2.1.2.1. Thuế giá trị gia tăng
Thuế giá trị gia tăng theo như quy định tại điều 2 Luật thuế giá trị gia tăng thì “Thuế giá trị gia tăng là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng và được thu ở khâu tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ”. Như vậy, bản chất của thuế giá trị gia tăng là một loại thuế gián thu. Các nhà sản xuất, kinh doanh và cung cấp dịch vụ là người nộp thuế nhưng người tiêu dùng mới là người chịu thuế thông qua giá cả hàng hóa dịch vụ.
Thuế giá trị gia tăng là một loại thuế độc lập do vậy có những đặc điểm riêng biệt để phân biệt thuế giá trị gia tăng với các loại thuế khác như sau:
1) Đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng
Có thể thấy, mọi đối tượng tồn tại trong xã hội dù là tổ chức hay cá nhân, là người có tiền hay người không có tiền… đều phải chi trả thu nhập của chính mình để thụ hưởng kết quả sản xuất kinh doanh tạo ra cho nền kinh tế xã hội. Điều đó có nghĩa là mọi đối tượng trong xã hội đều là chủ thể chịu thuế, chủ thể thực tế phải trả một phần thu nhập do hành vi tiêu dùng của mình. Chính đặc điểm này có ý nghĩa quan trọng tới sự tác động của pháp luật thuế giá trị gia tăng đối với đời sống kinh tế, xã hội.
Việc đánh thuế đối với mọi đối tượng trên phạm vi lãnh thổ thể hiện rõ nét sự công bằng của thuế đồng thời thể hiện thái độ của Nhà nước đối với các loại tiêu dùng xã hội. Đối với những trường hợp cần phải khuyến khích tiêu dùng hoặc hạn chế đến mức tối đa việc trả tiền thuế từ phần thu nhập ít ỏi của
họ do hành vi tiêu dùng, Nhà nước sẽ không đánh thuế hoặc đánh thuế với mức thuế suất thấp nhất. Phương án ngược lại được áp dụng đối với trường hợp hạn chế tiêu dùng.
2) Thuế giá trị gia tăng chỉ tính trên phần giá trị tăng thêm của hàng hóa dịch vụ
Việc đánh thuế chỉ trên phần giá trị tăng thêm mà không phải đối với toàn bộ giá trị hàng hóa dịch vụ là cho số thuế giá trị gia tăng áp dụng trong mỗi khâu của quá trình lưu thông không gây ra những đột biến về giá cả cho người tiêu dùng. Đặc điểm này của thuế giá trị gia tăng còn yêu cầu pháp luật điều chỉnh phải tìm ra cách thức, phương thức phù hợp, có tính khả thi để xác định chính xác phần giá trị tăng thêm làm căn cứ tính thuế.
3) Dựa trên giá mua cuối cùng của hàng hóa dịch vụ thì số thuế giá trị gia tăng phải nộp không thay đổi phụ thuộc vào các giai đoạn lưu thông khác nhau
Đánh thuế ở tất cả các khâu của quá trình sản xuất, lưu thông hàng hóa ở trong nước, khâu nhập khẩu và lưu thông hàng nhập khẩu nhưng cơ sở xác định số thuế phải nộp chỉ là phần giá trị mới tăng thêm của khâu sau so với khâu trước nên nếu coi giá thanh toán tính đến khi người tiêu dùng thụ hưởng hàng hóa dịch vụ đã được xác định trước và không thay đổi, các phần giá trị hàng hóa dịch vụ có bị chia nhỏ và đánh thuế, tổng số thuế giá trị gia tăng phải nộp qua các khâu chính là số thuế cuối cùng tính trên tổng giá trị hàng hóa dịch vụ mà người tiêu dùng phải gánh chịu. Đây vừa là đặc điểm vừa là ưu việt của thuế giá trị gia tăng so với thuế hàng hóa dịch vụ thông thường mà Việt Nam và nhiều quốc gia đã áp dụng trong giai đoạn trước đây.
2.1.2.2. Yêu cầu quản lý thuế giá trị gia tăng doanh nghiệp ngoài quốc doanh
• Khái niệm doanh nghiệp ngoài quốc doanh
Doanh nghiệp ngoài quốc doanh là một loại hình doanh nghiệp được thành lập theo quy định của Nhà nước, bao gồm cả các doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước trong doanh nghiệp nhỏ hơn 50% số vốn kinh doanh của doanh nghiệp, hoạt động theo quy định của pháp luật (Học viện Tài chính, 2014).
Doanh nghiệp ngoài quốc doanh bao gồm: Công ty Cổ phần, Công ty Trách nhiệm hữu hạn, Công ty Hợp danh, DN tư nhân và Hợp tác xã.
Doanh nghiệp ngoài quốc doanh là doanh nghiệp do người dân thành lập, có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch ổn định, được đăng ký kinh doanh, điều hành sản xuất - kinh doanh và hoạt động theo Luật doanh nghiệp và các qui
định khác của pháp luật nhằm mục đích thực hiện các hoạt động kinh doanh. (Quốc hội, 2014).
Kinh doanh là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi (Quốc hội, 2013).
