nghiệp ngoài quốc doanh
2.1.5.1 Chủ trương, chính sách, tình hình kinh tế xã hội, quá trình hội nhập
a) Chủ trương, chính sách về thuế GTGT
Nước ta đã áp dụng thuế GTGT kể từ năm 1990. Từ đó đến nay, chính sách thuế đã được điều chỉnh nhiều lần cho phù hợp với thực tế phát triển kinh tế đất nước.
Tuy vậy, trong xu thế hội nhập khu vực và quốc tế, người dân nói chung và các doanh nghiệp nói riêng vẫn mong muốn chính sách thuế tiếp tục được điều chỉnh để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và người dân. Bởi hiện nay, trong khối ASEAN, nhiều nước có mức thuế GTGT thấp hơn nước ta, trong khi đời sống của họ cao hơn. Mức thuế GTGT của các nước này đều ở mức 5-7%, còn ở nước ta vẫn duy trì mức 10%.
Những năm đầu thực hiện thuế GTGT, người dân và các DN đều bỡ ngỡ. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, ai cũng quen dần và vui vẻ chấp nhận chính sách thuế này. Sản xuất kinh doanh và chỉ số tiêu dùng của cả nước lúc đó không bị xáo trộn. Nước ta đã đứng chung hàng ngũ với hơn 100 nước thực hiện thuế GTGT. Trong quá trình thực hiện, nước ta đã trải qua những giai đoạn thăng trầm nhưng nhìn chunng đều gặp thuận lợi.
Theo Luật Thuế GTGT năm 1997, có 4 mức thuế suất được quy định là 0%, 5%, 10% và 20%, nhưng đến năm 2008 đã rút gọn lại còn 3 mức thuế suất là 0%, 5% và 10%. Việc quy định ít mức thuế suất giúp cho việc quản lý của Nhà nước nói chung và ngành thuế nói riêng đạt được hiệu quả tốt hơn, giảm bớt được các hiện tượng gian lận về thuế. Thuế GTGT được áp dụng rộng rãi với mọi tổ chức, cá nhân có tiêu dùng sản phẩm hàng hóa hoặc được cung ứng dịch vụ, đã góp phần tạo nguồn thu lớn và tương đối ổn định cho ngân sách Nhà nước (NSNN). Thuế GTGT chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các sắc thuế, chiếm 20% tổng thu NSNN.
Do đó, Nhà nước cần có những điều chỉnh trong chính sách thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt khu vực kinh tế tư nhân. Nhưng mặt khác, Nhà nước cũng cần tăng mạnh chế tài, mức xử phạt; tăng cường hiệu lực thanh tra, kiểm tra, chú trọng hậu kiểm; kiểm soát và ngăn chặn hành vi vi phạm như khai man, gian lận; quy định cụ thể về điều kiện xóa nợ tiền thuế, tiền phạt.
Như vậy sẽ bảo đảm được sự công bằng đối với tất cả công dân trước nghĩa vụ thuế, trong đó có các doanh nghiệp.
b) Quá trình hội nhập kinh tế và các quy định quốc tế liên quan đến thuế
Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, với những cam kết về thuế quan của Việt nam với thế giới, đòi hỏi chính sách thuế phải mang lại hiệu quả cao nhất, đảm bảo công bằng nhất, rõ ràng minh bạch và đơn giản nhất, nhưng cũng thể hiện tính linh hoạt, thích ứng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường có định hướng XHCN ở Việt Nam nhằm tạo động lực khuyến khích mọi chủ thể tích cực bỏ vốn đầu tư, góp phần thực hiện được mục tiêu kinh tế.
Xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế và những cam kết quốc tế về thuế quan mà Việt Nam ký kết tham gia có tác động không nhỏ đến cơ chế quản lý thuế. Theo những cam kết này, cơ quan thuế phải xây dựng một lộ trình về cắt giảm thuế quan, xây dựng các chuẩn về danh mục mặt hàng đánh thuế đối với kinh tế khu vực và các tổ chức kinh tế quốc tế mà Việt Nam tham gia, cải cách thủ tục hành chính thuế quan… Điều đó đặt ra cho ngành thuế một yêu cầu, mục tiêu cấp bách là phải hoàn thiện cơ chế quản lý thuế theo xu thế hội nhập kinh tế quốc tế.
