Phần 2 Tổng quan các vấn đề nghiên cứu
2.2. Cơ sở khoa học của việc xử lý phế thải chăn nuôi và trồng trọt bằng chế
2.2.2. Cơ sở thực tiễn của việc xử lý phế thải chăn nuôi và trồng trọt bằng chế
chế phẩm sinh học
Theo Đoàn Minh Tin (2015), năm 2014 nhu cầu tiêu thụ phân bón cả nước là 10,8 triệu tấn phân bón các loại. Trong đó, khả năng sản xuất phân bón trong nước là 8 triệu tấn, còn lại phụ thuộc vào nhập khẩu.
Tuy nhiên, việc nhập khẩu phân bón hiện nay đang có nhiều bất cập. Theo ông Phan Huy Thông- Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, một vấn đề bất cập hiện nay là Bộ Công Thương lại có nhiệm vụ điều tiết việc nhập khẩu phân bón vô cơ như urê, SA, kali..., còn Bộ NNPTNT lại được giao quản lý và điều tiết lượng phân hữu cơ tạo nên sự chồng chéo trong điều hành và tính toán
lượng phân nhập khẩu.
Liên quan vấn đề này, ông Lê Văn Tri- Chủ tịch Hiệp hội Phân bón sinh học Việt Nam cho rằng, nếu bà con nông dân tận dụng tất cả các thành phần hữu cơ bỏ đi của cây trồng để ủ tạo thành phân hữu cơ như rơm rạ, rác hữu cơ, rác trong các trang trại chăn nuôi tập trung... sẽ có thể giảm tới 30% lượng phân hữu cơ phải nhập khẩu (Chu Hồng Châu, 2013).
Theo nhận định của các nhà khoa học, sau mỗi vụ thu hoạch 1ha lúa sẽ thu được 6 tấn rơm rạ, nếu đem đốt sẽ mất đi hơn 5,5 triệu đồng và ảnh hưởng lớn tới giao thông và gây ô nhiễm môi trường không khí, trong khi cùng khối lượng rơm rạ ấy nếu đem xử lý bằng chế phẩm sinh học sẽ thu được khoảng 400kg phân hữu cơ.
Nếu toàn bộ số rơm rạ sau thu hoạch của cả nước (khoảng 45 triệu tấn) được xử lý sẽ đem lại 20 triệu tấn phân hữu cơ, người nông dân không phải bỏ tiền mua phân hóa học (NPK) là 200.000 tấn đạm, 190.000 tấn lân và 460.000 tấn kali, như vậy, sẽ tiết kiệm được gần 11.000 tỷ đồng (Lê Văn Tri, 2013).
Trong nền kinh tế phát triển hiện nay, ngành nông nghiệp Việt Nam đang được đầu tư với hướng đi đúng đắn và chuyên biệt rõ rệt nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng, chi phí thấp và lợi nhuận cao.
Và đó là điều mong mỏi của liên kết 4 nhà (nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nước) tạo ra các mô hình sản xuất như cánh đồng mẫu lớn, các câu lạc bộ sản xuất giỏi và thực hành nông nghiệp tốt (vietGAP), …
Song song với việc phát triển nông nghiệp là sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực phân bón, trong đó phân bón hữu cơ đã được nông dân sử dụng từ thủa ban sơ trong quá trình trồng trọt như dùng trực tiếp các loại phân gia súc, gia cầm, ủ cây, lá…
Từ khi có phân hóa học ra đời nâng cao được năng suất thì vai trò phân hữu cơ giảm nhẹ, thậm chí lạm dụng phân hóa học trong sản xuất nông nghiệp mà không cần sự hiện diện của phân hữu cơ nhưng việc sử dụng sai lầm này đã dẫn đến một nền nông nghiệp không bền vững: chi phí sản xuất tăng, sâu bệnh nhiều, năng suất không ổn định và đặc biệt chất lượng nông sản thấp, giá thành giảm mạnh.
Từ đó cần phải nhìn nhận thực tế rằng phân bón hữu cơ và phân hóa học có mối liên hệ tương hỗ và không thể tách rời, phân hữu cơ không thể thay phân hóa học và ngược lại, mỗi loại có vai trò khác nhau cùng tác động trực tiếp và quyết
định đến năng suất và chất lượng sản phẩm của ngành nông nghiệp và tạo nền nông nghiệp phát triển ổn định bền vững.
Tại sao phân hữu cơ lại ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp nhiều vậy? Bởi vì chất hữu cơ đối với cây trồng thì không thể thiếu, nó có một số tác dụng cụ thể như sau:
Thứ nhất chất hữu cơ tồn tại xen kẽ với các thành phần kết cấu của đất, tạo tạo ra sự thông thoáng giúp rễ phát triển mạnh nên có cường độ hô hấp tối đa và dễ dàng hấp thu các nguồn dinh dưỡng.
Thứ hai chất hữu cơ sẽ lưu giữ các khoáng chất đa, trung vi lượng từ các loại phân bón hóa học và cung cấp dần cho cây hạn chế được hiện tượng thất thoát phân bón trong quá trình sử dụng, giảm chi phí đáng kể trong sản xuất nông nghiệp, giúp đất giữ ẩm làm cây chống chịu khô hạn tốt hơn. Thứ ba, sự hiện diện của chất hữu cơ làm môi trường sống cho các hệ vi sinh có ích, các hệ vi sinh này cân bằng môi trường của hệ sinh thái vì vậy sẽ hạn chế một số đối tượng gây bệnh, góp phần tăng năng suất và chất lượng nông sản (Minh Toàn, 2014).
Trên địa bàn nước ta hiện nay nghề trồng nấm đang được phát triển khá mạnh ở ngoại thành. Mỗi năm các doanh nghiệp này cũng thải hàng nghìn tấn bã thải trồng nấm. Một phần các cơ sở sản xuất này tái sử dụng, một phần bán hoặc cho người trồng trọt nhưng ở dạng thô, chưa qua xử lý chế phẩm nên chất lượng dùng làm phân bón không cao, một phần bỏ không. Điều này gây ra sự lãng phí so với nhu cầu sử dụng phân bón hữu cơ rất lớn đối với nền nông nghiệp đang trên đà phát triển mạnh, đang cần sạch, cần an toàn như hiện nay và tiết kiệm được rất lớn lượng phân nhập khẩu.
Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi đặc biệt là chăn nuôi gia cầm cũng được phát triển mạnh, mỗi năm thải ra hàng tấn phân, lượng phân này hầu hết được sử dụng trực tiếp bón cho cây trồng làm ảnh hưởng tới môi trường đất, nước, không khí và ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân (Minh Toàn, 2014).