Đặc điểm doanh nghiệp ngoài quốc doanh ảnh hưởng đến thu thuế giá trị gia tăng
- Khu vực kinh tế NQD bao gồm các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh bằng vốn của các tổ chức, của một số cá nhân góp lại; hoạt động kinh doanh theo cơ chế thị trường vì mục tiêu lợi nhuận. Kinh tế NQD có nhiều đặc điểm riêng biệt, nhưng có thể khái quát một số đặc điểm cơ bản sau:
- Sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, do tư nhân quản lý và phân phối lợi nhuận;
- Có tính tư hữu cao, trình độ phổ biến thấp, cho nên hiểu biết về luật cũng như ý thức chấp hành pháp luật chưa cao;
- Vốn ít, số lượng cơ sở nhiều, nằm rải rác, phân tán ở tất cả các địa phương trong cả nước;
- Số thu hàng năm chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng số thu ngân sách;
- Thường xuyên biến động về số lượng cơ sở, tùy thuộc vào chính sách, chế độ của Nhà nước trong từng thời điểm.
Mục tiêu của chủ doanh nghiệp trong khu vực kinh tế NQD chính là lợi nhuận, do vậy không ít cơ sở luôn tìm mọi cách, mọi sơ hở của cơ quan thuế, cán bộ thuế, chính sách, chế độ, để luồn lách, trốn thuế.
Các hình thức tồn tại phát triển của khu vực kinh tế NQD rất đa dạng với số lượng lớn, ý thức trong việc thực hiện luật pháp với mức độ khác nhau, tùy theo trình độ phát triển ở mỗi quốc gia. Song rõ ràng đây là một lĩnh vực phức tạp trong quản lý thu thuế (Học viện Tài chính, 2014).
Yêu cầu quản lý thuế giá trị gia tăng đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh
Mục tiêu của công tác thuế là “Phải thu đúng, thu đủ, thu kịp thời” các loại thuế theo đúng quy định của pháp luật. Quản lý thu thuế là một trong những
nội dung quan trọng của công tác quản lý tài chính. Do vậy, công tác quản lý thuế giá trị gia tăng phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
- Tập trung, huy động đầy đủ, kịp thời số thu cho NSNN trên cơ sở không ngừng nuôi dưỡng và phát triển nguồn thu;
- Nâng cao tính tự giác của các doanh nghiệp trong việc đăng ký kê khai, nộp thuế. Phản ánh trung thực, đầy đủ các nghiệp vụ kinh tế phát sinh có liên quan đến chính sách thuế. Hạn chế đẩy lùi các hành vi vi phạm về chính sách thuế.
Để đạt được các mục tiêu trên, công tác quản lý thuế cần tuân thủ một số nguyên tắc cơ bản sau đây:
- Thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước. Nộp thuế theo quy định của pháp luật là nghĩa vụ và quyền lợi của mọi tổ chức, cá nhân.Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tham gia quản lý thuế.
- Việc quản lý thuế phải bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người nộp thuế (Học viện tài chính, 2014).
2.1.2.3. Đặc điểm về quản lý thuế giá trị gia tăng đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh
Quản lý thuế gồm những hoạt động có tổ chức trong bộ máy Nhà nước, thuộc lĩnh vực hành pháp và tư pháp về thuế của CQT các cấp, với các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn do luật định nhằm thực hiện chính sách thuế đã được cơ quan có thẩm quyền thông qua. Theo nghĩa rộng, quản lý thuế là hoạt động nhằm đảm bảo sự thực thi nghiêm chỉnh pháp luật về thuế thông qua sự tự giác của chính NNT và sự hỗ trợ của CQT và các cơ quan nhà nước có liên quan.
- Quản lý thuế GTGT đối với DNNQD là hoạt động quản lý của nhà nước mà CQT là đại diện để tổ chức hướng dẫn, điều hành, giám sát việc thực thi pháp luật về thuế GTGT đối với các DNNQD nhằm động viên nguồn thu vào NSNN.
- Quản lý thuế GTGT đối với DNNQD bao gồm các hoạt động: hoặc định mục tiêu, phân cấp quản lý, xây dựng và ban hành quy trình thủ tục, đề ra giải pháp tổ chức thực hiện và kiểm tra, sắp xếp tổ chức bộ máy và nhân sự để thực hiện các khâu công việc.
- Quản lý thuế GTGT đối với DNNQD là quản lý đối với những pháp nhân ngoài nhà nước và là những NNT lớn. Số thu từ DNNQD chiếm tỷ trọng lớn
trong tổng thu nội địa, DNNQD không trốn thuế một cách “ngây ngô” mà luôn xuất trình đủ hóa đơn, chứng từ và hạch toán rất bài bản, nhưng đăng sau những số liệu “sạch sẽ” đó, là cả một kế hoạch tránh thuế hết sức tinh vi, dù vậy quản lý thuế GTGT đối với DNNQD được đặc biệt quan tâm và đặt ưu tiên hàng đầu. Quản lý thuế GTGT đối với DNNQD đòi hỏi đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao. Có như vậy, mới phát hiện được các thủ thuật trốn thuế, tránh thuế hết sức tinh vi của các đối tượng này, từ đó đề xuất hoàn thiện chính sách hoặc xử lý đối tượng vi phạm. Hầu hết cơ quan thuế các nước cũng tập trung không ngừng và đáng kể các nguồn lực vào việc quản lý nhóm NNT này.
- Quản lý thuế GTGT trên cơ sở NNT thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ. Theo chế độ hiện hành, các doanh nghiệp đều phải mở sổ sách kế toán, và hạch toán kế toán theo chế độ quy định và thực hiện nghĩa vụ thuế theo phương pháp kê khai thuế.