Tính công bằng, công khai minh bạch của thuế thể hiện trước hết ở nội dung các quy định trong chính sách rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu, dễ áp dụng cho mọi đối tượng, trong đó có các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chính sách minh bạch là cơ sở cho việc thực thi chính sách thuận lợi, việc thu thuế đảm bảo công bằng, nhanh chóng và hiệu quả, hạn chế phát sinh tiêu cực. Chính sách minh bạch là yếu tố đảm bảo công bằng về nghĩa vụ giữa các doanh nghiệp, giữa các chủ thể kinh tế trong nền kinh tế, từ đó củng cố lòng tin của các chủ thể kinh tế, các doanh nghiệp đối với Nhà nước. Một chính sách thuế minh bạch sẽ làm tăng tính trung lập của thuế, đồng thời, góp phần thực hiện được các mục tiêu kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ.
2.1.5.2. Các yếu tố thuộc về cơ quan quản lý thuế
a) Tổ chức bộ máy, trình độ và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ quản lý thuế
Năng lực, trình độ trách nhiệm của cơ quan thuế, cán bộ thuế phải đáp ứng được yêu cầu quản lý, phù hợp với nền kinh tế xã hội, tận dụng được các thành tựu quản lý thuế quốc tế sẽ tạo điều kiện cho quản lý thu thuế đạt hiệu quả cao. Thể hiện ở những nội dung cơ bản sau đây:
- Tuyên truyền giáo dục, hướng dẫn chính sách thuế chưa thật đáp ứng yêu cầu để nâng cao sự hiểu biết, tính tự giác trong việc chấp hành các chính sách thuế của Nhà nước của các doanh nghiệp dân doanh.
- Chức năng, tổ chức và quyền hạn của thanh tra, kiểm tra thuế đối với các doanh nghiệp dân doanh phải trở thành công cụ có hiệu lực để chống thất thu ngân sách và răn đe, ngăn chặn các hành vi vi phạm về thuế. Thanh tra, kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm về thuế của cơ quan thuế phù hợp với thực trạng của các doanh nghiệp dân doanh. Cơ quan thuế phải có khả năng phát hiện và có biện pháp ngăn chặn kịp thời hành vi gian lận trong việc tính thuế, kê khai thuế, gian lận trong hoàn thuế, miễn giảm thuế. Mọi vi phạm hình sự về thuế đều phải chuyển qua cơ quan pháp luật để điều tra khởi tố vụ án.
Nếu chế tài xử lý vi phạm về thuế chưa được quy định rõ ràng, các hình thức xử phạt về thuế còn nhẹ chưa đủ mức răn đe, ngăn chặn các hành vi gian lận thuế, đồng thời, chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra, kiểm tra thuế còn hạn chế, thì hiệu quả quản lý thu thuế sẽ thấp.
- Cán bộ thuế được đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên để đáp ứng yêu cầu của tình hình về chính sách thuế, nghiệp vụ quản lý các khoản thu, sắc thuế, hiện đại hóa quản lý thu bằng ứng dụng tin học. Cán bộ thuế phải có khả năng tuyên truyền giáo dục, tư vấn đối tượng nộp thuế thành thạo.
- Thái độ và phong cách ứng xử của cán bộ thuế thật tận tụy, công tâm, khách quan giữa quyền lợi của Nhà nước với quyền lợi của đối tượng nộp thuế. Là người bạn đồng hành đáng tin cậy của các doanh nghiệp trong việc thực hiện các luật thuế. Phẩm chất cán bộ thuế tốt và phải được rèn luyện, tu dưỡng thường xuyên để không bắt tay với các doanh nghiệp dân doanh vi phạm luật thuế.
b) Môi trường quản lý thuế
Quản lý thu thuế đối với các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp ngoài quốc doanh nói riêng là hoạt động có liên quan đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của một nước. Ở đâu có hoạt động kinh tế hay có thu nhập đối với một tổ chức, cá nhân thì ở đó có hoạt động quản lý thu thuế. Vì vậy, để thực hiện quản lý thu thuế đối với các doanh nghiệp được tốt, môi trường xã hội, môi trường pháp lý nói chung và về thuế nói riêng phải được ban hành và thực hiện một cách đồng bộ.
c) Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho quản lý thuế
Hệ thống thông tin trong quản lý đóng vai trò quan trọng trong mục tiêu giảm chi phí tuân thủ, đảm bảo hiệu quả trong giao dịch.
