Trước những năm 1986, nghề trồng hoa của Việt Nam chỉ tập trung ở một vài làng nghề ở Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Lạt và một vài
tỉnh miền Tây Nam Bộ. Diện tích trồng hoa của Việt Nam theo số liệu thống kê năm 1993 chỉ chiếm 0,02% tổng diện tích đất nông nghiệp (khoảng 1.585 ha). Trong đó, diện tích trồng hoa lan chiếm 10%.
Trong những năm gần đây, do sự phát triển chung của nền kinh tế, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện từ đó nhu cầu chơi hoa ngày càng phát triển rộng rãi. Thị trường WTO mở cửa kết hợp với chính sách sản xuất theo hướng hàng hoá xuất khẩu của nhà nước đã tác động mạnh mẽ, tích cực đến ngành sản xuất hoa nói chung và hoa lan nói riêng. Sản xuất hoa lan ở Việt Nam tập trung theo 2 hướng chính:
Sản xuất theo quy mô công nghiệp các loài lan mới lai tạo hoặc được nhập nội (lan công nghiệp).
Khai thác và nuôi trồng các loài hoa lan bản địa (lan rừng).
Tuy nhiên, các chính sách đầu tư của nhà nước hầu hết chỉ tập trung vào mảng lan cắt cành và sản xuất cây con giống của một số loài lan công nghiệp như Hồ Điệp (Phalaenopsis), Cát lan (Cattleya), Vũ Nữ (Oncidium), Hoàng Thảo
(Dendrobium). Các dự án đầu tư phát triển hoa cây cảnh của các tỉnh đều hướng tới sản xuất lan cắt cành, đặc biệt ở các tỉnh phía Nam. Tại hội thảo về hiện trạng và hướng phát triển hoa lan trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh năm 2005, ông Nguyễn Thiện Nhân - Phó Chủ tịch thường trực Thành phố cho biết, với thế mạnh là hoa nhiệt đới, lan cắt cành sẽ trở thành cây chủ lực của thành phố Hồ Chí Minh trong những năm tới. Ở miền Bắc, một số cơ quan nghiên cứu như: Viện Di truyền Nông nghiệp, Viện Sinh học Nông nghiệp, Học viện Nông nghiệp Việt Nam,... trong những năm vừa qua cũng đã tập trung nghiên cứu các phương pháp nhân giống vô tính in vitro và cho ra đời mỗi năm hàng vạn cây con giống hoa lan có giá trị. Viện Nghiên cứu Rau quả đã triển khai dự án “Hoàn thiện quy trình nhân giống và sản xuất một số giống lan Hồ Điệp ở quy mô công nghiệp” và đã có sản phẩm đưa ra thị trường phục vụ người chơi. Hải Phòng xây dựng khu Nông nghiệp công nghệ cao (Mỹ Đức, An Lão) với mục tiêu cụ thể: sản xuất 300000 cây giống hoa lan bằng công nghệ của Viện Sinh học nông nghiệp – Học viện Nông nghiệp Việt Nam và của Hiệp hội hoa Thái Lan (Xây dựng khu Nông – Lâm nghiệp công nghệ cao tại trung tâm phát triển lâm nghiệp Hải Phòng (2003)). Tất cả những chính sách đầu tư trên đã đem lại hiệu quả to lớn thúc đẩy ngành sản xuất lan công nghiệp phát triển và thu được nhiều thành tựu, đáp ứng
nhu cầu trong nước và một phần được xuất ra thị trường quốc tế đem lại nguồn thu ngoại tệ cho quốc gia và thu nhập lớn cho người trồng, người kinh doanh và người đầu tư vào lĩnh vực này.
Khác với lan công nghiệp, lan bản địa (lan rừng) lại chỉ phát triển nhỏ lẻ và được nuôi trồng ở quy mô hộ gia đình, tập trung chủ yếu ở Hà Nội và một số vùng phụ cận.
