Phần 2 Tổng quan tài liệu
2.4.2. Đáp ứng miễn dịch đặc hiệu
2.4.2.1. Sự hình thành kháng thể kháng virus dịch tả vịt
* Miễn dịch chủ động tự nhiên
Sau khi vịt mắc bệnh Dịch tả vịt và đã khỏi bệnh thì vịt sẽ có kháng thể kháng virus Dịch tả vịt trong cơ thể. Theo kết quả nghiên cứu của một số tác giả thì vịt khỏi bệnh có thể bị mắc trở lại. Bệnh tái phát thường ở thể ẩn, không có triệu chứng rõ. Nếu khám vịt ốm, chỉ thấy bên dưới lưỡi có nốt rộp, từ nốt rộp có tác giả đã phân lập được virus Dịch tả vịt.
* Miễn dịch chủ động nhân tạo
Vịt có được khả năng miễn dịch này nhờ được tiêm vacxin. Hiệu lực và độ dài đáp ứng miễn dịch phụ thuộc vào nhiều yếu tố như loại vacxin, đường đưa vacxin vào cơ thể,... Trên thực tế, khả năng đáp ứng miễn dịch của đàn vịt khi sử dụng vacxin Dịch tả vịt vô hoạt thấp hơn khi dùng vacxin nhược độc. Việc tiêm nhắc lại nhiều lần hoặc tiêm nhắc lại với số lượng lớn kháng nguyên làm sản sinh ra một lượng kháng thể lớn hơn Friend and Pearson (1973).Về đường đưa vacxin, Shawky and Sandhu (1997) cho rằng đường đưa vacxin vào cơ thể tốt nhất là tiêm bắp hoặc tiêm dưới da.
* Miễn dịch bị động tự nhiên
Kháng thể của vịt mẹ được truyền cho vịt con qua lòng đỏ trứng. Lượng kháng thể Dịch tả vịt ở trong lòng đỏ cao hay thấp phụ thuộc vào hàm lượng kháng thể trong huyết thanh vịt mẹ. Ở những vịt con một ngày tuổi, hàm lượng kháng thể Dịch tả vịt trong máu xấp xỉ bằng hàm lượng kháng thể trong lòng đỏ. Theo thời gian, hàm lượng kháng thể sẽ giảm dần và chỉ tồn tại ở vịt con tối đa là tới ngày 21. Ngoài ra, dù vịt con có được hưởng kháng thể từ vịt mẹ, nhưng nếu bị nhiễm nhiều virus thì vẫn có thể bị chết vì bệnh Dịch tả vịt. Như vậy, kháng thể do vịt mẹ truyền cho chỉ có thể bảo vệ được vịt con trong những ngày đầu sau khi nở nếu chúng bị nhiễm một lượng virus rất ít Kulkarni et al. (1998).
* Miễn dịch bị động nhân tạo
Là trường hợp can thiệp vào đàn vịt (đã bị mắc bệnh Dịch tả vịt tự nhiên) bằng kháng thể dịch tả vịt. Tuy nhiên, việc tạo miễn dịch dạng này không tồn tại lâu trong cơ thể và cũng không mang lại nhiều ý nghĩa trong thực tiễn.
2.4.2.2. Các loại kháng thể chống virus Dịch tả vịt
* Kháng thể dịch thể:
Là các Globulin miễn dịch hoạt động chủ yếu khi virus còn ở ngoài tế bào như trong máu. Chúng phong bế sự hấp thụ virus với receptor tương ứng trên bề mặt tế bào, ngăn cản sự hòa màng giữa vỏ virus với màng tế bào và tiêu diệt bằng kết hợp kháng nguyên - kháng thể, có thể có sự tham gia của bổ thể. IgA hoạt động tại dịch tiết niêm mạc, diệt virus ngay tại hàng rào niêm mạc tại cửa ngõ cơ thể. Vai trò kháng thể dịch thể chống virus đặc biệt quan trọng trong giai đoạn sớm của quá trình nhiễm. Khi phức hợp kháng nguyên-kháng thể bị nuốt vào bên trong tế bào thực bào thì kháng thể đặc hiệu còn ngăn cản virus phá vỡ màng của hốc thực bào, phá mạng phân tử vỏ virus và ngăn không cho chúng tái sao được nữa.
