2.2.1.1. Kinh nghiệm của tỉnh Vĩnh Phúc
Trong những năm qua, công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc quan tâm lãnh chỉ đạo và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Qua đó, kịp thời giải quyết những kiến nghị, phản ánh và xử lý những vụ việc, hành vi vi phạm pháp luật, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.
Trong năm 2017 số lượt người trực tiếp đến cơ quan hành chính trong tỉnh ở cả 3 cấp để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh giảm hơn 6% so với cùng kỳ. Các vụ việc đông người được các cấp chính quyền, các ngành xem xét giải quyết; kiểm tra, rà soát, tổ chức đối thoại nhiều lần và không phát sinh tình tiết mới. UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành gắn công tác tiếp công dân với giải quyết kịp thời các đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, nhất là các vụ việc đông người phức tạp, tồn đọng, kéo dài.
UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp chính quyền tổ chức triển khai đầy đủ, kịp thời các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, đặc biệt là Chỉ thị 35-CT/TW, ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo”; yêu cầu lãnh đạo các ngành, thủ trưởng đơn vị, Chủ tịch UBND cấp huyện nâng cao tinh thần, trách nhiệm trong công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo; Thanh tra tỉnh tham mưu với UBND tỉnh ban hành quy chế tổ chức tiếp công dân kèm theo Quyết định 06/2017/QĐ-UBND, ngày 10/3/2017 của UBND tỉnh về tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại tố cáo. Mặt khác, Thanh tra tỉnh phối hợp với Ban Tiếp công dân của tỉnh thường xuyên đôn đốc, kiểm tra các sở, ban, ngành, huyện, thành, thị giải quyết kịp thời các vụ khiếu kiện đông người ngay từ cơ sở, hạn chế tình trạng khiếu kiện vượt cấp.
Thông qua công tác tiếp công dân, UBND tỉnh lựa chọn một số vụ việc khiếu nại tố cáo đông người, phức tạp để chỉ đạo giải quyết dứt điểm tại cơ sở. Thanh tra tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, thống kê, phân loại các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài còn tồn đọng, từ đó xây dựng kế hoạch giải quyết từng vụ việc cụ thể. Hàng năm, UBND tỉnh tổ chức hội nghị chuyên đề với Chủ tịch UBND cấp huyện, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị đánh giá tình hình, tìm nguyên nhân, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình khiếu nại tố cáo, phản ánh, kiến nghị của người dân để có văn bản chỉ đạo, giải quyết. Trong đó, tập trung vào các vụ việc bức xúc, nổi cộm mới phát sinh liên quan đến việc giao, cho thuê đất, khai thác tài nguyên khoáng sản, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, vệ sinh an toàn thực phẩm... Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm quản lý Nhà nước theo phân cấp và trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan trực thuộc trên các lĩnh vực được giao nhằm chấn chỉnh những hạn chế, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi
phạm; tăng cường thanh tra trách nhiệm và thanh tra đột xuất về công tác tiếp công dân và giải quyết Khiếu nại tố cáo.
Trong năm 2017, các cơ quan hành chính nhà nước ở cả 3 cấp đã tiếp hơn 3.800 lượt tổ chức và công dân, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm 2016. Chất lượng tiếp công dân và kết quả xác minh, giải quyết đơn, thư khiếu nại tố cáo được tăng cường, đảm bảo đúng pháp luật. Đối với vụ việc đông người, phức tạp mới phát sinh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành phối hợp với UBND các huyện, thành, thị tổ chức nắm tình hình, gặp gỡ công dân, từ đó có biện pháp tham mưu, chỉ đạo giải quyết tiếp theo.
Cùng với công tác tiếp dân, công tác giải quyết khiếu nại tố cáo được các cấp chính quyền, ngành thanh tra quan tâm đẩy mạnh, đạt kết quả cao. Toàn tỉnh nhận gần 2.500 lượt đơn thư, giảm 8,7% so với cùng kỳ; tổng số vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính các cấp là 217 vụ việc, cơ quan tư pháp các cấp 52 vụ việc, cơ quan Đảng 15 vụ việc. Tỷ lệ giải quyết các vụ việc khiếu nại thuộc thẩm quyền đạt trên 80,7%; 39 đơn tố cáo thuộc thẩm quyền, đã giải quyết 35 vụ, đạt tỷ lệ 89,7%. Qua giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo, kiến nghị thu hồi cho Nhà nước gần 790m2 đất và trả lại cho công dân 400m2 đất.
Trong công tác tiếp công dân, thông qua ý kiến của người dân, Thanh tra tỉnh phát hiện những vấn đề còn tồn đọng, những vướng mắc trong thực hiện cơ chế, chính sách và kịp thời trao đổi với các cơ quan liên quan, từ đó tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh, sửa đổ cho phù hợp, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả trong thực tiễn áp dụng.
Tuy nhiên, công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo ở một số nơi, nhất là cấp xã, việc tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn thư còn những tồn tại như: Chất lượng kiểm tra, xác minh, thu thập, đánh giá, phân tích chứng cứ áp dụng pháp luật trong giải quyết khiếu nại tố cáo còn lúng túng, việc đề xuất các biện pháp giải quyết chưa phù hợp với thực tế, tính khả thi chưa cao. Một số vụ việc thuộc thẩm quyền của cấp huyện nhưng chậm trễ trong việc chỉ đạo giải quyết, dẫn đến khiếu kiện vượt cấp và người dân có thái độ bức xúc, gây mất trật tự nơi tiếp công dân; việc tổ chức thực hiện các quyết định, kết luận sau thanh tra đã có hiệu lực pháp luật còn chậm, chưa kịp thời.
