3.1.1.1. Vị trí địa lý
Huyện Chợ Đồn có vị trí nằm phía Tây tỉnh Bắc Kạn, cách thành phố Bắc Kạn 44km theo quốc lộ 3B, trải từ 105o26’ đến 150o42’ kinh độ Đông và từ 21o57’ đến 22o26’ vĩ độ Bắc; phía Bắc giáp huyện Ba Bể, phía Đông giáp huyện Bạch Thông, phía Nam giáp tỉnh Thái Nguyên và phía Tây giáp tỉnh Tuyên Quang.
Tổng diện tích tự nhiên toàn huyện là 912,93 km2, chiếm 18,7% diện tích tự nhiên của tỉnh Bắc Kạn. Huyện Chợ Đồn được chia thành 22 đơn vị hành chính gồm: Thị trấn Bằng Lũng và 21 xã (Nam Cường, Đồng Lạc, Xuân Lạc, Quảng Bạch, Tân Lập, Ngọc Phái, Phương viên, Bằng Phúc, Rã Bản, Đông Viên, Đại Sảo, Yên Mỹ, Yên Nhuận, Phong Huân, Bình Trung, Nghĩa Tá, Lương Bằng, Bằng Lãng, Yên Thượng, Yên Thịnh, Bản Thị).
Hệ thống đường giao thông của Chợ Đồn gắn liền với các trục đường bộ quan trọng của Bắc Kạn, Tuyên Quang và một số địa bàn quan trọng khác thuộc khu vực Miền núi phía Bắc. Đây là điều kiện thuận lợi góp phần thúc đẩy giao lưu, phát triển kinh tế, khai thác các thế mạnh của huyện, đặc biệt là tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi rừng và du lịch.
3.1.1.2. Địa hình
Chợ Đồn là huyện miền núi của tỉnh Bắc Kạn, có độ cao giảm dần từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây, với 2 dạng địa hình phổ biến.
- Địa hình núi đá vôi:
Phía Bắc của huyện có các xã thuộc cao nguyên đá vôi Lang Ca Phu kéo dài từ huyện Ba Bể đến thị trấn Bằng Lũng, bởi những dãy núi đá vôi với độ cao trên 1000m xen giữa các thung lũng hẹp có độ dốc bình quân từ 25 – 30o nên địa hình của huyện chia cắt khá phức tạp.
- Địa hình núi đất:
400-600m; độ dốc bình quân từ 20-25o. Địa hình bị chia cắt mạnh bởi hệ thống sông suối khá dày đặc.
Nhìn chung các điều kiện tự nhiên của Chợ Đồn khá thuận lợi cho canh tác nông lâm nghiệp kết hợp, trồng cây ăn quả, cây công nghiệp dài ngày và lâm nghiệp.
3.1.1.3. Đặc điểm khí hậu, thủy văn
Khí hậu của huyện Chợ Đồn mang đặc trưng của khí hậu nhiệt đới gió mùa, có mùa đông khô lạnh và mùa hè nóng ẩm. Nhiệt độ trung bình trong năm 23,2oC. Nhiệt độ trung bình cao nhất khoảng (28-29oC) vào các tháng 6,7 và tháng 8, nhiệt độ trung bình thấp nhất vào các tháng 1 và 2 vào khoảng (16,1oC), có năm xuống tới -2oC. Nhiệt độ cao tuyệt đối là 39,5oC. Tổng tích nhiệt cả năm bình quân đạt 6800-7000oC. Mặc dù nhiệt độ còn bị phân hoá theo độ cao và hướng núi, nhưng không đáng kể.
Lượng mưa thuộc loại thấp, bình quân 1.115mm/năm. Các tháng có lượng mưa lớn là tháng 6 và 7 có ngày mưa tới 340mm/ngày; thấp nhất vào các tháng 12 và tháng 1 năm sau 1,5mm. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 và chiếm tới 75-80% lượng mưa cả năm. Độ ẩm không khí trung bình 82%, thấp nhất vào tháng 2 với 79% và cao nhất vào tháng 7 tới 88%.
