a. Trình độ phát triển của nền kinh tế
Cuối năm 2010, Việt Nam thay đổi và điều chỉnh chính sách đầu tư công theo hướng thắt chặt để kiềm chế lạm phát, do vậy hoạt động đầu tư bị giảm mạnh, kéo theo hiệu quả của các dự án đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn vốn NSNN cũng bị ảnh hưởng theo.
Thu NSNN thấp, tỷ lệ chi đầu tư XDCB thấp trong tổng chi NSNN, các dự án XDCB không có nguồn để triển khai, nhiều dự án đang xây dựng dở dang cũng nằm chờ để đợi nguồn. Đặc biệt, một số dự án đã triển khai xong đi vào hoạt động nhưng chủ đầu tư không có nguồn để trả nợ.
Cụ thể tại Huyện Văn Lâm, có dự án chủ đầu tư quyết định đầu tư từ năm 2011 nhưng đến năm 2015 mới tiến hành xây dựng như: dự án Xây dựng Trường Mầm Non xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm hay dự án Xây dựng Trụ sở ĐU - HĐND - UBND xã Việt Hưng, huyện Văn Lâm được khởi công năm 2010 và hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm nhưng tính đến cuối năm 2015 vẫn còn công nợ của dự án chưa thanh toán hết vì còn đợi nguồn thu.
b. Cơ chế chính sách của Nhà nước
Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ. Theo đó, việc bố trí vốn đầu tư để thực hiện theo nguyên tắc ưu tiên những dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng còn công nợ của dự án, những dự án cần phải thực hiện theo kế hoạch, những dự án thực sự cấp bách. Các dự án khởi công mới phải có quyết định đầu tư vào thời điểm trước 31/10 năm trước năm kế hoạch. Chính điều này dẫn đến tình trạng một số chủ đầu tư trong năm căn cứ vào nguồn tăng thu của mình, quyết định đầu tư dự án XDCB nhưng không thể có quyết định đầu tư dự án trước 31/10 năm trước được.
Qua điều tra bằng hình thức phỏng vấn một số chủ đầu tư và nhà thầu có ý kiến cần sửa đổi điều 4 Thông tư 86/2011_BTC ngày 17/6/2011 Quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư thuộc nguồn ngân sách nhà nước,đối với các dự án thực hiện đầu tư phải có quyết định đầu tư
từ thời điểm trước ngày 31 tháng 10 năm trước năm kế hoạch vì không phù hợp với điều kiện thực tế.
Cụ thể: Dự án “Xây dựng nhà văn hóa xã Tân Quang”, năm 2015 UBND xã Tân Quang có nguồn tăng thu là nguồn thu từ đất dãn dân, UBND xã quyết định đầu tư xây dựng nhà văn hóa xã Tân Quang nhưng dự án này không thể có quyết định đầu tư từ trước 31/10/2014 được. Đây là một bất cập rất lớn trong công tác kiểm soát chi đầu tư XDCB tại KBNN Văn Lâm, KBNN Văn Lâm đã báo cáo KBNN Hưng Yên, Huyện ủy huyện Văn Lâm và Ủy ban nhân dân huyện Văn Lâm để tháo gỡ khó khăn trên.
Theo quy định, sau khi kế hoạch vốn được Hội đồng nhân dân huyện, xã thông qua; trên cơ sở nguồn thu của huyện xã, nguồn hỗ trợ từ ngân sách cấp trên, nguồn vốn huy động đóng góp và khối lượng thực hiện của các dự án đầu tư, Chủ tịch UBND các cấp phân bổ và quyết định giao kế hoạch vốn đầu tư cho từng dự án, đồng thời gửi Kho bạc Nhà nước (nơi mở tài khoản) để làm căn cứ kiểm soát, thanh toán vốn cho từng dự án. Tuy nhiên, quy định trên không quy định số lần Chủ tịch UBND các cấp giao kế hoạch vốn cho các dự án đầu tư XDCB, do đó, khi đến làm thủ tục thanh toán vốn cho dự án đầu tư, các chủ đầu tư mang đồng thời cả kế hoạch vốn và hồ sơ dự án đó. Hơn nữa vào thời điểm cuối năm ngân sách, chủ đầu tư mới mang kế hoạch vốn đến cơ quan KBNN (bao gồm cả điều chỉnh kế hoạch vốn), điều này làm cho khối lượng công việc của cán bộ kiểm soát chi vốn đầu tư tăng lên rất nhiều. Lượng công việc nhiều, số dự án tập trung cùng một thời điểm lớn, chất lượng kiểm soát từng dự án sẽ giảm xuống.
