Tình hình nghiên cứu và sử dụng sản phẩm thảo dược ở Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu tác dụng ức chế vi khuẩn in vitro và ứng dụng điều trị bệnh viêm tử cung bò của nano bạc và dịch chiết cây sài đất wedelia chinensis (osbeck) merr (Trang 33 - 36)

Phần 2 Tổng quan tài liệu

2.5. Tình hình nghiên cứu và sử dụng sản phẩm thảo dược trên thế giới và

2.5.2. Tình hình nghiên cứu và sử dụng sản phẩm thảo dược ở Việt Nam

Việt Nam có độ đa dạng sinh học cao, có tới 2/3 diện tích đất tự nhiên trong nước là rừng, đồi núi và cao nguyên. Theo Nguyễn Thượng Dong (2006), Việt Nam có 10386 loài thực vật trong đó có 3830 loài có khả năng sử dụng làm thuốc. Trong công nghiệp dược phẩm nhân y đã có 1340/5577 loại thuốc chiếm 24% được sản xuất từ dược liệu hay hoạt chất từ dược liệu như: berberin, palmatin, artemisinin. Nhân y sử dụng dược liệu với nhiều mục đích khác nhau: thức ăn thay thế, phòng trị các bệnh truyền nhiễm, ký sinh trùng, nội khoa, ngoại khoa, sản khoa, ung thư… với rất nhiều dạng thuốc khác nhau: thuốc sắc, thuốc cao, viên hoàn, viên nén…

Ngày nay, nhiều cây thuốc đã có hiệu quả điều trị rõ rệt, nhưng cơ chế tác dụng vẫn chưa được giải thích và chứng minh. Xu hướng chung hiện nay là kết hợp Đông y và Tây y với phương châm vừa áp dụng những kinh nghiệm chữa bệnh của cha ông ta bằng thuốc nam, vừa nghiên cứu khảo sát các tính năng tác dụng của cây thuốc bằng cơ sở khoa học hiện đại (Đỗ Tất Lợi, 1991).

Các công trình nghiên cứu về lĩnh vực Đông dược, Y dược cổ truyền bên nhân y đã và đang thu hút được sự chú ý của nhiều nhà khoa học ở Việt Nam và trên thế giới. Các nhà khoa học nước ta đã chú ý đến việc sử dụng các loại thảo dược trong phòng và trị bệnh truyền nhiễm; bệnh ký sinh trùng; bệnh nội khoa; bệnh ngoại khoa; bệnh sản khoa,… Riêng lĩnh vực thú y, nghiên cứu về cây thuốc trong phòng trị bệnh cho vật nuôi còn ít và cũng chỉ giới hạn trong việc khai thác, áp dụng các bài thuốc cổ truyền.

Về lĩnh vực thú y, các nghiên cứu sử dụng các kháng sinh thực vật trong nuôi dưỡng và phòng trị bệnh cho lợn, đặc biệt bệnh lợn con phân trắng đạt hiệu quả cao (Bùi Thị Tho, 1996). Theo Trần Quang Hùng (1995) trong thuốc lá, thuốc lào có chứa alkaloid thực vật – nicotin và nornicotin trừ được ngoại ký sinh trùng và côn trùng hại rau, cây công nghiệp. Theo Lê Thị Ngọc Diệp (1999) cây Actiso (Cynara Scolymus L) chứa hoạt chất có tác dụng chống viêm, lợi tiểu, thông mật, bổ gan..

Nghiên cứu tác dụng phòng trị bệnh lợn con phân trắng của các cây tỏi, tô mộc, hành, hẹ và hoàng đằng. Đặc biệt, tác giả còn cho thấy vi khuẩn E.coli kháng lại kháng sinh thực vật của tỏi, hẹ lại chậm hơn rất nhiều so với các thuốc hoá học trị liệu khác: tetracyclin, neomycin,… Riêng mảng sử dụng các cây dược liệu: lá thuốc lào, thuốc lá, hạt na, vỏ rễ xoan, hạt cau, củ bách bộ, dây thuốc cá, hạt củ đậu… dùng để trị nội, ngoại ký sinh trùng thú y cũng đã thu được những kết quả nhất định (Nguyễn Văn Tý, 2002).

Kết quả nghiên cứu của (Bùi Thị Tho và Nguyễn Thành Trung, 2010), khi sử dụng dịch chiết cây Xuân hoa trong điều trị lợn con bị viêm ruột tiêu chảy tỷ lệ khỏi theo các công thức khác nhau đạt từ 87,51% đến 100%, thời gian khỏi bình quân là 2,3 – 3,08 (ngày).