Những đặc điểm khí hậu trên rất thích hợp cho trồng các loại cây nhiệt đới và á nhiệt đới, là điều kiện để đa dạng hoá cây trồng, tăng vụ. Tuy nhiên qua phân tích tình hình thời tiết khí hậu của huyện cũng cho thấy về mùa đông ở đây có thể gặp các hiện tượng thời tiết đặc biệt như sương mù, sương muối, mưa phùn, mưa đá; mùa hè có thể có dông, gió khô nóng, ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới. Các hiện tượng thời tiết cực đoan này tuy không diễn ra liên tục trong một thời gian dài nhưng có ảnh hưởng xấu đến sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng và vật nuôi, làm cho năng suất, sản lượng và chất lượng của ngành nông nghiệp bị giảm sút đáng kể.
3.1.1.4. Các nguồn tài nguyên * Tài nguyên đất
Với diện tích đất nông nghiệp không đáng kể, bình quân là 955m2/người, đất lâm nghiệp là 1,1 ha/người.
Bảng 3.1. Hiện trạng sử dụng đất năm 2016
TT Loại đất Diện tích (ha) Cơ cấu (%)
1 Đất sản xuất nông nghiệp 6.133,48 6,73
2 Đất lâm nghiệp có rừng 78.783,26 86,45 3 Đất nuôi trồng thuỷ sản 505,86 0,56 4 Đất nông nghiệp khác 5,17 0,01 5 Đất ở 318,48 0,35 6 Đất chuyên dùng 3.520 3,86 7 Đất bằng chưa sử dụng 670,63 0,74
8 Đất đồi núi chưa sử dụng 152,08 0,17
9 Núi đá không có rừng cây 348,61 0,38
Nguồn: Niên giám thống kê huyện Chợ Đồn (2016) Về thổ nhưỡng, theo tài liệu và bản đồ thổ nhưỡng tỷ lệ 1/100.000 của sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn, trên địa bàn huyện Chợ Đồn có các loại đất chính như sau:
+ Đất Feralit nâu vàng phát triển trên đá vôi, phân bố ở vùng phía Bắc huyện từ Bằng Lũng đến Nam Cường. Đất tơi xốp, độ ẩm cao, tầng đất dày, hàm lượng dinh dưỡng cao, tỷ lệ mùn là 1,9-3,5%; tỷ lệ đạm trung bình nhưng nghèo lân tổng số. Đất này thích hợp cho các loại cây lương thực, cây công nghiệp nhưng dẽ bị hạn.
- Đất Feralit đỏ vàng phát triển trên phiến thạch sét và đá biến chất; phân bố ở vùng đồi, núi thâp thuộc các xã phía Nam. Đất có tầng dày trung bình, có thành phần cơ giới thịt nhẹ hoặc pha sét. Ở những nơi còn cảm thấy thực bì rừng che phủ có tỷ lệ mùn khá cao (3-3,5%). Tỷ lệ đạm trung bình, loại đất này thích hợp cho trồng cây công nghiệp và cây lâm nghiệp. Ở những nơi có độ dốc thấp, gần nước có thể trồng cây ăn quả.
- Đất đốc tụ và phù xa ven sông phân bố ở các thung lũng và dọc theo các con sông, suối. Tầng đất dày, có thành phần cơ giới từ thịt nặng đến sét, đất hơi chua, hàm lượng dinh dưỡng khá, thích hợp cho trồng các loại cây lương thực và cây công nghiệp ngắn ngày như lạc, đậu tương…
* Các loại tài nguyên khác
- Tài nguyên rừng
Theo thống kê năm 2015 tổng diện tích đất lâm nghiệp huyện Chợ Đồn có 58.531 ha, chiếm 64,24% diện tích tự nhiên của toàn huyện, trong đó chủ yếu là
đất rừng sản xuất 38.909 ha. Các xã có diện tích rừng lớn, trên 4.000 ha là Xuân Lạc, Bản Thi, Bằng Phúc, Bình Trung. Tính đến năm 2015, đã khoán khoanh nuôi bảo vệ được 18.236 ha. Chợ Đồn cũng là huyện có diện tích rừng trồng lớn, chiếm 25% diện tích rừng trồng của toàn tỉnh. Các loại cây trồng chính gồm có mỡ, thông, keo, bồ đề, hồi, quế,…
Với tài nguyên rừng phong phú đa dạng, là lợi thế tuyệt đối của huyện Chợ Đồn, khai thác hợp lý rừng sẽ không chỉ là nguồn nguyên liệu cho phát triển công nghiệp chế biến cho thị trường tiêu dùng trong nước và xuất khẩu mà còn là nền tảng vững chắc cho giai đoạn phát triển bền vững sau này. Những năm qua, huyện đã đầu tư nhiều cho công tác quản lý, phát triển và khai thác tài nguyên rừng, tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập. Để khắc phục, ngoài các biện pháp hành chính, cần quan tâm nhiều hơn nữa tới công tác quy hoạch, lồng ghép các chương trình nhằm vừa phát triển, khai thác tốt các nguồn lợi rừng vừa nâng cao mức sống dân cư, đảm bảo các điều kiện phát triển bền vững cả về tăng trưởng, xã hội và môi trường trong tương lai.