Tính đặc hiệu khá cao của kháng thể dịch thể đã giúp cho việc xác định typ của chủng gây bệnh nhờ vào huyết thanh học. Hiệu quả của một số vacxin cũng nhờ vào cơ chế này. Nhưng đáp ứng dịch thể cũng bị hạn chế do chúng chỉ có tác dụng nếu xảy ra trong thời gian ngắn khi virus chưa ẩn mình trong tế bào; đôi khi chúng không có tác dụng tiêu diệt vì chúng chỉ chống lại những epitop không quan trọng của virus gây bệnh. Cụ thể trong thực nghiệm đã cho thấy các kháng thể này không gây nổi miễn dịch thụ động trên những con vật đã được mẫn cảm mà chỉ có kháng thể dịch thể (Vũ Triệu An, 1997). Trong miễn dịch dịch thể, hàm lượng kháng thể sinh ra nhiều hay ít phụ thuộc vào loại kháng nguyên được sử dụng, số lượng kháng nguyên, số lần được kích thích, và khả năng đáp ứng miễn dịch của con vật. Đối với bệnh Dịch tả vịt, lượng kháng thể dịch thể được sinh ra trong những trường hợp vịt bị nhiễm bệnh tự nhiên thường thấp và chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn. Vịt được tiêm vacxin nhược độc có kháng thể thấp còn vịt bị nhiễm virus cường độc thì hàm lượng kháng thể cao hơn.
* Miễn dịch tế bào:
Đáp ứng miễn dịch tế bào là phương thức bảo vệ chính của cơ thể chống lại virus thông qua những tế bào lympho độc Tc (hay CTL: Cytotoxic T Lymphocyte). Đa số các tế bào này mang dấu ấn CD8+ (Cluster of Differenciation 8+: glycoprotein bề mặt tế bào thường có trên tế bào Tc nhận biết phân tử MHC lớp I trên tế bào đích) và hoạt động theo cơ chế có hạn chế bởi
MHC (Major Histocompatibility Complex: phức hòa hợp mô - những phân tử có mặt trên tế bào làm nhiệm vụ trình diện kháng nguyên) nghĩa là chúng chỉ có tác dụng khi tế bào bị nhiễm mang cùng phân tử MHC I. Hầu hết các tế bào trong cơ thể đều có phân tử MHC I nghĩa là có thể bị Tc tấn công khi có nhiễm virus. Cơ chế hoạt động của CTL là gây chết tế bào bị nhiễm theo chương trình (apoptosis) đồng thời tiết cytokin như IFN (Interferon), TNF (Tumoz necrosin factor: yếu tố hoại tử u) để ức chế virus tái sao và hoạt hoá những tế bào khác tăng biểu lộ các phân tử MHC. Nhưng chính cơ chế này trong một số trường hợp lại gây ra một sự phá hủy tế bào rộng lớn hơn. Trong nhiều trường hợp sự phối hợp của cả hai đáp ứng miễn dịch dịch thể và đáp ứng miễn dịch tế bào là nguyên nhân của trạng thái bệnh lý nặng nề. Guiping et al. (2007) bước đầu nghiên cứu về khả năng chết theo chương trình (apoptosis) của tế bào lympho ở vịt đã kết luận rằng: Quá trình chết theo chương trình và hoại tử của tế bào lympho gây ra bởi sự tiêm truyền virus Dịch tả vịt dẫn đến sự phân hủy tế bào lympho. Sự chết theo chương trình của tế bào lỵmpho có thể đóng vai trò quan trọng trong sinh bệnh học của bệnh Dịch tả vịt.
Đáp ứng miễn dịch tế bào có vai trò quan trọng trong miễn dịch của cơ thể với virus Dịch tả vịt. Qua kết quả nghiên cứu của Jansen thấy rằng: Một số vịt sau khi được tiêm vacxin có hàm lượng kháng thể dịch thể rất thấp nhưng khi đem thử thách với virus Dịch tả vịt cường độc thì vẫn được bảo hộ. Jansen cho rằng trường hợp này rõ ràng có vai trò đáng kể của kháng thể tế bào và nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc dùng virus cường độc để thử hiệu lực vacxin.