốc lá nước ngoài. Chỉ sau khi WTO ra đời, Thái Lan mới thực sự tăng cường việc sử dụng DSM của WTO nhằm bảo vệ các lợi ích của mình.
Tính đến hết ngày 31/12/2013, Thái Lan đã tham gia vào năm vụ tranh chấp về chống BPG, trong đó, bốn vụ tranh chấp về chống BPG với tư cách nguyên đơn và một vụ tranh chấp với tư cách bị đơn, đứng thứ mười một trong tổng số 30 thành viên đã khởi xướng các vụ tranh chấp về chống BPG ra WTO. Ngoài ra, Thái Lan cũng đã tham gia vào 19 vụ tranh chấp về chống BPG với tư cách là bên thứ ba trên tổng số 66 vụ tranh chấp mà Thái Lan đã tham gia với tư cách bên thứ ba tại WTO, chiếm khoảng gần 30% [58]. Trong bốn vụ tranh chấp mà Thái Lan tham gia với tư cách nguyên đơn, Thái Lan thắng ba vụ (DS383, DS343 và DS217), trong đó có một vụ Thái Lan đã được phép tiến hành các biện pháp trả đũa khi bị đơn không thực thi quyết định của DSB, và một vụ vẫn đang trong giai đoạn tham vấn (DS324) [78]. Vụ tranh chấp về chống BPG đầu tiên mà Thái Lan khởi kiện ra WTO diễn ra vào năm 2000, khoảng gần năm năm sau
khi Thái Lan chính thức trở thành thành viên của WTO. Với tư cách là bị đơn, Thái Lan mới chỉ tham gia một vụ tranh chấp duy nhất về chống BPG trong khuôn khổ WTO là vụ DS122 với Ba Lan. Một điểm đáng lưu ý là vụ tranh chấp về chống BPG này đã được tiến hành từ năm 1998, trước khi Thái Lan chủ động khởi xướng những vụ kiện đầu tiên ra WTO.
Trong vụ tranh chấp về chống BPG duy nhất với tư cách bị đơn, vụ DS122, Thái Lan đã bị Ba Lan kiện về việc áp dụng thuế chống BPG đối với các sản phẩm sắt, thép phi hợp kim dạng góc, khối, cắt và rầm chữ H nhập khẩu từ Ba Lan. Đây là vụ tranh chấp kéo dài gần bốn năm với việc trải qua đầy đủ tất cả các giai đoạn của quá trình giải quyết tranh chấp tại WTO từ giai đoạn tham vấn, xét xử tại Ban hội thẩm, kháng cáo và xét xử phúc thẩm cho tới giai đoạn thi hành quyết định. Trong vụ kiện này, ở giai đoạn xét xử tại Ban hội thẩm, Thái Lan đã dành được chiến thắng quan trọng ở một trong số hai nội dung bị khiếu kiện và điều đặc biệt là, ở giai đoạn kháng cáo và phúc thẩm, Báo cáo của AB lại mang đến một chiến thắng nữa cho Thái Lan khi có một số nội dung trong Báo cáo của Ban hội thẩm bất lợi cho Thái Lan đã bị AB bác bỏ [70]. Trước các khiếu kiện chống lại mình, Thái Lan đã tự bảo vệ một cách tinh vi và tự tin bày tỏ lập trường của mình hơn. Tiếc rằng, trên thực tế, sự tinh vi đó chưa đủ để mang lại chiến thắng hoàn toàn cho Thái Lan.
Song song với vụ DS122, năm 2000, Thái Lan đã khởi xướng vụ kiện đầu tiên với tư cách nguyên đơn, vụ DS217, kiện Hoa Kỳ về việc Hoa Kỳ đã ban hành Đạo luật đền bù trợ cấp và BPG năm 2000 không phù hợp với các qui định của WTO. Tiếp đó, Thái Lan lần lượt khởi xướng các vụ kiện vào năm 2004 (DS324), năm 2006 (DS343) và năm 2008 (DS383). Như vậy, cứ khoảng 2 năm, Thái Lan lại khởi xướng một vụ tranh chấp tại WTO.
