qua KBNN
Chi thường xuyên NSNN là hoạt động liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều đơn vị, cá nhân trong xã hội. Do vậy, việc kiểm soát chi thường xuyên NSNN chịu tác động của nhiều nhân tố với mức độ và phạm vi khác nhau. Tuy nhiên, những nhân tố cơ bản, quan trọng và tác động mạnh mẽ, trực tiếp đến hoạt động quản lý chi thường xuyên tại KBNN có thể chia làm 2 nhóm: nhóm nhân tố bên ngoài và nhóm nhân tố bên trong KBNN.
2.1.4.1. Các yếu tố thuộc về cơ chế chính sách
Nhóm nhân tố này gồm: cơ chế, chính sách, các quy định về quản lý chi thường xuyên NSNN.
- Hệ thống Luật pháp
Do chi thường xuyên NSNN là lĩnh vực đa dạng, phức tạp và rộng khắp, đồng thời chịu sự tác động của nhiều yếu tố khách quan và chủ quan khác nhau, nên nhiều khi ban hành các cơ chế, chính sách còn thiếu cơ sở thực tế để thực hiện, có tình trạng chưa đồng bộ. Đối với những nước có Luật Ngân sách thì Luật này luôn quy định vai trò và trách nhiệm của KBNN trong các nhiệm vụ quản lý quỹ NSNN, kiểm soát thu – chi và kế toán NSNN. Luật NSNN là yếu tố pháp lý, tạo nền tảng cho việc phát triển các nghiệp vụ KSC NSNN.
- Dự toán NSNN
Dự toán NSNN là một trong những căn cứ quan trọng nhất để KBNN thực hiện nhiệm vụ KSC NSNN. Vì vậy, dự toán NSNN phải đảm bảo kịp thời, chính xác về nội dung chi, mức chi phải phù hợp thực tế; phải đầy đủ, bao quát hết các nhu cầu chi tiêu của đơn vị trong năm NS và phải chi tiết, dự toán NSNN càng chi tiết thì việc KSC của KBNNcàng thuận lợi và chặt chẽ. Dự toán NSNN làm căn cứ cho KBNN kiểm tra, kiểm soát quá trình chi tiêu của đơn vị.
- Chế độ, định mức về chi thường xuyên NSNN
Hệ thống chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi NSNN là căn cứ quan trọng trong việc xây dựng, phân bổ và KSC NSNN. Vì vậy, nó phải đảm bảo tính chính xác, phù hợp với tình hình thực tế; tính thống nhất giữa các ngành, các địa phương, đơn vị thụ hưởng NSNN và tính đầy đủ, bao quát tất cả các nội dung chi phát sinh trong thực tế.
Nếu hệ thống định mức chi tiêu NS thoát ly thực tế, thì việc tính toán, phân bổ dự toán chi không khoa học, không chính xác; dẫn đến tình trạng chi ngoài dự toán; thiếu căn cứ để KSC; ĐVSDNS thường phải tìm mọi cách để hợp lý hoá các khoản chi cho phù hợp với những định mức đã lạc hậu nên dễ vi phạm kỷ luật tài chính.
Định mức chi tiêu càng cụ thể, chi tiết sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý chi NSNN nói chung và hiệu quả công tác KSC tại KBNN nói riêng. Việc chấp hành định mức chi tiêu của Nhà nước cũng là một trong những tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng quản lý và điều hành NS của các ngành, các cấp.
Cơ chế, chính sách kiểm soát và phát triển KT-XH, chính sách, chế độ tiền lương cho CBCC… của các đơn vị sử dụng ngân sách.
Tuy nhiên, do tính chất đa dạng của các ĐVSDNS, do tác động của các yếu tố kinh tế vĩ mô như lạm phát, tăng trưởng cho nên việc ban hành đồng bộ và ổn định hệ thống định mức là vấn đề hết sức khó khăn, phức tạp.
- Năng lực tổ chức KSC NSNN của các đơn vị quản lý tài chính
Con người là nhân tố cơ bản nhất, năng động nhất của mọi tổ chức, chất lượng và trình độ của con người là yếu tố then chốt quyết định sự hoàn thành nhiệm vụ của một tổ chức.