Bùi Thị Tho (2003) đã nghiên cứu tác dụng của rễ thuốc cá trong phòng trị bệnh ngoại ký sinh trùng thú y cho kết quả tốt. Nhóm tác giả trên cũng đã sản xuất thuốc dạng mỡ từ hạt cây củ đậu để điều trị bệnh ghẻ chó và ve kí sinh (Nguyễn Mạnh Hiển và Bùi Thị Tho, 2006). Hơn nữa, việc sử dụng thảo dược điều trị bệnh, hạn chế tồn dư kháng sinh trong sản phẩm chăn nuôi cũng đã được quan tâm từ lâu của nhóm nghiên cứu trên khi các tác giả trên sử dụng bồ công anh ( Lactuca indica L.) chống tồn dư kháng sinh enrofloxacin trong điều trị tiêu chảy ở gà (Bùi Thị Tho và Nguyễn Thị Thanh Hà, 2009b). Ở một nghiên cứu khác, lá xuân hoa cho thấy có tác dụng điều trị bệnh tiêu chảy ở lợn con (Bùi Thị Tho và Nguyễn Thành Trung, 2010). Trong định hướng tiến tới sử dụng kháng sinh thảo dược một cách rộng rãi trong chăn nuôi thì việc bảo quản sản phẩm kháng sinh thảo dược cũng có một vai trò then chốt, nhóm nghiên cứu trên cũng đã nghiên cứu ảnh hưởng của thời gian và điều kiện bảo quản đến ác dụng dược lý của dịch chiết củ Bách bộ (Bùi Thị Tho, 2004). Tác giả cho thấy nên thu dịch chiết trong vòng 24h sau khi thu hái. Việc sử dụng kháng sinh thực vật từ tỏi và hẹ để điều trị các bệnh trên gia súc gia cầm cho thấy nó vừa cho hiệu quả cao,

vừa ít bị kháng thuốc, thời gian phát sinh kháng thuốc chậm hơn so với kháng sinh tổng hợp và từ nấm, hơn nữa vi khuẩn lại nhanh tái mẫn cảm với kháng sinh thực vật hơn các thuốc hóa học trị liệu (Bùi Thị Tho, 2001).

Nguyễn Hồng Loan (2010) công bố kết quả nghiên cứu sử dụng chất chiết xuất từ cây hoàng kỳ (Astragalus membranaceus) để tăng cường khả năng đề kháng của cá tra với bệnh mủ gan do nhiễm vi khuẩn Edwardsiella ictaluri. (Nguyễn Thanh Tâm và cs., 2012) nghiên cứu về tác dụng kháng khuẩn E. ictaluri của dịch chiết từ 3 loại thảo dược, đó là Diệp hạ châu đỏ, Diệp hạ châu xanh và Bạch hoa xà. Ngoài ra vi khuẩn Streptococcus spp gây bệnh lở loét cũng được nghiên cứu điều trị bằng hỗn hợp dịch ép từ củ tỏi và lá húng trên đối tượng cá trê lai (Bùi Thị Tho và Nguyễn Thị Thanh Hà, 2009a).

Nguyễn Văn Thanh và Nguyễn Thanh Hải (2014a) cho biết, dịch chiết cây mò hoa trắng tiêu diệt vi khuẩn Salmonella in vitro và cho kết quả điều trị cao đối với lợn con bị bệnh phân trắng. Trong nghiên cứu trên, nhóm tác giả đã sử dụng ethanol ở các nồng độ 35%, 70%, acetic 5% và aceton 70% để chiết xuất phytoncid từ thân, lá và rễ cây mò hòa trắng. Kết quả của nghiên cứu cho thấy rằng, chiết xuất bằng ethanol nồng độ 35% cho dịch chiết có hiệu quả tiêu diệt vi khuẩn và điều trị bệnh lợn con hoa trắng cao nhất. Nhóm tác giả trên cũng thấy rằng dịch chiết từ quả lựu (Punica gramatum) cho kết quả cao khi điều trị các bệnh giun sán cho gia súc (Hai and Atsushi, 2014). Nhóm tác giả sử dụng ethanol 5% để chiết xuất phytoncid từ quả lựu, dịch chiết được có thể tiêu diệt giun đũa lợn, sán dây ở lợn, giun đũa ở gà và sán lá ở gà.

Các chiết xuất của tỏi gừng cũng được nhóm tác giả trên công bố có khả năng tiêu diệt vi khuẩn E. coli và Salmonella phân lập từ vịt bị tiêu chảy (Nguyễn Văn Thanh và Nguyễn Thanh Hải, 2014b). Trong nghiên cứu này tác giả sử dụng ethanol 5% và acetic 5% để chiết xuất phytoncid từ tỏi và gừng. Kết quả cho thấy phương pháp dùng acetic 5% cho dịch chiết có tính kháng khuẩn cao hơn dịch chiết thu được từ phương pháp dùng ethanol 5%.

Nhóm tác giả trên cũng nghiên cứu ảnh hưởng của dịch chiết của ngưu tất (Achyranthes Bidentata Blume), muồng trâu (Cassia Alata L ), phi tử (Embelia Ribes Burn ), bìm bìm ( Ipomoea Hederacea Jacq), keo dậu (Leucaena Glauca Benth ) và cà gai leo (Solanumtorvum Swartz ) lên quá trình nở của trứng kí sinh trùng Haemonchus contortus phân lập từ dê (Nguyễn Văn Thanh và Nguyễn Thanh Hải, 2016). Các giả trên cho thấy muồng trâu và phi tử có tác dụng ức chế

trứng nở của Haemonchus contortus tốt nhất, trong khi ngưu tất có tác dụng tốt nhất lên sự chuyển động của ấu trùng. Ở nồng độ 20%, chỉ có chất chiết bìm bìm, keo dậu là có cả hai tác dụng vừa ức chế không cho trứng Haemonchus contortus nở và ức chế sự chuyển động của ấu trùng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu tác dụng ức chế vi khuẩn in vitro và ứng dụng điều trị bệnh viêm tử cung bò của nano bạc và dịch chiết cây sài đất wedelia chinensis (osbeck) merr (Trang 33 - 36)