Ảnh hưởng của chủ đầu tư dự án

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố bắc ninh, tỉnh bắc ninh (Trang 107 - 108)

Chủ đầu tư dự án chịu trách nhiệm quản lý chất lượng công trình xây dựng ngay từ khi chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư cho đến khi kết thúc xây dựng, đưa công trình vào khai thác sử dụng. Trách nhiệm quản lý chất lượng công trình xây dựng gồm:

Thực hiện đầy đủ các quy định của Nhà nước về lập, thẩm định, trình duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán, tổ chức đấu thầu hoặc lựa chọn nhà thầu. Tuyển chọn tổ chức tư vấn, cung ứng vật tư, thiết bị, xây lắp có đủ tư cách pháp nhân, có đủ năng lực để đảm nhận các công việc trong quá trình đầu tư.

Kiểm tra chất lượng các loại vật tư, cấu kiện xây dựng, thiết bị lắp đặt đúng theo yêu cầu thiết kế và tiêu chuẩn kỹ thuật được duyệt. Được quyền yêu cầu các tổ chức tư vấn, cung ứng, tổ chức nhận thầu xây lắp giải trình về chất lượng vật liệu, thiết bị và công việc do các tổ chức này thực hiện nếu thấy không đạt yêu cầu quy định có quyền yêu cầu sửa chữa, thay thế hoặc từ chối nghiệm thu.

Để thực hiện được các nhiệm vụ trên đòi hỏi chủ đầu tư phải có đủ năng lực để quản lý dự án.

Ở thành phố Bắc Ninh, thời gian qua chủ đầu tư các dự án đã chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc quản lý dự án, thực hiện rất nhiều dự án cùng lúc. Ở các dự án này, chất lượng khi kiểm tra, đo đạc tương đối đạt yêu cầu. Tuy nhiên vẫn còn một số công trình chưa đạt chất lượng tốt. Sau khi đưa vào sử dụng một thời gian, vẫn xảy ra hiện tượng nứt, lún, bong, tróc, ố. Đối với công trình giao thông, xuất hiện các ổ gà, vết nứt mặt đường, hệ thống thoát nước kém,… Do đó thực trạng về công tác quản lý chất lượng các công trình xây dựng của thành phố những năm qua còn không ít những bất cập dẫn đến chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật một số công trình chưa được đảm bảo do các nguyên nhân sau:

Chủ đầu tư không có năng lực chuyên môn và kinh nghiệm về lĩnh vực đầu tư của dự án; kiêm nhiệm nhiều công việc, nhiều dự án khác nhau; việc thành lập tổ quản lý dự án không tuân thủ theo quy định của quy chế quản lý đầu tư và xây dựng.

Chủ đầu tư khoán trắng công việc cho đơn vị tư vấn hoặc đơn vị thi công. Có chủ đầu tư khi cơ quan quản lý đến làm việc nếu không có nhà thầu thì chủ

đầu tư không thể báo cáo được tình hình thực hiện hoặc chỉ nêu được những nét chung nhất.

Chủ đầu tư không nắm được các quy định về quản lý một dự án, lúng túng trong tổ chức thực hiện, từ lập dự án, trình duyệt, thẩm định, tổ chức đấu thầu, giám sát thi công xây lắp và nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng.

Công tác giám sát thi công, nghiệm thu từng phần và nghiệm thu toàn bộ do không có cán bộ trực tiếp giám sát, buông lỏng quản lý nên chủ yếu dựa vào báo cáo của nhà thầu. Có công trình không đảm bảo chất lượng nhưng vẫn được nghiệm thu. Không kiểm soát được nhà thầu.

Tiến độ đầu tư của các dự án thi công chậm tiến độ, không có khối lượng để giải ngân. Việc chậm tiến độ dự án có thể do các nguyên nhân:

Trách nhiệm của chủ đầu tư xây dựng công trình, trình độ năng lực quản lý đầu tư xây dựng công trình của chủ đầu tư kém. Đôn đốc tiến độ thi công, hoàn thiện hồ sơ thanh toán,... theo ngày, tuần, tháng, quý,… chưa được chú ý sát sao.

Tạm ứng quá nhiều vốn ban đầu cho nhà thầu của chủ đầu tư sẽ làm nhà thầu ỷ lại, không đẩy nhanh tiến độ.

Năng lực của nhà thầu thi công về quản lý đầu tư xây dựng công trình không cao, biện pháp thi công không tốt sẽ dẫn đến chậm tiến độ dự án, chậm hoàn thiện thủ tục, gửi khối lượng đề nghị thanh toán cho chủ đầu tư; chậm hoàn thiện hồ sơ quyết toán các dự án hoàn thành. Không hoàn thiện hồ sơ khi có yêu cầu đóng góp của các cơ quan quản lý chuyên ngành trong khâu thẩm định dự án.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố bắc ninh, tỉnh bắc ninh (Trang 107 - 108)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)