c .Trình độ quản lý và ý thức của chủ đầu tư
Một số chủ đầu tư xem nhẹ công tác quyết toán vốn đầu tư XDCB và tất toán tài khoản thanh toán vốn đầu tư tại KBNN nên số dự án được quyết toán và tất toán tài khoản tại KBNN Văn Lâm còn thấp.
Cụ thể: Trong giai đoạn 2013-2015, UBND xã Lạc Đạo là chủ đầu tư rất nhiều dự án đã thanh toán hết công nợ mà không làm thủ tục tất toán tài khoản. Hiện nay nhà nước chưa có văn bản cụ thể nào là chưa tất toán tài khoản thì không cho thanh toán câc dự án tiếp theo, chính vì vậy mà Kho bạc Nhà nước Văn Lâm chỉ phối hợp với các cơ quan chuyên môn đôn đốc, nhắc nhở các chủ đầu tư làm thủ tục tất toán tài khoản.
Hơn nữa, các chủ đầu tư chưa chủ động trong việc làm thủ tục thanh toán tại KBNN. Có dự án chủ đầu tư có đủ hồ sơ pháp lý để mở tài khoản nhưng không mang hồ sơ mở tài khoản lên KBNN để thực hiện mở tài khoản thanh toán vốn đầu tư cho dự án mà đợi khi có khối lượng được nghiệm thu thì mới mang hồ sơ mở tài khoản và hồ sơ pháp lý của dự án lên cơ quan KBNN. Như vậy vừa làm tăng sức ép công việc đối với cán bộ kiểm soát chi đầu tư vừa làm chậm tiến độ giải ngân vốn cho dự án do hồ sơ thủ tục nhiều, thời gian giải quyết thanh toán vốn cũng theo đó lâu hơn.
Mặt khác có dự án đã có khối lượng nghiệm thu được ký kết giữa chủ đầu tư và nhà thầu nhưng chủ đầu tư chậm mang lên KBNN để thanh toán cho nhà thầu. Đây cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng lãng phí, thất thoát vốn đầu tư, làm chậm tiến độ thi công của dự án do nhà thầu thi công thi công cầm chừng để đợi vốn.
Nhiều ban quản lý dự án, chủ đầu tư là kiêm nhiệm, trình độ, năng lực còn hạn chế, còn lúng túng trong việc lập và giao kế hoạch vốn, việc quản lý và thanh quyết toán vốn đầu tư XDCB. Mặt khác, đối với chủ đầu tư cấp huyện, xã mà chủ đầu tư vừa là cấp quyết định đầu tư, vừa là chủ đầu tư, vừa là Ban Quản lý dự án, với đa nguồn vốn, số lượng dự án đang quản lý tương đối lớn mà năng lực lại hạn chế nên việc lập kế hoạch vốn, quyết định đầu tư dự án, lựa chọn nhà thầu thi công và làm hồ sơ thanh quyết toán tại KBNN chậm làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của dự án đầu tư XDCB.
Như vậy trình độ quản lý và ý thức của chủ đầu tư ảnh hưởng đến công tác kiểm soát chi vốn đầu tư XDCB từ nguồn vốn NSNN tại KBNN Văn Lâm.
Nếu trình độ quản lý của chủ đầu tư cao, quản lý dự án đầu tư xây dựng sát sao thì công tác kiểm soát chi tại KBNN Văn Lâm thuận tiện, hồ sơ pháp lý gửi tới KBNN đúng chế độ, định mức, tốc độ giải ngân dự án nhanh, dự án đầu tư xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng được quyết toán vốn với ngân sách, tài khoản thanh toán vốn đầu tư được tất toán theo đúng quy định.