Vì vậy, chất lượng công tác KSC phụ thuộc rất lớn vào trình độ cán bộ làm công tác quản lý tài chính nói chung và KSC NSNN tại KBNN nói riêng. Đòi hỏi đội ngũ cán bộ phải có trình độ chuyên sâu về quản lý tài chính, am hiểu về các lĩnh vực chuyên ngành mình quản lý, có phẩm chất đạo đức tốt… Yêu cầu trên không chỉ đối với cán bộ làm công tác KSC ở các cơ quan Tài chính, KBNN mà còn bao gồm cả cán bộ quản lý tài chính - kế toán ở các cơ quan, ĐVSDNS. Do vậy nhân tố con người ảnh hưởng rất lớn đến công tác KSC.
Bên cạnh đó, bộ máy KSC NSNN phải được tổ chức khoa học, đồng bộ từ cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan phân bổ dự toán, cơ quan KSC cho đến đơn vị trực tiếp sử dụng NSNN. Nếu việc tổ chức bộ máy KSC không thống nhất, chồng chéo hoặc phân tán, sẽ dẫn đến tình trạng cắt khúc trong quản lý và làm hạn chế hiệu quả KSC.
Ý thức chấp hành của các đơn vị sử dụng NS. Cần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành Luật của các đơn vị sử dụng NS, để họ thấy rõ KSC là trách nhiệm của các ngành, các cấp, các đơn vị và cá nhân liên quan đến quỹ NSNN chứ không phải đó chỉ là công việc riêng của ngành Tài chính, KBNN. Các ngành, các cấp cần nhận thấy vai trò của mình trong quá trình quản lý quỹ chi NSNN từ khâu lập dự toán, phân bổ dự toán, thông báo hạn mức kinh phí cấp phát thanh toán, kế toán và quyết toán các khoản chi NSNN.Ngoài ra, còn có một số nhân tố với tư cách là những công cụ hỗ trợ, muốn thực hiện tốt công tác KSC đòi hỏi chúng ta cũng cần phải quan tâm đến như: hệ thống kế toán Nhà nước (kế toán NSNN, kế toán đơn vị sử dụng NS), hệ thống mục lục NSNN, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm soát của KBNN, công nghệ thanh toán trong nền kinh tế nói chung…
Ngoài những nhân tố kể trên, có thể nói chi thường xuyên NSNN còn ảnh hưởng bởi rất nhiều các nhân tố khác như: biến động kinh tế, chính trị, xã hội, giá cả, lãi suất, tỷ giá hối đoái…
2.1.4.2. Nhân tố thuộc về bộ máy KBNN
- Chức năng, nhiệm vụ của KBNN
Việc kiểm soát chi NSNN tại KBNN đòi hỏi KBNN phải có một vị thế, vai trò nhất định để đảm trách nhiệm vụ này. Vì vậy, việc quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của KBNN tại một văn bản pháp lý cao như Pháp lệnh hay Luật của Quốc hội sẽ khẳng định vị trí, vai trò của KBNN; cùng với đó, nâng cao hiệu quả của công tác KSC NSNN tại KBNN.
- Quy trình kiểm soát chi ngân sách nhà nước tại KBNN
Quy trình nghiệp vụ KSC NSNN là nhân tố quan trọng then chốt ảnh hưởng đến công tác KSC của KBNN. Bao gồm các yếu tố: phạm vi kiểm soát, nội dung kiểm soát, trình tự thủ tục các bước kiểm soát và luân chuyển chứng từ, thực hiện thanh toán. Quy trình kiểm soát phù hợp, đầy đủ, gọn nhẹ sẽ giúp cho công tác kiểm soát chi thực hiện chính xác, nhanh chóng, thời gian thanh toán rút ngắn.
- Thời gian thực hiện kiểm soát, thanh toán các khoản chi
Việc quy định thời hạn giải quyết, thanh toán các khoản chi làm cho công tác KSC được thực hiện nhanh chóng, đúng hạn, thời gian thanh toán phù hợp với tính cấp thiết của từng loại khoản chi, nếu không sẽ xảy ra hiện tượng cán bộ giải quyết chậm trễ, gây ách tắc, nhũng nhiễu, phiền hà cho khách hàng đến giao dịch tại KBNN.
