Tình hình nghiên cứu và sử dụng sản phẩm thảo dược trên thế giới

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu tác dụng ức chế vi khuẩn in vitro và ứng dụng điều trị bệnh viêm tử cung bò của nano bạc và dịch chiết cây sài đất wedelia chinensis (osbeck) merr (Trang 30 - 33)

Phần 2 Tổng quan tài liệu

2.5. Tình hình nghiên cứu và sử dụng sản phẩm thảo dược trên thế giới và

2.5.1. Tình hình nghiên cứu và sử dụng sản phẩm thảo dược trên thế giới

Thuốc phòng trị bệnh cho người và thú nuôi hầu hết được bào chế từ hai nguồn dược liệu và hóa chất. Riêng thảo dược theo thống kê của tổ chức Y tế thế giới đạt tới 20.000 loài. Việc sử dụng thảo dược hiện không chỉ các nước Á Đông mà các nước phương Tây cũng tiêu thụ một lượng khá lớn. Ở các nước có nền công nghiệp phát triển có tới 1/4 số thuốc có kê trong đơn đều chứa hoạt chất từ thảo dược. Riêng ở Mỹ năm 1980 con số thuốc này đã có giá trị 8 tỷ USA.

Trong những năm gần đây xu hướng thế giới dùng thuốc thảo dược tự nhiên (không tách hoạt chất) ngày càng nhiều. Hiện có rất nhiều biệt dược, đông dược của Trung Quốc được tiêu thụ mạnh ở các nước châu Âu.

Ngày nay dược liệu có vai trò sau:

+ Dược liệu là nguồn cung cấp nguyên liệu cho việc bán tổng hợp một số hóa dược: Từ chất diosgenin của củ mài để bán tổng hợp lên thuốc steroid được sử dụng nhiều trong lâm sàng.

+ Nhiều hoạt chất quan trọng: quinin, emetin, strychnin, morphin, ajmalin, vincaleucoblastin,… đều phải chiết ra từ dược liệu vì chưa tổng hợp được.

+ Dược liệu mở đường cho ngành công nghiệp hóa dược phát triển: - Biết được công thức của ephedrin hoá dược đã ngưng tụ L-1-phenuy-1- acetyl carbinol với methylamin để có ephedrin tổng hợp.

- Dựa vào công thức của quinin trong vỏ canh-ki-na để tổng hợp rất nhiều dẫn chất trị ký sinh trùng sốt rét.

- Dựa vào artemisinin của cây thanh hao hoa vàng, các dẫn chất artesunat, arteether, artemether được bán tổng hợp cũng để trị ký sinh trùng sốt rét (Hoàng Thị Tuyết Nhung, 2012).

Từ 1950-1980 thế giới đã thử tác dụng chống ung thư như: taxol (paclitaxe) của cây Taxus brevfolia Nutt, họ Taxaceae có tác dụng chữa ung thư buồng trứng ở thời kỳ tiến triển. Năm 1992 ở Mỹ, Canada và Pháp đã sử dụng taxol trên lâm sàng. Hiện nay người ta đang nghiên cứu tổng hợp các dẫn chất mới từ taxol.

Các kết quả trên chỉ mới bước đầu thử nghiệm sàng lọc các loại thảo dược chưa xác định được thành phần nào trong thực vật có tác dụng trên virus và vi khuẩn.

Ngày nay, với kỹ thuật sàng lọc hoạt tính sinh học mới, hiện đại với tốc độ nhanh, lượng mẫu nhỏ, việc phát hiện các hoạt chất thiên nhiên có hoạt tính sinh học mới là rất có triển vọng. Sau khi phát hiện ra các chất có hoạt tính mới thì việc nghiên cứu chuyển hóa chúng thành dẫn xuất bằng nhiều con đường trong đó có hóa tổng hợp (combinatorial chemistry) để thử hoạt tính sinh học vẫn là một lĩnh vực hấp dẫn.

Faizi et al. (2003) sử dụng một số chiết xuất thảo dược từ các cây sầu đông (Aradirachta indica), bông Cận Đông (Gossypium berbaceum), bạch hoa xà (Plumbago zeylanica) và keo (Aacacia catechu) để điều trị bệnh viêm tử cung cho bò. Các tác giả trên cho biết với các tính chất kháng nấm, kháng vi khuẩn, kháng virus và kháng viêm của các hoạt tính trong các chiết xuất từ các thảo dược trên, chúng đều có khả năng điều trị bệnh viêm tử cung cho bò. Sử dụng chiết xuất từ tỏi và hormone PGF2α để điều trị bệnh viêm tử cung cho bò, (Sarkar et al. (2006) cho thấy tỉ lệ bò khỏi bệnh ở hai nhóm là tương đương nhau. Marquez et al. (2007) cho biết chiết xuất từ cây sim (Montanoa tomentosa) cho hiệu quả điều trị bệnh viêm tử cung ở bò sữa rất cao mà không làm ảnh hưởng đến chức năng của buồng trứng. Cui et al. (2014) cho biết dịch chiết từ cây ích mẫu (Herba Leonuri), đương qui (Angelicae Sinensis Radix), hồng hoa (Flos Carthami), cỏ gấu (Rhizoma Cyperi) và mộc dược (Myrrha) hòa tan trong cồn 70 làm tăng nhanh quá trình đào thải nhau thai ở bò bị sát nhau.