Để công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo đạt kết quả cao, thời gian tới, Thanh tra tỉnh tiếp tục phối hợp với các đơn vị chuyên môn tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khiếu nại, tố cáo, nâng cao ý thức, trách nhiệm cho cán bộ làm công các tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, đồng
thời, để người dân hiểu rõ các quy định về tiếp công dân, quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại tố cáo; thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác tiếp dân,giải quyết khiếu nại, tố cáo.
2.2.1.2. Kinh nghiệm của tỉnh Hòa Bình
Thời gian qua, công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân luôn được các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở quan tâm, chỉ đạo tích cực. Nhiều vụ việc phức tạp về khiếu nại, tố cáo đã được giải quyết theo đúng quy định của pháp luật; không để phát sinh điểm nóng hoặc kéo dài vụ việc làm nảy sinh tình hình phức tạp, góp phần ổn định tình hình an ninh, chính trị, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Để nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết KNTC, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch về công tác thanh tra, tiếp dân và giải quyết KNTC của công dân; thành lập Ban tiếp công dân tỉnh, Ban tiếp công dân cấp huyện, thành phố. Đồng thời ban hành nội quy, quy chế tiếp công dân, duy trì lịch tiếp công dân định kỳ của lãnh đạo các cấp, các ngành và địa phương. Hỗ trợ các ngành đưa phần mềm quản lý, theo dõi đơn thư KNTC trên địa bàn toàn tỉnh.
Bên cạnh đó, việc công khai, minh bạch trong các hoạt động quản lý Nhà nước được chú trọng thực hiện, tập trung vào một số lĩnh vực như: Công tác cán bộ, quản lý tài chính, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Chỉ đạo các ngành chức năng, huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tiếp công dân, giải quyết KNTC trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Thực hiện lồng ghép công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về KNTC và các quy định của Nhà nước về công tác tiếp dân, giải quyết KNTC của công dân trong các cuộc họp giao ban từ cấp tỉnh tới cơ sở và các tổ chức đoàn thể. UBND từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại để tuyên truyền, giải thích, vận động nhân dân hiểu, chấp hành pháp luật về KNTC và thi hành các quyết định giải quyết đã có hiệu lực pháp luật. Duy trì nghiêm túc công tác tiếp dân theo quy định.
Trong quá trình tiếp công dân, UBND các cấp đã thực hiện nghiêm túc quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các quy định về công tác tiếp công dân. Tại các buổi tiếp công dân, cán bộ được phân công trực tiếp giải thích cho công dân hiểu các quy định về chính sách pháp luật của Nhà nước, về nghĩa vụ và quyền lợi của công dân. Những trường hợp còn vướng mắc,
UBND các cấp đều ban hành văn bản giao cho các cơ quan, đơn vị kiểm tra, xem xét, đề xuất các biện pháp giải quyết theo quy định của pháp luật.
Trong 2 năm (2016-2017), Ban tiếp công dân các cấp đã tiếp thường xuyên 1.677 đoàn công dân với 2.745 người. Tại các sở, ban, ngành đã tiếp thường xuyên 1.484 đoàn với 1.537 lượt công dân. Riêng Ban tiếp công dân tỉnh đã tiếp 2.423 đoàn với 4.213 lượt công dân. Trong đó, tiếp thường xuyên tại trụ sở Tiếp công dân tỉnh 1.875 đoàn với 2.525 lượt công dân; tiếp công dân định kỳ vào ngày 15 hàng tháng có 548 đoàn với 1.688 lượt người đến nộp đơn và KNTC. Ban tiếp công dân các huyện, thành phố đã tiếp nhận, phân loại, xử lý 1.953 đơn các loại, trong đó có 666 đơn khiếu nại, 173 đơn tố cáo, 1.114 đơn kiến nghị, phản ánh. Các sở, ban, ngành tiếp nhận, phân loại, xử lý 982 đơn các loại, trong đó có 70 đơn khiếu nại, 45 đơn tố cáo; 867 đơn kiến nghị, phản ánh. Ban tiếp công dân tỉnh đã tiếp nhận, phân loại, xử lý 1.994 đơn các loại, trong đó có 493 đơn khiếu nại, 220 đơn tố cáo và 1.281 đơn kiến nghị, phản ánh.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết KNTC, thời gian tới, các cấp, các ngành trong tỉnh tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước về giải quyết KNTC; đổi mới phương pháp và nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân; tập trung chỉ đạo giải quyết kịp thời, đúng pháp luật đơn thư mới phát sinh ngay từ cơ sở, không để xảy ra khiếu nại vượt cấp, kéo dài; giải quyết dứt điểm các vụ việc còn tồn đọng; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ và nhân dân.
Chú trọng công tác thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các cá nhân, đơn vị thiếu trách nhiệm trong việc tiếp công dân, giải quyết KNTC. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng, tài chính, ngân sách, chính sách xã hội; thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để công dân tham gia vào hoạt động quản lý Nhà nước và thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ công dân; đẩy mạnh công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và PCTN nhằm tạo ra môi trường pháp lý lành mạnh, hài hòa, tạo động lực mới trong phát triển kinh tế - xã hội và hạn chế phát sinh khiếu nại tố cáo.