Thông qua phân cấp quản lý ngân sách đã thúc đẩy phân cấp các quy trình quản lý về thu ngân sách tạo sự chủ động và làm rõ trách nhiệm từng cấp về quản lý chi ngân sách trong phạm vi đã phân cấp. Trong những năm qua, kinh tế huyện Chợ Đồn đã có sự tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế một cách hợp lý, tích cực, chú trọng đến phát triển lâm - nông nghiệp, gia trại, trang trai, hợp tác xã, công nghiệp - thương mại, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng phát triển nông nghiệp lạc hậu, thị trường tự cung tự cấp. Số thu ngân sách NSNN đã có sự tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, cơ bản đáp ứng nhu cầu điều hành của chính quyền địa phương về phát triển kinh tế xã hội theo Nghị quyết của Đảng bộ huyện và Hội đồng nhân dân huyện.
Công tác quản lý NSNN trên địa bàn huyện Chợ Đồn trong những năm gần đây đã đạt được những kết quả sau:
Thứ nhất, công tác lập dự toán ngân sách của huyện đã được HĐND huyện phê chuẩn, phân bổ dự toán đảm bảo theo quy định của Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn luật, các văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền; phù hợp với định hướng phân bổ ngân sách của Nghị quyết HĐND tỉnh và Quyết định UBND tỉnh giao. Tiến độ phân bổ và giao dự toán thực hiện phù hợp quy định về thời gian. UBND huyện Chợ Đồn đã thực hiện quyết định giao chỉ tiêu và dự toán NSNN trước ngày 31/12 hàng năm và công khai dự toán ngân sách đúng theo quy định của Luật NSNN.
Thứ hai, việc chấp hành dự toán thu đã được kiện toàn, một bước và luôn được các cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm đúng mức, lực lượng thu đã có nhiều cố gắng trong việc tổ chức thu, thực hiện thu dứt điểm các khoản thu tồn đọng, tăng cường kiểm tra, rà soát, điều chỉnh kịp thời mức thu cho phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh. Cơ quan quản lý thu đã phối hợp với các ngành, các xã, thị trấn triển khai đồng bộ các biện pháp tổ chức thu, nghiệp vụ
quản lý thu, có kế hoạch triển khai thu ngay các khoản thu mới phát sinh; thực hiện ký hợp đồng ủy nhiệm thu với các xã, thị trấn trực tiếp thu, nắm rõ được nguồn thu, đối tượng thu do vậy đã tiến hành chủ động rà soát, đưa vào quản lý các hộ mới ra kinh doanh, hàng tháng tập trung thu các số thuế mới phát sinh trong bộ thuế nhằm hạn chế thấp nhất thất thu cho ngân sách. Công tác quản lý nguồn thu được củng cố và tăng cường, thực hiện công khai thủ tục kê khai nộp thuế, quản lý chặt chẽ chế độ hóa đơn, chứng từ... tạo cho các đối tượng nộp thuế dần có thói quen kê khai nộp thuế theo thông báo của cơ quan thuế nhằm tăng cường sự giám sát lẫn nhau giữa các bộ phận quản lý thu, giữa người nộp thuế và cán bộ thu thuế, đảm bảo đúng chính sách, chế độ Nhà nước quy định.
Công tác kiểm tra chống gian lận thương mại được thực hiện: như kiểm tra tình hình thực hiện đăng ký kinh doanh trên địa bàn và xử phạt những hộ kinh doanh không đăng ký, kinh doanh không đúng mặt hàng, ngành hàng hoặc trốn lậu thuế được tăng cường. Ngay từ đầu năm UBND huyện đã ban hành quyết định thành lập đội liên ngành chống thất thu, chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường lực lượng phối hợp chặt chẽ trong việc kiểm soát, ngăn chặn chống buôn lậu và gian lận thương mại trong việc buôn bán hàng trốn lậu thuế, khai thác, vận chuyển, mua bán các mặt hàng lâm sản và động vật hoang dã trái phép để công bằng, minh bạch, tạo sự bình đẳng cho xã hội đồng thời tăng thu ngân sách.
Công tác chi ngân sách đã được quản lý chặt chẽ. Hàng năm huyện đã chỉ đạo quyết liệt, đã chủ động trong việc cân đối ngân sách, điều hành chi một cách tích cực; chỉ đạo giám sát các đơn vị thụ hưởng ngân sách huyện phải bám sát vào dự toán chi được giao để tổ chức quản lý và chi tiêu chặt chẽ, đúng tiêu chuẩn, đúng chế độ, định mức, tiết kiệm và có hiệu quả. Để đảm bảo quản lý chặt chẽ công tác chi, huyện đã yêu cầu các đơn vị thụ hưởng ngân sách phải lập dự toán chi theo quý, theo nhóm chi dự toán để có căn cứ cấp phát sát đúng với tình hình hoạt động thực tế của mỗi đơn vị.
Trong quá trình chấp hành ngân sách, Kho bạc Nhà nước huyện đã khẳng định tốt vai trò của mình trong việc thực hiện kiểm soát chi ngân sách và quản lý quỹ NSNN, giám sát các đơn vị trong thực hiện và chấp hành dự toán ngân sách. Kiểm soát chi về các điều kiện, chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi. Việc KBNN căn cứ hồ sơ, tài liệu, chứng từ của đơn vị sử dụng ngân sách đã quyết định chi để đối chiếu, kiểm tra, kiểm soát có đúng chế độ quy định không; thực hiện thanh toán hay từ chối thanh toán khoản chi mà đơn vị yêu cầu đã làm cho các đơn vị thụ hưởng ngân sách chú trọng và có trách nhiệm hơn trong việc quyết định chi.
Thứ ba, công tác quyết toán NSNN trên địa bàn huyện hàng năm đã cơ bản đáp ứng đúng theo Luật NSNN. Việc quản lý thu, chi NSNN chặt chẽ, đảm bảo đúng theo quy định đã làm cho công tác quyết toán ngày càng minh bạch, đúng, đủ kịp thời, giảm tối thiểu sai phạm hơn. Mặc dù thu ngân sách có năm không đạt kế hoạch nhưng do công tác quản lý chi ngân sách chặt chẽ tiết kiệm, hiệu quả, theo sát tiến độ thu, có biện pháp cân đối thu chi ngân sách kịp thời nên không xảy ra tình trạng thâm hụt ngân sách. Công tác lập, thẩm định, xét duyệt báo cáo quyết toán đã đi vào nề nếp, báo cáo quyết toán đã phản ánh tương đối chính xác và trung thực tình hình sử dụng ngân sách cũng như hoạt động của đơn vị trong năm ngân sách.