Sử dụng công nghệ thông tin trong quản lý thu thuế đạt hiệu quả cao. Khoa học công nghệ phải hỗ trợ mạnh mẽ, tích cực cho quản lý thu thuế đối với các doanh nghiệp. Cụ thể như sau:
- Xây dựng và cập nhật hệ thống số liệu lịch sử về doanh nghiệp một cách đầy đủ. Hệ thống quản lý được nối mạng toàn quốc và có sự đối chiếu thông tin một cách tự động.
- Xây dựng phần mềm hoàn chỉnh phân tích phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra như: phân loại đối tượng thanh tra, kiểm tra; phân tích kê khai, phân tích báo cáo tài chính, đối chiếu hóa đơn...
- Kết nối với hệ thống thông tin trong nội bộ ngành và các ngành kinh tế có liên quan cũng như với các doanh nghiệp để cung cấp thông tin hỗ trợ lẫn nhau.
e) Tổ chức và các hoạt động của cơ quan quản lý thuế
Đội ngũ cán bộ thuế chưa có tính chuyên sâu, chuyên nghiệp và kỹ năng quản lý thuế hiện đại, khoa học. Một bộ phận cán bộ, công chức thuế chưa thực hiện tốt trách nhiệm pháp luật, chưa nêu cao ý thức phục vụ người nộp thuế, thái độ chưa công tâm, khách quan. Thậm chí còn một số cán bộ, công chức có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà, gây bức xúc đối với người nộp thuế trong quá trình thực thi công vụ hoặc thông đồng với người nộp thuế làm thất thu NSNN, nhưng chưa kiểm tra phát hiện và xử lý kịp thời do một số nguyên nhân:
- Các chức năng, nhiệm vụ quản lý thuế còn chồng chéo, chưa có bộ phận chuyên trách để thực hiện.
- Ở cấp Chi cục thuế chưa có hệ thống tổ chức thanh tra nội bộ riêng (hiện nay chức năng kiểm tra nội bộ được lồng ghép và giao cho Đội Kiểm tra thuế thực hiện), do đó công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành trách nhiệm pháp luật, trách nhiệm công vụ, bảo đảm tính liêm khiết của cán bộ, công chức thuế còn hạn chế, chưa phát hiện và xử lý kịp thời các cán bộ thuế vi phạm pháp luật thuế, thiếu tinh thần trách nhiệm đối với người nộp thuế và đối với Nhà nước, đặc biệt là các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà đối với người nộp thuế hoặc thông đồng với các hành vi gian lận làm thất thoát nguồn thu của Ngân sách Nhà nước.
- Công tác tuyên truyền, hỗ trợ chưa thật tốt nên sự hiểu biết về thuế của cộng đồng xã hội, tính tuân thủ, tự giác của người nộp thuế còn nhiều hạn chế, nhiều người nộp thuế chưa có ý thức tự giác thực hiện đầy đủ trách nhiệm pháp luật trong việc kê khai và nộp đủ nghĩa vụ thuế cho nhà nước.
2.1.5.3. Các yếu tố thuộc về người nộp thuế
a) Ý thức chấp hành pháp luật của người nộp thuế
Yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý thuế đó là người nộp thuế. Người nộp thuế có trách nhiệm đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế và được quyền xác định số thuế được miễn, giảm hoặc được áp dụng theo thuế suất ưu đãi, được hoàn thuế trong trường hợp có số thuế đã nộp lớn hơn số thuế phải nộp hoặc trong trường hợp có số thuế được hoàn theo quy định của chính sách thuế… Sự tuân thủ chính sách pháp luật về thuế của người nộp thuế ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý thuế.
b) Kết quả sản xuất kinh doanh của người nộp thuế
Kết quả SXKD của doanh nghiệp trong năm ảnh hưởng lớn đến khả năng nộp thuế của họ. Nếu kết quả SXKD không tốt, gặp rủi ro trong SXKD thì cũng ảnh hưởng đến khả năng thanh toán thuế của người nộp thuế.
2.2. CƠ SỞ THỰC TIỄN VỀ QUẢN LÝ THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP NGOÀI QUỐC DOANH