Esparza-Borges and Ortiz-Marquez (1996) cho biết dịch chiết của tỏi (Allium sativum, L), khuynh diệp (Eucalyptus globules) và rau khúc (Gnaphalium conoideum) có tác dụng rút ngắn thời gian động dục lại sau đẻ của bò bị viêm tử cung.

Các chất chiết xuất từ cây rễ vàng (Rhodiola rosea), hương thảo (Rosmarinus officinalis) đều có tính chống oxi hóa cao (Zhang et al., 2013). Chúng ta biết rằng trong quá trình viêm, các chất có tính chất oxi hóa được sinh ra làm trầm trọng thêm tác dụng có hại của viêm đối với tế bào tổ chức. Vì thế nếu các chất chiết thảo dược trên có tác dụng chống oxi hóa thì chúng có thể có tác dụng tốt trong điều trị các quá trình viêm như viêm tử cung ở bò do tác dụng chống lại các chất oxi hóa sinh ra trong quá trình viêm.

Một nghiên cứu khác cho thấy kim ngân hoa (honeysuckle), hoa mai (forsythia), bồ công anh (dandelion), hoa violet tokyo (Tokyo violet), ngải cứu (motherwort), đương qui (angelica), xuyên khung (chuanxiong), địa hoàng

(rehmannia), hồng hoa (safflower), cam thảo (radix glycyrrhizae) có tác dụng là tăng cường khả năng miễn dịch của các tế bào biểu mô tử cung của bò, do đó có thể dùng để điều trị bệnh viêm tử cung (Du et al., 2010).

Tính đến năm 2010, có ít nhất 50 loại cây thảo dược đã được nghiên cứu ứng dụng trong nuôi trồng thủy sản, chi tiết được miêu tả trong bài tổng quan của Citarasu et al. (1999). Chiết xuất thảo dược đã được chứng minh rằng chúng có tác dụng trên cả hai đối tượng tôm và cá nuôi với các vai trò như kích thích tăng trưởng; kích thích ăn uống và sinh sản (Babu, 1999; Venkatramalingam et al., 2007); kích thích miễn dịch (Edahiro et al., 1991; Minomol 2005); giảm hiện tượng stress (Citarasu et al., 1999; Hsieh et al., 2008); kháng ký sinh trùng, kháng vi khuẩn (Shangliang, 1990; Immanuel et al., 2004); kháng nấm và kháng vi rút (Citarasu et al., 1999; Yogeeswaran, 2007).

Một bài viết tổng quan về thảo dược cho thấy có trên 40 loại thảo dược được sử dụng để chống viêm, điều trị vết thương cho kết quả cao tại châu Phi. Trong nghiên cứu này cũng cho thấy một số thảo dược được sử dụng nhiều là hoa hồng (Acaena argentea), Aristotelia chilensis, Blechnum chilense, Francoa appendiculta, phỉ Chi Lê (Gevuina avellana) và đại hoàng Chi Lê (Laureliopsis philippiana).

Đã có hơn 140 hoạt chất được xác định có mặt trong dịch chiết của cây ích mẫu và dịch chiết của cây này cũng cho thấy các tác dụng chống viêm, chống oxi hóa, chống ung thư, đặc biệt là trên tế bào tử cung (Shang et al., 2014). Cỏ ban (Hypericum aethiopicum), đinh lăng (Polygala fruticosa) cũng được chứa các hoạt chất có tác dụng chống lại các vi khuẩn ở đường sinh dục của người (Van Vuuren and Naidoo, 2010).

Trong một nghiên cứu sử dụng bột tỏi và metronidazole để điều trị bệnh viêm âm đạo cho trên 120 phụ nữ từ 18-44 tuổi, các tác giả của công trình trên cho thấy chỉ số Amsel ở nhóm dùng tỏi giảm nhiều hơn so với nhóm dùng kháng sinh (70 và 48.3%), nhóm dùng tỏi cũng có ít tác dụng phụ hơn là nhóm dùng metroniazole (Mohammadzadeh et al., 2014).

Ở một nghiên cứu khác cũng cho thấy quế (Cinnamomum zeylanicum), gừng (Zingiber officinale), nghệ (Curcuma longa), trà xanh (Camellia sinensis) đều tăng cường khả năng miễn dịch tế bào trong điều trị bệnh viêm tử cung ở người.

Nghệ (Curcuma longa) cũng có tác dụng tốt trong việc điều trị bệnh lạc nội mạc tử cung nhờ khả năng ức chế estradiol (Zhang et al., 2013). Các chiết xuất từ trà xanh, oải hương (Lavandula angustifolia), nguyệt quế (thyme), bạc hà (Mentha piperita) đều cho khả năng kháng khuẩn cao đối với Enterococcus feralis, E.coli, Staphylococcus aureus, Candida albican (Thosar et al., 2013).

Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thiết kế các phân tử thuốc mới, cũng như trong nghiên cứu mối tương quan Cấu trúc – Hoạt tính đang ngày càng phát triển. Mặc dù đa số các công ty dược trên thế giới trong thời gian qua chưa đầu tư tích cực lắm cho việc nghiên cứu hóa học các hợp chất thiên nhiên. Song, việc nghiên cứu hóa học các hợp chất thiên nhiên vẫn được đấy mạnh trong những thập niên vừa qua và chắc chắn sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu tác dụng ức chế vi khuẩn in vitro và ứng dụng điều trị bệnh viêm tử cung bò của nano bạc và dịch chiết cây sài đất wedelia chinensis (osbeck) merr (Trang 30 - 33)