Xã Đông La - Hoài Đức - Hà Nội những năm gần đây trở nên nổi tiếng với nghề trồng lan, đây được coi là trung tâm nuôi trồng phong lan rừng lớn nhất miền Bắc. Đến nay cả xã đã có 52 hộ trồng lan, trong đó có hơn 30 hộ có diện tích vườn lan từ 500 đến 1000m2, tập trung nhiều nhất ở thôn Đông Lao và Đồng Nhân với những vườn lan như Huyền Chân, Trường Uyên, Thực Hà, Tiền Hảo,... Theo lãnh đạo xã Đông La, nghề trồng lan đã đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế của địa phương, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Trung bình mỗi năm, trừ chi phí, một hộ trồng lan cũng có lãi hàng trăm triệu đồng, gấp nhiều lần nghề nông nghiệp khác.
Bên cạnh Đông La, một số địa phương như Gia Lâm, Đông Anh (Hà Nội), Văn Giang (Hưng Yên), Mộc Châu (Sơn La), Phổ Yên (Thái Nguyên) cũng đang có nhiều hộ gia đình tập trung đầu tư vào sản xuất và nuôi trồng phong lan bản địa, tuy nhiên quy mô diện tích các vườn lan này khá nhỏ, chỉ từ 300 - 500m2. Số lượng loài cũng rất ít, phổ biến là các loài Đai Châu, Đuôi Cáo, Hoàng Thảo, Quế Lan Hương và một số loài lan Hài.
Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm quanh năm cho nên chủng loại lan ở Việt Nam rất phong phú. Theo các chuyên gia về hoa của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, với khoảng trên 800 loài lan hiện có, khí hậu thích hợp và nhiều nguyên liệu làm giá thể tốt cho cây sinh trưởng, Việt Nam có thể trở thành một nước sản xuất hoa phong lan lớn trong khu vực.Tuy nhiên, sản xuất hoa lan ở Việt Nam mới chỉ phát triển mạnh mẽ ở các tỉnh phía Nam, đặc biệt là Đà Lạt và thành phố Hồ Chí Minh.
Hiện nay mới chỉ có một số công ty lớn, trong đó có những công ty nước ngoài trồng phong lan tại Đà Lạt, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai với diện tích khoảng 50 - 60 ha/ một doanh nghiệp. Một vài địa phương khác phong lan chỉ mới trồng ở quy mô gia đình, trên diện tích vài mét vuông, cá biệt mới có vài hộ trồng trên 1 - 2 ha.
Theo tính toán, mỗi năm Việt Nam phải chi hàng tỷ đồng để nhập phong lan từ các nước láng giềng cho nhu cầu nội địa. Chỉ tính riêng tại thành phố Hồ Chí Minh, năm 2003 doanh số kinh doanh hoa lan và cây cảnh mới đạt 200 - 300 tỷ đồng, nhưng chỉ trong quý I năm 2006, doanh số này đã đạt 400 tỷ đồng; các cơ sở kinh doanh hoa lan, cây cảnh tăng nhanh từ 264 cơ sở năm 2003 lên trên 1000 cơ sở. Riêng phong lan mỗi năm ở thành phố này cũng đã tiêu thụ trên 1 triệu cây.
Lĩnh vực kinh doanh lan ở Việt Nam còn rất non trẻ, mới thực sự bắt đầu được hơn 10 năm trở lại đây. Theo ông Đồng Văn Khiêm - Giám đốc công ty Phong lan xuất khẩu thành phố Hồ Chí Minh thì khó khăn lớn nhất là nhà nước chưa có chính sách phát triển ngành lan, chưa có một văn bản nào để khuyến khích, chính sách thuế không rõ ràng,.... Bên cạnh đó, việc xuất khẩu lan hiện còn qua ủy thác, không tạo được sự chủ động cho nhà sản xuất.
Để có thể đáp ứng nhu cầu nội địa, tiến vào thị trường phong lan thế giới, ngoài việc khắc phục những khó khăn trên, ngành công nghiệp hoa lan của Việt Nam còn phải quan tâm rất nhiều đến vấn đề về tạo giống, công nghệ sản xuất, canh tác, công nghệ sau thu hoạch, đóng gói, kiểm dịch và đầu tư mở rộng cơ sở hạ tầng cho sản xuất loài hoa này.