5.2.1.1. Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật thuế
Hệ thống chính sách, pháp luật thuế là cơ sở để doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ thuế của mình, cũng là cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước xác định việc NNT có hành vi vi phạm pháp luật hay không. Để nâng cao tính tuân thủ của NNT thì hệ thống chính sách, pháp luật thuế cần hoàn thiện nhằm đạt được các yêu cầu sau:
Một là tạo môi trường pháp lý bình đẳng, công bằng; áp dụng hệ thống thống nhất, không phân biệt giữa các thành phần kinh tế cũng như giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Hai là được hoàn thiện theo hướng đơn giản, minh bạch, công khai, thống nhất, sửa đổi bổ sung kịp thời với tình hính phát triển kinh tế xã hội của đất nước, bao quát chung nhất, phù hợp với thông lệ Quốc tế; tách chính sách xã hội ra khoải chính sách thuế. Mọi quy định trong chính sách thuế GTGT phải rõ ràng, dễ hiểu, các quy định về thuế chỉ nên chứa đựng trong văn bản thuế, tránh tình trạng muốn thực hiện một quy định trong luật thuế người ta phải tham chiếu quá nhiều văn bản pháp luật khác nhau. Đồng thời cần phải giao thêm quyền cho cơ quan thuế trong việc cưỡng chế và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật thuế.
Ba là đảm bảo huy động đầy đủ các nguồn thu vào NSNN, đáp ứng nhu cầu chi thường xuyên của nhà nước và giành một phần cho tích lũy phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước,.
Bốn là hệ thống chính sách thuế GTGT phải là công cụ quản lý và điều tiết vĩ mô có hiệu quả của nhà nước đối với nền kinh tế, động viên được các nguồn lực, thúc đẩy phát triển nhanh sản xuất, khuyến khích xuất khẩu, đầu tư, đổi mới công nghệ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; đảm bảo nền kinh tế tăng trưởng cao, bền vững góp phần ổn định và nâng cao đời sống nhân dân.
Năm là tạo điều kiện thúc đẩy cải cách hành chính và hiện đại hóa công tác quản lý thuế GTGT. Đặc biệt, các quy định, các thông tư, nghị định về thuế GTGT phải đảm bảo phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính nhà nước, thực tế hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, không gây phiền hà, tốn kém cho các tổ chức, cá nhân nộp thuế và cơ quan thuế.
5.2.1.2. Tạo môi trường pháp lý cho hoạt động của các doanh nghiệp NQD
Môi trường pháp lý vẫn đang là vấn đề bức xúc đối với các doanh nghiệp NQD. Đối với lĩnh vực Thuế, quá trình nộp thuế đã đơn giản được các thủ tục nhưng cần được đơn giản hơn nữa để giảm bớt khó khăn phức tạp cho doanh nghiệp.
Các chính sách thuế không ổn định do thường xuyên sửa đổi bổ sung; việc hướng dẫn thực hiện chưa thực sự chi tiết, trong khi thực tiễn lại có nhiều hoạt động phát sinh dẫn đến cách hiểu, cách thực hiện khác nhau, thiếu đồng bộ nên doanh nghiệp dễ bị thiệt thòi (như trường hợp phân biệt sản phẩm xuất khẩu là tài
nguyên khoáng sản đã chế biến thành sản phẩm khác để được hưởng thuế suất thuế GTGT là 0% hay là sản phẩm thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT là rất phức tạp).
Vì vậy, đề nghị Chính phủ tạo một môi trường pháp lý thuận lợi cho các doanh nghiệp như:
- Chính sách thuế phải đảm bảo tính ổn định trong một thời kỳ nhất định. Thực hiện hỗ trợ một cách gián tiếp bằng cách tổ chức các khóa học đào tạo cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ của cán bộ quản lý.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp bằng cách giảm dần và đi đến xoá bỏ các thủ tục rườm rà phức tạp không cần thiết. Các quy định trong quản lý cần rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu.
- Tổ chức định kỳ các cuộc đối thoại với doanh nghiệp, qua từng chủ đề của cuộc đối thoại để tìm hiểu, phát hiện, tháo gỡ các vướng mắc và điều chỉnh chính sách kịp thời nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. - Có chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp NQD được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.
- Chỉ đạo các Ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác phối hợp cơ quan thuế trong việc kiểm soát dòng tiền lưu thông trong hệ thống ngân hàng, thông báo kịp thời cho cơ quan thuế những thông tin phục vụ cho việc quản lý thuế có hiệu quả.