Trong quá trình tham gia giải quyết tranh chấp tại WTO, Thái Lan cũng đã sử dụng hiệu quả cơ chế tư vấn và hỗ trợ của ACWL. Thái Lan là thành viên sáng lập của WTO, đồng thời là thành viên sáng lập của ACWL. Tính đến hết ngày 31/12/2013, Thái Lan đã yêu cầu sự hỗ trợ pháp lý của ACWL trong sáu vụ tranh chấp tại WTO về chống BPG, trong đó có ba vụ Thái Lan là nguyên đơn (DS383, DS343 và DS324) và ba vụ Thái Lan là bên thứ ba (DS350, DS322 và DS264) [52]. Có một điểm đặc biệt là trong cả sáu vụ tranh chấp có sự hỗ trợ pháp lý của ACWL mà Thái Lan tham gia thì bị đơn trong cả sáu vụ đó đều là Hoa Kỳ. Không những thế, trong ba vụ còn lại mà Thái Lan tham gia với tư cách là bên thứ ba thì cả ba vụ đều ít nhiều liên quan tới phương pháp Zeroing của Hoa Kỳ và đều diễn ra trước hoặc song song với vụ kiện DS343, vụ tranh chấp mà Thái Lan kiện Hoa Kỳ có nội dung liên quan tới Zeroing. Như vậy, có thể thấy, Thái Lan đã có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho vụ kiện DS343 để có thể giành chiến thắng trước một đối thủ “mạnh” như Hoa Kỳ, đồng thời, tận dụng cơ hội được tư vấn và hỗ trợ bởi ACWL.
Có thể thấy, vượt lên sự e ngại của vụ kiện đầu tiên trong khuôn khổ GATT, với sự ra đời của WTO và DSU, Thái Lan đã mạnh dạn hơn trong việc bảo vệ quyền lợi của mình thông qua các qui định của DSU. Rõ ràng, Thái Lan đã có lợi khi có một quá trình lịch sử ngoại giao kéo dài và những cải cách về luật pháp theo khuôn mẫu của phương Tây. Tuy nhiên, đội ngũ chuyên gia pháp lý của Thái Lan vẫn cần phải được phát triển hơn nữa để có thể tập trung vào việc vận dụng các qui định của WTO nhằm mang lại cho Thái Lan những lợi thế đầy đủ nhất [91, tr. 67-68].
Từ thực tiễn tham gia của Ấn Độ, Trung Quốc và Thái Lan vào việc giải quyết tranh chấp về chống BPG tại WTO, có thể rút ra một số nhận xét sau đây:
Một là, việc tham gia với tư cách bên thứ ba là một minh chứng rõ ràng
cho chiến lược xây dựng năng lực và chính sách “vừa học vừa làm”. Sự tham gia tích cực trong vai trò của một bên thứ ba sẽ giúp các nước đang phát triển nâng cao kinh nghiệm hữu ích khi tham gia vào DSM của WTO cũng như có được một cơ hội tốt để có được những ảnh hưởng nhất định tới việc xét xử của WTO theo hướng bảo vệ các lợi ích thương mại cho họ cũng như góp phần vào việc giải thích các qui tắc của WTO.
Hai là, sự tự tin và chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc tham gia vào giải quyết các
tranh chấp phức tạp như tranh chấp về chống BPG là một điều kiện tiên quyết cho sự thắng lợi.
Ba là, tạo lập sự liên kết và ủng hộ lẫn nhau giữa các nước đang phát triển,
đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của các nước khác sẽ góp phần tạo ra lợi thế trong việc giải quyết tranh chấp tại WTO về chống BPG.
Bốn là, sử dụng một cách có hiệu quả đội ngũ chuyên gia quốc tế trong
những lĩnh vực có liên quan tới các tranh chấp về chống BPG. Tuy nhiên, về lâu dài, vẫn phải đào tạo đội ngũ chuyên gia trong nước nhằm phát huy tối đa lợi thế cũng như đảm bảo bí mật của quốc gia trong giải quyết tranh chấp về chống BPG tại WTO.
Năm là, nâng cao năng lực tham gia giải quyết tranh chấp thương mại quốc
tế nói chung và các tranh chấp về chống BPG nói riêng cho đội ngũ cán bộ chuyên gia của Chính phủ cũng như lĩnh vực tư nhân; đào tạo và cử người có năng lực thâm nhập vào các cơ quan có liên quan trong DSM của WTO; tăng cường nghiên cứu pháp luật quốc tế áp dụng trong giải quyết tranh chấp về chống BPG tại WTO; tăng cường năng lực và sự tham gia của các hiệp hội ngành nghề và phòng thương mại vào việc giải quyết các tranh chấp tại WTO, bao gồm cả các tranh chấp về chống BPG.