- Đội ngũ cán bộ đảm nhiệm công tác kiểm soát chi của KBNN
Cán bộ thực hiện công tác KSC của KBNN là những người trực tiếp thực hiện việc KSC NSNN; vì vậy, cán bộ KBNN phải đảm bảo: “vừa hồng, vừa chuyên” để đảm đương nhiệm vụ KSC một cách chặt chẽ, hiệu quả; đồng thời, cũng không phát sinh các hiện tượng cửa quyền, sách nhiễu trong quá trình KSC.
- Trình độ ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác kiểm soát chi
Công nghệ thông tin đã làm thay đổi quy trình, phong cách làm việc trong mọi ngành nghề trên thế giới. Việc xây dựng một chương trình tin học để hỗ trợ công tác KSC NSNN là một việc làm hết sức cấp thiết. Nó góp phần giúp quy trình làm việc chính xác, hiệu quả, nhanh chóng.
Có thể nói, KBNN là công cụ quan trọng của Nhà nước trong quản lý chi NSNN nói chung và quản lý chi thường xuyên NSNN nói riêng. Hoạt động quản lý chi của KBNNphụ thuộc vào rất nhiều nhân tố. Có nhân tố xuất phát từ nội tại của KBNN, có những nhân tố từ bên ngoài, có thể tác động gián tiếp hay trực tiếp.
Với những nhận thức về chi NSNN, quản lý chi thường xuyên NSNN, vai trò của hệ thống KBNN trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý chi thường xuyên NSNN cũng như những nhân tố ảnh hưởng đến công tác quản lý chi thường xuyên NSNN giúp chúng ta có được tư duy và cách nhìn một cách khách quan, khoa học trong việc đánh giá thực trạng công tác quản lý chi thường xuyên NSNN trong những năm gần đây, từ đó đề ra các giải pháp nhằm hoàn thiện công tác quản lý chi thường xuyên NSNN qua hệ thống KBNN trong thời gian tới.
2.1.4.3. Yếu tố thuộc về các đơn vị sử dụng NSNN
Việc chấp hành Luật NSNN của các đơn vị thụ hưởng ngân sách nhà nước vẫn đóng vai trò quan trọng nhất. Các cấp, các ngành, các địa phương phải thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn, các tổ chức, cá nhân phải hoàn thành trách nhiệm, nghĩa vụ về NSNN nói chung và chi NSNN nói riêng theo quy định của Luật NSNN. Các đơn vị cần thấy rõ kiểm soát chi là trách nhiệm của mình chứ không phải là trách nhiệm là công việc của riêng ngành tài chính, của cơ quan KBNN. Các ngành, các cấp cần xác định rõ vai trò của mình trong quá trình quản lý chi NSNN, từ khâu lập dự toán, phân bổ dự toán, cấp phát, thanh toán và quyết toán các khoản chi NSNN .
Trình độ quản lý tài chính của thủ trưởng các đơn vị thụ hưởng NSNN vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế. Trong thực tế thủ trưởng các đơn vị thường tập trung vào công tác chuyên môn theo lĩnh vực, ít đầu tư thời gian cho việc nghiên cứu các chế độ văn bản về công tác quản lý tài chính. Mặt khác trình độ cán bộ làm công tác kế toán tại các đơn vị vẫn còn nhiều hạn chế bởi chất lượng đầu vào, không được đào tạo cơ bản và không được bồi dưỡng cập nhật kiến thức tài chính một cách thường xuyên. Đặc biệt là đội ngũ cán bộ kế toán của các xã, phường, thị trấn, kế toán các trường học không được đào tạo qua trường lớp mà chủ yếu là kiêm nhiệm. Từ đó dẫn đến việc hạch toán kế toán còn lúng túng, công tác tham mưu cho lãnh đạo còn hạn chế dẫn đến việc quản lý, sử dụng ngân sách còn chưa đúng mục đích, kém hiệu quả. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm chế độ làm mất cán bộ và thất thoát vốn, tài sản nhà nước.