đang phát triển
Trong DSM của WTO nói chung và trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp về chống BPG nói riêng, các thành viên đang phát triển của WTO được hưởng những đối xử đặc biệt và khác biệt bao gồm:
Một là, theo DSU, WTO dành chế độ đối xử đặc biệt và khác biệt cho các
nước đang phát triển trong các giai đoạn của qui trình giải quyết tranh chấp (tham vấn, hội thẩm, thực thi quyết định của DSB), ví dụ như kéo dài một số thời hạn, cân nhắc lợi ích trong quá trình giải quyết tranh chấp v.v [29],[77].
Hai là, theo Điều 3.12 của DSU, WTO cho phép áp dụng thủ tục rút gọn
căn cứ vào yêu cầu của một thành viên đang phát triển trên cơ sở Quyết định ngày 5/4/1966, theo đó, WTO cho phép ưu tiên áp dụng các qui tắc và thủ tục tương ứng của Quyết định BISD 14S/18 ngày 5/4/1966 so với Điều 4, Điều 5, Điều 6 và Điều 12 của DSU trong các vụ kiện mà bên nguyên đơn là nước đang phát triển kiện một thành viên phát triển có viện dẫn tới Quyết định này.
Ba là, theo Điều 27.2 của DSU, WTO có những hỗ trợ về kĩ thuật và pháp
lí dành cho các thành viên đang phát triển. Ban Thư ký WTO có một chuyên gia chuyên trách và hai tư vấn gia độc lập làm việc bán chuyên trách để thực hiện việc tư vấn và hỗ trợ pháp lý cho các thành viên đang phát triển trên nguyên tắc tôn trọng tính trung lập, khách quan, đồng thời Ban Thư ký cũng tiến hành việc tổ chức các khoá đào tạo đặc biệt về DSM cho các thành viên [29].
Bốn là, các nước đang phát triển được sử dụng các nhà tư vấn và ACWL.
Đây là một cơ chế hỗ trợ tương đối hiệu quả mà các thành viên đang phát triển có thể sử dụng khi tham gia vào giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ WTO, đặc biệt là đối với các tranh chấp về chống BPG vốn mang đầy tính kỹ thuật và rất phức tạp. Trên thực tế, tính từ tháng 07/2001 cho đến tháng 12/2013, trong tổng số 38 hoạt động hỗ trợ của các nhân viên ACWL, thì có tới 12 hoạt động là hỗ trợ cho các bên trong những vụ tranh chấp về chống BPG. Trong số các nước đã từng sử dụng sự hỗ trợ từ ACWL, thì Thái Lan là nước dẫn đầu với 6 lần; tiếp đó là Inđônêxia với 2 lần; các nước còn lại là Pêru, Goatêmala, Pakíttăng và Bănglađét, mỗi nước nhận sự hỗ trợ 1 lần [52].
Trải qua hơn 19 năm vận hành DSM của WTO, qui định về những đối xử đặc biệt và khác biệt dành cho các nước đang phát triển thực sự chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn và cũng chưa mang lại những tác động đáng kể nào để thúc đẩy sự tham gia của các nước đang phát triển vào quá trình giải quyết tranh chấp [48].
Từ quá trình tham gia của các thành viên đang phát triển vào việc giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế nói chung và các tranh chấp về chống BPG nói riêng, có thể thấy, việc các qui định về đối xử đặc biệt và khác biệt không phát huy được hiệu quả xuất phát từ hai lý do: một là, hầu hết qui định về ưu đãi trong DSU còn khá chung chung và chủ yếu là mang tính nguyên tắc, thiếu các qui định cụ thể [25, tr. 76-80]. Nhiều qui định về ưu đãi trong DSU chủ yếu đề ra những nguyên tắc với cách diễn đạt không cụ thể như “cần cân nhắc” (“…shall consider…”) hay “có tính đến” (“…shall take into account…” hoặc
“…in which account has been taken of…”) hoặc “cần đặc biệt chú ý tới” (“…
should give special attention to…” hoặc “particular attention should be paid to…”) v.v. Do đó, trên thực tế, rất khó để DSB, Ban hội thẩm, AB hay
chính bản thân các thành viên đang phát triển vận dụng các qui định này; hai là,
các thành viên đang phát triển, đặc biệt là các thành viên chậm phát triển, còn chưa thực sự tích cực tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp của WTO, và cho dù một số thành viên cũng đã tham gia thì họ cũng gặp nhiều bất lợi bởi những yếu kém về nguồn lực tài chính, đội ngũ chuyên gia cũng như kinh nghiệm để khởi kiện và theo đuổi các vụ kiện tại WTO, và quan trọng hơn cả là nhiều thành viên đang phát triển bị hạn chế trong việc đưa ra các biện pháp trừng phạt thương mại để đảm bảo sự tuân thủ. Rõ ràng, biện pháp trả đũa là một trong những biện pháp được phép áp dụng nhằm bảo đảm cho việc thi hành các quyết định của DSB mà WTO cho phép bên thắng kiện thực hiện. Tuy nhiên, ngay cả khi một thành viên đang phát triển thắng kiện, nếu bên thua kiện không chịu thi hành quyết định của DSB, thì bên thắng kiện cũng không có khả năng trên thực tế để viện dẫn đến những biện pháp trả đũa, và như thế, các thành viên đang phát triển đã bị “tước mất” một trong những công cụ hiệu quả nhất để buộc bên thua kiện phải thi hành quyết định của DSB [16, tr. 65-66].
Với những tranh chấp vốn dĩ phức tạp như các tranh chấp về chống BPG, những khó khăn nói trên càng tạo ra những thách thức thực sự với các thành viên đang phát triển. Rõ ràng, khi việc sửa đổi, bổ sung các qui định của DSU vẫn chỉ đang được đàm phán và cho tới nay, cũng chưa đạt được một kết quả đáng kể nào và cho dù, trong tương lai có đạt được một số thành công đi chăng nữa, thì các thành viên đang phát triển cũng cần phải hiểu rằng, những ưu đãi dành cho họ trong khuôn khổ WTO không có nghĩa là làm giảm nhẹ nghĩa vụ, làm tăng các quyền về nội dung hoặc cho phép thời gian ân hạn [29], mà chủ yếu là những ưu đãi về thủ tục nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho các nước đang phát triển trong quá trình thực thi các quyền và nghĩa vụ trong hệ thống thương mại đa phương nói chung và trong DSM nói riêng. Do đó, sự trợ giúp của WTO cũng như
ACWL chỉ có tác động phần nào, còn căn bản vẫn phải dựa vào năng lực của chính các thành viên đang phát triển.