Phần 4 Kết quả nghiên cứu và thảo luận
4.3. Định hướng và đề xuất giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước
4.3.4. Nhóm giải pháp nâng cao năng lực cán bộ
Công tác xây dựng đội ngũ công chức ngành quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh Ninh Bình cũng như huyện Gia Viễn thời gian qua đã có những chuyển biến quan trọng về nhận thức, quan điểm tư tưởng, được thể hiện trong cơ chế, chính sách, pháp luật từ khâu tuyển dụng, đào tạo và quản lý đã từng bước đáp ứng được yêu cầu đặt ra trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước hiện nay.
Về chất lượng, phần lớn đội ngũ cán bộ ngành quản lý đất đai huyện Gia Viễn hiện đang công tác đã được rèn luyện, thử thách qua quá trình công tác thực tiễn. Kiến thức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và năng lực hoạt động thực tiễn từng bước được nâng cao về mọi mặt, góp phần tích cực vào công tác quản lý sử dụng đất dự án thời gian vừa qua.
Về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, hầu hết đội ngũ này đã được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ, tuy nhiên vẫn còn hiện tượng làm việc không đúng bằng cấp. Trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý đất đai hiện nay chưa ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ, còn bất cập về nhiều mặt như tri thức và năng lực thực thi nhiệm vụ cũng như khả năng vận dụng khoa học công nghệ hiện đại trong công tác còn rất hạn chế. Số cán bộ được đào tạo mới có đủ trình độ chuyên môn nhưng lại thiếu kinh nghiệm và ứng xử trong lĩnh vực quản lý đất đai. Chất lượng cán bộ chưa đồng đều, trình độ năng lực thực tế chưa tương xứng với văn bằng. Bên cạnh đó, tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật của một bộ phận cán bộ còn yếu, phong cách làm việc chậm đổi mới; tinh thần phục vụ nhân dân chưa cao, số lượng, cơ cấu đội ngũ cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu trước mắt và lâu dài; tình trạng hẫng hụt giữa các thế hệ còn phổ biến. Chính bởi những lý do đó, trong thời gian tới huyện Gia Viễn cần thực hiện kịp thời, đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, cần có cơ chế đánh giá năng lực của công chức trong ngành để xác định nhu cầu đào tạo bồi dưỡng nhằm thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng
có hiệu quả, tạo được đội ngũ công chức trong tương lai đáp ứng được yêu cầu mà thực tế của ngành đặt ra, từ đó xác định nội dung, chương trình phương pháp đào tạo, bồi dưỡng phù hợp.
Thứ hai, đổi mới chương trình và phương pháp đào tạo bồi dưỡng công chức ngành quản lý đất đai. Hiện nay các chương trình đào tạo, bồi dưỡng còn nặng về lý thuyết, giảng dạy còn chung chung, chưa đi sâu vào từng lĩnh vực, nội dung giảng dạy chưa xuất phát từ nhu cầu thực tế của ngành. Đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng có nghĩa là đổi mới theo hướng chuyên sâu vào các chương trình giảng dạy, đặt ra các tình huống cụ thể diễn ra trong thực tế để học viên tự giải quyết nhằm nâng cao kỹ năng giải quyết công việc, tránh tình trạng học lý thuyết suông, không gắn liền với thực tế, không được thực hành nên cảm thấy nhàm chán. Nội dung chương trình giảng dạy cần cập nhật kiến thức, thông tin trong và ngoài nước, giúp học viên có được cái nhìn thực tế mới mẻ, thực tiễn và có thể áp dụng vào việc thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao. Đổi mới phương pháp đào tạo, bồi dưỡng, giảng dạy có vai trò rất lớn trong quá trình truyền thụ kiến thức, kỹ năng cho người đi học.
Thứ ba, cần phải gắn đào tạo, bồi dưỡng với sử dụng cán bộ. Khi sử dụng đúng người, đúng chuyên môn không những nâng cao được hiệu quả công việc, cá nhân phát huy được năng lực của mình mà còn tạo ra tâm lý tích cực cho quá trình phấn đấu trong công việc. Đó chính là sự trọng dụng kiến thức, kỹ năng có được của công chức.
Thứ tư, để nâng cao năng lực của cán bộ trong ngành còn có các giải pháp khác như: Khen thưởng, kỷ luật, nhằm tạo động lực để họ phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ; kiểm tra thanh tra thường xuyên trình độ, kỹ năng, xử lý nghiêm minh những hành vi phạm của cán bộ quản lý đất đai.