- Tài nguyên khoáng sản
Chợ Đồn là một trong hai khu vực tập trung tài nguyên khoáng sản của tỉnh Bắc Kạn (Chợ Đồn và Ngân Sơn – Na Rì). Những khoáng sản có tiềm năng hơn cả là sắt, chì, kẽm và vật liệu xây dựng. Trên địa bàn huyện Chợ Đồn hiện có khoảng 54 mỏ và điểm quặng kẽm – chì với trữ lượng khoảng 14.508 nghìn tấn, chiếm 96,5% lượng quặng kẽm – chì của toàn tỉnh. Mỏ đã được thăm dò và có trữ lượng công nghiệp lớn là mỏ Bằng Lũng (Khoảng 5.032 nghìn tấn), mỏ Bản Thi (166,5 nghìn tấn). Ngoài ra, Chợ Đồn còn có nhiều loại khoáng sản khác, nhưng trữ lượng công nghiệp không đáng kể. Nhóm phi kim loại là các loại dùng cho sản xuất vật liệu xây dựng gồm có đá hoa cương, đất sét để sản xuất gạch. Than đá ở Nghĩa Tá.
Đây là những lợi thế lớn để Chợ Đồn có thể phát triển các ngành công nghiệp khai khoáng, công nghiệp vật liệu xây dựng, từng bước tích luỹ và xây dựng các ngành công nghiệp khác sau này.
- Tài nguyên nhân văn
Chợ Đồn là một phần của chiến khu Định Hoá, hiện còn nhiều di tích lịch sử về cuộc kháng chiến chống Pháp cần được lưu giữ và tôn tạo. Với 9 xã thuộc vùng ATK, nhiều danh lam thắng cảnh, hệ thống sông suối với hệ sinh thái phong phú và mạng lưới giao thông thuận lợi là những điều kiện thuận lợi để
phát triển các hoạt động du lịch trên địa bàn, từ du lịch văn hoá lịch sử đến du lịch sinh thái, tâm linh.v.v...
- Môi trường - sinh thái
Sông suối trên địa bàn huyện Chợ Đồn thường ngắn và dốc, chảy xen kẽ với các vùng đá vôi, nên khó giữ nước, thêm vào đó, rừng là điều kiện giữ nước nhưng lại đang bị khai thác nhiều, nên duy trì hiện trạng của hệ môi trường sinh thái là việc làm khó khăn. Đáp ứng nhu cầu tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế, các ngành công nghiệp khai thác tài nguyên thiên nhiên như giấy, chế biến gỗ, lâm sản, khai thác các loại khoáng sản, đá vôi, đất sét,v.v... đang mang lại hiệu quả kinh tế trước mắt xong cũng đang đẩy nhanh quá trình xuống cấp của môi trường, tác động xấu tới hệ sinh thái của huyện.
Tóm lại: Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của Chợ Đồn có nhiều thuận lợi, những bất lợi do tự nhiên đem lại chỉ là những yếu tố nhỏ, có thể khắc phục trong tương lai gần. Nếu khai thác hết những ưu thế do điều kiện tự nhiên đem lại chắc chắn Chợ Đồn sẽ là một trong những điểm kinh tế của tỉnh và khu vực miền núi phía Bắc. Tuy nhiên để khai thác hết những lợi thế kể trên, chúng ta cần phải bỏ ra nhiều công sức, nguồn vốn để cải tạo thiên nhiên, quy hoạch sản xuất, quy hoạch dân cư và cải tạo môi trường.